Một ngày đẹp trời, bạn bỗng dưng chẳng muốn học tập hay làm việc gì nữa, cũng chẳng muốn gặp ai...
“Tụt mood” hay còn gọi là “down mood” hoặc “low mood”, là một thuật ngữ người trẻ thường dùng để mô tả tâm trạng mất tinh thần, mất hứng, đột nhiên buồn bực và chán nản trong một thời điểm. Không kéo dài hàng tháng như trầm cảm, “tụt mood” chỉ diễn ra trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày.
Người bị "tụt mood" có thể bỗng dưng thấy mệt mỏi, lo lắng, tự ti và tức giận, chẳng còn thiết tha làm việc hay học hành, chẳng muốn gặp ai mà chỉ cần được ở một mình trong chốc lát.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đã chỉ ra rằng, thông thường tâm trạng của phần đông mọi người sẽ “xuống” thấp nhất vào lúc 3h chiều. Và phụ nữ có xu hướng bị “tụt mood” hơn nam giới - với gần 75% phụ nữ nói rằng họ thường cảm thấy buồn hoặc không vui, trong khi con số này ở phía nam giới là 55%.
Vì sao người trẻ dễ bị “tụt mood”?
Theo Healthline, khi thay đổi môi trường làm việc, con người sẽ mất đi động lực và sự hăng hái như thường ngày. Chẳng hạn như thời điểm đại dịch bùng phát, nhiều người thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, stress do phải làm việc tại nhà, không được tương tác với đồng nghiệp.
Mặt khác, hiện nay, người trẻ ngày ngày phải đối diện với sự hối hả trong vòng xoáy công sở, khi về nhà thì lại bị thúc ép chuyện yêu đương, kết hôn. Áp lực cuộc sống, gánh nặng gia đình, nỗ lực để khẳng định bản thân và tìm kiếm những cơ hội,... Quá nhiều gánh nặng chưa thể giải quyết được một lúc, cuộc sống của người trẻ thời đại này trở nên căng thẳng và nặng nề hơn những thế hệ đi trước. Tâm trạng họ thường xuyên thay đổi, buồn vui thất thường, dễ mất tinh thần vì những điều nhỏ nhặt.
Một dạng “tụt mood” hay gặp của người trẻ tuổi khi bước vào đời, khi mà hiện thực cuộc sống làm mài mòn những “giấc mộng” màu hồng khi xưa, khiến họ bị mất phương hướng trong cuộc sống. Họ sẽ cảm thấy không biết nên làm gì tiếp theo, lo lắng tương lai mình sẽ phải làm gì, tâm trạng chán nản và thất vọng về bản thân khiến tâm trạng tụt xuống.
Một nguyên nhân khác là do sự tự ti về bản thân. Việc so sánh xuất thân, năng lực làm việc của bản thân với những người khác đều là những nguyên nhân khiến người trẻ bị tự ti về bản thân và làm cho cảm xúc đi xuống. Đôi khi chính sự đố kỵ với những người kia cũng gây nên các áp lực đến tinh thần, khiến cho ý chí phấn đấu bị sụt giảm. Nhiều lúc họ không thể kiềm chế sự xấu tính bằng cách chăm chăm bắt lỗi để thoả mãn tinh thần, sự ích kỷ của bản thân.
Nên làm gì để khôi phục cảm xúc khi "tụt mood"?
Mặc dù không nghiêm trọng như trầm cảm, “tụt mood” vẫn có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và ngăn cản chúng sống một cuộc sống trọn vẹn. Ví dụ như mọi người thường mất động lực làm việc khi cảm xúc cá nhân đi xuống và đắm chìm trong tiêu cực. Vậy nên làm gì để khôi phục cảm xúc khi "tụt mood"?
