Cà phê hòa tan là "bạn đồng hành" của nhiều người trong cuộc sống hiện đại khi cần sự tỉnh táo để học tập và làm việc.
Giúp đầu óc tỉnh táo, tiện dụng và hương vị thơm ngon là những ưu điểm vượt trội của sản phẩm này, đặc biệt là với những người có quỹ thời gian quá hạn hẹp để tự pha hay mua một cốc cà phê truyền thống.
Cũng chính vì những ưu điểm này, không ít người mỗi ngày vẫn đều đặn sử dụng 2 - 3 gói cà phê hòa tan, con số này thậm chí còn tăng lên trong những đợt "chạy deadline".
Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, cà phê hòa tan là sản phẩm có chứa lượng đường cao. Nếu sử dụng thiếu kiểm soát có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo TS Chu Thị Tuyết - Trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), có thể biết được thành phần, đặc biệt là lượng đường trong các sản phẩm cà phê hòa tan thông qua nhãn mác thực phẩm do nhà sản xuất cung cấp.
Chuyên gia này lấy ví dụ về một sản phẩm cà phê hòa tan khá phổ biến trên thị trường: Mỗi gói cà phê hòa tan này có khối lượng tịnh 17g, theo bảng thành phần nhà sản xuất in trên bao bì có chứa: 13g carbohydrate, trong đó có 9g đường (đường đơn, đường đôi).
Đối với một người có nhu cầu năng lượng 1500kcal/ngày, nhu cầu glucid chiếm 60% tổng nhu cầu năng lượng (tương đương 225g). Như vậy đường trong gói cà phê 17g (9g đường), chiếm 4% tổng nhu cầu glucid của cơ thể.
"Glucid (carbohydrates) còn được gọi là chất bột đường bao gồm các loại thực phẩm (gạo, mỳ, ngô…, đường và chất xơ là các thành phần cơ bản nhất, cũng như là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể (1g glucid cung cấp 4kcal).
Mức nhu cầu khuyến nghị glucid cho người Việt Nam: khoảng 55-65% tổng nhu cầu năng lượng, trong đó các glucid phức hợp nên chiếm 70%, đường đôi, đường đơn không quá 10% tổng năng lượng khẩu phần, và để tốt hơn cho sức khỏe nên giảm dưới 5% tổng năng lượng khẩu phần", TS Tuyết phân tích.
Đáng chú ý, khi chúng ta ăn đủ nhu cầu năng lượng trong ngày, nếu uống thêm 2-3 gói cà phê hòa tan sẽ dẫn đến dư thừa lượng cacbohydrate, đặc biệt thừa lượng đường trong cơ thể.
Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe làm tăng nguy cơ các bệnh như: đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, thừa cân, béo phì.
"Về lâu dài, các bệnh này có thể dẫn tới những biến chứng nặng hơn như bệnh thận mạn tính, bệnh lý mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, bệnh lý thần kinh…", TS Tuyết nhấn mạnh.
Việt Nam có gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh, 24% biến chứng về thận....
Theo ước tính, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân tiểu đường giảm 5-10 năm so với người không bị tiểu đường.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh tiểu đường vốn là bệnh gặp nhiều ở người già ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh viện gặp cả những trẻ 8-10 tuổi đã mắc tiểu đường túyp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.