Truyền thống của dân tộc ta bao đời nay là yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. Người biết giúp đỡ người khác, tạo ra những nghĩa cử cao đẹp đều đáng trân quý.
Nhưng muốn cưu mang cho một ai khác, bản thân mình phải đủ mạnh trước đã. Nếu bản thân còn lo không xong thì mong gì lo lắng được cho những người khổ hơn mình. Như ông bà ta có câu “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”. Câu thành ngữ ý nói về việc lo liệu cho mình chẳng xong lại còn ôm đồm, cáng đáng cho người khác.
Từ câu chuyện thuở xa xưa
Có một câu chuyện kể về câu tục ngữ này như sau:
“Một con chim cốc xuống ao để mò cá thì bắt được một con ốc. Con ốc mới hỏi chim cốc rằng:
- Trời lạnh thế này mà anh cũng dám tắm à?
Con chim cốc khoác loác:
- Ta quản chi giá lạnh, mưa nắng, khi ta dẹp cánh lại thì ta lội khắp sông hồ. Khi ta giương cánh lên thì bay được mấy tầng cao.
Ốc nghe thấy thế thì bảo:
- Nhà tôi ở dưới nước quen rồi. Còn anh, tôi chỉ lo anh xuống đây không khéo thì nó mọc rêu ra đầy đầu đấy.
Chuyện giữa ốc và cốc kéo dài làm cho cốc phải ở dưới nước lâu quá thành ra mỏi cánh. Cốc liền dọa ốc:
- Này ốc, mày phải cõng cái cọc dựng lên để cho ta đậu, không ta nuốt mày vào bụng.
Ốc chậm dãi van nài cốc rằng:
- Thân tôi đã thế này, anh thấy đấy, tôi mang nổi mình đã khổ lắm rồi. Vậy mà rêu còn bám đầy vào, bắt tôi phải cõng cả rêu. Bây giờ lại mang cả cọc và rêu cho ông đậu, tôi làm sao nổi. Thôi được, tôi cố mang cái cọc rêu này, ông cứ đậu vào cho đỡ mỏi cánh.
Nói rồi, con ốc cố gắng hết sức cõng cái cọc để cho cốc đậu, nhưng cọc rêu nặng quá, không chịu nổi, nó bèn ngậm miệng lại, rồi chìm xuống nước. Còn con cốc cuối cùng mỏi cánh phải bay lên bờ đậu.”
Bài học từ câu chuyện kể
Chuyện hàm ý nhắc nhở người đời đừng làm gì vượt quá khả năng của mình. Bản thân ốc phải vác cái vỏ to hơn người nó nên đã vất vả khó nhọc lắm rồi thế mà còn phải đèo bòng thêm cái cọc rêu nữa, thử hỏi vác sao nổi? Câu tục ngữ này có ý chê bai những kẻ không hiểu được sức mình, không tự lo được cho mình lại còn ôm đồm, gánh vác cho người khác chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Ý tốt là rất đáng quý nhưng nếu chỉ có lòng mà sức chưa đủ thì cũng không làm nên thành công việc gì. Tốt nhất, bản thân nên tự nhận thức được khả năng của mình để xem liệu có gánh vác thêm ai nữa không?
Xem thêm bài viết tham khảo:“Mèo nhỏ bắt chuột con”
Tôi lại nhớ đến những ngày xưa, bản thân ngốc nghếch và nhút nhát luôn cáng đáng phần của người khác. Phần vì thấy người ta tội quá, phần lại muốn có thêm được những người bạn. Nhưng nào có biết, người ta chỉ xem mình là chân sai vặt hay một trò cười không hơn không kém mà thôi. Một mình lại dám nhận trách nhiệm làm báo tường, trực nhật lớp, lấy dụng cụ học tập đầu giờ, lau bảng mỗi tiết,…Giờ nghĩ lại, đúng là đã làm trò cười cho người khác. Giống như ông bà ta vẫn thường nói “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”.
“Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”
Cô vợ cằn nhằn chồng mình vì nhà đang khổ mà lại đem tiền giúp bạn bè làm ăn. Mà phải chi họ có khó khăn gì, họ chỉ là muốn mở rộng cơ ngơi của mình. Trong khi, gia đình đang lao đao, bầy con nheo nhóc cần biết bao nhiêu chi phí để sinh hoạt. Anh chồng vì cái nghĩa bạn bè, vì sĩ diện trên bàn nhậu mà bất chấp tất cả.
Anh bảo rằng cả bàn nhậu ai cũng góp, chẳng lẽ anh lại không. Anh thì đúng là người trọng tình nghĩa, bạn bè nào nhờ cũng giúp mà không biết người ta ra sao. Trong khi bản thân mình cũng đâu dư dả gì cho cam, đúng là “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”.
Nói ra thì có thể hơi vô tình vì bạn bè sao lại không giúp đỡ nhau nhưng chúng ta phải suy xét tùy trường hợp. Nếu bạn bè đang rơi vào lúc dầu sôi lửa bỏng, bạn có thể không từ gian nan để giúp đỡ. Còn trường hợp chưa thực sự cấp bách thì bạn nên đặt lợi ích của mình lên trên. Bản thân mình đã chưa lo nổi cho mình thì còn muốn lo cho ai được. Cho dù bạn có lòng đi chăng nữa thì chưa chắc sức đã đủ.
Phải thật mạnh mẽ trước đã
Muốn cứu người khác thì hãy tự cứu mình trước, mình phải mạnh mẽ thì mới có thể cưu mang thêm một ai đó. Bạn có để ý trong những chuyến bay hay những chuyến tàu, người ta thường nhắc nhở người lớn phải mặc áo phao hay đeo mặt nạ dưỡng khí trước rồi mới đeo cho trẻ em khi gặp sự cố. Bởi vì, người lớn cần bình tĩnh và đủ khả năng để cứu những đứa trẻ. Chỉ có người lớn mới bảo vệ được trẻ em còn những đứa trẻ không tự bảo vệ được mình và càng không cứu được những người lớn.
Xem thêm: “Có cứng mới đứng đầu gió”
Quy luật cuộc sống chính là như vậy, kẻ mạnh và kẻ yếu có thể đối đầu nhưng cũng có thể là tương trợ lẫn nhau. Kẻ mạnh đùm bọc kẻ yếu, kẻ yếu giúp kẻ yếu hơn nhưng tuyệt nhiên, kẻ yêu không thể lo cả cho bản thân và một kẻ khác nữa. Bởi vì, họ không có khả năng đó. Muốn làm gì cũng vậy, bạn phải tự tin và mạnh mẽ trước đã. Kết cục của những người không biết tự lượng sức mình thường là những cái kết vô cùng cay đắng.
Lời kết
Qua câu chuyện trên và câu tục ngữ “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”, chúng ta đã phần nào hiểu được đạo lý này và biết mình nên làm như thế nào cho đúng rồi. Tóm lại, bạn hãy giúp đỡ và gánh vác cho một ai đó nếu bạn tin rằng mình đủ khả năng. Còn không thì đừng gây thêm những phiền phức không đáng có nữa.