Chữ Hỷ tiếng Trung có thể thường xuyên nhìn thấy tại các đám cưới, tiệc mừng,v.v. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ được ý nghĩa, cách dùng, cách treo dán và cách viết chữ Hỷ chính xác. Hiểu được điều đó, hôm nay trung tâm Hoa Ngữ Tầm Nhìn Việt sẽ giới thiệu đến bạn những điều thú vị liên quan đến chữ 喜 trong tiếng Hán qua bài viết dưới đây nhé.
Xem thêm: Khóa học tiếng Trung online với lộ trình bài bản, chất lượng.
Nội dung chính:
1. Chữ Hỷ tiếng Trung là gì?
2. Cách viết chữ Hỷ
3. Ý nghĩa và nguồn gốc chữ song hỷ đám cưới
4. Chữ Hỷ trong đời sống người Việt Nam
5. Cách treo chữ Hỷ
1. Chữ Hỷ tiếng Trung là gì?
Chiết tự chữ Hỷ là 喜 / xǐ / và chữ song hỷ 囍 là hai chữ hỷ được ghép lại đọc phiên âm tiếng Hoa là 双喜 / shuāngxǐ /.
Chữ hỷ 喜 được cấu thành từ bộ sĩ 士 / shì / nghĩa là kẻ sĩ , 2 bộ khẩu 口 / kǒu / nghĩa là cái miệng, bộ bát 八 / bā / nghĩa là số 8, bộ nhất 一 / yī / nghĩa là số 1.
Các bộ này kết hợp lại theo nguyên tắc bút thuận từ trên xuống, trái sang phải, trong ra ngoài để tạo lên chữ 喜 mang ý nghĩa là vui vẻ.
CÓ THỂ BẠN MUỐN BIẾT
Học tiếng Trung tại VVS | Chữ Thọ tiếng Trung | Chữ Nhẫn tiếng Trung |
2. Cách viết chữ Hỷ
Chữ Hỷ 喜 / xǐ / bao gồm 12 nét. Dưới đây là cách viết từng nét.
3. Ý nghĩa và nguồn gốc chữ song hỷ đám cưới
3.1 Ý nghĩa chữ Hỷ
Chữ Hỷ 喜 / xǐ / về cấu tạo là một chữ hội ý kết cấu trên dưới, phía trên là TRÚ 壴 / zhù / kết hợp với bộ KHẨU 口 / kǒu / bên dưới.
Tìm hiểu ngay: Tiếng Trung sơ cấp cho người mới.
Chữ 壴 / zhù /: Đây là một chữ tượng hình miêu tả một cái trống, ở giữa là mặt trống, trên có vật trang trí và ở dưới là đế trống. Nguồn gốc của chữ CỔ 鼓 / gǔ / (cái trống, đánh trống) hiện nay do chữ TRÚ 壴 / zhù / tạo nên. Trong cổ văn 鼓 miêu tả một bàn tay cầm dùi đánh vào mặt trống. TRÚ 壴 là loại nhạc cụ dạng trống dùng trong lễ hội, ca múa.
Bộ KHẨU 口 / kǒu /: Miệng, biểu thị cho lời hát, lời chúc mừng. Như vậy HỶ 喜 là tay đánh trống miệng hò reo chúc mừng, HỶ 喜 có nghĩa là việc tốt lành, việc vui mừng.
Xem ngay: Từ vựng tiếng Trung cơ bản.
Còn chữ 囍 song hỷ mang ý nghĩa là hai niềm vui lớn. Chữ song hỷ thường được dán trong đám cưới với ý nghĩa niềm vui được nhân đôi, lễ cưới là một sự việc vô cùng trọng đại và rất vui vẻ. Chính vì vậy, việc sử dụng chữ này như lời chúc phúc mong muốn cho đôi vợ chồng trẻ sẽ luôn hòa thuận và vui vẻ. Ngoài ra, sau khi kết thúc lễ cưới niềm vui sẽ được nhân đôi (Gia đình sẽ sớm đón thêm một thiên thần nhỏ đến với thế giới).
3.2 Nguồn gốc của chữ song hỷ đám cưới
Phong tục treo chữ hỷ được bắt nguồn từ đất nước Trung Quốc nên khi du nhập vào Việt Nam nó vẫn được giữ nguyên cách viết theo tiếng Trung.
Trong lễ ăn hỏi, đám cưới của người Việt, do ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa nên chữ Hỷ màu đỏ xuất hiện rất nhiều không chỉ một chữ mà là “song hỷ” (囍), từ thiệp cưới, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu… Có khi đôi chữ hỷ đám cưới còn được dán ở nhà, ngoài ngõ để thông báo với mọi người về đám cưới. Vì theo quan niệm ngày xưa, song hỷ mang ý nghĩa thể hiện hai niềm vui lớn: Đại đăng khoa - thi đỗ làm quan và Tiểu đăng khoa - cưới vợ.
