Ngày nay, nhiều vùng khác nhau của miền Tây Nam Bộ, người dân vẫn còn truyền cho nhau nghe những câu chuyện ly kỳ về những ông thầy bùa cùng với sự lợi hại của món bùa chú, ngải thiêng.
Pháp luật 4 Phương trong loạt phóng sự này không đi sâu vào khía cạnh những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan... mà chỉ kể lại một cách trung thực những điều mắt thấy, tai nghe đang lưu truyền trong dân gian để các nhà khoa học và bạn đọc tham khảo. Chuyện bùa ngải linh nghiệm đến đâu cần đến sự tham gia nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học.
Lời làm chứng của một nhà văn
Trà Vinh là vùng đất của những ngôi chùa Phật giáo Nam Tông cổ kính lẫn trong những tàng cây cổ thụ. Đã có thời người ta rất ngại đến vùng này, nếu chẳng may có đến thì cơm không dám ăn, nước không dám uống.
Bởi lẽ không may mà ngồi ăn bát bún nước lèo thì khi về người cứ xanh mai mái, chiều đến sợ nước không dám tắm, đi khám lẫn điều trị kiểu gì cũng không khỏi. Rồi cả tháng, có khi là hai tháng trời sau, được “mách nước” người bị bệnh mới biết lên chùa cầu cứu sư thầy nhờ chữa bệnh, làm phép. Kỳ lạ thay sau khi làm phép xong người bị yếm bùa sẽ xổ ra nguyên cả miếng thịt ăn chưa tiêu(?).
“Đó là do các ông thầy có thói quen thử thuốc chứ không phải do thù hằn hay hiềm khích gì, họ chỉ cần búng móng tay bỏ một chút vào tô thức ăn hay nồi nước lèo là người ăn phải sẽ dính thuốc. Người nhẹ thì bệnh lai rai, người nặng thậm chí có thể mất mạng”, nhà thơ Hồng Băng (Hội viên Hội VHNT tỉnh Trà Vinh), một người sinh ra và lớn lên ở “xứ sở của bùa ngải” lại đã từng nhiều năm đi tu trong chùa Nam Tông Khmer lý giải. Ông khẳng định chắc nịch: “Bùa ngải là có thật. Chỉ có điều khoa học chưa nghiên cứu và chưa lý giải được”.
Nhà thơ Hồng Băng kể, sinh thời cha của ông, thầy Ba Minh cũng là một thầy thuốc có tiếng ở Trà Vinh, ông có hai điều tuyệt đối tuân thủ: Một là chỉ chữa bệnh vào giờ nhất định. Hai là chữa bệnh hoàn toàn miễn phí không lấy một cắc bạc tiền công.
Thầy Ba Minh đặc biệt có tiếng trong việc chữa bệnh “giời leo” mà trong y văn hiện giờ gọi là bệnh zona. Điều gây ngạc nhiên là phương pháp chữa trị của ông lại vô cùng đơn giản. Trong khi con bệnh đang khổ sở vật vã thì ông cứ ngồi lặng thinh, bỏm bẻm nhai trầu rồi canh lúc có ánh sáng mặt trời, ông mới kêu người bệnh ra đứng giữa trời nắng và cứ thế phun bã trầu tứ tung lên vùng da bị bệnh.
“Phun tối đa 3 lần thì khổ chủ dứt bệnh. Nhưng chỉ có thế thì chưa chắc đã khỏi bệnh mà bí quyết nằm ở chỗ vừa phun trầu vừa phải đọc thầm 1 câu chú”, ông Băng tiết lộ. Câu “bùa chú” đó đại khái như thế này: “Cha mày tên tố/ Mẹ mày tên xô/ Mặt nhật mọc mày tồn tại/ Mặt nhật lặn mày biến mất và biến mất mãi mãi”.
