- Dai dẳng như “virus” 3K
- Cảnh sát là thành viên băng đảng 3K
- Cuộc chiến sống còn giữa người da đen và tổ chức phát-xít "3K"
Bài 1: Sự ra đời của tổ chức 3K
Tám tháng sau khi nội chiến Mỹ kết thúc, ngày 24-12-1865 tại hạt Pulaski, bang Tennessee, 6 sĩ quan cựu binh thuộc quân đội miền Nam đã đứng ra thành lập một tổ chức gọi là Ku Klux Klan (viết tắt là 3K) với chủ trương chống Thiên Chúa giáo, Tin lành, chống người Do Thái, người da màu gốc châu Phi, người đồng tính…, bằng các hình thức khủng bố, bạo lực, đồng thời đề cao chủ nghĩa dân tộc da trắng. vào thời điểm hưng thịnh nhất, 3K có đến 6 triệu thành viên, hoạt động ở 13 bang trên toàn nước Mỹ.
Hiện tại, thế lực của 3K tuy đã suy yếu nhưng nó vẫn là nỗi ám ảnh ngay trong lòng nước Mỹ bởi lẽ vẫn còn một bộ phận những người Mỹ da trắng mang nặng thành kiến với người da màu, nhất là những người da màu thành công trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật…
3K là gì?
Theo các nhà sử học ở Đại học Yale, Mỹ, hai từ đầu tiên của tổ chức 3K "Ku Klux" xuất phát từ chữ "kulos", có nghĩa là "vòng tròn" trong tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho sự thống nhất, hoàn hảo và bí mật. Riêng từ thứ ba "Klan", biến thể từ chữ "clan" nghĩa là bè đảng, phe cánh. Vì thế, 3K còn được gọi bằng một cái tên khác: "Vòng tròn huynh đệ".
Các thành viên 3K thế hệ thứ nhất. |
Ngay khi thành lập, 3K đã nhanh chóng thu hút được một số phần tử cực hữu, chủ yếu ở miền nam nước Mỹ, là nơi có truyền thống kỳ thị người da đen. Trong các buổi họp mặt, các thành viên 3K đều mặc áo choàng trắng, đội mũ trắng có chóp nhọn che kín mặt, chỉ để hở đôi mắt. Họ đốt thập giá, hò hét những khẩu hiệu phân biệt chủng tộc, tổ chức những buổi lễ cầu hồn, công bố những bài thuyết giảng đề cao người da trắng.
Và mặc dù lúc ấy Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn đã tuyên bố bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng người da đen làm các công việc như đầu bếp, đánh xe ngựa, lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo hoặc lao động trong các nông trại của người da trắng - là thành viên của tổ chức 3K - vẫn bị đối xử tàn tệ.
John W. Morton, cựu binh miền nam, người đứng đầu chi nhánh 3K ở hạt Nashville, bang Tennessee năm 1866 đã phát biểu: "Chúng tôi bỏ tiền mua bọn Negro (chữ dùng để chỉ người da đen theo nghĩa khinh miệt) nên bọn Negro phải làm việc cho chúng tôi. Nếu Abraham Lincohn muốn giải phóng bọn nó thì ông ấy hãy trả lại tiền cho chúng tôi. Ngày nào chúng tôi chưa nhận được tiền, ngày đó bọn Negro vẫn phải nghe theo lệnh…".
Cũng cần nói thêm rằng cuộc nội chiến ở Mỹ kéo dài từ tháng 4-1861 đến tháng 4-1865 với hậu quả 620 nghìn người chết, gần 2 triệu người bị thương sau khi Abraham Lincoln trở thành tổng thống. Nó xuất phát từ những mâu thuẫn giữa một bên là những người ủng hộ chế độ nô lệ ở miền nam, đứng đầu là tướng Lee và những người chủ trương giải phóng nô lệ ở miền Bắc, đứng đầu là tướng Grant. Nội chiến chỉ kết thúc khi quân miền Bắc chiếm được Richmond, thủ đô của miền Nam, tướng Lee đầu hàng.
Năm 1867, chỉ hơn 1 năm sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Nathan Bedford Forrest, một lái buôn nô lệ da đen, từ những buổi hội họp mang tính lý thuyết, 3K chuyển sang hành động.
Thoạt đầu họ nhắm đến những gia đình người da đen sống riêng rẽ, biệt lập với cộng đồng. Trên lưng ngựa, những nhóm 3K đuốc cháy phừng phừng trên tay, nửa đêm ập đến đốt nhà, đánh đập dã man những người trong nhà - kể cả phụ nữ lẫn trẻ em. Dần dà, hình thức này xuất hiện một cách quy mô, ồ ạt.
