Sáng 12/4, Cục NTBD đã có văn bản cấp phép phổ biến trên toàn quốc cho ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dựa trên đề nghị kèm hồ sơ của Trường Đại học Y dược Huế về việc cấp giấy phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975; biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11/4/2017 và đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn 3 ca khúc khác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ vẫn chưa được cấp phép phổ biến dù 3 ca khúc này cũng đã ra từng xuất hiện trong rất nhiều chương trình âm nhạc chính thống và một số sản phẩm âm nhạc của nghệ sỹ Việt.
Trước sự việc này, có ý kiến thắc mắc rằng: “Cơ chế “xin - cho” trong việc cấp phép phổ biến - phát hành những bài hát sáng tác trước năm 1975 có đang đi ngược lại với chủ trương tạo cơ chế thông thoáng trong thủ tục hành chính?...”, ông Đào Đăng Hoàn - Cục phó Cục NTBD cho rằng, Cục NTBD không thể tự đi thu thập tất cả các bài hát sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam để cấp phép hoặc tự tạo ra danh sách những bài hát phải cấm như ý kiến của một số chuyên gia gần đây.
“Chúng tôi không biết những bài nào để cấp mà phải thông qua danh sách xin cấp phép ở những nơi biểu diễn thì chúng tôi mới cấp. Sau năm 1975, nhà nước chủ trương quét sạch những sản phẩm văn hoá đồi truỵ, sau đổi tên tác phẩm văn hoá ngoài luồng. Từ năm 1989 trở đi Bộ VHTT&DL cấp phép bài hát dựa vào những chương trình cụ thể. Số lượng hơn 2000 bài sáng tác trước 1975 và các tác giả định cư ở nước ngoài được đăng tải trên website của Cục NTBD.
Những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dù không có đơn vị nào xin phép cả nhưng thực tế là đã xuất hiện trong rất nhiều chương trình từ lâu rồi. Nhìn nhận khách quan thì nội dung ca khúc có ý nghĩa. Và vì không có chương trình hoặc đơn vị nào xin cấp phép những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nên chúng tôi không thể làm công việc chọn từng bài hát của nhạc sỹ để cấp phép”, ông Đào Đăng Hoàn nói.
Ông Lê Minh Tuấn khẳng định, việc các ca khúc đã cấp phép phổ biến nhưng sau đó lại bị thu hồi là theo quy trình hành chính. Để đảm bảo quyền lợi tác giả và các đối tượng hưởng thụ, sau khi thu thập được dữ liệu và các nội dung do tổ chức hoặc cá nhân cung cấp thì Cục NTBD sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL sẽ xem xét quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến tiếp. Ông Tuấn cũng đính chính, việc các ca khúc bị gọi là “cấm” thực chất chỉ là tạm dừng chứ không phải cấm.
Liên quan đến cơ chế “xin - cho” mà nhiều báo thắc mắc, ông Đào Đăng Hoàn cho rằng, nói như thế chẳng khác nào nói Cục NTBD “cửa quyền”.
“Chúng tôi thực hiện đúng pháp luật, theo đúng Nghị định 79, quy định bao nhiêu ngày, không cấp phép được thì có văn bản trả lời ngay và nêu rõ lý do không được cấp phép. Hoàn toàn không xin - cho và chúng tôi có chế độ một cửa. Trong hội đồng thẩm định chúng tôi cũng thông nhất tác phẩm tốt thì cấp phép, bất kể đó là tác giả nào”, ông Hoàn nói thêm.
Trước câu hỏi “Vậy sau khi ca khúc “Nối vòng tay lớn” được cấp phép phổ biến thì “số phận” 3 ca khúc: Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sẽ ra sao?”, ông Lê Minh Tuấn cho biết, việc 3 ca khúc này chưa có trong danh mục ca khúc được cấp phép phổ biến là vì chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào làm thủ tục xin cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Và khi đề cập đến quy định của pháp luật thì Cục NTBD không thể làm khác đi được.
“Đối với tác phẩm “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng tôi không thể làm khác quy định của pháp luật được. Vì rõ ràng trong danh mục bài hát được cấp phép phổ biến chưa có. Nhưng chúng tôi rất mong muốn là qua cổng thông tin về dịch vụ công thì các tổ chức, cá nhân sưu tầm các ca khúc mà chúng tôi chưa có tư liệu hãy gửi đăng ký qua cổng, để chúng tôi tổ chức xem xét cấp phép phổ biến các ca khúc. Tôi rất mong các tổ chức cá nhân hãy cung cấp tư liệu cho chúng tôi qua cổng dịch vụ công để chúng tôi thực hiện cho phép phổ biến rộng rãi các ca khúc có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật".
Đại diện Cục NTBD cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện hết sức cho các tổ chức, cá nhân được thuận lợi trong quá trình xin cấp phép ca khúc, đồng thời tiếp thu ý kiến của dư luận để trình lãnh đạo Bộ sửa những quy định không phù hợp.
"Trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi thường xuyên tổ chức công tác phổ biến và trong quá trình phổ biến đó cũng tiếp nhận các góp ý để hoàn thiện hơn các văn bản pháp luật. Thông qua sự việc này, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến để trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét sửa những gì không phù hợp", vị đại diện Cục NTBD nói thêm.
Liên quan đến những ca khúc được cấp phép của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ông Hoàng Văn Bình - Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc phía Nam cho biết, mới có 77/289 tác phẩm của Trịnh Công Sơn được Cục NTBD cấp phép.
Theo ông Hoàng Văn Bình, gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã uỷ quyền cho Trung tâm toàn bộ tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Về nguyên tắc, Cục NTBD cho phép phát hành ca khúc khi đơn vị, cá nhân làm hồ sơ xin phép phổ biến. Trung tâm cũng đã có ý kiến là Cục NTBD chỉ nên kiểm duyệt về mặt nội dung để sao cho công chúng hưởng thụ được tác phẩm của tác giả. Những bài tình khúc hay những bài có tính chất nối kết cộng đồng như “Nối vòng tay lớn” thì không nên quá khắt khe.
Trước đó, gia đình cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và Đại học Y dược Huế phối hợp tổ chức đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” diễn ra vào 18h ngày 21/4 tại Trường Đại học Y dược Huế, TP. Huế. Tuy nhiên, đêm nhạc này đã gặp khó khăn khi có 4 ca khúc gồm: Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975 chưa được cấp phép phổ biến.
Hà Tùng Long