Ngày nay, đôi chữ này biểu thị cho niềm vui cũng như sự chúc phúc của hai họ đằng trai và đằng gái dành cho đôi uyên ương. Chữ “Hỷ” (囍) trong đám cưới được ghép lại từ 2 chữ “Hỷ” (喜) và được gọi là song hỷ. Song có nghĩa là hai, hỷ mang ý nghĩa mừng vui. Khi ghép lại, song hỷ mang ý nghĩa niềm vui nhân đôi.
Bên cạnh đó, cụm từ 双喜临门 [ Shuāng xǐlínmén] “Song hỷ lâm môn” cũng được sử dụng trong nhiều đám cưới Việt hiện nay, đặc biệt là trong hôn lễ của người Hoa. Cụm từ này biểu thị cho niềm vui nhân đôi đã cùng nhau tới cửa, mang ý nghĩa không thể nào tốt đẹp hơn cho ngày vui của các đôi uyên ương.
Cho đến hiện nay, chữ Hỷ đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong các lễ cưới của người Việt Nam ta. Chữ song hỷ trong đám cưới gắn với một giai thoại đẹp, một câu chuyện đầy yếu tố may mắn, trời định về tình duyên, thi cử của bậc danh sĩ nổi tiếng Vương An Thạch đời nhà Tống, một trong “Đường Tống bát đại gia”.
Câu chuyện như sau: Vương An Thạch từ nhỏ đã học rất giỏi, năm 20 tuổi chàng rời quê chừng 200 dặm lên kinh đô để dự thi. Dọc đường Vương An Thạch đi qua một vùng trù phú. Nhà Mã Viên ngoại của vùng đang kén chồng cho cô con gái dung nhan xinh đẹp. Viên ngoại là người có học nên muốn chọn con rể giàu chữ làm hiền sĩ chứ không phải lắm của nhiều tiền.
Khi Vương An Thạch đi ngang qua đó cũng là lúc Viên ngoại đang mở tiệc mừng thọ. Trong nhà treo đèn kết hoa rực rỡ, khách khứa ra vào đông như hội. Bên ngoài cổng có treo một lồng đèn lớn, kẻ qua người lại xúm nhau xem xét, bàn tán. Vương An Thạch thấy lạ liền ghé vào nhìn thì thấy trên đèn kéo quân dán một vế đối:
走马灯,灯走马,灯熄马停蹄 / Zǒumǎdēng, dēng zǒumǎ, dēng xī mǎ tíng tí /
“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Tức Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân.)
Vương An Thạch nghĩ mãi không đối được, nhưng vẫn nói cứng: “Câu này dễ đối thôi”, rồi bỏ đi. Người nhà của Mã Viên ngoại nghe được, chưa kịp vào trình với Viên ngoại thì Vương An Thạch đã lên đường lên kinh đô.
Tại trường thi, Vương An Thạch làm bài thi xong, đem nộp quyển trước tiên. Quan chủ khảo lật ra xem, tấm tắc khen tài, vấn đáp ông trả lời trôi chảy đã có ý lấy ông đỗ đầu. Nhà vua cho mời ông vào triều để biết mặt và thử tài thêm. Thấy ở sân rồng có một lá cờ lớn, trên có thêu một con hổ, Vua ra cho ông một vế đối:
飞虎旗,旗飞虎,旗卷虎藏身 / Fēi hǔ qí, qí fēi hǔ, qí juǎn hǔ cángshēn /
“Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân (Tức Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).
Vương An Thạch chợt nhớ tới vế đối trên đèn kéo quân trước nhà Mã Viên ngoại và thấy âm, ý rất hay và rất chỉnh khi đối với câu nay liền ứng khẩu đọc luôn: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”. Vua và chủ khảo thấy Vương có tài ứng đối mau lẹ, vế đối rất chỉnh, có ý nghĩa xuất sắc nên đã chấm Vương An Thạch đậu thủ khoa kỳ thi đó.
Trong khi chờ đăng tên lên bảng vàng, Vương An Thạch trở về quê nhà. Khi đi ngang qua Mã gia trang, người nhà của Mã Viên ngoại nhận ra Vương là người đã từng nói vế ra dán trên đèn kéo quân dễ đối, nên mời Vương vào nhà trình với Mã Viên ngoại. Mã Viên ngoại yêu cầu Vương An Thạch đọc vế đối, Vương liền lấy câu của Vua ra đọc lên thành:
“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ;
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân.”
Mã Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất khéo lại ẩn ý khoe tương lai nên nói với Vương An Thạch rằng: “Vế đối dán trên đèn kéo quân là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới đồng ý lấy làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt. Sau đó đám cưới được tổ chức linh đình tại Mã gia trang”.
Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, ở luôn tại nhà Mã Viên ngoại. Ngay liền trong ngày đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch đậu Trạng nguyên, được triều đình gọi lên kinh đô nhậm chức. Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: Cưới được vợ và đậu Trạng nguyên. Vương An Thách bèn hứng chí ngâm nga:
“Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.”
Sau đó lấy giấy viết hai chữ hỷ rất to trình lên nhạc gia và gửi về gia đình mỗi nhà một bản. Thông báo lại hai việc cực kỳ may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (lấy vợ).
Với việc viết hai chữ hỷ đám cưới liền nhau đọc là “song hỷ”, vị Trạng nguyên tài danh này đã sáng tạo ra một chữ mới, chữ song hỷ. Như vậy, nguồn gốc của chữ song hỷ là từ điển tích vừa cưới được vợ đẹp giỏi, vừa thi đỗ Trạng nguyên.
4. Chữ Hỷ trong đời sống người Việt Nam hiện nay
Ngày nay, chữ song hỷ vẫn là hình ảnh quen thuộc trong những hôn lễ Việt Nam. Với ý nghĩa tốt đẹp, dán chữ Hỷ đám cưới luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng các đôi uyên ương. Chúng như thể hiện lời chúc phúc của hai bên gia đình về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và đầy ắp niềm vui cho các đôi vợ chồng son.
Không chỉ thế, song hỷ còn xuất hiện trong những mẫu thiệp cưới đẹp, phông cưới đến vỏ hộp bánh cốm, chè, hạt sen, quả cau, lá trầu…Trong đó, thiệp cưới chữ song hỷ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các cặp đôi để tạo ấn tượng đầu tiên với những vị khách quý. Nhiều người nói rằng, chữ hỷ còn mang ý nghĩa cho hai việc vui mừng song song với nhau, nhà trai cưới được vợ cho con trai, nhà gái gả được chồng cho con gái.
5. Cách treo chữ Hỷ
Chữ Hỷ có thể treo ở các phông bạt trong lễ cưới, trên đầu giường phòng tân hôn của cặp vợ chồng son, hai bên tường phòng khách, dán ở trên các mâm lễ ăn hỏi, dán ở cổng, dán ở xe hoa cô dâu… Cần được giữ nguyên khi treo, không nên treo ngược.
Mặc dù vẫn có một số người cho rằng nếu như chữ Phúc tiếng Trung có thể dán ngược mang ý nghĩa là Phúc đang đến, thì chữ Hỷ dán ngược cũng mang nghĩa niềm vui đang đến. Tuy nhiên đa số người dân sẽ không treo ngược, nhưng vẫn không phải là tuyệt đối. Ví dụ như xa xưa, Trung Quốc đã có truyền thống “tảo hôn”, vì người chết chưa kết hôn không được vào mộ tổ tiên cho nên nếu có người chết chưa kịp kết hôn, muốn vào mộ tổ tiên thì phải “kết hôn”. Tương truyền, người đầu tiên làm tảo hôn chính là Tào Xung, con trai của Tào Tháo. Tào Xung từ nhỏ đã rất thông minh, độc đáo, được Tào Tháo yêu quý, câu “Tào Xung gọi voi” là ám chỉ ông, nhưng không may ông đã qua đời khi mới 13 tuổi. Trong đám cưới này đã dùng từ “Hỷ ngược” để chỉ đó là một đám cưới “âm phủ”, tuy nhiên chữ Hỷ lúc bấy giờ vẫn là chữ “Hỷ đơn thân” cho đến sau này được Vương An Thạch vào thời Bắc Tống sáng tạo nên chữ “Hạnh phúc nhân đôi” (囍) song hỷ, chữ “喜” ngược của Minh Hôn cũng được đổi thành chữ “囍” đảo ngược.
Có một số đông cho rằng không thể dán chữ song hỷ ngược vì điều đó sẽ khiến xui xẻo vào nhà. Dán chữ hỷ đúng theo phong thuỷ là cách đem đại cát đại lợi về nhà, nhất là trong ngày thành hôn.
Trên đây là những kiến thức liên quan đến chữ 喜 trong tiếng Trung. Hy vọng bài viết đã giúp bạn, đặc biệt những người có đam mê tìm hiểu văn hóa Trung Quốc có được tài liệu hữu ích. Cảm ơn bạn đã dành thời gian để tham khảo tài liệu, chúc bạn học tiếng Trung thật tốt.
Tôi tên là Đỗ Trần Mai Trâm sinh viên tại trường Đại Việt Sài Gòn, khoa Ngoại Ngữ chuyên ngành tiếng Trung Quốc. Với kiến thức tôi học được và sự nhiệt huyết sáng tạo, tôi hy vọng có thể mang lại giá trị cao nhất cho mọi người. “Còn trẻ mà, bất cứ việc gì cũng đều theo đuổi rất mạnh mẽ. Hình như phải vậy mới không uổng công sống”.