Tự luyến trong tình yêu là khi một trong hai yêu bản thân quá mức, đến mức quên đi cảm xúc và nhu cầu của người còn lại. Chúng ta không nhận ra nó ngay từ đầu mà chỉ khi đi sâu vào mối quan hệ mới thấy rõ điều đó. Vậy nếu gặp đối phương chỉ coi trọng chính mình, liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận tình yêu và tiếp tục quen?
Tự luyến trong tình yêu là gì? Dấu hiệu
Tự luyến trong tình yêu là khi bắt gặp một người chỉ tập trung vào bản thân, luôn ưu tiên cảm giác và nhu cầu cá nhân mà không thực sự quan tâm đến đối phương. Người này mong muốn được tôn sùng và nắm quyền kiểm soát mọi thứ trong mối quan hệ. Sự bất công này khiến tình yêu trở nên bất ổn và chỉ có người kia phải chịu đựng và hy sinh.
Dưới đây là những dấu hiệu rõ ràng của người tự luyến để bạn nhận ra và bảo vệ chính mình trong một mối quan hệ có khả năng không lành mạnh:
- Tự cao tự đại, luôn xem mình là người đặc biệt và kỳ vọng đối phương phải ngưỡng mộ mình
- Thiếu sự đồng cảm, ít khi quan tâm đến cảm xúc của người khác, khiến người yêu mang cảm giác bị bỏ rơi
- Thích kiểm soát, thao túng, cố gắng điều khiển mọi lời nói đến hành động của đối phương
- Ghen tuông vô lý, kiểm tra điện thoại, cấm đoán các mối quan hệ của người yêu, áp đặt nhiều quy tắc khắt khe
- Cảm xúc dễ thay đổi đang từ dịu dàng sang lạnh nhạt
- Thiếu trách nhiệm, không thừa nhận lỗi lầm của mình, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác
- Tự ái cao, rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và dễ nổi giận, không chấp nhận ý kiến khác biệt, khó lắng nghe
- Ban đầu tỏ ra quyến rũ và thu hút nhưng sau đó sử dụng vẻ ngoài ấy để thao túng và kiểm soát đối phương
- Không tôn trọng ranh giới cá nhân, thường xuyên xâm phạm quyền riêng tư và áp đặt những yêu cầu vô lý
- Cô lập đối phương, muốn người yêu xa rời bạn bè và gia đình để dễ tạo sự phụ thuộc nhằm kiểm soát nhiều hơn
- Khó thỏa hiệp, không nhượng bộ trong bất kỳ tranh cãi nào, khiến xung đột trong mối quan hệ dễ dàng leo thang
- Tỏ ra lạnh nhạt, không chú ý đến nhu cầu chia sẻ của người yêu làm đối phương thấy cô đơn
Chu kỳ tự luyến trong tình yêu
Mối quan hệ với người có xu hướng tự luyến thường đi theo một chu kỳ phức tạp gồm các giai đoạn sau đây:
Lý tưởng hóa
Người tự luyến bắt đầu mối quan hệ với những lời hứa ngọt ngào, cử chỉ lãng mạn và sự quan tâm đặc biệt để thu hút đối phương. Họ sử dụng các lời nói “có cánh” như “Anh/em là người duy nhất tôi muốn bên cạnh” để tạo cảm giác rằng đối phương thật sự đặc biệt. Thực chất, đây là cách người bệnh kiểm soát cảm xúc, đánh giá mức độ phục tùng của đối phương và định hướng mối quan hệ theo ý mình.
Hạ thấp giá trị đối phương
Khi đã kiểm soát được cảm xúc của đối phương, người tự luyến bắt đầu chuyển sang chỉ trích, làm giảm giá trị người yêu qua các chiêu trò tinh vi. Lời chê bai kín đáo, khen ngợi gián tiếp, áp đặt hành vi vô lý dần khiến người kia thấy bản thân không đủ tốt và phải cố gắng hơn để làm hài lòng người yêu. Đây là cách mà người tự luyến kiểm soát cảm xúc và lòng tự trọng, tạo ra sự phụ thuộc và làm suy yếu niềm tin vào bản thân của đối phương.
Tiếp tục hạ thấp nghiêm trọng
Nếu đối phương không phản ứng, không đặt ra ranh giới, người tự luyến sẽ lạm dụng vấn đề hạ thấp giá trị. Họ dùng lời lẽ nặng nề, thao túng trước mặt người khác hoặc bịa đặt câu chuyện, tạo cảm giác đối phương chẳng có giá trị gì. Từ đó, người yêu dần trở nên tự ti, cô lập và hoàn toàn phụ thuộc vào người tự luyến về cả cảm xúc lẫn quan hệ xã hội.
Rời bỏ đối phương
Đối phương không còn đáp ứng được nhu cầu tự tôn của mình làm cho người tự luyến chán nản và rời bỏ mối quan hệ. Họ có thể tìm cảm xúc mới ở nơi khá, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ hiện tại nhằm đảm bảo các lợi ích tài chính, xã hội. Trong quá trình này, người tự luyến sẽ đổ lỗi cho đối phương, đóng vai nạn nhân để khiến người yêu mình thấy có lỗi và tiếp tục phụ thuộc vào họ.
