UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa báo cáo Bộ Nội vụ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 ở địa phương này.
Trong đó, Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp và khuyến khích sắp xếp; giữ nguyên 9/9 huyện, thành phố.
Với cấp xã, tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp 28/136 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Sau sắp xếp, Vĩnh Phúc còn 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn), giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Huyện Vĩnh Tường sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; xã Vĩnh Ninh sáp nhập với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu.
Sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.
Huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu.
Huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn.
Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn.
Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh.
Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới Hai Bà Trưng.
Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn để tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của cơ quan, tổ chức và đời sống của nhân dân.
Năm 2024 địa phương này sẽ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.
Vĩnh Phúc khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phù hợp với yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô đơn vị hành chính và góp phần tinh gọn bộ máy…
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1950, trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên; năm 1968 sáp nhập với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, ngày 1/8/2008, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc chuyển về thuộc Hà Nội.
Diện tích tự nhiên hiện nay của Vĩnh Phúc rộng 1.236 km2 (theo niên giám thống kê năm 2021). Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường.
Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).