Mới đây, Quỳnh Trần JP thông báo đã mang thai lần 2 ở tuổi 39. Ở lần mang thai này, cô đã thực hiện phương pháp IVF để tìm con. Được biết trước đó, khi kiểm tra sức khỏe, vlogger ẩm thực đã được chẩn đoán tắc một bên buồng trứng. Bên cạnh đó, chỉ số chỉ số AMH (khả năng dự trữ buồng trứng) chỉ đạt 1,6. Với tình trạng này, Quỳnh Trần JP được khuyên nên thực hiện IVF để tăng khả năng thụ thai.
Hình ảnh que thử thai được Quỳnh Trần đăng tải.
Trên trang cá nhân, Quỳnh Trần lên tục cập nhật thông tin về quá trình làm IVF - thụ tinh trong ống nghiệm. Từ việc tiêm kích trứng, thụ tinh nhân tạo, chuyển phôi vào tử cung, thử thai với que test… Trong một bài được đăng tải vào ngày 12/7, nữ vlogger cũng bày tỏ niềm hạnh phúc của cô là mỗi ngày được nhìn thấy que thử thai đậm lên.
Biểu cảm “lạ” của ông xã người Nhật…
Nhiều fan hâm mộ đã lên tiếng bênh vực.
Khi biết mình đã chuyển phôi thành công, Quỳnh Trần đã dành cho ông xã một món quà bất ngờ. Cô gói ghém que thử thai vào một hộp quà và xem phản ứng từ chồng. Ông xã người Nhật liên tục hỏi vợ “thật hả” và cho hay nếu có thêm con sẽ vui nhưng vất vả hơn, đồng thời cũng cho biết không quan trọng em bé là trai hay gái. Trước nhiều bình luận cho rằng thái độ của ông xã Quỳnh Trần JP không được vui cho lắm, một bình luận đã lên tiếng bênh vực: “Chúc mừng Quỳnh, ông chồng vui lắm, mình theo dõi Quỳnh lâu rồi nên biết ông chồng này hay ngại và không biết diễn thôi, chứ trong lòng vui lắm nha”. Bình luận bênh vực này cũng đã nhận được nhiều lời đồng tình từ phía fan hâm mộ.
Quỳnh Trần cũng tặng món quà này cho bố mẹ chồng nhưng cái kết thật bất ngờ.
Sau “món quà” đặc biệt dành tặng chồng, Quỳnh Trần JP cũng về thăm bố mẹ chồng và tặng cho cả hai “món quà” tương tự. Tuy nhiên, nữ vlogger đã khiến nhiều người dở khóc dở cười khi quay cảnh bố mẹ chồng tưởng cô mắc… Covid-19.
Gia đình Quỳnh Trần hiện sinh sống tại Nhật Bản.
Cũng trong video chia sẻ niềm vui mang thai, bà mẹ nổi tiếng tiết lộ quá trình sinh bé Sa - con đầu lòng, bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung giúp thụ thai) nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đến khi thực hiện IUI lần thứ 4, Quỳnh Trần mới thụ thai bé Sa thành công. Trong suốt quá trình mang thai, cô làm việc mỗi ngày 10 tiếng đồng hồ và liên tục vận động để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh hơn.
Quỳnh Trần JP là một youtuber gốc Việt đang sinh sống ở Nhật. Cô là một trong những vlogger ẩm thực hàng đầu, có nhiều video đạt view và đã nhận được nút Vàng của YouTube.
Các dấu hiệu chuyển phôi thành công trong IVF
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization - IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hữu ích cho những trường hợp người vợ hiếm muộn. Chuyển phôi là một thủ thuật vô cùng quan trọng nằm trong quy trình IVF. Đây là kỹ thuật đưa phôi thai sau khi nuôi cấy vào tử cung người mẹ để phát triển thành thai nhi. Phôi thai này có thể nuôi đến ngày 3, ngày 5; là phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh được tạo ra từ chu kỳ trước đó.
Thông thường, thủ thuật chuyển phôi sẽ được thực hiện vào ngày 18 - 20 của chu kỳ kinh nguyệt, khi niêm mạc tử cung của người mẹ đã đạt được độ dày chuẩn (9 - 10mm), đồng thời sức khỏe mẹ tốt, sẵn sàng cho việc mang thai.
Khoảng 14 ngày sau chuyển phôi tươi hoặc phôi trữ lạnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone Beta HCG (gọi tắt là đo Beta) nhằm kiểm tra xem phôi có làm tổ thành công hay không.
Tuy nhiên, bạn có thể chú ý những dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi để có bước chuẩn bị và chăm sóc thai kỳ thật tốt ngay từ những ngày đầu tiên:
Sau chuyển phôi 1 ngày: bạn có thể buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, cứ 2 - 3 tiếng lại buồn tiểu.
Sau chuyển phôi 2 ngày: về cơ bản bạn không gặp triệu chứng gì. Nếu nhạy cảm, bạn có thể thấy hơi đau ở đầu vú và còn cảm giác mót tiểu.
Sau chuyển phôi 3 - 5 ngày: Giai đoạn này rất quan trọng bởi đây là lúc phôi tìm nơi làm tổ. Chính vì thế, bạn cần đi lại và vận động nhẹ nhàng hơn bình thường, hạn chế tối đa việc leo cầu thang, nằm nghỉ ngơi nhiều hơn.
Sau chuyển phôi 6 ngày: Đến ngày thứ 6, bạn có thể vẫn còn triệu chứng đau lâm râm vùng bụng.
Sau chuyển phôi 7 ngày: Bạn có thể bị đau đầu và mệt mỏi, thậm chí bị sốt từ ngày thứ 7 sau chuyển phôi. Lúc này bạn cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Sau chuyển phôi 8 ngày: Vào những ngày này, bạn có thể thấy đói và ăn ngon miệng, ăn nhiều hơn, tuy nhiên cũng có thể kén ăn, ăn không ngon miệng vì mệt mỏi.
Sau chuyển phôi 9 - 10 ngày: Bước sang ngày thứ 9, thứ 10 sau chuyển phôi, có thể bạn sẽ gặp các triệu chứng như buồn nôn kèm theo khó thở, chóng mặt, nhưng cũng có thể cơ thể bình thường, không xuất hiện triệu chứng gì.
Sau chuyển phôi 11 - 13 ngày: Hầu hết bệnh nhân đều dùng que thử thai ở thời điểm này vì tin rằng kết quả khá chính xác. Tuy nhiên, trong thời gian này bệnh nhân có sử dụng thuốc nội tiết nên có thể cho kết quả dương tính giả. Do đó, khuyến khích bệnh nhân không nên vội vàng thử que vào thời điểm này để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần.
Sau chuyển phôi 14 ngày: Đến ngày thứ 14 sau chuyển phôi, bạn sẽ được hẹn đến trung tâm để xét nghiệm máu đo Beta HCG. Nếu nồng độ Beta HCG ở mức cao hơn 25 mIU/ml có nghĩa là có thai. Vì nồng độ HCG ở giai đoạn đầu thai kỳ tăng rất nhanh, thông thường nồng độ HCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 48 - 72 giờ. Do đó, nếu sau 2 ngày đo lại nếu nồng độ Beta HCG tăng khoảng từ 1,5 lần trở lên thì chứng tỏ thai đang phát triển tốt. Trường hợp nồng độ Beta HCG tăng thấp, có kèm theo các dấu hiệu bất thường như đau bụng âm ỉ kéo dài, xuất huyết âm đạo… có nghĩa là phôi thai đang thoái triển, khả năng giữ được thai thấp.