Không nuôi chó nhưng lại khổ hơn chủ chó
Cuối năm 2021, anh Nguyễn Trung Kiên (39 tuổi) bán căn hộ chung cư ở huyện ngoại thành Hà Nội, dốc hết số tiền tiết kiệm mua một căn nhà ở quận Thanh Xuân để đi làm cho tiện. Chuyển vào nội thành sinh sống, anh vẫn giữ thói quen dậy sớm chạy bộ để rèn luyện sức khỏe.
Anh vẫn nhớ như in buổi sáng đầu tiên sau khi chuyển về căn nhà mới. Anh hào hứng mở cổng, bước ra ngoài với tâm thế hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành của buổi sớm thì bỗng xộc vào mũi một mùi hôi thối, khó chịu.
Ở gốc cây ngay trước cửa nhà anh từ lúc nào đã có sẵn vài "bãi mìn" của chú chó nhà nào. Gần đó, mấy túi rác bị cắn xé tung tóe, túi bóng, vỏ rau củ, bỉm trẻ em đã qua sử dụng vương vãi khắp xung quanh.
Cả ngày hôm đó đi làm, nhiều lúc nghĩ lại cảnh tượng buổi sáng trước ngôi nhà mới, anh Kiên lại thấy ngao ngán. Trước đó, khi chuyển vào nội đô, anh chưa từng nghĩ đến những phiền não do nạn chó thả rông, phóng uế bừa bãi gây ra như vậy.
"Chiều hôm đó về nhà, tôi thấy rác rưởi đã được dọn đi nhưng phân chó thì vẫn chình ình trước cửa. Công nhân môi trường họ cũng chỉ có trách nhiệm dọn rác thôi. Cực chẳng đã, tôi phải lấy cái xẻng trồng cây hót vào túi rồi vứt ra thùng rác", anh Kiên kể.
Mấy hôm tiếp theo, chú ý quan sát, anh nhận ra trong khu phố có nhiều nhà nuôi chó. Tuy nhiên, đa phần họ có thói quen dắt chó đi dạo lúc sáng sớm hoặc chiều tối để vật nuôi của mình "giải quyết nỗi buồn". Nhiều nhà, thậm chí thả rông vật nuôi, để các chú chó lang thang dạo mát rồi phóng uế vào bờ tường, gốc cây.
Dù gia đình không nuôi chó nhưng lúc nào cũng ở trong cảnh phải đi dọn phân vật nuôi hộ nhà khác, anh Kiên từng đi gõ cửa nhà một số chủ nuôi chó. Tuy nhiên, nhà nào cũng chối đây đẩy "không phải chó nhà mình".
Anh Kiên kể: "Mới đầu vợ tôi gàn, bảo rằng như thế dễ làm mất lòng hàng xóm. Nhưng sau thấy không gian xung quanh nhà lúc nào cũng nồng nặc mùi khó chịu, cô ấy cũng đồng tình với giải pháp của tôi. Nhưng đúng là chẳng dễ dàng gì, có nhà thì ừ hữ cho qua, nhưng cũng có người lên gân lên cốt nói tôi vu oan giá họa cho nhà họ".
Sau lần ấy, anh Kiên quyết tìm một kế sách thông minh hơn. Anh lắp camera trước cửa, thu thập bằng chứng thuyết phục để hàng xóm khỏi chối cãi. Có các đoạn quay video, anh mang sang nhà hàng xóm đối chất. Từ đó, trước cửa nhà anh, tình trạng chó, mèo xả thải cũng giảm bớt.
Cuộc sống dễ chịu hơn nhưng tình cảm xóm giềng đi xuống hẳn. Đôi khi gặp những người cùng khu phố, anh chị lên tiếng chào nhưng họ gật đầu rồi lướt đi, có người thậm chí chẳng đáp lời.
Là một công dân Thủ đô, chị Phạm Thu Hằng cũng thở dài thườn thượt mỗi khi nhắc tới nạn chó thả rông ở khu phố nhà mình.
Chị Hằng cho hay: "Dọc khu phố nhà tôi, Nhà nước đầu tư trồng rất nhiều cây xanh to, đẹp. Thế nhưng cứ tối tối người dân lại dắt chó ra gốc cây để chúng tè bậy. Có nhà thì thả tự do cho chó đi vệ sinh rồi chúng tự về. Nhìn chung rất mất mỹ quan.
Không riêng gì tôi, rất nhiều người dân trong tổ dân phố cũng thấy bức xúc về vấn đề này. Báo, đài nói nhiều, tổ dân phố cũng tuyên truyền tuy nhiên tình trạng này chỉ mới giảm bớt chứ chưa chấm dứt hẳn".
