Theo Từ điển tiếng Việt, giếng khơi là “giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, được đào và khơi sâu xuống lòng đất, có bờ thành xây vững chắc” còn cơi là “đồ dùng để đựng trầu cau, có dạng như một cái âu nhỏ, bằng kim loại, đáy nông và thường có nắp”.
Do vậy, câu tục ngữ “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” từ lâu được coi như một biểu hiện hàm ý trọng nam khinh nữ của xã hội cũ; rằng đàn ông dù nông nổi, nhẹ dạ, cả tin đến đâu cũng chín chắn, thâm sâu hơn đàn bà.
Và cho đến nay, câu nói này vẫn được cánh mày râu sử dụng thường xuyên như một lời dạy, một kết luận xác đáng về cách nhìn nhận con người mà cha ông đã truyền thụ cho hậu thế.
Song liệu những bậc đi trước có thực sự muốn gửi gắm thông điệp nói trên khi đem “giếng khơi” so sánh với “cơi đựng trầu”? Bởi xét ra giếng dù sâu đến đâu thì cũng chỉ tích, chứa mỗi nước, còn trong cơi trầu lại cất, giữ rất nhiều biểu tượng văn hóa Việt: cau, lá trầu không, thuốc lào...
Một cơi trầu truyền thống chẳng những phong phú màu sắc mà còn đa dạng mùi vị cay, ngọt, đắng, nồng. Đấy là chưa kể đến bộ “phụ kiện" đi kèm gồm dao, bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi; rồi đủ loại “cơi dự phòng” như hộp, âu, giỏ, tráp, khăn, túi...
Trộm nghĩ: May mà giếng sâu khó thấy, chứ ai trông thấy rồi chỉ thất vọng, hụt hẫng mà thôi!
Như cơi trầu đầy ngày dạm ngõ, bước vào đời sống hôn nhân, đàn bà cũng phải đương đầu với trăm nghìn mối lo thiết thực. Từ thịt, rau, gạo, điện, nước... đến ngày hiếu, hỉ, giỗ chạp, tân gia, sinh nhật... Chuyện tương tự xảy ra trong tự nhiên, vai trò của giống cái đối với thế hệ kế tiếp thường lớn hơn giống đực.
Xét về phương diện tình yêu, đàn bà càng sâu sắc và tinh tế hơn. Khi tình cảm của người phụ nữ đã đơm hoa, tỏa hương sắc nồng nàn rực rỡ thì tình cảm của người đàn ông vẫn e ấp như hạt mầm mới chớm.
Phụ nữ thường dùng "phép ẩn dụ" dưới nhiều hình thức, từ cử chỉ, lời nói đến cách trang điểm, lựa chọn trang phục, phụ kiện khi hẹn hò. Đáng tiếc là phần lớn đàn ông lại không đủ kiên nhẫn (và thông minh) để phân tích, lý giải những tín hiệu ngọt ngào đó.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người lớn trong gia đình luôn căn dặn con gái trong nhà phải lấy chồng hơn tuổi. Tốc độ lão hóa chỉ là một cái cớ, quan trọng nhất vẫn là thời điểm trưởng thành của nam giới. Cha mẹ nào muốn gả cô con gái mà họ hết mức yêu thương cho một-đứa-trẻ-chưa-lớn?
Những mỹ từ như lý trí, quyết đoán, mạnh mẽ trong một vài trường hợp được dùng để lấp liếm cho sự... thiếu suy nghĩ của đàn ông. Đàn bà vì tự tạo ra nhiều giả thiết hơn, nên hay do dự, chần chừ. Đàn bà vì hiễu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn và xây dựng các mối quan hệ nên luôn để tâm đến chữ "tình" trước khi đưa ra quyết định của cuối cùng.
Như vậy, các cụ ngày xưa thật thâm thúy khi đã sáng tác một câu tục ngữ có thể khiến chính đối tượng bị châm biếm nghe xong phấn khởi, hả hê, thậm chí tự nguyện lan truyền câu nói hóc hiểm này.
Còn nếu cố tình phân tích: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” để khẳng định đàn bà nhỏ nhen thì chẳng hóa nhận xét đàn ông ngay đến những việc vụn vặt cũng không giải quyết nổi...
Ngân Hà
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: [email protected]. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng! |