CHÚ THÍCH VỀ CÁC THẦN THÚ VÀ YÊU QUÁI THƯỢNG CỔ CÓ TRONG TRUYỆN
Tất Phương:
Tất Phương là thần điểu, loài linh thú được cho là đại diện cho Hỏa thần và Mộc thần, sinh sống bên trong cây cối, sống trong rừng cây, sinh ra từ lửa. Tất Phương hình dáng giống con chim hạc trắng nhưng chỉ có một chân (có nơi tả chỉ có một cánh), thân thể màu xanh lam đốm đỏ, mỏ màu trắng. Toàn thân do lửa tạo thành, vô cùng chói mắt, lông màu vàng óng, mắt màu xanh trắng. Không ăn ngũ cốc, thức ăn ưa thích của loài này là lửa vì thế mỗi lần xuất hiện là điềm báo sắp có hỏa hoạn lớn.
Truyền thuyết kể rằng, khi hạ sơn để gặp mặt thiên hạ quỷ thần, thiên đế ngồi trong bảo xa do sáu con giao long kéo, điều khiển bảo xa chính là Tất phương. Vừa là thần điểu giữ xe của thiên đế, vừa có thể khống chế giao long, tất phương là một linh thú có pháp lực cực mạnh.
Tỳ Hưu:
Tỳ Hưu là một linh thú có đầu kỳ lân, thân gấu, toàn thân được bao bao bọc bới lớp vảy rồng, trên đầu có sừng, lưng có cánh. Theo nhân gian truyền tụng, Tỳ Hưu có hai loại với tên gọi và ý nghĩa khác nhau là Thiên Lộc (đầu có 2 Sừng, có ý nghĩa bảo vệ của cải, mang lại sự giàu sang) và Tịch Tà (có duy nhất 1 sừng trên đầu, là linh vật xua đuổi tà ma, mang lại sự bình an). Thiên Lộc là giữ của, còn Tịch Tà là giữ nhà. Mà các bạn biết hông, Tỳ Hưu hông có hoa cúc.
Hồ ly tinh - Cửu Vĩ Hồ (Nguồn: Niệm Lam)
【Trích từ: Nam Sơn Kinh】
Hựu đông tam bách lý viết thanh khâu chi sơn. Kỳ dương đa ngọc, kỳ âm đa thanh hoạch. Hữu thú yên, kỳ trạng như hồ nhi cửu vĩ, kỳ âm như anh nhi, năng thực nhân, thực giả bất cổ.
【Dịch nghĩa】
Lại đi về hướng đông núi Cơ Sơn 300 dặm là núi Thanh Khâu, phía nam núi sản xuất nhiều ngọc thạch, phía bắc núi sản xuất nhiều thanh hoạch. Trong núi có loài thú, dạng nó như hồ ly mà chín đuôi, tiếng nó như tiếng khóc của trẻ sơ sinh, có thể ăn người, nếu ai ăn được thịt nó thì không trúng yêu tà độc khí.
Kỳ Dư (Nguồn: Niệm Lam, chú thích của tác giả)
Kỳ Dư trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Núi Dực Vọng, có loài chim, dạng nó như con quạ, ba đầu sáu đuôi mà hay cười, tên là Kỳ Dư 鵸鵌, ăn vào khiến người không bị bóng đè, vừa có thể ngăn điềm dữ.”
Kỳ Dư là một loài chim điềm lành ngăn điềm dữ trừ tà, dáng vẻ giống quạ đen nhưng lại có ba cái đầu, sáu cái đuôi, có thể phát ra tiếng cười của con người. Nghe nói ăn thịt Kỳ Dư có thể ngăn chặn ác mộng. 《Bắc Sơn Kinh》 ghi chép: “Đới Sơn 带山Có loài chim, dạng nó như con quạ, năm màu mà vằn đỏ, tên là Kỳ Dư 鵸鵌, nó tự làm trống mái, ăn vào không bị ung nhọt.”
Đương Hỗ: 当扈 (Nguồn: chú thích của tác giả)
“Bên trên thân chi sơn, chim nhiều đương hỗ, dáng như trĩ, lấy râu không phải, ăn chi không thuấn mắt.”
Chim trên sườn núi phần lớn là đương hỗ, hình dạng của nó giống chim trĩ, dùng lông dưới cổ để bay, người nào ăn nó thì có thể không bị hoa mắt.
Tác giả sửa lại để thần bí một chút, viết thêm buff có thể nhìn rõ vào ban đêm.
Hoạ bì (Nguồn: Liêu trai dị chí II - bạn nào muốn đọc thì search “hoạ bì liêu trai chí dị” là ra)
Theo truyện Hoạ Bì (bộ da vẽ) thuộc tuyển tập Liêu trai chí dị nổi tiếng từ đời nhà Thanh của nhà văn Trung Quốc Bồ Tùng Linh, Hoạ Bì là một yêu nữ xấu xí, nhưng cô ta lại có một bộ da rất xinh đẹp, thỉnh thoảng cô ta sẽ lột xác và vẽ lại bộ da đó, rồi tiếp tục mặc vào hoá trang thành người phụ nữ xinh đẹp.
“Sinh thấy lời nói lạ lùng cũng hơi ngờ cô gái, nhưng lại nghĩ rõ ràng là một mỹ nữ sao đến nỗi là yêu quái được nên cho rằng đạo sĩ mượn tiếng trừ tà để kiếm ăn. Lát sau về tới nhà học, thấy bên trong đóng chặt không vào được lấy làm ngờ vực, bèn trèo qua chỗ tường lở vào thì cửa phòng cũng đóng. Sinh rón rén tới trước cửa sổ nhìn vào, thấy một con quỷ hung ác mặt xanh lè, răng chơm chởm như lưỡi cưa đang trải một tấm da nguời ra giường, lấy bút màu tô lên. Tô xong ném bút nhấc tấm da như tấm áo khoác lên người, liền biến thành cô gái.”
Sở dĩ Địch Lương Tuấn treo phất trần trước cửa phòng ngủ bạn Bạch là từ đoạn này mà ra nhé.
“Đạo sĩ nói “Xin sẽ đuổi đi giúp ông. Con quỷ ấy cũng khốn khổ mới tìm được người thay, ta cũng không nỡ hại mạng nó”. Liền lấy chiếc phất trần đưa sinh, dặn treo ở cửa phòng ngủ rồi từ biệt, hẹn gặp lại ở miếu Thanh Đế. Sinh về không dám tới nhà học bèn vào phòng vợ ngủ, treo phất trần lên cửa.”
Bạch Trạch: (Nguồn: facebook Epic)
Đây là loài thần thú sinh sống tại núi Côn Lôn, toàn thân phủ lông trắng như tuyết, biết nói tiếng người, lại am hiểu kiến thức vạn vật, rất hiếm khi xuất hiện trước mặt người thường. Tương truyền Bạch Trạch chỉ xuất hiện khi thế gian có người tài lược đủ sức bình định thiên hạ. Truyện kể rằng Hoàng Đế ( Hiên Viên) sau khi đánh bại Xi Vưu, nhất thống thiên hạ, đi tuần qua Đông Hải gặp được Bạch Trạch. Nó truyền lại cho ông kiến thức về các loài kỳ vật dị thú trong thiên hạ và cách chống lại chúng, tất cả được ghi lại trong một cuốn gọi là Bạch Trạch đồ.
Phù Hề (Nguồn: Niệm Lam)
Phù Hề là quái điểu mặt người thân chim. Hồ Văn Hoán sách tranh: “Núi Lộc Đài có loài chim, dạng như gà trống mặt người, tên là Phù Hề, tiếng nó tự kêu tên mình. Gặp thì nước đó có chiến tranh.” Cơ thể Phù Hề giống gà, nhưng đầu lại là mặt người. Trong truyền thuyết Phù Hề là điềm báo chiến loạn, Phù Hề hiện thân tức quốc gia binh lửa giao chiến.
Phù Hề trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ hai》: “Núi Lộc Đài 鹿台, có loài chim, dạng nó như gà trống mà mặt người, tên là Phù Hề 凫徯, tiếng nó tự kêu tên mình, gặp thì có chiến tranh.”
