Chấy ở trẻ em là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ từ 3 đến 10 tuổi. Chấy cắn gây ngứa ngáy da đầu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da và chàm hóa, do đó điều trị chấy ở trẻ em là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ.
1. Phát hiện chấy ở trẻ em như thế nào?
Chấy (hay còn được gọi là chí, tên khoa học là Pediculus humanus capitis) là những động vật rất nhỏ bé sống ký sinh ở đầu, kích cỡ bằng hạt quả thanh long, có màu nâu hoặc màu xám. Chấy tồn tại bằng cách bám chặt vào tóc và cắn da đầu để hút máu. Chấy cắn gây ngứa ngáy da đầu, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và chàm hóa.
Chấy cái sinh sản rất nhanh. Trong vòng đời của mình, một chấy cái có thể sinh tới 150 trứng. Nếu không bị loại bỏ, trứng sẽ nở thành chấy con trong 7-10 ngày. Chấy ở trẻ em có thể không phải do cha mẹ vệ sinh cho trẻ kém mà do trẻ lây từ các bạn cùng lớp. Nguy cơ mắc chấy cao nhất ở trẻ em từ 3 đến 10 tuổi. Trẻ em thường lây chấy cho nhau khi chơi cùng hoặc để chung đồ.
Nếu cha mẹ cảm thấy trẻ thường xuyên bị ngứa ngáy, khó chịu ở da đầu thì mẹ có thể thực hiện theo các bước sau đây để phát hiện chấy ở trẻ em. Lưu ý, mẹ hãy chọn nơi có ánh sáng tốt, sử dụng kính đọc sách hoặc kính lúp để phát hiện chấy dễ dàng hơn.
Bước 1: Phát hiện các dấu hiệu nhiễm chấy ở trẻ
Khả năng trẻ nhiễm chấy sẽ rất cao nếu có một hoặc nhiều các triệu chứng sau đây:
- Trẻ có cảm giác nhột trên da đầu, cảm giác có vật gì đó di chuyển trên tóc
- Trẻ thường xuyên gãi hoặc chà xát da đầu, đặc biệt là khu vực xung quanh phía sau đầu và tai.
- Có các vết loét trên đầu trẻ do gãi.
- Trẻ cáu gắt, khó chịu.
Bước 2: Tiến hành tìm chấy trên da đầu trẻ (tóc khô)
Mẹ chia tóc thành từng phần nhỏ để phát hiện chấy trên đầu trẻ. Chú ý kiểm tra phần tóc sau đầu và tai. Mẹ rất khó phát hiện ra chấy vì chúng rất nhỏ và di chuyển rất nhanh, tuy nhiên có thể dễ dàng phát hiện trứng chấy. Trứng chấy là những túi nhỏ hình giọt nước màu trắng hoặc hơi vàng bám vào tóc gần sát da đầu. Phân biệt trứng chấy với gàu bằng cách, trứng chấy bám chắc vào tóc trong khi gàu và các mảnh vảy khác dễ dàng bong ra khỏi sợi tóc. Phân biệt trứng chất còn sống và trứng chấy đã nở với đặc điểm trứng còn sống sẽ bám vào đoạn tóc rất sát da đầu (cách da dầu ít hơn 1⁄4 inch) vì chúng chỉ có thể nở khi có hơi ấm cạnh da đầu, còn trứng đã nở sẽ ở đoạn tóc cách xa da đầu.
Bước 3: Cách tìm chấy giai đoạn tóc ướt
Nếu không tìm được chấy trong bước 2, mẹ hãy làm ướt tóc trẻ và sử dụng lược chải chấy chuyên dụng để tìm chấy ở trẻ em, các loại lược này có đặc điểm là các răng lược rất sát nhau.
Đầu tiên, mẹ làm ướt tóc trẻ, sau đó chải tóc theo từng phần từ chân tóc đến ngọn tóc. Nếu có chấy trên tóc trẻ, chấy sẽ bám vào lược. Mẹ nên lắc lược ra bát nhựa sau mỗi lần chải để phát hiện chấy dễ dàng hơn.
Nếu xác định trẻ có chấy, mẹ hãy kiểm tra những thành viên khác trong gia đình. Phải điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình để trị chấy ở trẻ em một cách hiệu quả.
2. Điều trị chấy ở trẻ em như thế nào?