Vận động đều đặn
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người trên 18 tuổi nên vận động thể dục thể thao ít nhất 150 phút/tuần. Vận động nhẹ nhàng một cách đều đặn 20 phút/ ngày vừa giúp giữ vóc dáng, tốt cho sức khoẻ tim mạch, đồng thời còn là cách lý tưởng để cải thiện tâm trạng.
Năng lượng tiêu cực khi bị ứ đọng lại trong cơ thể sẽ khiến người trẻ thường xuyên thấy uể oải và nặng nề. Và tập luyện chính là phương pháp không thể hữu hiệu hơn để “đẩy” những năng lượng tiêu cực.
Bật một bài hát và thưởng thức một đồ uống yêu thích
Những lúc cảm thấy “chống chếnh” và chênh vênh, một tách cà phê nóng hay ly trà sữa ngọt ngào sẽ giúp tâm trí được tỉnh táo và cảm thấy được xoa dịu.
Không chỉ vậy, âm nhạc cũng là liệu pháp trị liệu tâm lý mang tính “chữa lành” hiệu quả. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nghe nhạc có thể ảnh hưởng tới tâm trạng, nghe những bản nhạc vui vẻ, lạc quan giúp mau chóng lấy lại tinh thần trong mỗi khi “tụt mood”.
Trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp
Nhiều lúc chỉ cần dành vài phút để trò chuyện hoặc nhắn tin với bạn bè cũng khiến chúng ta hứng khởi hơn. Sự hỗ trợ từ những người xung quanh sẽ mang đến tâm trạng vui vẻ, đánh bay cảm xúc tiêu cực nhất thời khi làm việc từ xa.
Những mẩu truyện ngắn, thông tin hữu ích từ đối phương có thể giúp bạn giải quyết những đầu việc còn lại tốt hơn. Tuy nhiên, tránh "tám chuyện" quá lâu khiến bản thân bị dồn việc.
Cho phép mình được nghỉ một lát
Đừng sợ rằng dừng lại một chút sẽ ảnh hưởng tới năng suất công việc. Ở thời điểm tinh thần xuống dốc, dẫu cho bạn có cố làm việc gì cũng không mang lại hiệu quả cao bởi sự tiếp thu của bộ não khi đó rất kém.
Thay vì hoạt động liên tục, hãy để cơ thể được nghỉ ngơi bằng những hoạt động bạn yêu thích thường ngày như nghe một bản nhạc, xem tivi, chơi cùng thú cưng, đọc sách,… Chỉ khi được thư giãn, tâm trí mới được tái tạo năng lượng và giải phóng những cảm xúc buồn bã, tiêu cực.
Viết ra những điều tích cực trong cuộc sống
Đây là một thói quen nhỏ bé mà bạn dễ dàng thực hiện chỉ với vài phút. Ngay những thời khắc tưởng chừng như đen tối nhất cũng luôn có những mặt tích cực phía sau nó, việc của bạn là bình tâm lại và quan sát cuộc sống của mình.
Hãy viết ra những điều bạn cảm thấy biết ơn ngay lúc này hoặc viết ra ít nhất một điều tích cực trong tình huống bạn đang gặp phải. Để nó trong túi xách và đọc lại nó mỗi khi tâm trạng tồi tệ. Dẫu mọi chuyện có đi xa tới đâu, hãy luôn nhớ rằng không phải lúc nào đời bạn cũng u tối và không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy như vậy.
Tâm trạng biến động cũng là một biểu hiện vô thường của cuộc sống. Sẽ có lúc bạn cảm thấy mọi thứ tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng, cũng lại có những lúc “giọt nước tràn ly” khiến bạn chỉ muốn tìm nơi nào đó để ngồi khóc một mình. Không ai có thể ngăn mình không được buồn, không được giận dữ, phải vui ngay lập tức. Nhưng có một thứ bạn có thể quyết định, đó là cách bạn đối mặt với cảm xúc hiện tại để chúng không ảnh hưởng quá nhiều tới mọi vấn đề quan trọng cũng như các mối quan hệ xung quanh.