Tổng quan về bệnh
Hiện tượng bóng đè (tên tiếng Anh là sleep paralysis) hay còn được gọi là chứng liệt thân khi ngủ là tình trạng cảm giác toàn thân không thể cử động được mặc dù tinh thần vẫn tỉnh táo.
Theo các chuyên gia, bóng đè còn là hiện tượng rối loạn giấc ngủ không thực tổn (tức là không có tổn thương thực thể), xuất hiện ở những người mới khỏi ốm, những người “yếu bóng vía”, cơ thể suy nhược, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, người khỏe mạnh nhưng một lúc nào đó có điểm yếu trong tinh thần, những người hay nghĩ về một vấn đề bế tắc trong nhiều ngày. Đồng thời, những người hay sử dụng chất kích thích, rượu, bia cũng dễ bị bóng đè hơn.
Tuy nhiên, có một số người lại có quan niệm rằng bóng đè là do ma quỷ ám nên thường cúng bái, làm lễ để chữa bệnh. Nhưng đây là cách làm mê tín dị đoan, phản khoa học và không đem lại hiệu quả.
Theo các nhà khoa học, bóng đè là hiện tượng xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi và có khoảng 40% dân số trên thế giới đã từng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời.
Hiện tượng bóng đè khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây hiện tượng bóng đè có rất nhiều, chủ yếu tập trung vào một số yếu tố sau:
- Tâm lý lo lắng, căng thẳng hay stress do sức ép từ cuộc sống, công việc
- Chu trình của giấc ngủ bị đảo lộn
- Tư thế nằm ngủ: người hay để tay lên ngực khi ngủ sẽ khiến việc thở gặp khó khăn và dễ bị bóng đè
- Sử dụng quá nhiều chất kích thích như rượu và cà phê cũng là tác nhân gây nên bóng đè
- Cũng có một số trường hợp bị bóng đè là dấu hiệu của bệnh tim mạch nhưng tỷ lệ này rất hiếm
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Các nhà khoa học cho biết bóng đè hay còn được biết đến là chứng liệt tạm thời khi ngủ, do đó triệu chứng của tình trạng này thường xuất hiện ngay sau lúc vừa bước vào giấc ngủ hoặc khi chúng ta sắp tỉnh giấc với những biểu hiện sau:
- Cơ thể người bị bóng đè bị tê liệt, mất khả năng kiểm soát, không cử động được tay, chân trong vài giây cho đến vài phút.
- Một số trường hợp có biểu hiện mất nhận thức tạm thời, nói mớ trong hoặc sau khi tỉnh dậy từ bóng đè
- Khi bị bóng đè, não bộ của người bệnh vẫn có khả năng nhận thức được các sự việc, vấn đề xung quanh tuy nhiên không thể cử động để nói chuyện hay biểu thị hành động
- Một dấu hiệu khác giúp bạn nhận biết mình đang bị bóng đè là cơ thể rơi vào trạng thái bất động dù đang tỉnh táo và xuất hiện ảo giác, sợ hãi hay hoang tưởng về cái chết
- Có một số đối tượng bị bóng đè cảm thấy khó thở, tức ngực và có vật nặng đè lên ngực
- Khi bị bóng đè, đầu và các cơ có thể thấy đau nhức khó chịu, mồ hôi tiết nhiều hơn so với bình thường
- Sau khi tỉnh dậy vì bị bóng đè, người bệnh có thể có cảm giác buồn bã, mệt mỏi và lo lắng
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Theo các chuyên gia y tế, những người có sức khỏe tốt, tinh thần lạc quan, vui vẻ rất ít gặp chứng liệt thân khi ngủ hoặc nếu có bị bóng đè thì biểu hiện bệnh của họ thường nhẹ và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này. Trong khi đó, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Người thường xuyên rơi vào trạng thái ngủ rũ - một dạng rối loạn thần kinh dẫn đến mất kiểm soát giấc ngủ và mức độ tỉnh táo.
- Người có vấn đề về rối loạn giấc ngủ, tức là có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.
- Người có thói quen nằm sấp khi ngủ rất dễ bị bóng đè
- Những đối tượng bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tiền đình, trầm cảm, huyết áp tăng khi ngủ… thường có nguy cơ cao bị bóng đè.
- Những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên thường có tỷ lệ bị bóng đè cao hơn
- Một nguyên nhân khác dẫn đến việc bị bóng đè khi ngủ đó là tình trạng mất ngủ kéo dài
- Những người có tính chất công việc làm theo ca khiến đồng hồ sinh học bị rối loạn, ngủ không theo giờ giấc ổn định, gây mất ngủ.
Biến chứng của bệnh
Theo các nhà khoa học, bóng đè không phải là một bệnh lý nghiêm trọng, đây là tình trạng lành tính và tần suất xảy ra rất ít nên khó ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% dân số bị bóng đè tái phát nhiều lần với mức độ đặc biệt nặng nề. Chính vì tâm lý sợ bóng đè nên họ có suy nghĩ tiêu cực về việc đi ngủ, lo lắng thái quá trước giờ đi ngủ khiến họ khó chìm vào giấc ngủ hơn hoặc giảm thời gian dành cho việc ngủ. Tình trạng thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe tổng thể như mệt mỏi mãn tính, suy nhược cơ thể… ảnh hưởng xấu đến công việc, học tập.
Chứng liệt thân khi ngủ kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh và gây ra những biến chứng không mong muốn.
Phương pháp điều trị
Khi rơi vào trạng thái bóng đè, điều người bệnh cần làm đó là kiểm soát cảm giác sợ hãi, giữ cơ thể ở trạng thái thư giãn và xử lý theo một số phương pháp dưới đây:
Thực hiện các cử động nhẹ
Khi bị bóng đè, việc cố gắng cử động là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, để có thể nhanh chóng thoát khỏi cảm giác tê cứng, bạn nên cố gắng thực hiện một số hoạt động sau:
- Nắm chặt lòng bàn tay hết sức có thể hoặc cử động nhẹ nhàng ở các đầu ngón chân, ngón tay.
- Cử động cơ mặt bằng cách tạo ra các biểu hiện nhăn nhó và lặp lại nhiều lần liên tiếp.
Tập trung vào việc thở đều
Tập trung điều hòa hơi thở, thở đều và giữ tâm trạng bình tĩnh là một trong những “chìa khóa” giúp tình trạng bóng đè sớm kết thúc. Nếu bạn càng cố vùng vẫy hay có cảm giác sợ hãi, sẽ càng làm gia tăng áp lực lên ngực, hình thành cảm giác như có vật đè nặng ở ngực.
Tạo những âm thanh nhỏ
Khi rơi vào trạng thái liệt thân khi ngủ, nếu đang nằm gần một người khác, hãy cố gắng tạo ra những âm thành nhỏ từ cổ họng như một tín hiệu để họ có thể đánh thức bạn dậy. Ngoài ra, bạn có thể cố gắng ho khan để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị bóng đè.
Giữ tâm trạng bình thản
Nếu thực hiện những phương pháp trên không đem lại hiệu quả mà còn khiến bạn rơi vào trạng thái ảo giác như bị đè nặng, xoay vòng, lôi đi… thì điều cần nhất là giữ tinh thần được ổn định, thoải mái. Tuyệt đối không vùng vẫy hay chống lại bởi sẽ khiến cơ thể rơi vào uể oải, mệt mỏi kéo dài khi thức tỉnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Rơi vào trạng thái bóng đè thường xuyên có thể khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, suy nhược, ảnh hưởng xấu đến công việc và học tập. Do đó, để có thể hạn chế việc xuất hiện tình trạng bóng đè cần duy trì một số thói quen sau:
- Ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày là yếu tố quan trọng giúp tinh thần luôn thoải mái, ổn định, phòng ngừa bóng đè.
- Có thời gian nghỉ trưa từ 20 - 40 phút/ngày để cơ thể được thư giãn, tinh thần sảng khoái.
- Xây dựng và duy trì nếp sống sinh hoạt lành mạnh, hợp lý như có khung giờ ngủ nghỉ khoa học, tránh thức quá khuya và dậy muộn vào ngày hôm sau.
- Không gian phòng ngủ nên được thiết kế sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, nhiệt độ phòng không được ở mức quá thấp hoặc cao.
- Khi ngủ cần mặc trang phục phù hợp, thấm mồ hôi tốt, không nên mặc đồ bó sát hoặc thoát nhiệt kém.
- Nên tạo thói quen tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tuy nhiên cần tránh tập luyện quá sức hoặc thực hiện sát giờ đi ngủ.
- Tránh sử dụng các chất kích thích có hại cho giấc ngủ như trà, cà phê… hay ăn quá no trước khi ngủ từ 3 - 5 giờ.
- Giữ cho tâm trạng luôn lạc quan, thoải mái, vui vẻ, hạn chế căng thẳng, stress, lo âu kéo dài.