Kim Ô (Nguồn: Baidu)
Kim Ô là tên gọi khác của mặt trời, còn được gọi là “Xích Ô”, là một trong những thần điểu trong thần thoại truyền thuyết Trung Quốc cổ đại. Trong thần thoại Trung Quốc cổ đại, giữa mặt trời đỏ có một con quạ đen Tam Túc ngồi ở giữa, xung quanh là ánh sáng vàng đỏ lập loè, cho nên được gọi là Kim Ô.
Đế Thính (Nguồn: Wikipedia):
Đế Thính là vật cưỡi của Đức Địa Tạng Vương, trước là một con chó trắng tên Thiện Thính, sau trở thành một loài lai giữa rồng và lân, thông hiểu mọi chuyện trời đất.
Thao Thiết (Nguồn: Wikipedia):
Thao Thiết là một trong “Tứ hung” gồm Thao Thiết, Hỗn Độn, Đào Ngột và Cùng Kỳ. Nó được mô tả như một loài mãnh thú hung ác, có sức mạnh to lớn, rất tham ăn, thấy gì ăn nấy, là biểu tượng cho sự tham lam dục vọng.
Sách Thần dị kinh kể về loài này rất đáng sợ: Ở phía tây nam có giống người thân mình nhiều lông, trên đầu đội con lợn, tham lam độc ác, tích lũy của cải mà không dùng, giỏi cướp thóc lúa của người.
Sách Sơn hải kinh cũng có miêu tả về loài thú này như sau: Ở núi Câu Ngô, trên núi có nhiều ngọc, dưới núi có nhiều đồng, có loài thú ở đó, hình dạng của nó là mình dê mặt người, mắt ở dưới nách, răng như hổ, móng tay chân như người, tiếng của nó như tiếng trẻ con, tên là Bào Hào, là giống ăn thịt người.
Sách Tiên tri trong Lã Thị Xuân Thu viết: Trong đỉnh đồng nhà Chu có khắc con Thao Thiết, có đầu mà không có thân, ăn thịt người nhưng chưa nuốt chửng đã chết rồi, nghe đời trước nói lại như vậy.
Thuở xưa Thao Thiết đước nhắc đến như một loài kì thú riêng biệt, sau này tới nhà Minh lần đầu tiên mới được liệt kê trong 9 đứa con của Rồng.
Hình tượng Thao Thiết qua nhiều tài liệu chung quy có các điểm chung như sau: Miệng rộng, thân ngắn, tính tình hung ác, tham lam vô độ nên thường được trang trí trên các bát ăn cốc uống nhằm nhắc nhở việc ăn uống nên điều độ.
Bạch Hổ (Nguồn: Niệm Lam)
Ở trong bốn loài thánh thú, loài luôn được nhắc đến cùng với Thanh Long chính là Bạch Hổ đại biểu cho phương Tây. Hổ là vua của muôn thú, sự uy mãnh và năng lực hàng phục quỷ quái trong truyền thuyết của nó, khiến cho nó trở thành thánh thú thuộc dương. “Vân từ long, phong từ hổ”, nó luôn hành động cùng với rồng, rồng và hổ là cộng sự hàng yêu phục ma tốt nhất.
Bạch Hổ là Chiến Thần, cũng là thần sát phạt, thánh thú thuộc tính Kim, có sẵn rất nhiều loại thần lực như trừ tà, giải trừ tai họa, cầu sung túc, trừng ác, phát tài làm giàu, hỉ kết lương duyên… Bảy chòm sao đại biểu cho Bạch Hổ nằm ở phía tây: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm. Màu trắng trong ngũ hành đại biểu cho thuộc tính Kim, cho nên gọi nó là Bạch Hổ không phải bởi vì nó là màu trắng, mà là gọi từ trong ngũ hành.
Ở trong suy nghĩ của cổ nhân, hổ là loài động vật vừa đáng sợ lại vừa đáng kính. Đáng sợ chính là nó có thể sẽ ăn súc vật con người. Đáng kính chính là nó cực kỳ uy mãnh, có thể trừ tà. Ở trong một ít sách cổ cũng có miêu tả tương tự, thí dụ như 《Phong Tục Thông Nghĩa · Tự Điển》 của Ứng Thiệu thời Đông Hán: “Vẽ hổ ở cửa, quỷ không dám vào”, “Con hổ, vật dương, đứng đầu muôn thú. Có năng lực bắt giữ áp chế nhuệ khí, cắn ăn quỷ mị. Người thời nay đột nhiên gặp xấu, đun da hổ uống. Chạm vuốt nó, cũng có thể trừ ác. Nghiệm đúng như vậy.”
