Cục Cảnh sát kinh tế (C03): Lực lượng tiên phong “tiễu trừ sâu mọt”, bảo vệ “sức khỏe” nền kinh tế
Trong nước 24/07/2023 20:17 Theo dõi Congthuong.vn trên
Phá đại án tại Công ty Việt Á: Thành công nhờ chung sức, đồng lòng Bộ Công An: Xử lý tội phạm ma tuý với phương châm “không bắt khúc giữa” Bộ Công an phát hiện 456 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, khởi tố 1.150 bị can |
Ra đời, trưởng thành trong gian khó
Trong Công an nhân dân có một bộ phận đặc biệt, được Đảng, Chính phủ tin tưởng giao phó trọng trách (“tiễu trừ sâu mọt”/phòng chống) tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ “sức khỏe” cho nền kinh tế nước nhà… Đó là tập thể cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - thường được biết đến với danh xưng: Cảnh sát kinh tế - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
Ngược dòng lịch sử, cách đây 67 năm, ngày 10/8/1956, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và trước yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức của ngành Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, trong đó quy định:“Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ”.
Tại thời điểm này, lực lượng bảo vệ kinh tế ở Trung ương có vụ Bảo vệ kinh tế. Tại các địa phương thành lập phòng, ban Bảo vệ kinh tế. Đây chính là những tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu sau này.
Nhận xét về lực lượng Cảnh sát kinh tế thời kỳ này, Đại tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: Ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, lực lượng còn rất “mỏng”, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng lực lượng Cảnh sát kinh tế đã nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc và đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm |
Trước yêu cầu, đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, năm 1958, Cục Bảo vệ kinh tế được thành lập, có nhiệm vụ chuyên sâu bảo vệ kinh tế. Sau khi được thành lập, Cục đã làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, khám phá thành công nhiều vụ án lớn, góp phần ổn định kinh tế, như: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước của “Tập đoàn Hoóc Môn”; vụ tham ô tại Nhà máy In Tiến Bộ; vụ tham ô tại Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Hà Nội...
Đồng thời, qua điều tra, các vụ án đã chỉ ra những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, rút ra những bài học kinh nghiệm, thông báo trong toàn quốc để tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham ô, lãng phí, đầu cơ buôn lậu, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa; góp phần bảo vệ nền kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau ngày hòa bình, thống nhất, trong điều kiện nền kinh tế thực hiện cơ chế quản lý tập trung, bao cấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lực lượng Bảo vệ kinh tế đã chủ động nắm tình hình, điều tra nhiều vụ án lớn, góp phần ngăn chặn tình trạng tham ô, cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế, đầu cơ, phá rối thị trường, nhất là trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định kinh tế.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trên lĩnh vực kinh tế diễn ra quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đây là cơ chế chưa có tiền lệ, lần đầu tiên áp dụng ở nước ta. Số đối tượng phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triệt để lợi dụng những mặt còn sơ hở, bất cập khi thực hiện cơ chế quản lý mới để hoạt động.
Hàng loạt vụ án về kinh tế đã được lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện thu giữ hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước |
Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, khám phá thành công nhiều vụ án lớn trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như thuế giá trị gia tăng, xuất nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, giao thông, bưu điện... có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao tại thời điểm đó như: Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa tại Công ty Cao su Tân Biên; vụ tham ô ở Công ty Xuất nhập khẩu Minh Hải; vụ buôn bán 4.000 tấn thép, thu lợi bất chính ở Ban quản lý Công trình đường dây 500KV Bắc - Nam; vụ Lã Thị Kim Oanh tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Tiếp thị đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ tham ô, buôn lậu xảy ra tại Công ty Xăng dầu Hàng không… góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế.
Luôn xứng đáng là “thanh bảo kiếm” của Đảng trong phòng, chống tham nhũng
Theo lãnh đạo Bộ Công an, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp trên nhiều lĩnh vực, có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ thiệt hại, tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Song không phải vì thế, lực lượng Cảnh sát kinh tế chùn bước trước khó khăn. Càng trong gian khó, bản lĩnh, tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế càng được trui rèn, tỏa sáng. Vượt qua tất cả, lớp lớp thế hệ trong đơn vị luôn nỗ lực, cố gắng; quyết tâm khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, lập nhiều chiến công xuất sắc. Cục đã khám phá nhiều đại án, vụ việc trọng điểm; thu hồi nhiều nghìn tỷ ngân sách, góp phần quan trọng vào việc chỉnh đốn kỷ cương, phép nước, xứng đáng là "Thanh bảo kiếm" của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Những vụ án gây “chấn động”, những đường dây phạm tội gây nguy hại tới an ninh, kinh tế đã dần được Cục Cảnh sát kinh tế bóc dỡ, cụ thể, như: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Phạm Công Danh, vụ Hà Văn Thắm...về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, làm lũng đoạn chính sách tiền tệ, phá hoại kinh tế vĩ mô. Các vụ án như Châu Thị Thu Nga; Trịnh Xuân Thanh; vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế tại Công ty ALCII, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gây thiệt hại hơn 3.394 tỷ đồng; vụ đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone...
