- 1. Cấu tạo của lưỡi
- 2. Mặt dưới lưỡi có sợi thịt là bệnh gì?
- 3. Phải làm gì khi dưới lưỡi có sợi thịt thừa?
- 4. Cách điều trị
- 5. Chăm sóc tại nhà cho các vấn đề về lưỡi
1. Cấu tạo của lưỡi
Lưỡi là một cơ quan dựa trên cơ nằm trên sàn miệng và đi ngược vào yết hầu. Nó được gắn vào hàm, xương lồi ở cổ và hộp sọ, kéo dài ra phía sau xa hơn những gì có thể nhìn thấy bên trong miệng.
Lưỡi là cơ quan mà con người và nhiều loài động vật khác sử dụng để giúp nhai và nuốt thức ăn. Việc di chuyển lưỡi của chúng ta so với vòm miệng và răng cũng rất quan trọng đối với khả năng nói. Bao bọc bên ngoài của lưỡi bao gồm một niêm mạc ẩm ướt. Phần trên cùng chứa các nhú nhỏ, các chấm nhỏ cung cấp kết cấu thô ráp cho lưỡi. Những nhú này chứa các chồi vị giác cho phép nếm thức ăn.
Một cái lưỡi của con người có thể có 2.000 - 8.000 vị giác, được phân thành ba loại . Những chồi vị giác này chứa các tế bào kích hoạt để phát hiện các mùi vị khác nhau. Tùy thuộc vào chức năng của chúng, các chồi vị giác có hình dạng khác nhau và nằm trên các vùng khác nhau của lưỡi.
Tuy nhiên những hiện tượng ở dưới lưỡi mà chúng ta hay gặp phải như dưới lưỡi nổi cục thịt hay dưới lưỡi có tua thường khiến chúng ta rất chủ quan và hầu như không để ý đến tình trạng này trừ khi nặng hơn gây đau. Nhiều vấn đề về lưỡi thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi các triệu chứng có thể xảy ra do một tình trạng tiềm ẩn.
2. Mặt dưới lưỡi có sợi thịt là bệnh gì?
Một số bệnh gây ra tình trạng nổi sợi thịt thừa ở dưới lưỡi có thể kể đến như:
- U nhú lưỡi: Nhú là những phần nhô lên nhỏ trên lưỡi có chứa các chồi vị giác. Bốn loại nhú là dạng sợi, dạng nấm, dạng lá và dạng tròn. Ngoại trừ dạng sợi, những nhú này cho phép chúng ta phân biệt giữa các hương vị ngọt, mặn, đắng, chua.
Thường các u nhú lưỡi này mang tính chất lành tính và không gây nguy hại đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên những u nhú này thường bị loét, gây chảy máu nên nó cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lí của người bệnh.
- U nang bạch huyết: Những u nang mềm màu vàng này thường xuất hiện bên dưới lưỡi. Nguyên nhân của chúng không rõ ràng. Các u nang là lành tính và có thể được phẫu thuật cắt bỏ.
- Bệnh sùi mào gà: Một trong những nguyên nhân rất điển hình của tình trạng dưới lưỡi có thịt dư thừa là dấu hiệu của bệnh sùi mào gà. Đây là căn bệnh xã hội lây truyền chủ yếu qua đường tình dục quan hệ nam nữ không an toàn.
Bệnh sùi mào gà có thời gian ủ bệnh từ 2 - 9 tháng tùy vào thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên với một số trường hợp có thể trạng kém thì bệnh sẽ phát ra bên ngoài sau vài tuần bị bệnh (với các nốt sùi trong miệng hầu như cả nam và nữ đều bị nếu sử dụng miệng tiếp xúc với các bộ phận sinh dục của người khác hoặc hôn môi)
Triệu chứng ban đầu của người bệnh là thấy xuất hiện các nốt mềm, nhỏ li ti, bên trong có dịch. Các nốt này có thể ở khoang miệng, cuống lưỡi, dưới lưỡi hoặc trên lưỡi và theo thời gian các nốt sùi này sẽ phát triển nhiều hơn, lan rộng ra tạo thành từng mảng như hoa mào gà hoặc súp lơ.