Chu Tước (Nguồn: Niệm Lam)
Chu Tước là tên gọi chung của bảy chòm sao ở phương Nam: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. Chu Tước là thánh thú tượng trưng cho hỏa.
Chu Tước còn được gọi là Huyền Điểu 玄鸟, cách gọi Huyền Điểu được ghi chép ở trong 《Thi Kinh · Thương Tụng · Huyền Điểu》: “Thiên mệnh Huyền Điểu, hàng nhi sinh Thương, tha Ân thổ mang mang. Cổ đế mệnh vũ thang, chính vực bỉ tứ phương.” Ý đoạn này là triều đại Ân Thương nói tổ tiên của mình —— Tiết 契 là do Huyền Điểu sinh ra, do đó lập nên nhà Thương cường đại, Huyền Điểu cũng liền trở thành thủy tổ của dân Thương.
Hạn Bạt (Nguồn: Facebook Mao Sơn Tróc Quỷ Nhân)
Hạn Bạt là một trong bốn cương thi thủy tổ.
Con gái của Hoàng Đế nguyên danh là Nữ Bạt, tướng mạo xinh đẹp, đồng thời cũng hết sức thiện lương. Sau một lần Hoàng Đế đại chiến Xi Vưu, Hạn Bạt vì lo lắng cho cha của mình mà tinh thần và thể xác đều mỏi mệt, lâm vào bạo bệnh. Bệnh tình của Nữ Bạt cực kỳ nghiêm trọng, dựa theo lời Vu sư ngay lúc đó đã nói, Nữ Bạt không có thuốc nào cứu được.
Mà vào lúc bệnh tình của Nữ Bạt nguy kịch, một phần hồn phách của Hống phá phong ấn của Nữ Oa và Phục Hy, trốn thoát. Để trả thù Nữ Oa, một phần hồn phách của Hống len lén lẻn vào căn phòng của Nữ Bạt, nhân cơ hội đoạt được thân thể của Nữ Bạt. Mà phần hồn phách này của Hống bản thân lại không hoàn chỉnh, hồn phách không hoàn chỉnh không thể chiếm thân thể của Nữ Bạt.
Hống vì cướp đoạt thân thể của Nữ Bạt mà cố gắng dung hợp hết hồn phách của mình và ba hồn bảy phách của Nữ Bạt. Lúc dung hợp, thân thể của Nữ Bạt xảy ra dị biến. Tóc Nữ Bạt bắt đầu trắng xóa rụng đi, trán của nàng xuất hiện nhiều nếp nhăn, nước trong thân thể của nàng bắt đầu bốc hơi, trở nên cực kỳ khô cạn. Càng đáng sợ hơn chính là, thân thể Nữ Bạt tản mát ra một loại nhiệt lượng khổng lồ! Khu vực vài dặm quanh nơi ở của Nữ Bạt, hơi nước bốc lên rất nhanh, đất đai trở nên khô hạn không gì sánh được.
Nữ Bạt dị biến khiến Hoàng Đế và thôn dân sợ hãi. Rơi vào đường cùng, Hoàng Đế phải đuổi Nữ Bạt ra ngoài, Nữ Bạt lưu vong ở phương bắc.
Bởi vì Nữ Bạt đến đâu, nước sông và hồ bốc hơi sạch sẽ đến đó cho nên Nữ Bạt được gọi là Hạn Bạt. Cũng chính vì vậy, Hạn Bạt bị mọi người xưng là thần hạn hán.
Bởi vì Hạn Bạt là do Nữ Bạt và hồn phách của Hống dung hợp cho nên Hạn Bạt vẫn lưu lại một bộ phận ký ức của Nữ Bạt. Cũng chính vì vậy, lúc Hoàng Đế đại chiến Xi Vưu, Nữ Bạt đã bang trợ Hoàng Đế đánh lùi Xi Vưu. Hạn Bạt cũng đã có một cống hiến cho nhân loại.
