“Cứ thấy trẻ sơ sinh bỏ bú, sốt, ngủ li bì hoặc khóc ngằn ngặt, sờ thóp thấy có đường khớp mở rộng... là người dân cho rằng trẻ bị “mở khoá đầu” và mời thầy lang về đốt ngải hoặc đắp thóp. Đây là quan niệm sai lầm, cần phải thay đổi trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh” - bác sĩ nội trú Nguyễn Thu Hà, Phụ trách Khoa Nội nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khẳng định.
Đường mở khóa đầu. (Ảnh minh hoạ) |
Bác sĩ Hà cho biết: Khoa Nội nhi - Sơ sinh đã tiếp nhận không ít trẻ sơ sinh phải vào viện cấp cứu sau khi tự chữa “mở khoá đầu” theo bài thuốc dân gian của các thầy lang. Điển hình như trường hợp bé Nguyễn Thị H. (trú tại xã Hải Tiến, TP Móng Cái). Sau sinh 4 ngày, bé không ăn, ngủ li bì nhiều tiếng. Gia đình nghi bé bị “mở khoá đầu” nên mời thầy lang về đắp thuốc (mật ong và địa liền) nhưng không đỡ. Bé phải vào viện cấp cứu vì bỏ ăn, da khô, không đi tiểu tiện. Các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chẩn đoán bé H. bị nhiễm khuẩn sơ sinh. Sau 1 tuần điều trị, bé khỏi bệnh và được ra viện.
“Mở khoá đầu” từ lâu đã được người dân dùng để chỉ một căn bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là những đứa trẻ mới sinh được vài ngày, bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì; phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu, giống như bị tách ra. Quan niệm về “mở khoá đầu” thường được người dân ở Bắc Giang, Quảng Ninh lưu truyền bởi đây là hai địa phương thường có trẻ em mắc phải. Khi gia đình có con bị bệnh, mọi người thường chữa theo cách dân gian như đốt ngải (đốt lá ngải khô, hơ vào huyệt trên cơ thể trẻ sơ sinh); đắp thuốc vào thóp v.v..
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hà, việc đốt ngải, đắp thuốc như vậy rất nguy hiểm bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu điều trị không đúng cách rất dễ dẫn đến xuất huyết não, giãn thành mạch. Việc trẻ đang ngủ li bì, khi đắp thuốc, đốt ngải trẻ sẽ tỉnh và khóc có thể là do phản xạ tự nhiên của trẻ mà thôi. Qua tìm hiểu gia đình các bệnh nhi có con nhập viện vì nhờ thầy lang chữa “mở khoá đầu” được biết, có một số thầy lang không ngại tuyên truyền về bệnh “mở khoá đầu” cũng như quảng bá “tay nghề” của mình trong chữa trị bệnh này. Người nọ truyền tai người kia, những lời đồn thổi, thêm thắt của người dân về căn bệnh này càng khiến nó trở nên bí hiểm, kì lạ trong mắt nhiều người, nhất là với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, dân trí còn hạn chế.
Lý giải hiện tượng được coi là “mở khoá đầu”, bác sĩ Nguyễn Thu Hà khẳng định: “Trong y văn không hề có bệnh nào gọi là “mở khoá đầu”. Trẻ sơ sinh có các biểu hiện trên có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như viêm não, viêm màng não, rối loạn tiêu hoá. Để xác định nguyên nhân vì sao trẻ bị như vậy, các gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị sớm; tránh việc sau khi chữa bằng kinh nghiệm dân gian không khỏi mới đưa đi Bệnh viện thì đã muộn. Bác sĩ Hà cũng khuyên người dân nên thay đổi cách nhìn nhận sai lầm về căn bệnh “mở khoá đầu” và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, chữa trị một cách khoa học, hiệu quả.
Hoàng Nhi[links()]