2.1. Sử dụng các sản phẩm trị chấy
Có rất nhiều sản phẩm trị chấy ở trẻ em không cần kê đơn trên thị trường, các sản phẩm này có thể ở dạng kem bôi, dầu gội, dầu xả,... Bạn cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng trước khi dùng cho trẻ.Trước khi bôi thuốc, bạn nên quấn một chiếc khăn cũ quanh vai của trẻ, lấy khăn che mặt để thuốc không dính vào mắt. Bạn nên đeo găng tay cao su khi bôi nếu có vết xước hở trên tay.Sau khi bôi, tiến hành massage sản phẩm từ chân tóc đến ngọn tóc cho đến khi da đầu và toàn bộ tóc được thấm đều. Đặc biệt chú ý đến phần chân tóc ở gáy và sau tai. Bạn có thể thấy chấy rụng khỏi tóc trong quá trình thực hiện. Có thể để khoảng 10 phút sau đó gội sạch (có thể để lâu hơn) hoặc gội ngay lập tức sau khi bôi tùy theo hướng dẫn cụ thể của từng sản phẩm.
Một số thận trọng cần lưu ý khi sử dụng các sản phẩm điều trị chấy ở trẻ em không kê đơn:
- Không sử dụng các sản phẩm trị chấy cho trẻ em thường xuyên hơn so với hướng dẫn
- Không sử dụng nhiều sản phẩm trị chấy khác nhau cùng một lúc.
- Không được sử dụng thuốc trị chấy trên lông mi, lông mày hoặc bất cứ nơi nào gần mắt.
- Không sử dụng sản phẩm trên vùng da có vết cắt hoặc vết xước hở.
- Không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi.
2.2. Trị chấy ở trẻ em bằng lược chải chấy
Sử dụng lược chải chấy để điều trị chấy ở trẻ em là phương pháp hiệu quả cao nếu mẹ cần thận và kiên trì thực hiện. Lược chải chấy có thể dùng kết hợp với việc sử dụng các sản phẩm trị chấy hoặc được sử dụng như một phương pháp trị chấy độc lập. Đây là phương pháp phù hợp với những mẹ lo lắng hóa chất trong các sản phẩm trị chấy có thể ảnh hưởng đến trẻ.
Điều quan trọng nhất trong phương pháp này đó là mẹ phải tìm được một lược chải chấy tốt. Nên lựa chọn lược chải chấy chuyên dụng bằng kim loại với các răng lược dài, mịn, xếp sát nhau. Thời gian mỗi lần chải chấy tùy thuộc vào độ dài, dày, thẳng hay xoăn của tóc. Để giúp trẻ ngồi yên trong quá trình chải chấy, mẹ có thể cho trẻ xem video hoặc đọc sách.
Trước khi dùng lược để trị chấy ở trẻ em, mẹ hãy làm ướt tóc trẻ, cho thêm một ít dầu xả hoặc chất làm mềm tóc, dùng lược thông thường để chải tóc rối. Khi sử dụng dầu xả, quá trình chải chấy sẽ dàng hơn, do làm chấy di chuyển chậm trên lược. Chia tóc trẻ thành từng phần nhỏ, lần lược chải từ da đầu xuống đến hết ngọn tóc, mẹ có thể thấy chấy ở trẻ em khi kéo lược qua tóc. Vẩy răng lược vào bát, nhúng vào bát nước xà phòng hoặc lau sạch lược bằng khăn giấy sau mỗi lần chải tóc. Lần lượt chải từng phần cho đến khi lược sạch (không có chấy hoặc trứng chấy).
Sau khi đã chải chấy toàn bộ đầu của trẻ, hãy xả sạch dầu xả trên đầu trẻ. Làm sạch lược chải chấy, giặt sạch quần áo của mẹ và trẻ mặc trong quá trình chải đầu. Chải chấy cho trẻ bằng lược hàng ngày hoặc cách ngày cho đến khi bạn không thấy chấy sống trên da dầu khoảng 2 tuần.
3. Điều trị chấy cho trẻ em bằng phương pháp tự nhiên
Có thể điều trị chấy ở trẻ em bằng các nguyên liệu tự nhiên như dầu olive, cà chua, dấm ăn, tỏi,... Một số người còn dùng mayonnaise, dầu khoáng. Các nguyên liệu này thường được ủ trên tóc một khoảng thời gian sau đó gội sạch. Tuy nhiên do chưa được kiểm chứng khoa học, nên hiệu quả của các phương pháp này không đảm bảo.
Nếu sử dụng các phương pháp điều trị trên không giúp trẻ hết chấy hoặc xảy ra các tác dụng phụ thì bạn nên đưa trẻ các cơ sở y tế để thăm khám và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com