Những con khủng long bạo chúa dữ tợn và loài sauropod với cái cổ cao chọc trời đã biến mất từ lâu, nhưng bạn có biết khủng long vẫn đang tiếp tục tồn tại và sống rất vui vẻ cùng với con người? Tất nhiên, chúng tôi đang nói đến những chú chim, hẳn nhiều người vẫn chưa hoàn toàn tin vào điều này.
Đừng hiểu nhầm nhé, chim chính là khủng long, không phải là một nhánh tiến hóa từ khủng long. Tất cả các khủng long không phải chim đã bị tuyệt chủng sau cuộc xóa sổ hàng loạt các loài động vật trên Trái Đất từ 66 triệu năm trước. Tuy nhiên, một số loài chim, có khả năng là những loài chim sống trên mặt đất, đã sống sót và chúng nhanh chóng chiếm trọn không gian sống khi những người họ hàng của chúng không còn nữa.
Ảnh: ;Benjamin Currie
"Những chú chim nhỏ bé hót tíu tít bên ngoài cửa sổ chính là những chú khủng long còn sót lại đến ngày nay", Adam Smith, người phụ trách tại Bảo tàng Địa chất Campbell của Đại học Clemson, giải thích trong một email. "Chim chỉ là một loài khủng long. Nếu nói rằng ‘chim là hậu duệ của khủng long' chẳng khác nào nói ‘con người là hậu duệ của động vật có vú'. Nói một cách đơn giản, tất cả loài chim là khủng long, nhưng không phải tất cả khủng long đều là chim".
Việc chim có liên hệ với khủng long không phải là một thông tin quá mới. Vào cuối thế kỷ thứ 19, nhà tự nhiên học người Anh tên Thomas Henry Huxley đã mạnh dạn đưa ra đề xuất rằng chim tiến hóa từ khủng long. Nhà báo khoa học Riley Black viết vào năm 2010 rằng ý tưởng của Huxley về nguồn góc loài chim "không phải là một sự mong chờ phù hợp với kiến thức hiện tại của chúng ta", nhưng Huxley là một nhà giải phẫu học có nhiều kinh nghiệm, hẳn ông đã tìm ra điều gì đó.
Thật vậy, kể từ đó, các nhà khoa học đã xác định một loạt các đặc điểm tương đồng giữa chim và khủng long trong cây phát sinh loài. Kate Lyons, phó giáo sư tại Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Nebraska, cho biết "không có bằng chứng đơn lẻ hiển nhiên" cho phép các nhà cổ sinh vật học kết luận chim là khủng long, nhưng lại có "rất nhiều bằng chứng khác nhau" đều đưa đến cùng một kết luận nói trên, cô trả lời trong một email.
Chú chim chích chòe than này không ngại khi được gọi là khủng long đâu (Ảnh: U.S. Fish and Wildlife Service)
Nhà cổ sinh vật học Steven Brussatte tại Đại học Edinburgh giải thích rằng chúng ta biết chim là khủng long nhờ áp dụng những lý luận tương tự như khi kết luận dơi là động vật có vú.
"Đúng vậy, chính là những chú chim nhỏ bé, có lông, có cánh và biết bay, nó khác so với hình ảnh về loài khủng long mà chúng ta thường mô tả", ông trả lời qua email. "Tương tự, dơi là động vật có vú, dù chúng nhỏ, có cánh và biết bay, nó không hề giống với một con chó, con voi hay một loài động vật linh trưởng nào đó, dù sao thì nó vẫn là động vật có vú".
Thật vậy, dơi có nhiều đặc điểm chỉ có ở động vật có vú, như lông, răng hàm, ba chiếc xương tai nhỏ và khả năng nuôi con bằng sữa mẹ. Tương tự, chim cũng có những đặc tính chỉ có ở khủng long chân thú, Brussatte giải thích.
Như lông vũ chẳng hạn.