Năm 2021, dư luận xã hội chấn động bởi đại án vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bộ kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan trên khắp cả nước. Có thể nói, đây là một trong những vụ việc tiêu cực có quy mô lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Đây thật sự là cơn “đại địa chấn” “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử nước nhà… Trước những sự việc “chưa từng có trong tiền lệ”, bằng ý chí và quyết tâm, bản lĩnh cùng sự sáng tạo, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã từng bước điều tra, đưa ra ánh sáng hàng loạt bị can với 6 tội danh khác nhau, gồm: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "đưa hối lộ"; "nhận hối lộ" và "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Đến nay, sau gần 02 năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hàng chục bị can liên quan; Trong đó có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và loạt quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hàng trăm lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Đại án Việt Á là một trong những chiến công của lực lượng Cảnh sát kinh tế |
Ngoài đại án Việt Á, chỉ trong 3 năm, từ 2021 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế đã tích cực, chủ động tác nghiệp, nắm chắc tình hình, xác định được “mắt xích”, điểm “đột phá” trọng yếu trong các lĩnh vực biểu hiện nhiều sai phạm, kịp thời phát hiện, xác lập, đấu tranh, triệt phá thành công hàng nghìn chuyên án, vụ việc, đường dây, tổ chức tội phạm lớn, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trong đó có đại án nghiêm trọng, thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện quyết tâm xử lý triệt để theo phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong những vụ việc này, phải kể đến chuyên án đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành và mua, bán trái phiếu doanh nghiệp xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh; Chuyên án đấu tranh với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành, mua bán trái phiếu gói 10.000 tỷ đồng xảy ra tại Công ty An Đông và các công ty liên quan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ án Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước)…
Nhìn nhận đánh giá về chuỗi chiến công đáng tự hào của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn và Điều tra án tham nhũng, buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết: Đây là các vụ án mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ và việc xét xử thành công kể cả đối với các bị can vắng mặt, như đồng chí Tổng Bí thư đã nói là cho dù có đi nước ngoài cũng không thể trốn tránh được hình phạt. Điểm nổi bật qua các vụ án là lực lượng Cảnh sát kinh tế đã nhận diện “đúng và trúng” các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nhiều lĩnh vực gây bức xúc dự luận... Quá trình điều tra không gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của doanh nghiệp, ổn định chính trị ở địa phương; bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản cũng ngày càng triệt để hơn.
Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn - Trưởng phòng Hướng dẫn và Điều tra án tham nhũng, buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Ảnh: Cắt từ video antv.vn |
“Đặc biệt hơn nữa, với những bài học đúc rút từ hàng vạn vụ án, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế đã tham mưu lãnh đạo Bộ công an kiến nghị Chính phủ sửa đổi nhiều luật định, cơ chế; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm về kinh tế” - Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ.
Tiếp tục khẳng định vai trò chủ công trên “mặt trận” chống tham nhũng
So với trước đây, cuộc chiến chống tội phạm kinh tế ngày một nóng bỏng, quyết liệt, bởi hiện nay nhiều ổ nhóm, đường dây tội phạm kinh tế (nhất là các đối tượng buôn lậu) còn trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng, tội phạm kinh tế gắn với xã hội đen và tội phạm hình sự…
Không chỉ phải đối đầu với những thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, lực lượng Cảnh sát kinh tế còn phải đấu tranh để chống lại muôn vàn sự cám dỗ, lôi kéo, mua chuộc của các đối tượng tội phạm. Mỗi một cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát kinh tế luôn tự răn mình phải giữ vững bản lĩnh, chí khí người công an cách mạng, quyết không sa ngã trước ma lực của đồng tiền…
Trên trận tuyến cam go này, đã có nhiều mất mát, hy sinh song cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát kinh tế sẽ không quản ngại bởi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ gìn sự ổn định kinh tế, xã hội và cuộc sống bình yên luôn là trọng trách cao cả, thiêng liêng của người công an cách mạng; hơn nữa, bên cạnh lực lượng luôn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Công an.
Đánh giá về những chiến công vang dội của lực lượng Cảnh sát kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: Có thể khẳng định gần 7 thập kỷ qua, “dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt; khẳng định được vai trò, vị trí chủ công, nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; đóng góp tích cực phục vụ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, khẳng định lực lượng Cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, triển khai hiệu quả các mặt công tác trong thời gian tới - Ảnh Bộ Công an |
Trong thời gian tới, cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu sẽ còn nhiều gian nan, phức tạp và lâu dài. Nhưng Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng rằng, cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu sẽ luôn nêu cao phẩm chất, chí khí của người công an cách mạng, sẵn sàng đối mặt với mọi gian khó, hiểm nguy, nguyện nỗ lực hết mình đấu tranh không khoan nhượng với “sâu mọt tiêu cực”, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng lực lượng Công an “thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Hoạt động “hiệu lực hiệu quả”, xứng danh là “thanh bảo kiếm của Đảng” trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; là những chiến binh thầm lặng, kiên cường, bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế quốc gia, để xã hội tiến tới công bằng, văn minh; đất nước ngày càng phát triển, đẹp giàu.