Rau cải cúc là một loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin A, B, C, protid và lipid. Nhiều người yêu thích rau cải cúc, bổ sung vào bữa ăn thường xuyên. Tuy nhiên bầu ăn rau cải cúc được không? Bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu hỏi này ở bài viết dưới đây nhé!
Mẹ bầu ăn rau cải cúc được không?
Rau cải cúc hay còn được gọi với cái tên khác như rau cúc, rau tần ô, xuân cúc, cúc tần ô, đồng cao. Rau cải cúc là một loại rau xanh phổ biến, nhiều lá, thân mềm, vị ngọt dịu xen lẫn với đắng nhẹ và mùi thơm, được xuất hiện trong nhiều món ăn như tần ô nấu canh cá thác lác, hủ tíu Nam Vang… Theo đông y, cải cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát nên có tác dụng rất tốt trong giải nhiệt, trị ho, tăng cường hệ tiêu hóa.
Bầu ăn rau cải cúc được không là thắc mắc của nhiều người, nhất là phụ nữ đang trong quá trình mang thai. Thực thế, theo các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định: Rau cải cúc rất tốt cho bà bầu và phụ nữ sau sinh. Trong cải cúc chứa thành phần các loại vitamin, glucid, lipid, protein và một số những vi chất có lợi khác như kẽm, sắt, kali… Do đó, mẹ bầu hoàn toàn có thể an tâm sử dụng rau cải cúc trong bữa ăn của mình. Các hàm lượng chất trong rau cải mang lại lợi ích cho cơ thể như:
- Chất xơ (3g): Giúp tăng cường co bóp dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hóa của cơ thể, làm giảm lượng cholesterol.
- Vitamin C (1,4mg): Có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, thúc đẩy quá trình hấp thu sắt và canxi trong thực phẩm của mẹ bầu.
- Vitamin K (350µg): Ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
- Vitamin B5 (0,221mg): Giúp làm giảm căng thẳng và hạn chế chuột rút trong quá trình mang thai.
- Vitamin B6 (0,173mg): Làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn trong thai kỳ, hỗ trợ sự phát triển về não và hệ thần kinh của trẻ.
- Sắt (0,8mg): Có vai trò cung cấp và bổ sung máu cho cơ thể.
- Gluxit (1,9g): Tạo năng lượng cho cơ thể mẹ hoạt động.
- Kẽm (0,67mg): Giúp mẹ dễ hấp thu canxi và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
- Canxi (63mg): Tăng cường phát triển hệ xương của cả mẹ và bé.
- Kali (219mg): Làm giảm tình trạng giữ nước và hạn chế mất cân bằng điện giải.
Tác dụng của rau cải cúc đối với mẹ bầu
Sau khi có câu trả lời cho câu hỏi bầu ăn rau cải cúc được không thì chị em nên tìm hiểu thêm những tác dụng của loại rau này trong quá trình mang thai. Rau cải cúc có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi, cụ thể như sau:
Rau cải cúc giúp thanh nhiệt giải độc
Trong quá trình mang thai, phụ nữ thường có thân nhiệt cao hơn so với người bình thường, khiến cơ thể bốc hỏa, sinh nhiệt, khó chịu, không thoải mái. Rau cải cúc chính là một lựa chọn an toàn và hữu dụng dùng để giải nhiệt cho mẹ. Cúc tần ô có thể nấu tươi hoặc mang ra phơi khô rồi nấu nước uống hàng ngày thay cho nước lọc.
Chất xơ trong rau cải cúc giúp hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Để giảm tình trạng táo bón thì mẹ bầu ăn rau cải cúc được không? Thực tế, trong cây cúc tần ô chứa hàm lượng lớn thành phần các loại axit béo, axit amin, kali, natri… và các chất xơ thực vật. Đây đều là những chất có tác dụng hỗ trợ tăng cường nhu động ruột, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa. Do vậy, mẹ bầu bổ sung rau cải cúc vào thực đơn hàng ngày sẽ có thể khắc phục tình trạng đầy bụng, khó tiêu hoặc táo bón.
Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng đau đầu, đau mắt
Tình trạng đau đầu hay đau nhức mắt xảy ở ở bà bầu không phải là hiếm. Một bài thuốc dân gian được dùng khá phổ biến liên quan đến rau cải cúc để chữa chứng đau đầu và đau mắt rất tốt: Lấy một nắm rau tần ô giã nát, dùng bã đắp lên vùng thái dương và vùng trán sẽ xua tan cơn đau đầu khiến mẹ cảm thấy thư thái, dễ chịu hơn. Rau càng già thường sẽ có tác dụng tốt hơn so với rau non. Ngoài ra, kết hợp với đun rau cải cúc còn nguyên rễ để uống hàng ngày cũng giúp giảm đau đầu, đau mắt của mẹ một cách an toàn và hiệu quả.
Tác dụng chữa ho giảm sốt của rau cải cúc
Ngoài được biết đến như một loại rau thông thường, cúc tần ô còn có công dụng giảm ho, giải cảm. Cháo nấu với cúc tươi có tác dụng rất tốt để điều trị. Vì vậy, mẹ bầu có thể tham khảo sử dụng loại thực phẩm này để chữa ho giảm sốt nhé.
Rau cải cúc với công dụng trị tiêu chảy
Trong thời kỳ mang thai sức đề kháng của mẹ thường bị giảm sút, dễ mắc những rối loạn về tiêu hóa nhất là táo bón hoặc tiêu chảy. Vậy khi bị tiêu chảy mẹ bầu ăn rau cải cúc được không? Sử dụng rau cải cúc là một phương pháp chữa trị tiêu chảy an toàn. Để rau cải cúc có thể phát huy công dụng bạn nên dùng khoảng 20g cúc tần ô, nấu thành canh. Những món canh từ cúc tần ô sẽ giúp đường ruột hoạt động tốt, ngăn chặn vấn đề về tiêu hóa. Duy trì ăn canh từ 3 - 5 ngày để đạt hiệu quả tốt mà không cần sử dụng thuốc.
Công dụng tăng tiết sữa sau sinh của rau cải cúc
Sau khi sinh, sữa mẹ là vấn đề được những sản phụ quan tâm nhất, lượng sữa ít khiến nhiều bà mẹ lo lắng, từ đó tìm kiếm những thực phẩm, cách làm tăng tiết sữa. Rau cải cúc được xem như một bài thuốc thần kỳ có tác dụng lợi sữa, làm tăng tiết sữa mẹ sau khi sinh. Mẹ bầu chỉ cần hấp hoặc chế biến rau cải cúc thành món canh cải cúc thịt nạc và sử dụng thường xuyên, rất có lợi cho việc cung cấp nguồn sữa dồi dào cho trẻ.
Một số lưu ý cho mẹ bầu khi ăn rau cải cúc
Rau cải cúc là loại rau có nhiều khoáng chất và vitamin, nó cũng có nhiều công dụng đặc biệt đối với mẹ bầu, tuy nhiên rau cải cúc chỉ phát huy được hết công dụng đó khi được chế biến và sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số nhưng lưu ý trước khi dùng rau cải cúc như:
- Rau cải cúc an toàn và lành tính, tuy nhiên bạn không nên ăn quá nhiều vì nó có thể gây ra những khó chịu cho hệ tiêu hóa và dạ dày. Nên ăn một lượng vừa phải và kết hợp với những thực phẩm dinh dưỡng khác.
- Rửa rau thật sạch bằng nước trước khi cho vào chế biến.
Rau cải cúc chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, mẹ bầu cũng hoàn toàn có thể an tâm sử dụng, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng tránh gây những tác dụng phụ không đáng có. Trên đây là một số thông tin về bài viết “Bầu ăn rau cải cúc được không? Tác dụng của rau cải cúc đối với mẹ bầu” mà nhà thuốc Long Châu chia sẻ cho bạn. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin chi tiết về sức khỏe nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp