Chục, có nghĩa là mười. Điều này thì ai cũng biết. Thế nhưng, cách tính ấy chỉ đúng trong toán học, còn ở chợ miền Tây, đặc biệt là chợ nhỏ hay của những cô bác nông dân bán sạp trước nhà thì chục trái cây chưa hẳn đã là mười. Nếu là khách phương xa mới đến miền Tây lần đầu thì nhiều người sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với cách tính hào phóng này.
Ngoài dừa thì một số loại trái cây khác cũng được bà con quy ước số chục nhiều hơn 10. Chục bắp tới 14 trái, cam, quýt, xoài, cau…, có nơi bán 16 hoặc 18 trái…
Theo các bậc cao niên, tính cách của người Nam bộ phóng khoáng, cây trái lại trồng được quanh vườn nhà nên bà con nên có khuynh hướng cho thêm để phòng khi thương lái hay người dân mua trái cây về đi dọc đường bị hư. Theo thời gian, người này truyền người kia và mặc định cách đếm chục tồn tại đến ngày nay.
Số chục ở miền Tây còn được định nghĩa là chục có đầu và chục trơn. Chục trơn là chục đủ 10, chục có đầu là từ 10 trở lên.
Bảy với ba, anh kêu rằng một chục
Tam tứ lục, anh tính cửu chương.
Theo soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, cách tính chục là một nét văn hóa thể hiện tính cách hào phóng của người dân phương Nam từ thuở khai hoang mở cõi và được lưu truyền đến tận ngày nay: "Đầu tiên thì ngày xưa không có cân lượng, cân là chỉ cân heo thôi. Cây cân tạ lớn là để cân heo, còn trái cây kia nọ thì đều bán chục. Nói chung là mười đơn vị, 10 trái nhưng mà đối với người phương Nam, đặc biệt là trên những chợ nổi thì phải chục là 12, 14, 16 thậm chí là 18, người ta gọi là chục có đầu thì cái này nói lên tính hào phóng của người phương Nam, hổng sao, chục 12 cũng được thậm chí cho thêm 2 cũng được, 14.
Cái việc bán, mua nó không phải là kỳ kèo gắt gao mà nó rất thoải mái nói lên một cái tính hào phóng. Nó cũng nói lên cái sản vật quá nhiều, vừa là cái tâm hồn mình hào phóng, tư tưởng hào phóng, vừa sản vật quá dư thừa, không cần thiết phải ke re cắt rắt từng trái"
Không mang tính toán học, ít so bì thiệt hơn, cách tính chục ở miền Tây lạ mà hợp lý vô cùng, vừa bán vừa cho mau hết hàng. Được nhiêu hay nhiêu, miễn là vui, là thuận mua, vừa bán.
Ngoài bán chục thì người miền Tây còn có văn hóa “mua mão bán mớ”. Lý giải cách mua bán này, soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, chia sẻ thêm: "Một cái đánh giá mua bán khác nữa là gì. Mua mớ, bán mão. Tức là loại trừ cái vụ đếm chục mắc công. Cả chiếc ghe nãy giờ tôi bán hết rồi, còn có một đống vầy nè. Ngồi đếm mắc công quá thôi giờ tôi bán mão hết cái ghe là bao nhiêu. Người này 500 ngàn, người kia trả 400, thôi rồi lấy 450. Rồi xong. Cái đó gọi là mua mớ bán mão"
Theo dân thương hồ, việc trao đổi này thể hiện sự thuận mua, vừa bán một cách nhanh gọn. Người bán muốn giải phóng hết số hàng hóa của mình để về nhà sớm, nên đưa ra giá tiền hợp lý. Tuy nhiên, sản phẩm là hàng hóa như trái cây thì một mớ có thể là một chục rưỡi hoặc nhiều hơn, nhưng giá cả sẽ không tính theo số lượng cụ thể, nên cuộc trao đổi vẫn thỏa mãn đôi bên. Mua mão cũng thường thấy ở nhà vườn trồng trái cây. Tới mùa, thương lái sẽ được chủ dẫn đi xem vườn, 2 bên sẽ chịu giá mua mão toàn bộ trái cây trong vườn chứ không cần cần ký.
Bà Hồng Tím, ở Hậu Giang chia sẻ: "Mình cái nào rẻ rẻ mình mua mớ, rồi đem ra bán chục lại, ký lại. Vậy đó, thấy có lời là bán thôi. Cũng như vô vườn thì mình thấy cái đó người ta muốn bán mớ cho mình thì mình mua mớ rồi ra chợ mình bán ký lại"
Mua mớ, bán mão cũng thường thấy với những khách thương hồ. Những ghe thuyền trái cây ngược xuôi theo con nước, hễ tới bến, chịu giá là sang hàng, để sớm về nhà, chuẩn bị chuyến hàng tiếp theo. Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, nói tiếp: "Mua mớ bán mão cũng là cách tính toán trọng lượng để mà giao dịch, giao thương nhưng đây cũng nói lên cái tính hào phóng. Nó còn nói lên cái yếu tố kinh tế thị trường, mua nhanh, bán nhanh, không cần kỳ kèo. Mua mớ bán mão, được sang ghe qua, được thì bắt đầu chất qua ào ào trong mười phút hết là bắt đầu lui ghe chào nhau chứ không phải là mua bán tiểu nông của mình như hồi xưa, tức là lúc chưa có kinh tế thị trường.
Mua bán tiểu nông từng trái, từng trái, từng miếng, như cái này tôi nói nó mang yếu tố của kinh tế thị trường. Cái cạnh tranh của thị trường. Từ cạnh tranh thị trường người ta bán cho nhanh để người ta đi, hàng hóa giải phóng nhanh, đúng với yêu cầu của kinh tế thị trường. Vừa nói lên cái tính cách của người Nam bộ hào phóng, vừa nói lên cái nhanh nhạy về kinh tế thị trường".
Một chục không phải là mười, có thể lạ với nhiều bạn trẻ, nhưng người miền Tây thì quá rành. Một nét văn hóa độc đáo, đặc trưng duy nhất chỉ có ở vùng đất chín rồng này. Dù dòng chảy thời gian có phát triển, người ta có chuộng cân ký hơn cách tính chục xưa. Tuy nhiên, sự hào phóng, xởi lởi, mua nhanh bán gọn ấy vẫn được nhiều người miền tây giữ gìn, như giữ cái hồn của làng quê sông nước.