Hãy nhìn chú khủng long này, cụ thể là một chú bìm bịp nâu (Ảnh: NOAA/NMFS/OPR)
Thật vậy, dù không có bằng chứng đơn lẻ nào khẳng định chim là khủng long, ngoài trừ sự xuất hiện của lông vũ có lẽ là bằng chứng "hiển nhiên" nhất. Thông tin từ hóa thạch cho thấy có nhiều loài khủng long không phải chim có lông vũ, và vì lông vũ là đặc trưng của chim nên các nhà khoa học có thể liên kết chúng lại với nhau, chúng đều là khủng long.
Những người còn hoài nghi có thể cho rằng sự xuất hiện của lông vũ ở cả chim và khủng long không phải chim là kết quả của quá trình tiến hòa hội tụ, trong đó, các tính trạng tương tự nhau xuất hiện ở các loài độc lập, không liên quan đến nhau. Smith cho rằng quá trình tiến hóa hội tụ không giống với trường hợp này vì "nhiều loài khủng long không phải chim được tìm thấy với những chiếc lông vũ chính là những loài đã được đặt giả thuyết hoàn toàn độc lập rằng có họ hàng gần với loài chim", trong đó có Velociraptors và Sinosauropteryx.
Mô phỏng khủng long Velociraptors mongoliensis (Ảnh: Fred Wierum)
Smith cho biết thêm rằng "Lông vũ là thứ có cấu trúc phức tạp đến kỳ quặc, trong khi đó tiến hóa hội tụ thường dẫn đến những cấu trúc tương tự nhau với vẻ bề ngoài khá giống nhau, thậm chí là giống từ đầu đến chân, nhưng không có bất kỳ ghi chép nào cho thấy tiến hóa hội tụ có thể sao chép cấu trúc phức tạp và có độ chính xác đến vậy".
Phát sinh chủng loài học - môn khoa học nghiên cứu về mối quan hệ tiến hóa giữa các loài - cung cấp thêm một số bằng chứng cho luận điểm chim là khủng long. Andre Rowe, nghiên cứu sinh tại Trường Khoa học Trái Đất thuộc Đại học Bristol, giải thích rằng các nhà cổ sinh vật học không thể trích xuất và phân tích DNA của các loài khủng long cổ đại (như các nhà khoa học trong bộ phim Công viên kỷ Jura đã làm), nhưng họ có thể kiểm nghiệm những đặc điểm chính được chia sẻ giữa các loài thông qua bộ xương và giải phẫu chúng. Dựa trên những đặc điểm đó, các nhà khoa học "có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng chim thuộc loài khủng long chân thú", trong đó có các loài khủng long ăn thịt như T-rex, Allosaurus hay Compsognathus, Rowe cho biết. Điều quan trọng là bộ xương của khủng long chân thú và chim cho thấy "không có sự thay đổi đột ngột trong mối quan hệ tiến hóa của chúng, thay vào đó là một quá trình chuyển đổi suôn sẻ qua hàng triệu năm", ông nói thêm.
"Quay ngược thời gian, chúng tôi có thể truy ngược sự tiến hóa trong cấu tạo cơ thể cơ bản của chim trở về một số loài khủng long thời kỳ đầu tiên", Kristi Curry Rogers, nhà cổ sinh vật có xương sống học tại Đại học Macalester ở Minnesota, trả lời trong một email. "Cũng giống như khủng long, chim đi lại bằng hai chân ngay bên dưới cơ thể và khủng long cũng giúp chim có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn".
Bộ xương của khủng long bạo chúa, bên cạnh là bộ xương của khủng long Triceratops tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Los Angeles (Ảnh: Matthew Dillon)
Holly Woodward Ballard, phó giáo sư cổ sinh vật học và giải phẫu học tại Đại học Oklahoma, cho rằng "Chúng ta biết chim là khủng long vì chúng có nhiều đặc điểm tương đồng với những loài khủng long đã tuyệt chủng hơn bất kỳ nhóm sinh vật còn tồn tại nào".
Có rất nhiều đặc điểm khác có thể cân nhắc như "xương đòn đặc trưng của loài chim, xương rỗng với các khoang khí bên trong và cổ tay có thể xoay cho phép khủng long gập bàn tay về phía cơ thể của chúng", Brussate cho biết.
