Nghe con gái trò chuyện với bạn trai, kể cả trên điện thoại, tôi thấy rất chướng. Hầu như nó chỉ thích ca tụng bản thân; hay “sai” bạn trai mua cái này, lấy cái kia nhưng chẳng mấy khi chăm sóc lại; thường giận dỗi vô cớ và không bao giờ xin lỗi trước… Tôi góp ý thì con bảo: “Con đang yêu mà. Mẹ phải mừng khi con gái mẹ được chiều chuộng chứ”. Tôi thì thấy đó là thói ích kỷ, đỏng đảnh, khó ưa.
Tôi phải phân tích sao cho con hiểu?
Một bà mẹ có con học lớp 12 (Long An)
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Một cô “chảnh” thường kiêu ngạo, cưng chiều bản thân quá mức, thích đòi hỏi, hay ảo tưởng về khả năng của mình, phớt lờ lời góp ý, sống ích kỷ.
Ở một chừng mực nào đó, vị kỷ là điều cần thiết, giúp ta biết được giá trị của bản thân, xác định được những “quyền” mà mình xứng đáng được hưởng, từ đó biết tôn trọng quyền và cảm xúc của người khác. Mình không quý trọng bản thân thì ai quý? Song khi vượt quá giới hạn cho phép, căn bệnh “chảnh” xuất hiện và lớn dần. Cách chữa trị hay nhất là bớt yêu chính mình và dành tình cảm cho mọi người nhiều hơn. Với sự tinh tế và ân cần của một người mẹ, chị cần quan sát những “triệu chứng bệnh” để kịp thời “bốc thuốc” cho con:
Hay tự khen mình:
Lúc nào cũng thấy mình xinh gái, giỏi giang, có vài tài lẻ thì luôn làm quá lên, cho rằng mình hơn người… Đôi khi cứ lôi ưu điểm của mình ra để trò chuyện với mọi người, thậm chí cho rằng “tự khen cũng là cách thể hiện giá trị bản thân, tự khẳng định mình” nên chẳng việc gì phải ngại. Thái độ đó dần dà sẽ khiến nhiều người khó chịu.
Một cô gái yêu bản thân thường áp đặt mọi ý muốn của mình lên bạn trai, đặt mình ở trên người khác và luôn cho rằng mình đúng. Tất cả mọi điều từ chuyện ăn gì, mặc thế nào, đi đâu, chơi với ai đều phải làm tôn mình lên. Nếu bạn trai đưa ra ý kiến khác, ngay lập tức nhận về thái độ giận dỗi.
Chị hãy khuyên cháu: “Con đang khiến mình trở nên nhạt nhẽo vì chỉ biết đề cao bản thân. Bằng cách này, con đang phá hỏng các mối quan hệ”.
Chỉ muốn nhận mà không thích cho:
Con “sai” người yêu làm hết việc này việc nọ nhưng không giúp lại việc gì; con hỏi, người yêu phải trả lời nhưng chàng kia hỏi, con chẳng thèm đáp; người ta nhiệt tình với con, con lại lạnh lùng bất cần… Tóm lại, con chỉ muốn người khác phục vụ mình mà không thích bị nhờ làm gì cả thì đến một lúc nào đó, con sẽ trở thành kẻ vô ơn.
Chị hãy bảo con: Nếu kéo dài tình trạng này, khi con cần sự giúp đỡ từ mọi người, họ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ.
Dễ “chạm tự ái”:
Biểu hiện dễ nhận biết là khi ai đó trêu đùa, vui thôi, con gái chị cũng dễ nổi nóng dù chuyện chẳng có gì to tát. Đó là lúc “cái tôi” của con gái chị nổi lên. Con tự cho mình có quyền nhận xét người khác nhưng không ai được phép thiếu tôn trọng con.
Chị hãy khuyên cháu: Con gái tự tin luôn có sức hấp dẫn nhưng tự cao sẽ khiến người khác khó mà ưa nổi. Những cô gái có tính cách tự tin thái quá thường đi kèm với thái độ ngang bướng, cố chấp và khó tiếp thu ý kiến từ người khác. Có thể con thông minh, duyên dáng, hiểu biết nhiều về xã hội nhưng cần khiêm nhường, mềm mại, lắng nghe.
Không chịu đi bước trước:
Trong môi trường mới như lớp học, buổi ngoại khóa, nơi đông người, liệu con chị có tỏ thái độ bất cần, không thích trò chuyện cùng ai, không muốn giao tiếp với ai? Cháu có bị cho là khó gần, thậm chí là “khinh người”? Trong tình cảm, cháu có thà đánh mất người yêu còn hơn là đánh mất “cái tôi” của mình nên không chịu nhận lỗi và sửa lỗi?…
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chị hãy khuyên cháu: Cái gương soi rõ người khác nhưng không bao giờ tự soi được vết bẩn của chính mình. Nếu con ngỡ mình hoàn hảo sẽ sợ rằng chủ động bắt chuyện hay nhiệt tình quá mức sẽ bộc lộ điểm yếu và nhận lỗi sẽ bị cho là kém cỏi.
Ai đó đã nói rằng, ích kỷ không phải là sống như cách mình muốn mà là đòi hỏi người khác phải sống như cách mình muốn. Một cô gái đang được yêu nên tự nhận thức được thái độ sống của mình để có những ứng xử chuẩn mực, hồn nhiên, dễ gây thiện cảm với người khác.
Bác sĩ HOA TIÊU