Nghe qua đó chỉ là những câu vô nghĩa thậm chí nực cười nhưng ông Băng đảm bảo, nếu không đọc người bệnh sẽ không khỏi bệnh. Bằng chứng là chính ông khi được cha truyền nghề đã làm “thí nghiệm” để kiểm chứng. “Lần đó có 5 người mắc bệnh đến chữa. Ba người được ba tôi chữa thì bệnh khỏi. Còn 2 người do tôi chữa nhưng đã cố tình không đọc câu đó thì quả thật bệnh không khỏi. Bản thân tôi cũng không thể lý giải được chuyện này như thế nào”, ông Băng thuật lại.
Núi Cấm - ngọn núi linh thiêng bậc nhất ở miền Tây, nơi từng có nhiều thầy bùa đến tu luyện |
Chuyện nữa, có ông thầy bùa người Kinh có tên là Năm Vận, quê ở Sóc Trăng nhưng đến cư ngụ ở xã Phước Hưng (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). “Lần đó, tôi thấy ông ta dùng một lưỡi dao sắc bén. Sắc đến nỗi rờ nhẹ là đứt tay. Vậy mà, ông ta dùng dao đó chém bụp bụp lên người lại không hề hấn gì. Đúng là nếu không thấy mình không tin và cũng không tưởng tượng ra chuyện ly kỳ như vậy được”, ông Băng kể.
Ngồi trò chuyện bên bàn cà phê, nhà báo Thành Long, người đã nhiều năm gắn bó với đất và người Trà Vinh cũng kể lại một câu chuyện khá rùng rợn. Chuyện rằng, có một ông thầy bùa cùng đám đệ tử đến nhà kia xin củi.
Trong nhà có củi nhưng người này nhất định không cho, ông thầy tức mình mới hỏi mượn cái búa. Rồi cứ thế ông ta dùng búa chém vào đùi. Cứ chém 1 nhát lại bay ra 1 thanh củi. Đến lúc ông thầy trả búa ra về thì người chủ nhà mới té ngửa, hoảng sợ khi thấy cột nhà nham nhở những vết chém.
Lần khác, trong một tiểu đội lính của mấy anh người Khmer có 1 anh người miền Bắc. Nghe chuyện bùa ngải, anh này nhất quyết không tin cho rằng đó là chuyện bịa đặt nhảm nhí của mấy đứa con nít. Không vội phản bác, chiều đến một người trong nhóm mới rủ anh này đi tắm sông. Rồi không biết làm thế nào mà anh lính kia cứ ngụp lên ngụp xuống mãi không làm cách nào lên bờ được. “Đến lúc môi anh ta tím ngắt, mấy người sợ có chuyện không hay nên mới bảo người kia “hóa giải” để anh ta lên”, nhà báo Thành Long kể.
Đến trải nghiệm của cán bộ công an
Càng gặp nhiều người, chúng tôi lại càng càng được nghe nhiều câu chuyện đầy huyền hoặc về thế giới bùa thiêng ngải lú. Mà người nào khi kể cũng khẳng định chuyện đó có thật 100%. Để bảo lãnh cho những câu chuyện rùng rợn ấy có người còn thề độc.
Một lần khác, trong lúc ngồi nói chuyện với anh Đàm Xuân Thức (nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Hòn Đất - tỉnh Kiên Giang). Ông Thức không chỉ khẳng định chuyện bùa chú là có thật mà anh còn dẫn ra một câu chuyện do chính bản thân mình chứng kiến.
Chuyện là vào khoảng những năm 1990, vùng biên giới Tây Nam tiếp giáp giữa Việt Nam với Campuchia nổi lên một tên cướp do Cao Văn Viên cầm đầu. Trong một lần, Viên vào vai một thầy bùa tiếp cận nhà Phó Chủ tịch huyện Hòn Đất, rồi không hiểu thôi miên hay dùng thủ thật nào mà hắn ung dung “cuỗm” đi 39 triệu với 12 cây vàng.