Sau đó, Hạn Bạt bôn tẩu khắp nơi ở phương bắc, khiến nhiều nơi ở phương bắc khô hạn, rất nhiều địa phương biến thành sa mạc vô tận. Bất đắc dĩ, Đế Sử Ứng Long phải tru diệt Hạn Bạt.
Niên Thú (Nguồn: Wikipedia)
Các nguồn đề cập đến Niên như một sinh vật xuất hiện sớm nhất vào đầu thế kỷ 20, cho nên không rõ liệu sinh vật Niên là một phần của thần thoại dân gian truyền thống hay chỉ là một câu chuyện truyền miệng được ghi lại vào đầu thế kỷ 20. Niên là một phần quan trọng trong lễ hội năm mới tại Trung Quốc, các học giả lý giải nó là lý do đằng sau một số truyền thống trong ngày lễ này như mặc quần áo màu đỏ và tạo ra tiếng ồn từ trống và pháo hoa.
Tương truyền rằng, ngày xửa ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên “, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Thú “Niên ” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ đến Đêm giao thừa thì nó mới lên bờ để giết súc vật và hại người.
Thú “Niên” rất sợ màu đỏ, ánh lửa và tiếng nổ, thế là cứ vào ba mươi Tết, nhà nào nhà nấy đều dán câu đối đỏ, đốt pháo hoa, thắp đèn rực rỡ sáng trưng, đón chào Đêm giao thừa.
Nhiễm Di Ngư (Nguồn: Niệm Lam)
Nhiễm Di Ngư là một loài kỳ ngư ngăn điềm dữ trừ tà, có đầu rắn, thân cá, sáu chân, hai con mắt giống như tai ngựa. 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi: “Mắt như tai ngựa, ăn yêu quái do ác mộng biến thành.” Sau khi ăn Nhiễm Di Ngư có thể ngăn điềm dữ.
Nhiễm Di Ngư trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ tư》: “Núi Anh Đê 英鞮, sông Uyển Thủy 涴水 đi ra, rồi chảy về hướng bắc trút vào đầm nước Lăng Dương 陵羊. Có nhiều Nhiễm Di Ngư 冉遗鱼, thân cá đầu rắn sáu chân, mắt nó như tai ngựa, ăn vào khiến người không gặp ác mộng, có thể ngăn điềm dữ.”
Giải Trãi (Nguồn: Từ điển Hán Nôm)
Một giống thú theo truyền thuyết, hình giống bò, có thuyết nói giống cừu. Ngày xưa cho rằng nó biết phân biệt phải trái, thấy ai đánh nhau thì nó húc kẻ làm trái, nghe người bàn bạc thì nó cắn bên bất chính. Vì thế các quan ngự sử dùng lông nó làm áo, lấy ý biết sửa trừ gian tà vậy.
Bệ Ngạn (Nguồn: tuoitre)
Bệ Ngạn còn gọi là Bệ Lao hoặc Hiến Chương, là con thứ tư của rồng, có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, Bệ Ngạn rất thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy Bệ Ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.
Thanh Long (Nguồn: Niệm Lam):
Thanh Long là thánh thú chưởng quản phương Đông.
Căn cứ vào cách nói của 《Sơn Hải Kinh》, trong thần linh bốn phương, “Phương Nam Chúc Dung祝融, thân thú mặt người, cưỡi hai rồng”, “Phương Tây Nhục Thu 蓐收, tai trái có rắn, cưỡi hai rồng”, “Phương Đông có Câu Mang, thân chim mặt người, cưỡi hai rồng”, “Phương Bắc Ngu Cương 禺疆, thân đen có tay chân, cưỡi hai rồng”. Có thể thấy được miêu tả trong 《Sơn Hải Kinh》, rồng đều là vật dùng để cưỡi. Thanh Long đại biểu cho bảy chòm sao phương Đông: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, hình dạng mà bảy chòm sao này tạo thành cực kỳ giống như một con rồng.
Thanh Long là thánh thú thuộc tính Mộc, các đế vương cổ đại đều thích ví bản thân là rồng. Trong rất nhiều triều đại cũng có đế vương lấy Thanh Long làm niên hiệu của mình, ví dụ điển hình nhất là Ngụy Minh Đế thời Tam Quốc. Trong sách sử cũng có ghi chép đề cập đến triều nhà Hạ là thuộc về niên đại Mộc Đức, cho nên “Thanh Long sinh ngoài thành” chính là dấu hiệu tốt lành.