Có đêm, hàng chục căn nhà của người da đen bị đốt phá, một số người chống cự bị giết chết. Và bởi vì tất cả thủ phạm đều đội mũ trùm kín mặt mày bằng vải trắng nên chính quyền không biết họ là ai (?!) Theo các nhà sử học tại Đại học Yale, Mỹ, chỉ trong 3 năm 1867 - 1869, ở các bang miền nam như Alabama, Tennessee, Mississippi, Georgia, Louisiana, Missouri, Kentucky…, đã xảy ra hơn 2.800 vụ 3K tấn công người da đen, đốt cháy, phá hủy khoảng 1.600 căn nhà, giết chết 679 người và làm bị thương gần 1.000 người khác. Tất cả thủ phạm đều không ai bị đưa ra tòa.
Trước tình hình ấy, năm 1870, Chính phủ Liên bang đã ban hành "Luật Cưỡng chế" nhằm bảo vệ quyền của người Mỹ da màu. Luật này cho phép Chính phủ Liên bang can thiệp khi chính quyền các bang không hành động để bảo vệ quyền này. Mục tiêu chính của Luật Cưỡng chế là nhắm vào tổ chức 3K bằng các biện pháp hình sự.
Và mặc dù gặp phải không ít sự chống đối của những thành viên 3K thuộc đảng Dân chủ đang nắm giữ các chức vụ trong chính quyền bang, liên minh chống lại những nghị quyết của các nghị sĩ đảng Cộng hòa về vấn đề 3K, thậm chí yêu cầu bãi miễn chức vụ của các nghị sĩ ấy nhưng cuối cùng, Luật Cưỡng chế vẫn phát huy tác dụng bởi nó được sự ủng hộ của tất cả người Mỹ da đen và phần lớn người Mỹ da trắng ở miền Bắc. Mỗi khi bị tấn công hoặc bạo hành gây ra bởi 3K, họ lập tức làm đơn tố cáo thay vì im lặng chịu đựng.
Nỗi ám ảnh Colfax
Năm 1871, Chính phủ Liên bang ra tiếp một luật nữa, gọi là Luật Ku (viết tắt của Ku Klux Klan). Trong luật này, các thành viên 3K chỉ cần đe dọa người da đen bằng bất kỳ hình thức nào cũng đều bị xem là tội phạm cấp liên bang. Phản ứng lại nhằm thể hiện sức mạnh của mình, ngày 13-4-1873, đúng vào lễ Phục sinh, một nhóm 300 thành viên 3K vũ trang bằng súng trường đã tấn công một làng da đen tại hạt Colfax, bang Louisiana, giết chết 150 người, được gọi là vụ thảm sát Colfax.
Luật sư tiến bộ Martin Luther King là một trong những mục tiêu của tổ chức cực đoan 3K. |
Ngày 14-4, theo lệnh của Thống đốc bang Louisiana là Kellogg, quân đội liên bang tiến hành lùng bắt các thủ phạm nhưng phần lớn đã bỏ trốn sang bang Texas hoặc ẩn náu trong những khu rừng rậm.
Sau nhiều tuần lễ truy tìm, quân đội liên bang bắt được 94 người da trắng, tất cả đều là thành viên 3K, trực tiếp tham gia vụ thảm sát Colfax. Bị đưa ra tòa và bị tòa án liên bang cáo buộc 16 tội danh nhưng chủ tọa phiên tòa là chánh án Joseph Bradley - người da trắng - đã cho rằng không có bằng chứng cụ thể để buộc tội vì không một nạn nhân còn sống nào nhận diện ra họ. Được trả tự do, 94 thủ phạm nhanh chóng biến mất.
Tiến hành kháng cáo, Chính phủ Liên bang nhận được câu trả lời từ Tòa án tối cao rằng Luật Cưỡng chế "chỉ áp dụng cho chính quyền bang trong trường hợp chính quyền ấy không hành động để bảo vệ các quyền của người da đen, chứ luật không áp dụng đối với các hành động của cá nhân hoặc của những nhóm cá nhân riêng rẽ…".
Mãi đến khi Quốc hội Liên bang với các nghị sĩ là người miền bắc thuộc đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế, đạo luật thứ ba mới được ban hành vào năm 1876, nội dung quy định cụ thể việc xử lý hình sự tổ chức 3K nếu họ cố ý tấn công người da đen - kể cả tấn công tinh thần - thì 3K bắt đầu lùi vào bóng tối. Các nhà sử học gọi đó là "3K thế hệ thứ nhất".
