Vào thời nhà Thanh, có một thanh niên lên Kinh dự thi và ở lại qua đêm trong Liên Hoa Cung, anh ấy đã có một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, anh ấy đã ăn táo do các tăng nhân dâng cúng. Mộng cảnh và hiện thực giao nhau như thế nào?
Vào thời Khang Hy, đại thần Vương Trạch Hồng (1626-1708) được thăng làm Thượng thư Bộ Lễ, chức vụ này tương đương với Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay, danh vọng của ông rất cao, địa vị hiển hách. Vì vậy, mọi người thời đó gọi ông là “Tông bá”.
Vào năm trước khi Vương Trạch Hồng đỗ kỳ thi khoa cử, trên đường đi thi đã xảy ra một sự việc kỳ lạ. Vào thời điểm đó, ông đã rời quê hương Hoàng Cương và đang vội vã lên kinh thành ứng thí. Trên đường, ông có đi ngang qua Lư Sơn và nghỉ đêm tại Liên Hoa Cung. Vì phải tiếp tục hành trình vào ngày hôm sau nên khi sắc trời chưa tối, ông đã đi ngủ.
Trong mơ ăn táo, hiện thực và mộng cảnh giao nhau
Trong giấc mơ, Vương Trạch Hồng thấy mình đang ngồi trong một đại điện, phía trước có đặt một mâm quả chay cúng dường, bên dưới là hàng trăm tăng nhân mặc áo cà sa đang lễ bái và tụng Kinh niệm Phật. Trong giấc mơ, ông tiện tay nhặt những trái táo trước mặt và ăn liên tiếp liền mấy trái. Giấc mơ rất ngắn, đến đây thì ông liền tỉnh giấc.
Mặc dù là một giấc mơ, nhưng điều kỳ lạ là Vương Trạch Hồng sau khi tỉnh dậy, phát hiện trong miệng vẫn lưu lại hương vị của táo. Đang lúc kinh ngạc, ông chợt thấy bên ngoài phòng thắp đèn sáng trưng, các tăng nhân ở Liên Hoa Cung đã bày ra mấy bàn tiệc và đang hành lễ! Khung cảnh đó hệt như những gì ông thấy trong giấc mơ vừa rồi.
Vương Trạch Hồng liền mở cửa sổ và hỏi các tăng nhân rằng họ đang làm gì? Các tăng nhân nói với ông rằng ngày hôm đó là ngày giỗ của cố Trưởng lão Tịnh Nguyệt, các tăng nhân vừa rồi đang cúng tế trưởng lão.
Vương Trạch Hồng nghe xong thì vô cùng kinh ngạc, liền đứng dậy đi xem chồng táo ở trên bàn tế. Ông phát hiện chồng táo hơi vơi hơn một chút, ước chừng ít hơn hai, ba trái, vừa vặn là số lượng mà ông vừa ăn trong giấc mộng. Đột nhiên ông chợt ngộ ra rằng, kiếp trước bản thân chính là trưởng lão của ni viện này!
Kỳ thực ở Lư Sơn còn có một câu chuyện khác về nhà họ Vương. Vào cuối thời nhà Minh, năm đầu tiên của Minh Tư Tông (Sùng Trinh Đế), cha của Vương Trạch Hồng là Vương Dụng Dư lúc đó là Tiến sĩ. Vương Dụng Dư nổi tiếng thanh liêm nên được tiến cử làm Hàn Lâm kiểm thảo (tên chức quan phụ trách Quốc sử).
Vào tháng 3 năm Sùng Trinh thứ 17 (năm 1644), Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh, Sùng Trinh Đế treo cổ tự tử ở Môi Sơn, nhà Minh sụp đổ. Sau khi Đế vong quốc diệt, vì để bảo toàn chí tiết, Vương Dụng Dư đã táng thân theo Hoàng đế tại Lư Sơn.
Khi Vương Trạch Hồng qua đêm tại Liên Hoa Cung ở Lư Sơn, lại đúng là ngày mất của Trưởng lão Tịnh Nguyệt, thông qua giấc mơ mà ngộ ra nhân duyên ở kiếp trước. Vì lý do này, ông cuối cùng đã kiền tâm tu Phật.
Trong câu chuyện này, Vương Trạch Hồng đã biết về kiếp trước của mình thông qua một giấc mơ. Kỳ lạ hơn nữa, trong giấc mộng ông đã ăn mấy trái táo, sau khi tỉnh lại vẫn còn mùi vị của táo trong miệng. Vì sao lại như thế? Điều này đã để lại một nan đề cho các thế hệ hậu nhân.
Kiếp trước xuất gia làm tăng, có lẽ là vì đã nhận ra ý nghĩa chân chính của nhân sinh là siêu thoát cõi hồng trần. Chỉ là thế sự khó đoán, trong nháy mắt đã chuyển sinh ở nhân gian, phát hiện mình lại thay một bộ y phục, dấn thân vào chính sự, nhập thế làm quan. Cũng giống như lên sân khấu biểu diễn vậy, dựa theo thiết kế kịch bản của vận mệnh, lại bắt đầu hóa thân vào những vai diễn mới.
Trong một trường hợp khác vào triều đại nhà Thanh, có một vị quan cũng là một tăng nhân trong kiếp trước. Thông qua một giấc mơ, ông không chỉ biết về kiếp trước của mình mà còn biết được tuổi thọ ở đời này.
Nằm mộng biết thọ mệnh
Nhà văn Viên Mai sống vào thời nhà Thanh có một đồng niên (cách gọi giữa những thí sinh tham gia cùng một kỳ thi) tên là Vương Bạch Trai, là một thiếu niên rất tuấn tú. Khi Vương Bạch Trai nhập học, cậu mới chỉ 17 tuổi.
Một ngày nọ, Vương Bạch Trai tình cờ đến thăm Triều Minh Tự. Trong chùa, nơi tôn trí chân dung của những tăng nhân các triều đại trước, Vương Bạch Trai nhìn thấy bức chân dung của một vị tăng già, cậu bất giác rùng mình, tóc gáy dựng đứng cả lên. Sau khi về đến nhà thì cậu đột nhiên ngã bệnh. Từ đó trở đi, mỗi khi đi ngang qua ngôi chùa này, cậu không dám liều lĩnh bước vào nữa.
Sau kỳ khảo thí đó, Vương Bạch Trai thi đỗ vị trí Tiến sĩ đệ tam danh (Thám Hoa). Đêm đó, cậu mơ thấy một vị tăng già. Vị tăng già đưa cho cậu 54 cây nhang và nói: “Ta có ba đồ đệ: một người là Mộng Lân, một người là Tiền Duy Thành, một người nữa chính là con. Tương lai khi phụ trách hình án, có một vụ án con nên siêu độ, sau đó sẽ quay trở lại nguyên vị của mình”. Vương Bạch Trai luôn giữ bí mật sự việc này.
Về sau, Vương Bạch Trai làm quan đến chức Đại Ti Khấu (còn được gọi là Thượng thư Bộ hình, phụ trách hình pháp của quốc gia), thọ đến 54 tuổi, bằng số nén hương mà cậu nhận được trong giấc mơ. Còn chuyện ông đã siêu độ cho vụ án nào, vì ông giữ bí mật nên người ngoài không thể biết. Cùng với sự ra đi của ông, một câu chuyện bí ẩn lại lần nữa được lưu lại.
Tài liệu tham khảo:
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