Tôm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ chế biến lại có thể chế biến thành nhiều món ngon nên được nhiều người yêu thích. Việc ăn các món tái sống chế biến từ tôm cũng không còn quá xa lạ. Thậm chí, các món tôm sống còn trở thành đặc trưng trong ẩm thực của nhiều quốc gia, điển hình như: Tôm sống sốt Thái, sashimi tôm, tôm sống tái chanh, tôm sống mù tạt, tôm sống tắm wasabi… Trong khi nhiều người là tín đồ của các món tôm sống thì cũng có những người hoài nghi ăn tôm sống có an toàn không.
Ăn tôm sống có an toàn không?
Tôm là thực phẩm chứa hàm lượng carbs và calo thấp nhưng có hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú và dồi dào. Thành phần dinh dưỡng của tôm có vitamin A, vitamin B6, vitamin B12, acid béo omega-3, sắt, selen, canxi, magie, chất đạm… Thịt tôm có vị ngọt, mềm hoặc chắc tùy từng loài. Thịt tôm ngon, bổ dưỡng, được sử dụng phổ biến ở nhiều nước nhưng nhiều người cho rằng chúng không an toàn khi ăn sống. Đây cũng là quan điểm của các chuyên gia sức khỏe.
Bất cứ thực phẩm nào khi ăn sống bao gồm cả tôm đều có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng, virus. Khi chúng ta ăn đồ sống, các tác nhân gây hại này sẽ xâm nhập vào cơ thể con người và có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Nhẹ là ngộ độc thực phẩm, nặng là nhiễm trùng huyết.
Những vi sinh vật gây hại có trong tôm có thể bị tiêu diệt phần lớn khi nấu chín. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nấu chín tôm trước khi ăn là cách sử dụng tôm an toàn nhất.
Ai nên ăn và không nên ăn tôm sống?
Ăn tôm sống có an toàn không đến đây bạn đã có câu trả lời. Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta muốn trải nghiệm và khám phá ẩm thực. Tôm sống lại là đặc trưng ẩm thực của nhiều nước trên thế giới từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc nên lại càng đáng nếm thử. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy đảm bảo rằng hệ tiêu hóa của bạn đang ở trạng thái tốt, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Không phải ai cũng thích hợp để ăn các món từ tôm sống. Nếu bạn gặp một trong những tình trạng dưới đây, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi ăn tôm sống bạn nhé!
- Bạn đã từng hoặc thường xuyên bị dị ứng với các loại hải sản, động vật có vỏ cần cân nhắc kỹ trước khi ăn tôm sống. Vì nguy cơ dị ứng tôm cũng khá cao.
- Nếu đang gặp vấn đề về tiêu hóa, đau dạ dày hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bạn không nên ăn tôm sống.
- Những người mắc bệnh gout, bệnh xương khớp, người già, trẻ em không nên ăn tôm sống.
- Người từng mắc giun hoặc sán không nên ăn đồ tái sống nói chung và tôm sống nói riêng.
Ăn tôm sống tiềm ẩn nguy cơ gì?
Ăn thực phẩm sống có một số lợi ích nhất định nhưng cũng tiềm ẩn không ít mối nguy. Ăn tôm sống không được khuyến khích vì việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe như:
Các vi khuẩn có hại ký sinh trong các loại động vật tươi sống có thể gây ngộ độc cho người. Điển hình nhất có thể kể đến Vibrio. Loài vi khuẩn Vibrio thường ký sinh trên tôm (nghiên cứu cho thấy khoảng 55% mẫu tôm chứa vi khuẩn này. Vibrio là thủ phạm gây dịch tả, nhiễm trùng, viêm dạ dày.
Nếu bị nhiễm trùng Vibrio mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏi sau khoảng vài ngày. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều chủng của vi khuẩn Vibrio có khả năng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị. Đặc biệt, có khoảng 20% người nhiễm vi khuẩn này tử vong sau vài ngày phát bệnh. Đây là một tỷ lệ khá cao.
Theo một số kết quả nghiên cứu, 100% tôm chứa vi khuẩn Bacillus. Loại vi khuẩn này thường gây tiêu chảy và nôn ói. Ngoài ra, trong tôm sống cũng có thể chứa các loại vi khuẩn khác như Salmonella, E. coli. Ăn các thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn như tôm sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, co thắt ruột, tiêu chảy, sốt. Đồ sống là một trong những loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nhất.
Trong tôm sống cũng thường có một số loại giun và sán sống ký sinh. Loài sán phổ biến nhất ký sinh trong tôm là Paragonimus westermani - sán lá phổi. Khi người ăn phải tôm sống chữa loại giun này có thể mắc chứng ho ra máu cực nguy hiểm.
Ăn tôm sống cần lưu ý gì?
Nếu vì một lý do nào đó, bạn vẫn muốn trải nghiệm món tôm sống ngay cả khi đã biết ăn tôm sống có an toàn không, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Khi tôm không được thu mua, bảo quản đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng. Vì vậy, bạn nên mua tôm sạch ở những địa chỉ uy tín.
- Tôm tươi nên được sử dụng ngay khi còn sống hoặc tôm đông lạnh chỉ nên được lưu trữ tối đa trong 5 tháng. Nếu sử dụng tôm đông lạnh để làm các món sống, bạn nên rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm. Tuyệt đối không để tôm đông lạnh ở môi trường nhiệt độ phòng hay mang ngâm nước trong bồn rửa. Việc làm này sẽ làm tăng nguy cơ thịt tôm bị vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
- Tôm sống cần được sơ chế sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên sơ chế tôm sống cạnh các thực phẩm sống khác hay ở nơi không đảm bảo vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn chéo.
- Có thể tái chanh tôm để acid trong chanh giúp tôm chín một phần, giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng.
Tóm lại, các món tôm sống có thể mang đến trải nghiệm mới lạ và thú vị trong hành trình khám phá ẩm thực của bạn. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn các món này quá thường xuyên để tránh bị nhiễm khuẩn, nhiễm sán hay ký sinh trùng. Mong rằng bài viết này của Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc ăn tôm sống có an toàn không và những lưu ý quan trọng khi ăn tôm sống.
Xem thêm: Ăn tôm hùm có tốt cho sức khỏe không?