3K thế hệ thứ hai
Nằm im suốt 39 năm, giai đoạn ấy hoạt động của 3K chủ yếu chỉ âm thầm tổ chức những buổi hội họp để củng cố tinh thần và tuyển mộ nhân lực. Cũng như 3K thế hệ thứ nhất, họ đều mặc quần áo trắng, đội mũ vải trắng hình chóp che kín mặt nhưng trên ngực áo có biểu tượng là một vòng tròn màu đỏ, tượng trưng cho "Ku", chính giữa có một chữ thập trắng nằm nghiêng, tượng trưng cho "Klux".
Trên nền chữ thập là một hình thoi, giữa có một chấm, tất cả đều màu đỏ, tượng trưng cho "Klan". Thành viên 3K phải thề giữ bí mật về cá nhân mình cũng như bí mật cho những thành viên khác. Các thành viên chỉ có thể nhận ra nhau ở ngoài đời bằng cách hỏi tắt: AYAK (Are You a Klans - Bạn là người của Klans?). Nếu người được hỏi trả lời cũng bằng cách nói tắt: AKIA (A Klansman I am - Tôi là người của Klans) thì xem như họ là chiến hữu.
Một số thành viên 3K trong cuộc tụ tập tại Bắc Carolina. |
Cũng để giữ bí mật, 3K thế hệ thứ hai quy ước một số chức danh trong tổ chức, tất cả đều bằng chữ K, chẳng hạn như Klabee nghĩa là thủ quỹ, Klavern là tổ chức 3K ở địa phương, Kleagle là người chuyên làm công việc tuyển dụng thành viên mới, Klecktoken là người có trách nhiệm nhận tiền đóng góp của các thành viên.
Kligrapp là thư ký. Klonvocation là người thu thập thông tin, Kloran chuyên lo về các nghi lễ. Kloreroe là đại biểu cấp cao. Kludd là người thuyết giảng các quy tắc của tổ chức. Riêng nhân vật chỉ huy cao cấp nhất của 3K được gọi là Wizard, còn tất cả những người phụ trách an ninh trong nội bộ 3K đều được gọi là Night Hawk.
Năm 1915, thế hệ thứ hai của 3K, lãnh đạo bởi một cựu binh miền nam là đại tá William J. Simmons, bắt đầu hoạt động công khai ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Đến năm 1921, dưới sự chỉ huy của Edward Y. Clarke và Elizabeth Tyler, 3K trả lương cho những Kleagle (người làm nhiệm vụ tuyển mộ thành viên mới).
Tiền ấy thu được từ những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp như buôn rượu lậu, cá cược đua ngựa, sòng bài, bán đồng phục, huy hiệu cùng các ấn phẩm tuyên truyền cho những cá nhân mới gia nhập 3K hoặc những người có cảm tình với 3K. Theo các nhà sử học ở Đại học Yale, đây là giai đoạn mà 3K phát triển mạnh nhất, từ các đô thị đến những vùng nông thôn hẻo lánh ở các bang miền nam. Tại những thành phố lớn, các "Kludd" công khai thuyết giảng chủ đề "Một trăm phần trăm chủ nghĩa Mỹ"...
Năm 1926, 3K đạt đến con số 6 triệu thành viên, hoạt động ở 13 bang trên toàn nước Mỹ. Bạo lực cũng bắt đầu tái xuất hiện, nhắm vào người Mỹ gốc châu Phi. Vẫn với bài bản cũ là đốt nhà, đánh đập - thậm chí thiêu sống những ai dám chống lại, phá hoại mùa màng, tàn sát gia súc, 3K một lần nữa lại trở thành mối kinh hoàng cho cộng đồng người da đen sau hơn 30 năm yên ả.
Theo sử gia Elaine Frantz Parsons, Khoa Chính trị Kinh tế học, Đại học Yale, mặc dù 3K vẫn thường tuyên bố rằng hội viên của họ gồm toàn "những công dân da trắng có tư cách" nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Trong một tiểu luận nghiên cứu về tổ chức 3K xuất bản năm 2016, Parsons viết: "Hội viên của 3K mang rất nhiều đặc điểm khác nhau, không thống nhất. Nếu cởi bỏ cái mũ trùm đầu ra thì đó là một tập thể bát nháo với vô số những kẻ ghét người da đen, những nông dân da trắng nghèo bất mãn, những tàn quân thời nội chiến, những thanh niên trẻ tuổi mắc chứng vĩ cuồng, những công nhân da trắng luôn lo sợ sự cạnh tranh từ những đồng nghiệp da đen, những tên buôn lậu, những băng cướp của, hiếp dâm và cả những kẻ trộm vặt… Tất cả đều bị "chủ nghĩa da trắng" mê hoặc, biến 3K thành nỗi ám ảnh ngay trong lòng nước Mỹ".
(Còn tiếp)