Quỳ (Trích chú thích của tác giả):
“Đông hải trung hữu lưu ba sơn, nhập hải thất thiên lý. Kỳ thượng hữu thú, trạng như ngưu, thương thân nhi vô giác, nhất túc, xuất nhập thủy tắc tất phong vũ, kỳ quang như nhật nguyệt, kỳ thanh như lôi, kỳ danh viết quỳ.”
Dịch nghĩa: “Trong Đông Hải có núi Lưu Ba, sâu bảy vạn dặm dưới biển. Trên núi có một loại thú hoang, hình dáng như trâu, thân xanh, không có sừng, chỉ có một chân, lúc rời khỏi biển chắc chắn có mưa gió làm bạn, nó tỏa hào quang như mặt trời và mặt trăng, âm thanh như sấm vang, gọi là Quỳ.”
Kỳ Lân (Nguồn: Niệm Lam, Wikipedia và Baidu)
Kỳ lân (麒麟, bính âm: qílín) hay còn gọi là lân, li, là một trong 4 linh vật của tứ linh (long - lân - quy - phụng) theo tín ngưỡng dân gian Á Đông như tại Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên…
Kỳ Lân là một dạng nhân thú khác, là thụy thú đặc biệt, đầu rồng, thân nai, đuôi trâu, móng ngựa, vảy rồng, mắt hổ, sừng nai.
Theo Sơn Hải Kinh, Kỳ Lân giống đực được gọi là Kỳ 麒, giống cái được gọi là Lân 麟, ở trong đời sống hiện thực thường dùng Kỳ Lân để ví nhân vật kiệt xuất.
Mỗi lần Kỳ Lân xuất hiện đều là một thời kì vô cùng đặc biệt. Dựa theo ghi chép, Phục Hy 伏羲, Thuấn 舜, Khổng Tử 孔子 đều có Kỳ Lân xuất hiện kết bạn, và mang đến chỉ thị của thần, cuối cùng dẫn đến thắng lợi. Nhiều người nghi ngờ, trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, đế vương hưng suy liên quan rất nhiều tới truyền thuyết Kỳ Lân.
Theo《 hoài nam tử · địa hình huấn 》: “Mao Độc sinh Ứng Long, Ứng Long sinh Kiến Mã, Kiến Mã sinh Kỳ Lân, Kỳ Lân sinh Thứ Thú.” Truyền thuyết, Kỳ Lân là tổ thần của Cơ thị (dòng của Chu Thiên Tử), bắt đầu từ Hoàng Đế tổ thần Ứng Long, Kỳ Lân lại là đời sau của Ứng Long, vì thế Kỳ Lân còn tượng trưng cho thái tử trong mối quan hệ vua (rồng) - thái tử (kỳ lân) - hoàng hậu (phượng hoàng).
Ý nghĩa khi Kỳ Lân xuất hiện là một đời hạnh phúc, thái bình, trường thọ, mang tới may mắn và quang minh, xua đuổi điều không lành. Ngoài ra còn có ý nghĩa đưa con, cầu con (thuyết về Khổng Tử) và trấn trạch.
Hình tượng Kỳ Lân Việt Nam có chút khác so với Kỳ Lân Trung Quốc ở chỗ Kỳ Lân Việt Nam có đôi mắt to, mũi to, mõm ngắn đặc biệt phần đuôi xù ra hoặc rẽ quạt toát lên vẻ ngoài thân quen, vui vẻ, thân thiện hoạt bát dễ gần không ù lì, chễm chệ, dọa nạt như Kỳ Lân Trung Hoa.
Nghê là linh vật bản địa hóa Kỳ Lân do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của sư tử, theo phong cách của người Việt Nam. Là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ.
Huyền Vũ (Nguồn: Niệm Lam)
Huyền Vũ là do rùa và rắn tổ hợp mà thành thánh thú, bản ý của Huyền Vũ 玄武 là Huyền Minh 玄冥, âm cổ của Vũ và Minh là tương thông. Vũ 武 có nghĩa là màu đen; Minh 冥 có nghĩa là Âm 阴.