Người phụ nữ này mở một cửa hàng kinh doanh nhưng nhiều buổi sáng mở cửa ra, chị lại nhìn thấy cảnh tượng không hề mong muốn.
Để không ảnh hưởng đến việc buôn bán, chị Hằng đành phải tự tay dọn dẹp đống xú uế của vật nuôi trước cửa nhà. "Nhiều hôm, tôi lấy dầu gió rải quanh gốc cây để tạo ra mùi khó chịu ngăn lũ chó tìm tới. Tuy nhiên, cứ hôm nào rải dầu gió thì đỡ, còn hôm nào không rải thì các con chó trong xóm lại đến phóng uế", chị Hằng bức xúc.
Chính vì phải chịu nỗi ấm ức không đâu mà chị Hằng thừa nhận bản thân nhiều khi sinh ra ác cảm với một số người dân trong khu phố chỉ vì họ nuôi chó.
Không áp dụng cách rắc dầu gió, chị Trần Thu Hồng (quận Thanh Xuân) lại bỏ tiền mua hàng ký ớt bột để rải trước khu vực bờ tường và gốc cây gần nhà. Thế nhưng cách làm này cũng chẳng mấy hiệu quả.
Chị Hồng cho hay: "Từng có thời gian, vợ chồng tôi thay nhau trực ngoài cổng để đuổi chó xả thải trước cửa. Nhiều khi cứ vừa nấu cơm vừa mắt trước mắt sau nhìn ra ngoài. Tuy vậy, nhiều người ý thức cực tệ, thả chó đi phóng uế trước nhà người khác một cách thản nhiên, khi bị nói, họ quay lại cự cãi bảo đó là đường của xã hội chứ của riêng nhà tôi đâu".
Đã là bức xúc lớn của dư luận thì cần có giải pháp xứng tầm
Sống ở chung cư trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), chị Lê Vân Anh có lần thấy cảnh một thiếu nữ ăn mặc sang chảnh dắt chú chó Phốc bé tí đi dạo. Đang đi, chú chó ghé luôn vào tường tè một bãi, trong khi cô chủ thản nhiên đứng chờ thú cưng "giải quyết" xong rồi đi tiếp. "Người đẹp ở đâu chưa thấy chứ ý thức như thế là quá kém", chị Vân Anh nhận xét.
Nạn chó thả rông còn ảnh hưởng tới an toàn của nhiều người. Anh Trần Quyết Thắng kể: "Tôi lên Hà Nội được 5 năm thì 3 lần gặp sự cố liên quan đến chó. Lần 1 tôi bị một con pitbull đuổi khi dừng xe để nghe điện thoại.
Lần 2 tôi tông vào một con chó đang băng qua đường. Kết quả cả tôi và con chó bị thương, chủ chó không thèm hỏi han tôi một tiếng mà vội vã sơ cứu cho chó của họ. Lần thứ ba tôi bị chó cắn và phải đi tiêm phòng ở bệnh viện".
Nạn chó thả rông, phóng uế thời gian qua gây bức xúc trong nhiều khu phố Thủ đô. Vừa qua, Hà Nội đã yêu cầu UBND cấp xã quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông… nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, lâu nay, nạn chó thả rông, chó vô chủ lẫn có chủ phóng uế bừa bãi là câu chuyện nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.
Mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng, giao thông xáo trộn, môi trường sống của người dân bị ô nhiễm. Chính vì vậy, cần có nỗ lực thiết thực nào đó để chấm dứt tình trạng này, từ đó mới có thể xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, sạch đẹp, xứng tầm là thành phố hòa bình.
Hà Nội vừa qua đã đặt ra vấn đề là cần làm ngay, thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông. Việc làm này nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận.
Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, khi nhu cầu xử lý chó thả rông đã trở thành mối quan tâm lớn của dư luận thì ngoài thành lập các tổ bắt giữ cần có sự vận động mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng thông qua mặt trận, các tổ chức đoàn hội sâu sát với từng người dân, khu phố, ngõ xóm.
Sự xuất hiện của gần 600 tổ bắt giữ chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất như cú hích, tạo ra điểm nhấn để người dân trong cộng đồng thấy rằng đã đến lúc phải giải quyết vấn đề này.
"Cần củng cố và làm chặt hơn nữa những nội quy, quy chế về xây dựng thành phố ở ngay các cơ sở, biến đây trở thành chủ trương chung của các cấp chính quyền. Nếu chỉ tập trung vào bắt giữ thì không hiệu quả. Bởi việc bắt giữ được 5-7 con chó trong một giờ có căng mình ra làm nửa tháng thì đâu lại vào đó nếu như người dân chưa lĩnh hội được cốt lõi của vấn đề là tại sao cần phải dẹp cái nạn này", vị chuyên gia này nhấn mạnh.