Quá trình mở rộng chuyên án, đấu tranh với những chuyện mê tín dị đoan, cơ quan công an đã tiến hành triệu tập hàng loạt các “thầy bùa Lỗ Ban” (sẽ giải thích kỹ hơn ở các kỳ sau), “thầy bùa nước lạnh” (vẽ bùa trên nước-PV) khắp vùng Hòn Đất. Đích thân ông Thức đã triệu tập và lấy lời khai ít nhất 7 ông thầy bùa.
Lần đó, anh cùng cán bộ viện kiểm sát, công an xã đến gặp thầy bùa Tư Ngà (ngụ xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Ông Tư Ngà vốn là một thầy bùa có tiếng ở Kiên Giang, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Trước nguy cơ bị bỏ tù như chơi vì “mê tín dị đoan”, ông Tư Ngà mới ra điều kiện: “Nếu tôi chứng minh cho các anh thấy chuyện bùa chú là có thật thì các anh không được bắt tôi nữa”. Cũng tò mò muốn biết thực hư lời đồn đại, các cán bộ liền gật đầu đồng ý. Để đề phòng bị thuốc mê, mấy người còn cẩn thận không uống dù chỉ 1 ngụm nước.
Lúc này, ông Tư Ngà mới thủng thẳng hỏi, các anh muốn tôi cho biến mất cái gì ở đây tôi sẽ cho biến mất cái đó. Nhìn quanh nhà một hồi, anh Thức chỉ vào con gà trống đang nhốt trong chiếc lồng ở trước cửa. Lúc đó trước sự chứng kiến của mọi người, ông Tư Ngà mới thong thả dùng chân nhang họa một lá bùa dán lên cửa, gọi tên các thần linh, âm binh gia tướng, rồi tiếp đó gọi tên Đàm Xuân Thức. “Tức thì, lúc đó tôi thấy đầu tê nhức rồi không tài nào nhìn thấy con gà trong lồng nữa”, ông Thức kể lại.
Khi đó mặc dù đã dụi mắt nhiều lần, nhưng ông Thức vẫn chỉ thấy chiếc lồng trống không. Trong khi đó, những người xung quanh đều khẳng định con gà vẫn ở trong lồng. “Một lát sau đó, ông Tư Ngà đọc tên lần thứ 2 thì tôi giật mình choàng tỉnh như người khỏi cơn mê ngủ”, ông Thức kể tiếp. Nhờ có màn trình diễn “phép thuật” thành công mà dạo đó ông Tư Ngà may mắn không bị đi cải tạo. Chúng tôi ngồi nghe chuyện mà càng lúc càng thấy tò mò trước những câu chuyện đầy màu sắc tâm linh.
Một cán bộ công an của công an tỉnh Trà Vinh (xin được giấu tên) cũng kể một câu chuyện tương tự. Khi ông này đang theo học lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn sâu, một lần ông ta cùng mấy người và một tiến sĩ tâm lý đi xe về vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang) để tìm gặp một thầy bùa. “Trong vai những sinh viên đi tìm hiểu, chúng tôi mới đề nghị ông thầy cho coi thử thuật thôi miên. Không ngần ngại, ông ta nhờ một người trong nhóm ra sau nhà mang vào một thau nước. Mọi người đều nhìn thấy thau nước sờ sờ ở đó nhưng không hiểu sao anh này cứ đi ra đi vào, tìm hoài mà không thấy”, vị công an kể lại.
Lời nguyền độc địa của thầy Chà
Nèm chữa bệnh, bùa che mắt (thuật thôi miên-PV) chỉ là một phần rất nhỏ của những câu chuyện bùa ngải. Tương truyền, điều làm nên sự rùng rợn và đáng sợ nhất của bùa ngải chính là thuật thư ếm, trù ếm. Người bị trù ếm, nhẹ thì làm ăn thất bại, gia đình xào xáo đổ vỡ, nặng thì có thể bệnh tận ốm đau rề rề, thuốc thang mãi không khỏi, để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lời trù ếm có thể có hiệu lực ngay tức khắc hoặc ngấm ngầm trong nhiều năm tháng. Thậm chí có những lời trù ếm ám hại đến vài ba thế hệ.
Trong dân gian miền Tây, các vị lão niên cố cựu vẫn đặc biệt kiêng dè khi nhắc đến phép thư ếm của người Chà. Người Chà hay còn gọi là người Chà Và (là âm của chữ Java) lúc đầu dùng để chỉ người đến từ đảo Java (Inđônêxia), về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngâm ngâm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippine).
Cách đây vài ba chục năm, những thương nhân người Chà đi ghe thuyền khắp vùng sông nước miền Tây bán hàng hóa dạo. “Có một đặc điểm là họ bán hàng cho nợ. Bất kể ở đâu, dù cho không quen biết hay mới lần đầu gặp họ cũng cho nợ. Hẹn ngày trả rồi đến đúng ngày đó họ tới lấy. Nhiều người ham của, tính quỵt nợ là bị ếm liền. Có thể nó không có tác dụng ngay, nhưng kiểu gì mà một thời gian sau cũng bị bệnh. Thế nên dẫu họ cho nợ mà người ta cũng ngại mua đồ lắm”, một lão niên vùng Châu Đốc (An Giang) cho biết.
Để minh chứng cho thuật trù yếm đầy bí ẩn của người Chà, chúng tôi đã tìm về xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Chuyện xảy ra cách đây đã lâu nhưng nhiều người dân ở đây vẫn còn rợn tóc gáy, nổi da gà khi mỗi lần nhắc đến vụ một gia đình vì chót gây thù oán với người Chà mà cả nhà phải mất mạng. Một vị cán bộ xã Phú Hữu cho biết, chuyện bùa Chà có thật hay không thì không dám khẳng định nhưng đúng là có chuyện một gia đình liên tục mắc bệnh rồi qua đời trong thời gian ngắn.
Sự việc bắt đầu từ cái chết của bà Ba Muôn (ngụ ấp Phú Lợi A). Sau bà Ba Muôn, đến người con trai đầu tên Luận. Tiếp đến là người con trai thứ tên Nhì, tên Lợi, đến Út Rồi, đến anh Nhất, anh Việt và gần đây nhất là người con gái tên Nguyễn Thị Tới.
Ngoại trừ anh Nguyễn Văn Luận chết vì bị máy bay bắn khi chưa có vợ, còn tất cả những người còn lại đều chết với cùng một biểu hiện bệnh giống nhau. “Đang khỏe mạnh lao động bình thường thì bỗng dưng bụng cứ thế người bự dần lên. Được vài ba tháng thì bể ra rồi chết. Các cái chết xảy ra liên tiếp, người nọ chỉ cách người kia vài năm”, ông Ba Vinh (79 tuổi, nguyên Bí thư xã Phú Hữu) là hàng xóm và họ hàng với gia đình bà Ba Muôn thuật lại.
Bà Nguyễn Thị Bé Sáu (52 tuổi) thở dài cho biết: “Chồng tôi là ông Nguyễn Văn Lợi qua đời lúc mới 35 tuổi. Ông ấy kêu đau ở bên sườn đi siêu âm thì bác sĩ chuẩn đoán là bị xơ gan. Nhưng điều trị bằng cả thuốc nam lẫn đi bệnh viện đều không khỏi, bệnh 3 tháng thì chết. Trước lúc mấy, ông ấy còn bảo để tiền mà lo cho mấy đứa nhỏ chứ anh không sống được đâu”.
Ba đời lãnh hậu quả?
Sự việc những người trong gia đình ông Ba Muôn liên tiếp qua đời đã gây chấn động cả vùng quê nhỏ bé. Lúc này những người ta lại càng rùng rợn hơn khi phát hiện ra cha đẻ của bà Ba Muôn là ông Sáu Phận, mấy người anh em với bà Ba Muôn là ông Bảy Nhiều, bà Tám Ngọc cũng chết cùng một căn bệnh “bụng bự”. “Tính ra đúng ba đời và tổng cộng đến mười mấy người. Tuy nhiên, giờ đến đời cháu thì không thấy ai bị bệnh như vậy nữa”, ông Ba Vinh tiếp lời.
Những người hiểu chuyện mới liên kết tai ương của gia đình ông Ba Muôn với “lời nguyền” của người Chà từ nhiều năm về trước. Lúc đó là dưới thời Mỹ Ngụy, người Chà vẫn còn phổ biến đi bán hàng dạo. Họ đến tá túc ở nhà ông Bảy Đò (là em ông Sáu Phận). Sau đó xảy ra chuyện ông Bảy nổi máu ghen tuông đã đuổi đi không cho ở nữa thì mấy người Chà lại kéo đến ở nhà ông Sáu Phận. Ở chưa được bao lâu, vào một đêm, những người Chà phát hiện ra mình bị mất vàng nhưng gia đình chủ nhà không thừa nhận mà còn chửi rủa, đánh đập họ và đuổi đi.
Phần mộ mấy anh em chết trẻ trong gia đình ông Ba Muôn |
“Không biết ai lấy và dù sau đó vàng đã được ném ra sân trả lại nhưng trước khi bỏ đi, mấy người Chà vẫn buông lời nguyền độc địa: “Ba đời phải chết”. Sau đó cả xóm sống trong lo âu, sợ hãi suốt một thời gian dài”, ông Ba Vinh kể. Bên cạnh đó, Ông Ba Vinh còn kể thêm về một cuộc tỷ thí vô tiền khoáng hậu giữa một ông thầy Chà với ông thầy Ba Chơn người địa phương.
Theo đó, Ông Ba Chơn là người cũng biết chút ít phép thuật. Đến một lần, ông Chơn mang ra 1 ly nước rồi lấy cây nhang họa bùa trên đó thách ông thầy Chà uống. Không ngờ ông này uống một hơi cạn sạch. Đến lúc sau, ông thầy Chà cũng lấy 1 ly nước rồi lầm rầm đọc thần chú. Tức thì nước trong chén sôi sùng sục. Ông Ba Chơn thấy vậy hoảng sợ lột áo ra lạy không dám uống. Bởi nếu uống thì ông biết chắc chắn sẽ bị dính dao lam vào trong bụng.
Mặc dù vậy, khi được hỏi về lời nguyền của người Chà, vợ và các con cháu trong gia đình ông Ba Muôn đều khẳng định chuyện “thư ếm” chỉ là “tin đồn”. “Mấy anh em đi bệnh viện thì đều được chuẩn đoán là xơ gan nhưng duy chỉ có điều lạ là tất cả đều rất ít uống rượu mà không hiểu sao lại bị bệnh.
Khi chồng tôi bị bệnh, tiền thuốc thang chữa trị đã đẩy gia đình vào cảnh nợ nần nên tôi phải cầm cố mảnh đất, bỏ con ở nhà ngoại rồi lên thành phố làm thuê 3 năm mới về chuộc được đất. Mấy đứa con, đứa nào tôi cũng đem cho người khác nuôi giùm để tránh điều không hay. Chuyện bị người Chà dùng bùa chú, tôi chỉ nghe đồn đại chứ cũng không biết thực hư thế nào”, bà Sáu Bé chia sẻ.
Những người thân trong gia đình cũng cho biết chỉ người vợ ông Ba Muôn và những người con đẻ chết với biểu hiện “bụng bự” còn ông Ba Muôn lại không có biểu hiện như vậy. Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: “Mặc dù bệnh gan không di truyền nhưng lại truyền nhiễm thông qua các đường khác nhau. Nếu như bệnh do viêm gan virus gây nên, thì xơ gan có mang theo truyền nhiễm, khi đó phụ nữ có thai rất dễ lây truyền sang thai nhi. Tuy nhiên để có thể kết luận chính xác thì cần phải tìm hiểu nghiên cứu cụ thể. Cái chết của mười mấy người chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
(Đón đọc kỳ tới: Ly kỳ những người đã chạm “nắp quan tài” vẫn được các thầy bùa cứu sống từ cõi chết)