Tần Nguyễn phát ngôn: Người Thanh Hóa và cơ quan quản lý nói gì?
Theo Hoàng Minh/Công Thương
Thứ sáu, 26/07/2024 - 16:20
Người dân Thanh Hóa cho rằng, phát ngôn của Tần Nguyễn đã 'vơ đũa cả nắm', dùng lời lẽ thiếu thận trọng khi nhận xét, miêu tả về người Thanh Hoá.
Nhà báo Nguyễn Quang Duy, phóng viên Tạp chí Gia đình Việt Nam cho rằng Thanh Hóa hay bất cứ địa phương nào đều có người này, người nọ, không thể nhìn hiện tượng rồi chụp mũ, “vơ đũa cả nắm”. Ảnh Nhà báo Quang Duy cung cấp
Nhiều ngày qua, dư luận bức xúc trước việc Nguyễn Văn Tần, biệt danh là Tần Nguyễn đã lên mạng xã hội phát ngôn chia rẽ vùng miền, coi thường học vấn. Tuy nhiên ông này lại phản hồi Báo Công Thương cho rằng báo viết sai, ông không xúc phạm người dân Thanh Hoá mà chỉ phát biểu "truyền động lực". Để rộng đường dư luận về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương tại Thanh Hoá đã phỏng vấn ý kiến của những người dân Thanh Hóa về phát ngôn gây sốc của Tần Nguyễn.
Nhà báo Nguyễn Quang Duy, phóng viên Tạp chí Gia đình Việt Nam phân tích: Việc phân biệt, kỳ thị tính cách, văn hóa vùng miền, theo tôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không thể chấp nhận được. Ngay cả trên địa hạt nghiên cứu văn hóa, người ta cũng rất thận trọng khi đưa ra các nhận định, tránh việc các cộng đồng bị xúc phạm, tổn thương. Làm sao để kết quả nghiên cứu phải dựa trên những căn cứ khoa học, bằng các phương pháp khoa học chứ không phải nhận định, đánh giá cảm tính.
Việc nghiên cứu bản sắc, truyền thống của các địa phương là để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực chứ không phải nhìn vào mặt tích cực để khoe mẽ, nhìn vào mặt tiêu cực để kỳ thị, xỉa xói.
Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, hãy hướng đến những giá trị phổ quát, tiêu chuẩn văn minh. Ở chiều ngược lại, người Thanh Hóa nếu có tự hào về truyền thống vượt khó vươn lên thì cũng chỉ nên xem đó như một động lực để cố gắng hơn nữa chứ đừng biến nó thành “tự cao tự đại”, “khôn lỏi”…Người địa phương nào ở thời đại ngày nay cũng cần phải hướng đến những giá trị văn minh toàn cầu. Làm sao để khi người Việt mình làm ra sáng chế nọ, công nghệ kia khiến thế giới nể phục, chứ không phải ở trong nhà đóng cửa tranh cãi nhau về cái cày, cái cuốc mà làm nên những cánh đồng trù mật, ấm no.
Thanh Hóa hay bất cứ địa phương nào đều có người này, người nọ, không thể nhìn hiện tượng rồi chụp mũ, “vơ đũa cả nắm”. Còn nhớ cách đây độ chục năm, có những doanh nghiệp ở phía Nam trưng hẳn biển không nhận công nhân người Thanh Hóa. Sau đó đã bị dư luận phản đối dữ dội. Đáng tiếc là việc này không chấm dứt, hiện nay vẫn có những người tiếp tục đào sâu vào việc kỳ thị vùng miền. Tôi cho đó là một lối suy nghĩ phiến diện, lạc hậu, ích kỷ.
Nói về phát ngôn của Tần Nguyễn đối với “dân Thanh Hóa” nhà giáo Thái Hạo cho hay: Tôi có tình cờ biết đến cái tên Tần Nguyễn do nhiều video của người này được đề xuất tự động hoặc được người khác chia sẻ trên mạng xã hội. Về các phát ngôn của Tần Nguyễn đối với “dân Thanh Hóa”, theo cảm nhận và đánh giá của tôi, ông này không hẳn có ác ý kỳ thị hoặc khinh miệt. Ông ta mang người Thanh Hóa với các đặc điểm mà ông đã tự khái quát lên, như nghèo, chịu khó, khôn, ranh, tinh, quái... ra để “truyền động lực” cho học viên của mình. Tuy nhiên, cái cách mà ông dùng từ ngữ để miêu tả tính cách người Thanh Hóa thì rất khó nghe và khó chấp nhận, ví dụ như “mắt của nó cứ long sòng sọc như quạ vào chuồng lợn”, hay “cứ hở ra là nó thịt mình luôn”.
Ở một góc nào đó, phải công bằng mà nói, Tần Nguyễn có ý “khen” người Thanh Hóa về sự chịu khó, về ý chí vươn lên, về quyết tâm làm giàu... Nhưng cái cách ông này mô tả về người mà ông đang khen thì lại có không ít sự phản cảm. Và theo Báo Công Thương thì cách phát ngôn như thế là không thể chấp nhận khi đưa lên kênh mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn.