Nguyên nhân chủ yếu là do quan hệ bằng miệng, ôm hôn. Một số nguyên nhân còn lại có thể dẫn đến bệnh sùi mào gà ở miệng là dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng hay ăn uống… Đây là bệnh hết sức nguy hiểm và rất dễ truyền bệnh khi tiếp xúc. Chính vì thế mà người bệnh không nên chủ quan, cần phải lưu ý và nhanh chóng đi khám nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường
- Ung thư miệng, ung thư lưỡi
Hầu hết các vết sưng ở lưỡi đều không nghiêm trọng, tuy nhiên có thể một số là ung thư. Các nốt ung thư thường xuất hiện ở hai bên lưỡi. Loại ung thư phát triển nhất trên lưỡi là loại ung thư biểu mô tế bào vảy.
Ung thư miệng lưỡi xuất hiện ở phần trước của lưỡi. Khối u có thể có màu xám, hồng hoặc đỏ. Chạm vào nó có thể gây chảy máu.
Ung thư cũng có thể xảy ra ở phía sau của lưỡi. Nó có thể khó phát hiện hơn vì ban đầu không có cảm giác đau nhưng dần dần trở nên đau đớn khi nó tiến triển.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do nhiễm vi rút HPV, vệ sinh răng miệng kém, do hút thuốc đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nếu nghi ngờ ung thư, người bệnh nên đến gặp bác sĩ, bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư.
Đọc thêm:
- Lưỡi bị trắng do đâu? Gợi ý 7 cách làm sạch lưỡi bị trắng hiệu quả
- Đau rát lưỡi là bệnh gì? Có phải dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm?
3. Phải làm gì khi dưới lưỡi có sợi thịt thừa?
Người bệnh khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường như nổi mụn ở lưỡi, dưới lưỡi, cuống lưỡi, vòng họng,... thời gian đầu mọc rải rác với những màu hồng, đỏ hay trắng nhưng sau đó lại hình thành nên các mảng lớn khiến cho người bệnh có cảm giác đau rát, chán ăn, ngứa ngáy khó chịu mà không muốn tiếp xúc với người khác thì đó là dấu hiệu của bệnh sùi mào gà.
Nếu tình trạng này mà không được khắc phục kịp thời nó có thể lan sang khu vực khác và nếu nó xuất hiện ở bộ phận sinh dục có thể dẫn đến gây vô sinh (đối với phụ nữ có thể gây sinh non hoặc sảy thai…).
Do đó, khi người bệnh nhận thấy có thịt dư thừa ở dưới lưỡi cùng với những dấu hiệu bất thường thì không nên chủ quan mà phải tiến hành thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân và có những biện pháp khắc phục, điều trị theo phác đồ phù hợp để sức khỏe của người bệnh được đảm bảo hơn.
4. Cách điều trị
Để điều trị mặt dưới lưỡi có sợi thịt thừa thì trước hết người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Đối với tình trạng thịt thừa ở dưới lưỡi bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống thuốc tây để điều trị. Trong trường hợp điều trị cho bệnh nhân không thấy hiệu quả thì có thể sử dụng phương pháp áp dụng công nghệ ánh sáng sinh học cùng các loại thuốc đông tây y để điều trị bệnh.
5. Chăm sóc tại nhà cho các vấn đề về lưỡi
Chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc giảm bớt một số vấn đề về lưỡi bằng cách thực hành vệ sinh răng miệng tốt như đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Đồng thời đến gặp nha sĩ để được kiểm tra và làm sạch định kỳ.
Ngoài ra, tránh các thói quen có hại như hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, nhai trầu, hoặc uống rượu có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư lưỡi và các loại ung thư miệng khác.
Nguồn tham khảo:
1. What Are Those Bumps on My Tongue?
2. Transient lingual papillitis
3. Common Tongue Conditions in Primary Care