Trà tắc là một thức uống ngon, phù hợp cho việc giải khát trong những ngày hè nóng nực. Nhiều bà bầu thắc mắc rằng liệu trong quá trình mang thai có được sử dụng trà tắc hay không. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Bầu uống trà tắc được không?”
Giá trị dinh dưỡng của trái tắc
Quả tắc (còn được gọi là quất) có vị chua, không chát nên thường được dùng để pha chế thành nhiều loại nước uống giải khát phổ biến. Quả tắc có giá trị dinh dưỡng cao, cụ thể:
- 100 gram tắc cung cấp 71 calo, 1,9 gram protein, 15,9 gram carbohydrate. Những chất này giúp cung cấp năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa và vitamin C tương đối cao nhằm thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở cơ thể, đồng thời giúp duy trì trẻ hóa làn da.
- Hàm lượng axit hữu cơ có trong trái tắc được chứng minh giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng vô cùng hiệu quả, bởi chất này giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh ra axit dịch vị, tạo cho mẹ cảm giác thèm ăn, từ đó mẹ có thể bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và em bé.
- Trái tắc có chứa axit folic, giúp ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh rất tốt.
- Đối với mẹ bầu, hương thơm chua nhẹ của trái tắc giúp giảm thiểu tình trạng ốm nghén ở mẹ bầu, đặc biệt là mẹ đang mang thai 3 tháng đầu.
Có thể thấy, mẹ bầu hoàn toàn có thể sử dụng nước tắc trong quá trình mang thai. Vậy nếu tắc kết hợp với trà, liệu mẹ bầu còn sử dụng được không?
Bầu uống trà tắc được không?
Trà tắc là thức uống giúp giải khát vô cùng hiệu quả, được ưa chuộng bởi nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt trong ngày hè oi bức. Tuy nhiên, bầu uống trà tắc được không?
Tùy thuộc vào các loại trà khác nhau mà hàm lượng các hoạt chất có thể khác nhau. Các thành phần chính thường có ở trà bao gồm các polyphenol như alpathin, nothofagin, catechin… là các chất chống oxy hóa. Ngoài ra, trong trà còn chứa một lượng caffeine và tannin.
Một số nghiên cứu cho thấy, trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng caffeine. Mặc dù trong trà, hàm lượng caffeine không cao như một số loại thức uống kích thích khác, nhưng nếu mẹ bầu sử dụng quá thường xuyên cũng sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Ngoài ra, thành phần tannin có trong trà sẽ gây táo bón ở mẹ nếu sử dụng với hàm lượng lớn.
Do vậy, có thể thấy việc kết hợp trà và tắc thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong trường hợp mẹ bầu quá thèm loại thức uống này thì chỉ được sử dụng tối đa 2 lần trong một tuần thôi nhé!
Một số lưu ý khi sử dụng trà tắc ở mẹ bầu
Như vậy, có thể thấy câu trả lời cho thắc mắc “Bầu uống trà tắc được không?” là được, tuy nhiên mẹ bầu cần phải sử dụng loại thức uống này đúng cách để tránh gây ra những hậu quả xấu tới sức khỏe thai kỳ. Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ bầu khi muốn uống trà tắc.
Không được uống quá nhiều
Mẹ bầu không được uống quá nhiều trà tắc, bởi trong tắc có chứa hàm lượng acid khá cao, có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng nếu sử dụng nhiều. Ngoài ra, như đã nói ở trên, hàm lượng caffeine và tannin trong trà cũng không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu nếu uống liên tục.
Không nên sử dụng trà tắc khi bị mất ngủ
Hàm lượng caffeine có trong trà góp phần làm cho mẹ bầu mất ngủ. Việc này có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tinh thần của mẹ bầu
Hơn nữa, nếu sử dụng caffeine với lượng lớn có thể gây chóng mặt, buồn nôn, loạn nhịp tim. Ngoài ra, caffeine cũng có khả năng qua được hàng rào nhau thai. Vì vậy mẹ bầu chỉ nên sử dụng trà tắc với tần suất vừa phải.
Không được mua trà tắc vỉa hè cho mẹ bầu
Với tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm phức tạp như hiện nay, cộng với việc để thu lại lợi nhuận cao nhất, các loại trà được sử dụng tại hàng quán vỉa hè thường không rõ nguồn xuất xứ, được nhập về với giá thành vô cùng rẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi những loại trà này có thể bị mốc, sinh ra nhiều loại độc tố nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu. Do vậy, mẹ bầu không nên sử dụng trà tắc vỉa hè để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé nhé!
Không nên uống quá nhiều trà tắc khi đường huyết cao
Để có được một cốc trà tắc với độ chua và ngọt vừa phải, nước đường là một trong những nguyên liệu thường được sử dụng. Nếu mua ở ngoài, hàm lượng đường trong một cốc trà tắc thường khá cao, điều này có thể dẫn tới tình trạng đái tháo đường thai kỳ ở mẹ bầu.
Tốt nhất, nếu muốn uống trà tắc, mẹ bầu nên tự pha tại nhà để có thể chủ động điều chỉnh lượng đường phù hợp. Ngoài ra, mẹ bầu có thể sử dụng mật ong thay cho nước đường để tạo vị ngọt cho trà tắc, điều này sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
Bà bầu nên uống trà tắc vào thời điểm nào trong ngày?
Mẹ bầu nên uống trà tắc vào lúc nào trong ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất? Dưới đây là 2 thời điểm thích hợp để mẹ bầu thưởng thức trà tắc:
- Trước bữa ăn 1 tiếng: Do chịu ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể, phụ nữ mang thai thường gặp phải các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc sử dụng một chút trà tắc trước bữa ăn 1 giờ đồng hồ giúp kích thích quá trình tiết acid dịch vị, làm tăng cảm giác thèm ăn, nhờ đó mẹ bầu ăn ngon miệng hơn.
- Sau bữa ăn 1 tiếng: Với hàm lượng chất xơ dồi dào có trong trái tắc, việc uống trà tắc giúp kích thích nhu động ruột, cải thiện hiệu quả quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, giảm thiểu tối đa tình trạng khó tiêu, đầy bụng.
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bầu uống trà tắc được không?”, đồng thời đưa ra một số lưu ý khi sử dụng trà tắc ở mẹ bầu. Mẹ bầu chỉ nên sử dụng trà tắc với hàm lượng vừa phải, đồng thời cần sử dụng đúng thời điểm để thấy rõ được hiệu quả mà trà tắc đem lại cho sức khỏe. Mong rằng mẹ bầu luôn có thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp