Đau khóe mắt có thể do chấn thương, viêm và nhiễm trùng. Đau khóe mắt có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí mù lòa. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đau khóe mắt? Chăm sóc khóe mắt khi bị đau sao cho hiệu quả? Bài viết dưới đây được thạc sĩ bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về vấn đề này.
Đau khóe mắt là bị gì?
Đau khóe mắt là tình trạng do nhiều nguyên nhân gây ra và tùy vào mức độ đau mà điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Bên cạnh những yếu tố khách quan từ môi trường sống, đau khóe mắt cũng có thể là biểu hiện của các bệnh về mắt. Vì vậy, khi bị đau nhức khóe mắt, bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm cho mắt.
Nguyên nhân bị đau khóe mắt
Dưới đây là các nguyên nhân bị đau khóe mắt thường gặp nhất:
1. Viêm túi lệ
Sau khi hoàn thành chức năng bôi trơn và giữ ẩm bảo vệ bề mặt mắt, nước mắt sẽ chảy xuống lỗ nhỏ ở góc trong, sau đó di chuyển vào ống dẫn nước mắt, rồi đổ vào mũi. Khi một trong các ống dẫn nước mắt bị tắc nghẽn, nước mắt không thể chảy ra. Viêm tuyến lệ có thể xảy ra do:
- Nhiễm trùng.
- Sự lão hóa ở người cao tuổi.
- Viêm nhiễm mắt (ví dụ viêm kết mạc).
- Chấn thương mũi.
- Khối u phát triển trong mũi, có thể là khối u lành tính như polyp mũi hoặc khối u ác tính như ung thư.
- Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh.
Đôi khi, vi trùng tích tụ xung quanh ống dẫn nước mắt bị tắc. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng gọi là viêm túi lệ. Viêm túi lệ thường do vi khuẩn gây ra, điển hình là loài Staphylococcus (staph) và Streptococcus (strep).
Một số triệu chứng của viêm túi lệ bao gồm:
- Nhức hoặc đau nhức khóe mắt.
- Khóe mắt bị viêm và đỏ.
- Trầy xước kết mạc.
- Mắt chảy mủ hoặc ghèn.
- Mí mắt hoặc lông mi bị tróc da.
- Sốt.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Trường hợp người bệnh liên tục tái phát bệnh, bác sĩ có thể phẫu thuật.
2. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi hoặc viêm bờ mi góc mắt thường ảnh hưởng đến khóe mắt. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn Moraxella. Các triệu chứng viêm bờ mi thường nặng hơn vào buổi sáng có thể bao gồm:
- Kích ứng mắt.
- Cộm mắt.
- Rát mắt.
- Cay mắt.
- Đỏ mắt.
- Sưng mí mắt.
- Mí mắt hoặc lông mi bong tróc da.
Vì viêm bờ mi góc mắt thường do vi khuẩn gây ra nên bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh bôi hoặc uống để điều trị hoặc đề xuất người bệnh:
- Chườm ấm mắt nhiều lần trong ngày.
- Dùng tay hoặc khăn lau sạch massage mắt.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo.
- Hạn chế trang điểm mắt cho đến khi các triệu chứng cải thiện.
3. Pinguecula (mộng mỡ) và mộng thịt
Mộng mỡ và mộng thịt là 2 loại tăng trưởng lành tính (không gây ung thư) ở kết mạc mắt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, gió và bụi hoặc cát. Bệnh thường bắt đầu đau ở khóe mắt trong, khu vực gần mũi nhưng cũng có thể xuất hiện ở khóe mắt ngoài. Mộng mỡ và mộng thịt đều có những đặc điểm khác nhau:
- Mộng mỡ: có màu ngả vàng. Người bệnh bị mộng mỡ thường không xuất hiện các triệu chứng nhưng đôi khi cũng xảy ra trường bị viêm nhiễm, gây ra.
- Mộng thịt: được tạo thành từ mô thịt và cũng có thể chứa các mạch máu. Mộng thịt ban đầu có hình thù giống mộng mỡ, sau đó phát triển đủ lớn để che phủ một phần giác mạc, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và gây suy giảm thị lực ở người bệnh.
Ngoài các đặc điểm được mô tả ở trên, người mắc bệnh mộng mỡ hoặc mộng thịt cũng có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Châm chích.
- Khô mắt.
- Ngứa mắt.
- Nóng rát mắt.
- Cộm mắt.
- Đỏ và sưng mắt.
- Mờ mắt.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt corticoid hoặc nước mắt nhân tạo để điều trị bệnh. Trường hợp bị mộng mỡ hoặc mộng thịt nặng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ.
4. Lẹo mắt
Lẹo mắt là bệnh cấp tính, gây sưng đỏ bờ mi. Nguyên nhân nhiễm trùng thường do vi khuẩn điển hình là loài Staphylococcus (tụ cầu khuẩn). Lẹo mắt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của mí mắt, bao gồm cả vùng khóe mắt. Có 2 loại lẹo mắt khác nhau:
- Lẹo ngoài: lẹo nằm ở phía ngoài của mí mắt trên hoặc dưới, gần chân chân lông mi. Nguyên nhân thường do nang lông bị nhiễm trùng. Lẹo ngoài sẽ trông giống như mụn nhọt hoặc mụn mủ.
- Lẹo trong: lẹo nằm ở phía trong của mí mắt trên hoặc dưới. Loại lẹo mắt này xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào các tuyến sản xuất dầu ở trong mí mắt.
Các triệu chứng của lẹo mắt có thể bao gồm:
- Có nốt sần cứng, giống như mụn ở mí mắt.
- Nóng rát hoặc đau mắt.
- Sưng mí mắt.
- Cộm mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Lẹo mắt thường tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Người bệnh nên chườm ấm lên vùng mắt nhiều lần trong ngày để giúp phục hồi mắt. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nếu nhiễm trùng mắt không thuyên giảm sau khi chườm ấm mà bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể phẫu thuật, rạch dẫn lưu mủ nếu điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả.
5. Dị vật trong mắt
Cơ chế phòng vệ tự nhiên của mắt như nước mắt và lông mi giúp loại bỏ và ngăn chặn các vật thể lạ xâm nhập vào mắt. Tuy nhiên, điều kiện môi trường tự nhiên hoặc tai nạn nghề nghiệp có thể làm một số vật thể bao gồm lông mi, cát, bụi, kim loại, thủy tinh,… lọt vào mắt. Khi chúng tiếp xúc với mắt có thể gây ra tình trạng trầy xước giác mạc hoặc đau khóe mắt. Các triệu chứng khi dị vật trong mắt gồm:
- Mắt bị đau hoặc kích ứng.
- Cộm mắt.
- Đỏ mắt.
- Mờ mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Khi gặp dị vật trong mắt, bạn có thể loại bỏ chúng bằng cách rửa mắt với nước muối sinh lý hoặc nước sạch. Tuy nhiên với những dị vật không thể loại bỏ bằng cách rửa trôi, có kích thước lớn hoặc dính sâu vào mắt thì cần đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đau ở khóe mắt có nguy hiểm không?
Có. Đau khóe mắt thể nhẹ và trung có thể xử lý tại nhà bằng cách thường xuyên vệ sinh mắt và chườm ấm, kết hợp thuốc nhỏ mắt của bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, bị đau ở khóe mắt nặng - đặc biệt kèm theo các triệu chứng như suy giảm thị lực, mắt đổ ghèn, cộm mắt, nhạy cảm với ánh sáng - có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc một tình trạng bệnh nghiêm trọng. Bạn nên tìm đến bác sĩ ngay lập tức để tránh biến chứng về sau. [1]
Dấu hiệu đau khóe mắt nguy hiểm
Đau mắt dữ dội hoặc dai dẳng có thể là một bệnh tiềm ẩn nào đó. Bạn đến gặp bác sĩ khi thấy các dấu hiệu sau [2]:
- Đau mắt dữ dội và dai dẳng.
- Rối loạn thị giác, chẳng hạn như mờ mắt hoặc tầm nhìn xuất hiện đốm đen.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Sưng mắt hoặc các mô lân cận mắt.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Chảy nhiều nước mắt hoặc ghèn.
Chẩn đoán khóe mắt bị đau thế nào?
Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành thu thập thông tin bệnh án bằng cách hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Cụ thể về thời điểm cơn đau bắt đầu, vị trí, cường độ của cơn đau, thời gian đau, đặc điểm, bất kỳ yếu tố nào làm cho bạn đỡ đau hơn hoặc đau nặng hơn.
Thậm chí, người bệnh đã tham gia những hoạt động nào, tiền sử sử dụng kính áp tròng và các chấn thương hoặc phẫu thuật mắt trước đó, có bị dị ứng với thuốc hay không, các loại thuốc hiện đang sử dụng, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình và thói quen sống của người bệnh.
1. Kiểm tra thị lực
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thị lực bằng cách kiểm tra thị giác của mắt và mô xung quanh, kiểm tra chuyển động của mắt, trường thị giác (tầm nhìn ngoại vi) và phản ứng của đồng tử với ánh sáng.
2. Máy soi đáy mắt
Máy soi đáy mắt là một công cụ đặc biệt được bác sĩ sử dụng để quan sát mắt, kiểm tra phía sau mắt và quan sát bề mặt của dây thần kinh thị giác (đĩa thị giác) và các mạch máu.
3. Đèn khe
Đèn khe là một loại kính hiển vi được bác sĩ dùng để quan sát cận cảnh và chi tiết bề mặt của mắt để đánh giá các vết trầy xước hoặc loét giác mạc. Đèn khe cũng có thể dùng để khám tiền phòng mắt, là khu vực giữa bề mặt của mắt và đồng tử.
Làm thế nào để điều trị khóe mắt bị đau?