Người dân thời cổ có rất nhiều loại cách nói giải thích Huyền Vũ, có nói “Huyền Vũ” tức con rùa, trên 《Lễ Ký · Khúc Lễ Ký》 nói: “Ngôi thứ, Chu Điểu trước Huyền Vũ sau…” Trong 《Sở Từ · Viễn Du》Hồng Hưng Tổ bổ chú: “Huyền Vũ, gọi là Quy Xà. Ở phương bắc, do đó gọi Huyền. Thân có vảy giáp, do đó gọi Vũ.” Trong quyển 10 《Văn Tuyển》, 《Tư Huyền Phú》 của Trương Hành cũng nói: “Huyền Vũ trú trong mai, Đằng Xà tự uốn lượn.” 《Hậu Hán Thư · Vương Lương Truyện》 viết: “Huyền Vũ, tên của Thủy Thần.”
Huyền Vũ sớm nhất chính là rùa đen. Sau này, hàm nghĩa của Huyền Minh không ngừng mở rộng, rùa sinh sống ở giang hà hồ hải, thế là Huyền Minh liền trở thành Thủy Thần tượng trưng cho Thủy; rùa đen trường thọ, Huyền Minh lại trở thành tượng trưng cho sự trường sinh bất lão; ở trong ghi chép ban đầu, Minh gian ở phương bắc. Thế là Huyền Minh lại trở thành thần của phương bắc.
Bàn Cổ (Nguồn: Wikipedia)
Theo Lão giáo, Bàn Cổ là thủy tổ của loài người, do Mẹ sinh ra.
Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, sự tích Bàn Cổ như sau: “Tại núi có một cục đá lớn đã thọ khí Âm Dương chiếu diệu rất lâu đời, nên đã thâu được các tính linh thông của vũ trụ mà tạo thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ vang, khối đá linh ấy nứt ra, sản xuất một vị Linh Chân hy hữu, là Thần mang hình hài như con người được gọi là Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó Trời Ðất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Ðất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Ðịa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả. Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Ðất là Mẹ, muôn dân là con.
Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn Độn thị.”
Tương truyền, Bàn Cổ có ba người con là Phục Hy, Nữ Oa, và Hoa Tư.
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã viết huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật Dị Ký rằng: “Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng.”
Giao Long (Nguồn: Baike baidu + Wikipedia)
Giao Long (Giao) là một thần thú trong thần thoại cổ đại, là thủy thú có huyết mạch Long tộc (bao gồm Ngư Xà thủy tộc). Chúng là một trong những loài có thể tiến hóa thành rồng, chỉ cần vượt nan kiếp là có thể hóa thành Chân Long, sở hữu sức mạnh cường đại.
Hình tượng của Giao Long trong cổ tịch Trung Quốc không giống nhau. Có một thuyết nói Giao có bốn chân, đầu ngựa đuôi rắn. Có thuyết nói thân phủ vảy lân, đầu có râu và sừng, chân có năm vuốt. Trong “Bản thảo cương mục” lại gọi là “rồng có chín con”, vì gồm nhiều chủng dị loại khác nhau với đặc điểm khác nhau. Tên gọi khác nhau, có vảy là Giao Long, có cánh là Ứng Long, có sừng là “Đa Tha” Long, có sừng nhỏ là Cầu. Hoặc con nhỏ là Giao, con lớn là Long.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Giao Long chính là Thuồng Luồng. Thuồng luồng là thủy quái hay quái vật dữ ở nước thuộc lớp bò sát đạt kích cỡ khổng lồ, có thể hại bất cứ sinh vật nào bơi dưới bao gồm cả người. Thời xưa, thuồng luồng được quan niệm có hình thù như con rắn khổng lồ nhưng có 4 chân, có mào, có lẽ chúng giống loài cá sấu khổng lồ thời cổ đại. Ở dọc các sông lớn miền Bắc Bộ đời xưa thường có đền thờ thần thuồng luồng mà sách chép là giao thần. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, thuồng luồng được được mô tả là con giải khổng lồ, một loài ba ba cỡ lớn cùng chi rùa mai mềm Rafetus với rùa Hồ Gươm, rùa Đồng Mô.
