Chủ đề năm nay của cuộc thi Urban Meal Mine (London) là “New Covent Wholesale Market, London” (tạm dịch: “Chợ đầu mối kiểu mới ở London”). Trong rất nhiều bài dự thi được gửi về, BTC đã chọn lựa và tuyên bố những bài đạt giải vào ngày 10/1/2019. Và một trong ba bài dự thi giành vị trí cao nhất của cuộc thi đã thuộc về một đại diện đến từ Việt Nam, với dự án mang tên “We are what how we eat!”. Đó chính là đồ án dự thi tâm huyết của nhóm SV trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: Đinh Công Đạt, Trần Hùng, Phùng Cao Minh và GVHD: TS.KTS Phạm Trung Hiếu.
TCKT trân trọng giới thiệu với bạn đọc đồ án “We are what how we eat và cuộc trò chuyện với nhóm tác giả về những cách tiếp cận vấn đề khác biệt của đồ án!
Về Cuộc thi Urban Meal Mine, London
• Cuộc thi được mở ra nhằm mục đích tìm kiếm những dự án thiết kế có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy nông nghiệp đô thị ở thành phố Thủ đô của nước Anh - London. Bên cạnh đó những dự án thiết kế còn phải đảm bảo được mục đích giáo dục cho cộng đồng (ở đây cụ thể là thị dân London) về cách nhận thức, tiếp nhận và tiêu thụ thực phẩm.
• Cuộc thi dành cho cả sinh viên Kiến trúc và các KTS trên toàn Thế giới.
• Với địa điểm được chọn là “Chợ đầu mối kiểu mới ở London”, tọa lạc tại quận Nine Elms, London - đối diện với nhà máy điện Battersea lịch sử. Địa điểm này nằm gần sông Thames và là một phần trong kế hoạch tái sinh của Nine Elms. Có hai trạm tàu hoàn toàn mới được đề xuất để cố gắng trẻ hóa các liên kết giao thông đến quận Nine Elms.
• Link dự án đạt giải: unfuse.uni.xyz/urbanmealmine.html
Thách thức ở đây là đưa nông nghiệp đến thành phố nơi mọi người có thể nhìn thấy, thưởng thức và tham gia vào việc tìm hiểu thực phẩm họ ăn được thực sự được tạo ra như thế nào. Đây không chỉ là một phương án để làm tăng nhận thức của cư dân đô thị mà là một nơi họ có thể học cách đóng góp vào chu trình thực phẩm, tiêu thụ có trách nhiệm và tạo ra một hệ sinh thái bền vững hơn cho các thành phố đang phát triển tràn lan. Không gian này phải nằm ở trong lòng của đô thị, công nghệ sẽ đánh bại sự đắt đỏ vị trí khu đất đặt lên và đủ “mở” để thu hút cư dân đô thị.
Phóng viên (PV): Thực tế hiện nay có rất nhiều TP đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng liên quan đến thực phẩm. Các bạn có thể miêu tả ý tưởng về Urban Meal Mine của nhóm?
SV Đinh Công Đạt: Thuật ngữ “We are what we eat” chỉ đề cập đến tầm quan trọng của việc tiêu thụ thực phẩm sạch nhằm có 1 cơ thể khỏe mạnh nhưng cách mà con người suy nghĩ về nó cũng như chu trình thực phẩm.
Ý tưởng của chúng tôi tập trung vào cộng đồng và giáo dục không chính thống. Cộng đồng sẽ biến khu vực trở nên sống động và mở hơn với thế giới bên ngoài, trong khi qua học hỏi, mọi người sẽ hiểu tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị và qua đó, lan truyền cảm hứng ra toàn khu vực đô thị - “We are what how we eat”
PV: Vậy mô hình (Urban Meal Mine) tạo dựng mỏ thức ăn của nhóm bạn có điểm gì khác so với chợ đầu mối thông thường?
SV Trần Hùng: Đề xuất mô hình của nhóm chúng tôi có thêm những chức năng mới mà chợ đầu mối thông thường không có. Có 3 khu vực, bao gồm:
- Khu sản xuất: Bao gồm kho cho các công ty/ cá nhân bán sỉ, đi cùng với hệ thống canh tác tập trung ngay tại khu đất, thứ sẽ đóng góp một phần vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho London. Đây là khu không thể thiếu vì khu này sẽ cung cấp thực phẩm cho toàn bộ cư dân của thành phố.
- Khu công cộng và phục vụ: Bao gồm nhiều tiện ích cộng đồng, đóng vai trò như cực nam châm để thu hút khách thăm quan. Những dịch vụ ở đây được chọn lựa để giúp người dân hiểu về những thực phẩm họ tiêu thụ hàng ngày và nguồn gốc của thực phẩm ấy là từ đâu;
- Khu giáo dục: Đóng vai trò như 1 chất kết dính, giúp cư dân đô thị hiểu một cách rõ ràng về quy trình sản xuất thực phẩm. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết hai khu vực còn lại, vốn rất đối lập nhau và xóa đi rào cản vô hình giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
PV: Thưa TS Phạm Trung Hiếu, là GV hướng dẫn các bạn trẻ thực hiện đồ án này, anh có thể cho biết về ý tưởng chính của đồ án và tại sao giáo dục là điểm mấu chốt của 1 Urban Meal Mine?