Việc điều trị đau mắt phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm [3]:
1. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh
Thuốc nhỏ mắt kháng histamin và kháng sinh đường uống có thể giúp giảm đau do dị ứng ở mắt và điều trị nhiễm trùng khóe mắt, bao gồm viêm kết mạc và trầy xước giác mạc. Với các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm dây thần kinh thị giác và viêm màng bồ đào (viêm mống mắt), bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc corticoid để điều trị.
2. Thuốc mỡ tra mắt
Có rất nhiều loại thuốc mỡ tra mắt trên thị trường, mỗi loại chứa các thành phần khác nhau để điều trị các bệnh về mắt. Các loại thuốc mỡ tra mắt bao gồm:
- Thuốc mỡ kháng sinh: tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt hoặc mí mắt.
- Thuốc mỡ dưỡng ẩm: giúp giữ ẩm cho mắt, tránh xảy ra tình trạng khô mắt.
Đau mắt đỏ có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây bệnh: virus, vi khuẩn, dị nguyên,… Với bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn, thuốc mỡ kháng sinh có thể được bác sĩ kê đơn để triệt tiêu vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do virus gây ra lại không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Vì vậy, nếu đau mắt đỏ do virus gây ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc mỡ tra mắt để dưỡng ẩm, sẽ giúp giảm triệu chứng và tình trạng viêm nhiễm và mắt sẽ tự khỏi sau vài ngày.
3. Loại bỏ dị vật trong mắt
Nếu dị vật hoặc hóa chất lọt vào mắt bạn, hãy rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý để rửa sạch chất gây kích ứng. Trường hợp dị vật lọt vào sâu trong mắt, cần đến ngay bệnh viện gần nhất để bác sĩ lấy ra kịp thời, tránh làm giác mạc trầy xước sẽ ảnh hưởng đến thị lực của mắt và có khả năng để lại những biến chứng về sau cho mắt.
4. Phẫu thuật
Trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị, tuy nhiên hiếm khi người bệnh cần phẫu thuật để phục hồi những tổn thương trong mắt. Người mắc bệnh tăng nhãn áp có thể cần điều trị bằng laser để cải thiện hệ thống thoát nước trong mắt.
Phòng ngừa nguy cơ và chăm sóc khóe mắt bị đau
Nên chủ động phòng ngừa các nguy cơ gây đau mắt và ngay khi mắt xuất hiện các biểu hiện bất thường cần nhanh chóng tìm đến bác sĩ chuyên khoa Mắt:
- Điều chỉnh ánh sáng: nên giảm cường độ sáng khi tiếp xúc với màn hình điện tử để giúp mắt thư giãn tốt hơn. Khi đọc tài liệu giấy hoặc làm việc với máy tính, điện thoại ở khoảng cách gần, đặt ánh sáng sau lưng sẽ ngăn ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, giúp mắt thư giãn hơn.
- Để mắt nghỉ ngơi: nên thỉnh thoảng cho mắt nghỉ ngơi bằng cách rời mắt khỏi trang giấy, màn hình kỹ thuật số hoặc công việc.
- Giảm thời gian sử dụng màn hình điện tử: áp dụng quy tắc 20-20-20, tức là làm việc 20 phút, để mắt nhìn xa khoảng 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây. Bạn tiếp tục lặp lại chu kỳ đó để mắt điều tiết tốt hơn.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt: sẽ giúp ngăn và giảm các triệu chứng khô mắt. Bạn hãy sử dụng nước mắt nhân tạo ngay cả khi mắt đang khỏe để giữ mắt ẩm và ngăn viêm nhiễm. Tuy nhiên, bạn cẩn thận với thuốc nhỏ mắt có chứa chất bảo quản, vì chất bảo quản trong thuốc có khả năng làm cho mắt dễ kích ứng. Lưu ý, chỉ nên sử dụng thuốc hoặc nước mắt nhân tạo nếu có chỉ định từ bác sĩ. Không nên tự ý tăng hoặc giảm liều lượng của thuốc.
- Cải thiện chất lượng không khí: một số thay đổi có thể giúp ngăn khô mắt, bao gồm sử dụng máy tạo độ ẩm, điều chỉnh máy lạnh để giảm luồng không khí thổi trực tiếp vào mắt và tránh xa khói thuốc lá.
Trung tâm Mắt Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên thăm khám, tư vấn và điều trị chuyên sâu các bệnh về mắt như: viêm kết mạc, chắp mắt, mộng thịt,… Hệ thống máy móc chuyên dụng được nhập khẩu từ các nước tân tiến trên thế giới giúp rút ngắn thời gian thăm khám, cải thiện chất lượng dịch vụ, nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho đôi mắt.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Đau khóe mắt có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm, gây khó chịu và giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn. Để ngăn các biến chứng nghiêm trọng, khi thấy mắt có dấu hiệu bất thường người dân nên đến khoa Mắt để được thăm khám sớm, điều trị kịp thời.