Kẹo cao su là một trong những loại kẹo được bán phổ biến ở cửa hàng, siêu thị và là loại kẹo được cả người lớn lẫn trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, so với người lớn thì trẻ nhỏ có xu hướng dễ gặp “sự cố” nuốt kẹo cao su do trẻ chưa nhận thức được việc phải nhổ bã kẹo đi. Trên thực tế, vì nghe không ít lời đồn về rủi ro khi nuốt kẹo cao su nên không ít phụ huynh lo lắng rằng liệu trẻ nuốt kẹo cao su có sao không?
Thực chất, nuốt kẹo cao su hiếm khi là một vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu bạn muốn được giải đáp rõ hơn về “lời nguyền” nuốt kẹo cao su và điều gì xảy ra sau đó, cách xử lý ra sao khi trẻ nuốt bã kẹo thì có thể tham khảo bài viết sau đây của Hello Bacsi.
Trẻ nuốt kẹo cao su có sao không?
Trẻ nhỏ thường vô tình nuốt kẹo cao su vì chưa nhận ra kẹo cao su chỉ dùng để nhai chứ không nên nuốt. Điều này có thể gây hoang mang, đặc biệt khi ba mẹ chưa có thông tin cho vấn đề trẻ em nuốt kẹo cao su có sao không? Vậy nên hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Kẹo cao su là gì?
Trước khi tìm hiểu câu trả lời cho việc trẻ con nuốt kẹo cao su có sao không? Chắc hẳn một số cha mẹ cũng quan tâm đến đặc điểm, các thành phần có trong loại kẹo này. Kẹo cao su hoặc còn được gọi là kẹo singum là dạng kẹo mềm dẻo, dễ nhai. Kẹo cao su được sản xuất với nhiều hình dạng, màu sắc và hương vị khác nhau tùy thuộc mỗi thương hiệu.
Về thành phần, nhìn chung thì hầu hết các loại kẹo cao su hiện nay đều bao gồm chất làm mềm, chất tạo ngọt, hương liệu, cao su tổng hợp, chất bảo quản… Trong đó, bã kẹo cao su không có giá trị dinh dưỡng và cũng không thể tiêu hóa như những thức ăn thông thường khác nên loại kẹo này không nên nuốt.
2. Trẻ lỡ nuốt kẹo cao su có sao không?
Trên thực tế, kẹo cao su chính là loại kẹo rất có “hấp lực” đối với trẻ nhỏ không chỉ bởi hương vị thơm ngon, nhai hoài không hết mà còn có thể thổi bong bóng trông rất ngầu. Thế nên, việc trẻ nhỏ lỡ nuốt phải kẹo cao su là khá phổ biến, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi thường không phân biệt được kẹo cao su với những loại kẹo khác.
Vì vậy, khi tìm hiểu thông tin, nhiều phụ huynh thường đặt những câu hỏi như trẻ 2 tuổi nuốt kẹo cao su có sao không hoặc trẻ 3 tuổi nuốt kẹo cao su có sao không? Hơn nữa, có không ít lời đồn truyền tai về việc nuốt kẹo cao su thì bã kẹo sẽ ở trong ruột 5 - 7 năm hoặc nuốt kẹo cao su sẽ bị táo bón, đau bụng, thậm chí là tắc ruột, dính ruột… càng gây nhiều hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ.
Thực chất, mặc dù hệ tiêu hóa không thể tiêu hóa kẹo cao su nhưng bã kẹo không hề “lưu trú” trong đường ruột quá lâu, cũng không bám dính vào dạ dày gây thủng dạ dày hay gây tắc dính đường ruột “làm bít cửa xả” khiến trẻ không thể đi tiêu như lời đồn. Thay vào đó, bã kẹo cao su cũng giống như những thức ăn thô khác, vẫn di chuyển trong đường tiêu hóa nhờ vào nhu động ruột. Sau đó được thải ra ngoài khi trẻ đi tiêu mà không gây ra rủi ro nào nên cha mẹ đừng quá lo lắng nhé.
3. Trẻ lỡ nuốt kẹo cao su, khi nào cần đi khám gấp?
Đối với câu hỏi “trẻ nuốt kẹo cao su có sao không?” thì thực tế cho thấy hiếm khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi trường hợp đều là vô hại. Đôi khi, việc trẻ nuốt quá nhiều kẹo cao su tạo thành một khối bã kẹo quá lớn, nuốt kẹo cao su nhiều lần hoặc chẳng may nuốt chung với các vật thể nhỏ khác như đồng xu, viên bi, pin cúc áo… thì có thể gây nguy hiểm, chẳng hạn như gây tắc nghẽn đường ruột, buồn nôn, đau đầu, thủng đường tiêu hóa… Vì vậy, nếu bạn phát hiện trẻ nuốt gì đó lạ hoặc bé có những triệu chứng sau đây sau khi nuốt bã kẹo thì cần sớm nhập viện:
- Đau bụng
- Táo bón, khó đi tiêu
- Đầy bụng, chướng bụng, sưng bụng
- Chuột rút nghiêm trọng
- Nôn mửa.
Cách xử lý khi trẻ lỡ nuốt kẹo cao su và những lưu ý
Nhìn chung, bạn không nên cho trẻ còn quá nhỏ nhai kẹo cao su. Điều này không chỉ tăng nguy cơ nuốt bã kẹo mà còn gây sâu răng, một số kẹo cao su có vị cay nóng còn có thể kích ứng niêm mạc miệng của con. Trong trường hợp nếu trẻ lỡ nuốt kẹo cao su thì hãy bình tĩnh vì bạn vẫn có thể thúc đẩy quá trình đào thải bã kẹo ra ngoài theo một số mẹo sau đây:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước
- Cho trẻ ăn cháo, kết hợp rau củ quả giàu chất xơ giúp ngăn chặn táo bón và hỗ trợ tiêu hóa
- Mẹ có thể ưu tiên bổ sung một số loại trái cây giúp “bôi trơn” đường ruột cho trẻ như chuối, đu đủ… giúp bã kẹo nhanh chóng được đẩy ra ngoài nhanh hơn.
Đối với vấn đề trẻ nuốt kẹo cao su có sao không, mặc dù hầu hết trường hợp thường không đáng lo ngại nhưng ba mẹ vẫn không nên chủ quan. Lời khuyên là bạn nên tránh cho trẻ nhỏ ăn kẹo cao su, đối với trẻ lớn hơn thì bạn nên dạy trẻ cách phân biệt các loại kẹo và nhổ bỏ bã kẹo cao su đúng cách nhé! Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tham gia cộng đồng Nuôi dạy con ngay hôm nay và đặt các câu hỏi xoay quanh việc nuôi dạy - chăm sóc trẻ để được các bác sĩ của Hello Bacsi giải đáp nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]