TS Phạm Trung Hiếu: Một trong những chức năng quan trọng nhất của chợ Covent là giáo dục không chính thống. Đây là một địa điểm độc đáo, nơi mà mỗi người có thể có một cái nhìn toàn diện về chuỗi cung cứng thực phẩm trong đô thị. Thông qua học hỏi, họ sẽ hiểu được tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị và lan truyền xu hướng này ra khỏi ranh giới của công trình.
PV: Theo đó, tại một khu thức ăn đô thị (Urban Meal Mine), cư dân đô thị sẽ tiếp cận nông nghiệp theo những hướng đi nào, thưa anh?
TS Phạm Trung Hiếu: Giáo dục không chính thống cũng đồng nghĩa với việc cung cấp thêm không gian công cộng để thu hút mọi người. Theo một cách chủ động, họ có thể tận hưởng và học từ những hoạt động nông nghiệp khác nhau, như tham gia canh tác trực tiếp hay học các khóa học nấu ăn. Theo một cách bị động, người dân có thể quan sát các cánh đồng trên mái khi đạp xe hoặc tản bộ qua các chuỗi không gian mở, hay nhìn qua cửa sổ khi tàu điện đi ngang qua khu chợ.
PV: Xin hỏi các bạn SV, các bạn có thể cho biết đồ án của các bạn tác động như thế nào, góp phần thay đổi tư duy cư dân đô thị về 1 lối sống bền vững, thân thiện với môi trường trong nhịp sống hối hả như hiện nay?
SV Phùng Cao Minh: Chúng tôi cho rằng Urban Meal Mine là một nơi tạo ra những cơ hội cho cư dân đô thị để hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng thực phẩm hơn là một thứ gì đấy ép buộc họ. Họ có thể tham gia vào các hoạt động nông nghiệp đô thị thông qua những cách rất khác nhau: Từ việc chỉ quan sát hoạt động, học hỏi qua các lớp học mở; hoặc thậm chí có thể tự bắt đầu 1 dự án nho nhỏ tại nhà bằng việc sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống hoặc hệ thống “canh tác bong bóng” công nghệ cao…
PV: Đề xuất của nhóm bạn sẽ liên hệ với các sản phẩm/kho hàng/giao thông/chuỗi bán lẻ ở trong đô thị theo những cách nào?
SV Trần Hùng: Chúng tôi thiết kế công trình này không chỉ cho thực phẩm từ các vùng khác trên lãnh thổ nước Anh mà còn cho các sản phẩm được sản xuất ngay tại khuôn viên chợ. Nhờ vào hệ thống canh tác trong nhà, các kho riêng, dây chuyền sản xuất, người nông dân đô thị có thể giới thiệu những gợi ý mới cho bữa ăn của các cư dân thành thị. Họ sẽ có cơ hội thưởng thức thực phẩm tươi và sạch vốn từ những vùng đất xa xôi và điều kiện khí hậu đặc thù hơn mới có thể nuôi trồng được.
Luồng giao thông được thiết kế dựa trên công trình hiện hữu và của mạng lưới giao thông toàn thành phố. Theo từng giai đoạn phá dỡ công trình cũ, luồng giao thông cho hoạt động của các nhà bán sỉ ở các phần còn lại đã được tính toán trước để không làm ngắt quãng chuỗi cung ứng thực phẩm của London.
PV: Các bạn có thể cho biết vì sao cả khu đất nên được liên kết bởi các yếu tố kiến trúc nhỏ lẻ?
SV Đinh Công Đạt: Thay vì 1 khu đất khép kín của 1 khu chợ bán sỉ thông thường, chúng tôi đề xuất công trình nên mở hơn để tất cả mọi người có thể tham gia vào các hoạt động tập thể. Vì thế, nó nên được chia nhỏ thành các khu nhỏ lẻ thích hợp hơn với tỉ lệ của con người, thứ sẽ phù hợp hơn cho các hoạt động cộng đồng.
PV: Mô hình của nhóm bạn sẽ ứng dụng tới các siêu đô thị khác trên toàn thế giới như thế nào?
SV Phùng Cao Minh: Tất cả các Urban Meal Mine nên bao gồm 3 khu vực: Khu sản xuất, khu giáo dục và khu công cộng và dịch vụ. Các nhà kho bán sỉ sẽ là nền, trong khi các chức năng khác chủ yếu xây trên các nhà kho này. Điều này sẽ giảm thiểu lượng đất cần để trồng trọt và tận dụng cơ sở hạ tầng.
Kết cấu của đề xuất được giữ đơn giản, với kiểu kết cấu dạng cầu để vượt qua các khoảng trống giữa các kho là tương đối phổ biến ở các quốc gia đang phát triển.
Hệ thống canh tác phụ thuộc vào tiến bộ khoa học của quốc gia mà công trình được xây, từ canh tác truyền thống, canh tác trong nhà kính, canh tác trong nhà sử dụng ánh sang nhân tạo tới canh tác kiểu bong bóng mà không làm giảm đáng kể khả năng giáo dục của mô hình.
PV: Xin cảm ơn TS Phạm Trung Hiếu và nhóm tác giả!
TCKT.VN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)