Jessica Theodor, nhà cổ sinh vật học và sinh học tiến hóa tại Đại học Calgary cũng mô tả những đặc điểm nói trên, cũng như một số đặc điểm khác của khủng long trong một email trả lời Gizmodo. Ví dụ như cấu trúc cho phép chim gập tay về phía sau cổ tay, đây cũng là cách chúng xếp cánh lại. Cô giải thích rằng cấu trúc này cũng được tìm thấy trong cánh tay của khủng long Coelurosaurs và các nhà sinh vật học có thể theo dõi sự thay đổi của cấu trúc này "thông qua quá trình tiến hóa của các loài chân thú".
Kat Schroeder,nghiên cứu sinh tại Khoa Sinh học thuộc Đại học New Mexico, mô tả sự hợp nhất một số đốt sống thànhkhối xương cùng và xương bánh lái là một trong những tiến hóa quan trọng nhất ở loài chim.
"Khối xương cùng là kết quả của sự hợp nhất các đốt sống ở phần hông làm cứng phần lưng và giúp chúng có thể bay; và xương bánh lái là sự hợp nhất của các đốt sống cuối cùng hỗ trợ phần lông đuôi. Những điểm trên cũng được tìm thấy ở một số loài khủng long không phải chim như Oviraptorosaurs và Ornithomimosaurs giúp chúng có những chiếc lông vũ thay cho cái đuôi dài hoặc chùm lông ở phần đầu đuôi", cô trả lời qua email.
Theodor giải thích rằng "xương sườn của chim có những gờ nhỏ, lồi lên hình lưỡi câu, nhờ đó tạo ra một số lợi thế về mặt cơ học đối với các cơ hô hấp trong lồng ngực" và những điểm này cũng được tìm thấy ở khủng long Oviraptors và Dromaeosaurs. Hơn nữa, "cấu trúc bộ xương của chim có nhiều điểm tương đồng với bộ xương của khủng long, trong phương pháp phân tích phát sinh loài, tất cả đều đưa đến đáp án rằng chúng là một", cô nói.
Bằng chứng về việc một số loài khủng long ấp trứng, có hành vi nghỉ ngơi trong tổ để giữ ấm và bảo vệ trứng, cũng là một trong những hành vi thường thấy ở các loài chim hiện nay, Rowe cho biết. Ngoài ra, khủng long và chim đều dùng sỏi mề "để nghiền nát số thức ăn mà chúng nuốt vào" (chúng nuốt những viên sỏi nhỏ để hỗ trợ quá trình tiêu hóa), ông cho biết.
Sự tương đồng giữa bóng khí của khủng long Majungasaurus và một con vịt (Ảnh: Zina Deretsky/NSF)
Như đã nói ở trên các nhà khoa học không thể nghiên cứu DNA của các loài khủng long cổ đại, nhưng họ hoàn toàn có thể nghiên cứu những loài khủng long hiện đại.
"Bằng chứng cho thấy chim thật sự là những chú khủng long tí hon biết bay đã được tìm thấy từ những mẫu hóa thạch khủng long, cũng như từ cơ thể và bộ gen của chúng", Curry Rogers giải thích. "Khi chúng tôi nghiên cứu những loài chim hiện đại, chúng tôi có thể thấy những vết tích nhỏ của một lịch sử tàn khốc bị vùi sâu bên trong bộ gen của chúng - những chương trình phát triển để làm mai một những chiếc đuôi dài và răng".
Rogers cho biết thêm rằng "Chúng vẫn còn ở đó - trong bộ xương và cơ thể của khủng long, dù còn sống hay đã tuyệt chủng!"
Vì vậy, nếu có đàn chim sẻ ghé qua sân nhà bạn, hãy chào đón chúng như cuộc viếng thăm của những chú khủng long tí hon. Bạn có thể mạnh dạn nói rằng mình đã ăn thịt khủng long khi nhắm nháp những miếng gà rán thơm ngon, hay từng bị khủng long tấn công sau khi một chú ngỗng đuổi bạn tránh xa tổ của nó.
Minh Bảo (Theo Gizmodo)