Hậu quả sau khi chia tay
Ngay cả khi mối quan hệ đã kết thúc, người tự luyến vẫn có xu hướng quay lại, năn nỉ, đe dọa, đổ lỗi để tiếp tục kiểm soát. Điều này gây ra áp lực tâm lý lớn cho đối phương, khiến họ mắc kẹt trong cảm giác tội lỗi và đau khổ kéo dài. Sau khi thoát khỏi mối quan hệ tự luyến, người còn lại cũng phải đối diện với tổn thương về tinh thần, mất niềm tin vào tình yêu và khó hồi phục lòng tự trọng.
Hậu quả của tự luyến trong tình yêu
Tính tự luyến khiến tình yêu trở nên lệch lạc. Người tự luyến lại đặt bản thân lên trên hết, khiến nửa kia cảm thấy không được trân trọng và mất đi sự tin tưởng vào mối quan hệ. Theo thời gian, cảm giác chán nản và tổn thương bào mòn niềm tin của người trong cuộc, dẫn đến nhiều mệt mỏi và bất an.
Người yêu của người tự luyến phải chịu đựng áp lực lớn về tinh thần khi liên tục đáp ứng nhu cầu, tâm trạng thất thường. Cảm giác kiệt quệ, mất đi bản ngã và hy sinh đam mê cá nhân dần khiến họ đánh mất chính mình. Những tổn thương này để lại vết sẹo trong lòng, khiến họ khó lòng mở lòng với mối quan hệ khác sau này.
Mối quan hệ với người mắc chứng này gây nhiều rắc rối do thiếu đi sự chân thành và tin tưởng. Những cuộc cãi vã thường xuyên khiến hai người dần xa cách. Nếu không thể tìm ra cách giải quyết, nguy cơ tan vỡ là rất cao.
Đối với chính người tự luyến, cảm giác cô đơn và trống trải là hậu quả không thể tránh khỏi. Dù luôn khao khát được quan tâm, nhưng những hành vi tự cao và thiếu đồng cảm lại vô tình đẩy người khác ra xa. Các mối quan hệ của người bệnh rất ngắn ngủi, bất ổn và để lại cảm giác thiếu thốn tình cảm mãi không nguôi.
Có nên tiếp tục quen người tự luyến trong tình yêu?
Bạn có bao giờ tự hỏi mình có nên tiếp tục quen người tự luyến trong tình yêu? Mối quan hệ với người tự luyến dễ khiến bản thân cảm thấy tổn thương, cô đơn và kiệt quệ về mặt tinh thần. Việc ở bên người như vậy không mang lại sự thoải mái và lâu dài trong tình yêu. Hơn nữa:
- Người tự luyến rất khó đồng cảm và không đặt mình vào vị trí của người khác.
- Kiểm soát và ghen tuông thái quá khiến bạn cảm thấy mất tự do
- Luôn muốn bản thân là trung tâm, khiến bạn không được trân trọng
- Thiếu chân thành, có thể nói dối hoặc thao túng để đạt mục đích
- Sống cùng cảm giác tự ti và không an toàn vì thiếu sự ủng hộ
- Tính cách khó thay đổi khiến đối phương cố gắng vô ích
Nếu đang ở trong mối quan hệ như vậy, hãy tự đánh giá lại và đặt hạnh phúc của bản thân lên hàng đầu. Những hành động sau có thể giúp bạn vượt qua thử thách này:
- Nhận biết bản thân đang trong một mối quan hệ không lành mạnh
- Thử trò chuyện thẳng thắn và chân thành với đối phương về vấn đề đang gặp phải
- Đừng quá kỳ vọng vào sự thay đổi từ người ấy
- Tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý
- Tự chăm sóc và quan tâm đến bản thân nhiều hơn với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý
- Xem xét lại giá trị và hạnh phúc cá nhân mà mình hướng tới
- Sẵn sàng rời xa nếu mối quan hệ gây nhiều tổn thương
Việc đưa ra quyết định kết thúc không bao giờ là dễ dàng nhưng đôi khi đó lại là lựa chọn sáng suốt giúp nhiều người tìm lại sự bình yên và hạnh phúc riêng.
Tự luyến trong tình yêu là vấn đề đòi hỏi cả hai người phải cùng cố gắng để vượt qua. Nếu đối phương sẵn lòng lắng nghe và thay đổi thì mối quan hệ lại trở nên cân bằng. Còn nếu không, thì việc rời xa người ấy sẽ mở ra con đường mới cho bạn tìm thấy tình yêu đích thực.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu bạn đang yêu người ái kỷ và cách xử lý, đối phó
- 10 tác hại của bệnh ái kỷ tới cuộc sống của bạn
- Người ái kỷ sợ gì nhất? Những điều giúp bạn thấu hiểu họ
Nguồn tham khảo:
- https://www.mindbodygreen.com/articles/narcissistic-relationship-pattern
- https://www.betterhelp.com/advice/love/are-you-in-a-relationship-with-a-narcissist-here-are-6-narcissistic-love-patterns-to-watch-out-for/