Vẫn theo nhà giáo Thái Hạo, việc tiếp nhận những lời lẽ như trên của Tần Nguyễn sẽ cũng tùy thuộc vào góc nhìn, tâm thế hoặc trình độ của người nghe. Với những người đang tham dự các lớp “dạy làm giàu” chẳng hạn thì có thể họ thấy bình thường, thậm chí còn có phần “tự hào” nữa; nhưng đối với những người Thanh Hóa có tự trọng thì có lẽ họ sẽ không thích một lời “khen” kiểu ấy. “Khen nhau như thế bằng mười chê nhau”. Vì muốn “truyền động lực” mà miêu tả méo mó về một đối tượng nào đó, thì đó chính là đang lấy “mục đích biện minh cho phương tiện”. Không thể nghĩ đơn giản theo kiểu “Tôi có ý tốt nên tôi nói thế nào cũng được”, vì đây cũng là một lỗi ngụy biện khác.
Khen chê là quyền của mỗi người, nhưng nên tránh việc khái quát hóa vội vàng, tránh sự xúc phạm (dù có thể là không ác ý/ cố ý) để tránh những rủi ro nhiều mặt có thể xảy đến, và nhất là để không tạo ra một hình ảnh méo mó, dị dạng, dẫn đến vi phạm các chuẩn mực văn hóa sơ đẳng. Tần Nguyễn có thể nói về một hoặc một số trường hợp cụ thể mà anh ta đã gặp, nhưng nói rằng “dân Thanh Hóa/ người Thanh Hóa” thì rất ẩu. Tôi nghĩ, Tần Nguyễn hay bất cứ ai có ý định nhận xét về người dân ở một vùng miền nào đó, thì cũng nên hết sức cân nhắc, thận trọng và phải có sự tìm hiểu sâu sắc.
Còn ông Hoàng Tuấn Công, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và cũng là người dân Thanh Hóa cho rằng: Chỉ đến khi đọc hai bài viết trên Báo Công Thương tôi mới biết đến cái tên Tần Nguyễn. Tôi cho rằng, ngoài những lời lẽ thiếu thận trọng khi nhận xét, miêu tả về người Thanh Hoá tựa như “man di mọi rợ”, ông Tần Nguyễn còn sai ở chỗ khái quát về “dân Thanh Hoá” nói chung, nhưng lại tập trung vẽ nên bức chân dung của những người lao động giản đơn: “Nó ở Nông Cống, Thanh Hóa thì gọi là được mùa Nông Cống sống mọi nơi. Vào Sài Gòn thì chỉ là thằng đi bốc xếp thôi. Nhưng mà nó nghèo nên nó tinh lắm, quái lắm, mắt của nó cứ long sòng sọc như quạ vào chuồng lợn”; hay “bất hạnh của cái bọn Thanh Hoá là bọn nó nghèo lắm, cho nên ai cũng ghét Thanh Hoá”. Rõ ràng ông Tần Nguyễn đang nói về những người lao động chân tay. Họ vì nghèo đói mà phải đi làm ăn xa theo thời vụ, hoặc sống bằng nghề lao động giản đơn. Dù tốt hay xấu họ cũng không thể xem là hình ảnh đại diện cho tất cả những người Thanh Hoá đang công tác, làm việc, lao động ở mọi miền đất nước. Mặt khác, ông miêu tả “mắt của nó cứ long sòng sọc như quạ vào chuồng lợn”, rồi “cứ hở ra là nó thịt mình luôn”, thì đó là hình ảnh của những kẻ “đầu trộm đuôi cướp”, chứ đâu phải là hình ảnh người lao động Thanh Hoá đang vươn lên làm giàu? Làm sao có thể “dạy làm giàu”, “học làm giàu” dựa trên những phẩm chất ấy được?”.
Xin lưu ý thêm với bạn đọc, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công nêu chính kiến trên trên cơ sở đánh giá khá kỹ càng, thận trọng. Hoàng Tuấn Công là một nhà nghiên cứu chuyên sâu và rất yêu tiếng Việt. Ông là tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, từng chỉ ra nhiều sai sót trong cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. Ông cũng từng nhiều lần lên tiếng về những lỗi sai, lỗi chưa chính xác trong những công trình từ điển, sách, chương trình liên quan đến tiếng Việt khác. Gần đây nhất, ông đã nghiên cứu và bắt lỗi" nhiều chương trình "Vua tiếng Việt" phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí, ông cho biết hầu như chưa bao giờ ông phản biện sai. "Bởi vì những cái tôi coi là lỗi sai, bao giờ cũng phải suy nghĩ rất kỹ, truy tìm, đối chiếu tài liệu nọ tài liệu kia, rồi tự mình phản biện mình.Trong quá trình đi tìm tư liệu để chứng minh, nếu chưa đủ sức thuyết phục, hoặc có thể gây tranh cãi, thì tôi loại bỏ cái gọi là "lỗi sai" ấy" - ông khẳng định.
Liên quan đến phát ngôn của Tần Nguyễn về "dân Thanh Hóa", trao đổi với phóng viên Báo Công Thương vào chiều ngày 25/7, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Vấn đề phát ngôn chia rẽ vùng miền của Nguyễn Văn Tần- biệt danh Tần Nguyễn, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh xác minh, làm rõ động cơ phát ngôn của Tần Nguyễn, nếu đủ cơ sở thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phản hồi là ngày mai (tức ngày 26/7-PV) sẽ mời Tần Nguyễn lên để làm việc”.
- Tần Nguyễn
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!