Phượng Hoàng (Nguồn: Niệm Lam):
Phượng Hoàng là vua của muôn chim, con trống gọi là Phượng, con mái gọi là Hoàng.《Bão Phác Tử》ghi Phượng có ngũ hành - trên đầu Phượng xanh (mộc), cổ Phượng trắng (kim), do đó cũng gọi là buộc nghĩa 缨义, lưng Phượng đỏ (hỏa), ngực Phượng đen (thủy), dưới chân Phượng vàng (thổ).
Côn Bằng (Nguồn: Wiki Sơn Hải Kinh)
Côn Bằng là thượng cổ Linh Thú xuất hiện từ thuở hồng hoang, là loài phi ngư to lớn, thường cư trú ở Bắc Minh (Biển Bắc). Côn Bằng có phần thân hình to lớn giống loài cá voi xám, hai vây bên hông to khỏe, đủ sức nâng toàn thân bay lượn trên không trung. Côn Bằng có thể hô phong hoán vũ, làm chủ những con sóng thủy triều khi ở dưới nước, nắm giữ các luồng khí lưu khi cất mình bay lên không trung. Côn Bằng được xem là biểu tượng của tinh thần tự do, thong dong tự tại, ý chí mãnh liệt, cũng được xem là biểu tượng của sự lột xác thần kỳ.
Phu Chư (Nguồn: Baike Baidu)
Phu Chư là một trong những Thần thú trong truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, Phu Chư có bốn sừng hươu, ngoại hình nó trông ôn nhu tinh khiết, thích hí vang bốn phía, nó vừa xuất hiện, nơi đó ắt tới mùa lũ lụt.
Hàm Dương (Nguồn: Niệm Lam)
Hàm Dương là một loài quái thú, dáng vẻ giống như con dê, thế nhưng có cái đuôi ngựa, mỡ của loài dê này có thể trị khỏi bệnh tật về da cho con người. 《Nhĩ Nhã》 ghi chép bề ngoài của Hàm Dương là: “Dê sáu thước là Hàm.” Trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Dê ở Nguyệt Thị, chủng loại hoang dã. Nó cao sáu thước, đuôi đỏ như ngựa. Lấy gì xác định, sự kiến nhĩ nhã.”
Hàm Dương trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》: “Núi Tiền Lai, có loài thú, dạng nó như con dê mà đuôi ngựa, tên là Hàm Dương, mỡ của nó có thể trị khỏi da khô.”
Lộc Thục (Nguồn: Niệm Lam)
Lộc Thục là một loài thần thú cổ đại, dáng vẻ giống như ngựa, đầu màu trắng, đuôi màu đỏ, thân mình đầy vằn hổ, kêu lên giống như con người đang hát. Truyền thuyết kể rằng mặc da lông của Lộc Thục ở trên người mình thì có thể khiến cho con cháu gia tộc hưng thịnh, ở thời Sùng Trinh nhà Minh, trên phố loan truyền rằng có người từng thấy qua Lộc Thục.
Ở trong《Đồ tán》 của Quách Phác có nói: “Thú Lộc Thục, bản chất ngựa vằn hổ. Ngẩng đầu kêu dài, duỗi chân nhảy chồm. Mặc da lông của nó, con cháu như mây.”
Lộc Thục trích từ 《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》: “Núi Nữu Dương 杻陽, có loài thú, dạng nó như con ngựa mà đầu trắng, vằn nó như con hổ mà đuôi màu đỏ, tiếng kêu như tiếng hát, tên nó là Lộc Thục 鹿蜀, mang vào thì hòa hợp con cháu.”
Tinh Tinh:
Tinh Tinh là một loài dị thú trong truyền thuyết thần thoại cổ đại Trung Quốc, nó được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”, hình dáng giống vượn lông dài, có tai trắng, có thể nằm rạp xuống, cũng có thể đứng thẳng và di chuyển. Tinh Tinh là một loài thú hoang thần kỳ, theo truyền thuyết nó thông hiểu chuyện trong quá khứ, nhưng lại không biết được chuyện trong tương lai, ăn thịt nó có tác dụng giúp dẻo chân, đi nhanh hơn.