Bầu ăn nước cốt dừa được không đang là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ, nhất là những chị em đang mang thai. Trong bài viết hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp chị em giải đáp câu hỏi này một cách chi tiết. Trước hết, hãy cùng Nhà Thuốc tìm hiểu sơ qua về nước cốt dừa cũng như thành phần dinh dưỡng của nước cốt dừa bạn nhé!
Nước cốt dừa là gì? Thành phần dinh dưỡng của nước cốt dừa
Nước cốt dừa (hay còn gọi là sữa dừa) là phần nước cốt được chiết xuất từ cơm dừa. Nước cốt dừa có màu trắng đục, có dạng sánh đặc và đặc trưng bởi vị ngọt thanh, béo ngậy. Vậy nước cốt dừa chứa những thành phần dinh dưỡng nào?
Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng: Nước cốt dừa là nguồn cung cấp các dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe. Theo kết quả thống kê nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của nước cốt dừa, trong nước cốt dừa có chứa:
- Năng lượng: Một cốc nước dừa chứa 553 calo. Có thể nói, nước cốt dừa là một trong những nguồn cung cấp năng lượng dồi dào, duy trì mọi hoạt động của cơ thể.
- Chất béo: Trong 1 cốc nước cốt dừa có chứa khoảng 80 gram chất béo, trong đó chất béo bão hòa chiếm 50 gram. Bên cạnh đó, nước cốt dừa cũng chứa 626mg axit béo omega-6.
- Axit lauric: Đây là một trong những loại chất béo bão hòa, song axit lauric không làm tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu. Mặt khác, axit này có tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm cao giúp tăng sức đề kháng của cơ thể đồng thời giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó, axit lauric còn có khả năng làm tăng độ đàn hồi của mạch máu từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch nhưbệnh mạch vành, xơ vữa động mạch…
- Chất xơ: Trong 100 gram nước cốt dừa có chứa 2,2 gram chất xơ. Chất xơ này có tác dụng thúc đẩy nồng độ cholesterol lành mạnh từ đó phòng ngừa các bệnh tim mạch. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ có trong nước cốt dừa còn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tốt.
- Chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa có trong nước cốt dừa có khả năng chống lại các gốc tự do, ức chế quá trình lão hóa đồng thời ngăn ngừa ung thư, bệnh Alzheimer… hiệu quả.
- Vitamin: Hàm lượng vitamin B có trong nước cốt dừa có tác dụng tăng năng lượng tế bào, vitamin C rất tốt cho hệ miễn dịch và hàm lượng vitamin E giúp dưỡng ẩm da, nuôi dưỡng cũng như thúc đẩy sự phát triển của da và tóc. Ngoài ra, nước cốt dừa cũng là nguồn cung cấp một hàm lượng nhỏ vitamin A và vitamin D.
- Magie: Theo nghiên cứu, trong 240 gram nước cốt dừa có chứa tối thiểu 89mg magie có tác dụng cải thiện chức năng các tế bào thần kinh, kiểm soát huyết áp cũng như điều hòa nhịp tim đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch đáng kể.
- Sắt: Một cốc nước cốt dừa cung cấp khoảng 3,93mg sắt. Nhờ đó, nước cốt dừa giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt một cách hiệu quả.
- Selen: Một cốc nước cốt dừa chứa 14,88mcg selen. Đây là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động tuyến giáp. Sự thiếu hụt dưỡng chất này còn có thể dẫn đến rối loạn tự miễn dịch cũng như ung thư tuyến tiền liệt.
- Kali: Hàm lượng kali trong nước cốt dừa có tác dụng tăng mức năng lượng, duy trì hoạt động của các mô cũng như cơ quan quan trọng trong cơ thể như não, tim, thận.
- Photpho: Nước cốt dừa là nguồn cung cấp hàm lượng photpho đáng kể cho cơ thể. Đây là dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển răng và xương đồng thời góp phần cải thiện chức năng thận.
Bầu ăn nước cốt dừa được không?
Bạn đang băn khoăn không biết bầu ăn nước cốt dừa được không hay phụ nữ mang thai có nên ăn những món ăn có chứa nước cốt dừa không, hãy để Nhà Thuốc Long Châu giải đáp cho bạn.
Như bạn đã biết, nước cốt dừa có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe mẹ bầu nói riêng. Các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu cho biết: Nước cốt dừa rất lành tính không những an toàn phụ nữ mang thai mà còn mang đến cho mẹ bầu những lợi ích vô cùng tuyệt vời. Cụ thể:
- Nước cốt dừa giúp giảm tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai. Khi mang thai, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi dẫn đến các mẹ bầu thường gặp tình trạng táo bón. Với hàm lượng lớn chất xơ, nước cốt dừa giúp nhuận tràng, tăng cường hệ tiêu hóa đồng thời điều chỉnh độ pH trong đường ruột và giảm nguy cơ táo bón.
- Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng: Việc bổ sung thêm nước cốt dừa giúp mẹ bầu tăng lưu thông máu và phòng chống thiếu máu hiệu quả.
- Bên cạnh đó, nước cốt dừa có chứa một hàm lượng lớn các chất béo lành mạnh có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu và tăng nồng độ cholesterol có lợi.
- Chất dầu có trong nước cốt dừa có tác dụng giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn của mẹ bầu khi ốm nghén và việc sử dụng nước cốt dừa có tác dụng rất tốt trong việc giảm tình trạng nghén.
- Trong nước cốt dừa có chứa một loại axit có khả năng hỗ trợ quá trình hình thành sữa cũng như cơ chế tiết sữa của mẹ. Do đó, các bác sĩ sản khoa thường khuyến khích mẹ bầu bổ sung thêm nước cốt dừa trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3 của thai kỳ.
Trên thực tế cho thấy, nước cốt dừa mang lại giá trị dinh dưỡng cao và rất nhiều lợi ích cho mẹ trong thời kỳ mang thai. Nhưng, nước cốt dừa cũng chứa một hàm lượng chất béo khá cao và điều này có thể gây khó tiêu cho mẹ bầu, thậm chí là khiến tình trạng ốm nghén trở nên nặng nề hơn nếu mẹ bầu quá lạm dụng nước cốt dừa. Bên cạnh đó, việc mẹ bầu ăn quá nhiều nước cốt dừa cũng có thể khiến mẹ bầu bị đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.
Một câu hỏi đặt ra: Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có nên ăn nước cốt dừa? Trong trường hợp này, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể lựa chọn lượng nước cốt dừa tiêu thụ vừa phải dựa trên mức đường huyết của bản thân.
Như vậy, bầu ăn nước cốt dừa được không? Câu trả lời là có. Mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn nước cốt dừa. Song, phụ nữ mang thai cần sử dụng một lượng vừa phải, tránh tiêu thụ quá nhiều gây nên những tác dụng không mong muốn lên cả mẹ và thai nhi nhé!
Xem thêm: Mẹ bầu ăn kem được không?
Lưu ý mẹ bầu cần nắm được khi ăn nước cốt dừa
Việc ăn nước cốt dừa kết hợp với chế độ ăn khoa học có thể giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh và thể trạng tốt. Dưới đây là một số lưu ý mà phụ nữ mang thai cần nắm được sử dụng nước cốt dừa:
- Không nên ăn quá nhiều nước cốt dừa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên ăn tối đa mỗi lần 1 cốc và 2 lần 1 tuần.
- Nên ăn nước cốt dừa vào buổi sáng thay vì buổi tối. Việc ăn nước cốt dừa vào buổi tối có thể khiến mẹ bầu bị đầy bụng, khó tiêu từ đó dẫn đến khó ngủ.
- Cần lựa chọn và mua nước cốt dừa đóng lon đã qua tiệt trùng hoặc tự làm nước cốt dừa tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Nếu không sử dụng hết nước cốt dừa, mẹ bầu có thể bảo quản nước cốt dừa trong hũ thủy tinh và đậy kín nắp sau đó cất trong tủ lạnh.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thành phần dinh dưỡng của nước cốt dừa, lợi ích của nước cốt dừa cũng như một số lưu ý khi sử dụng nước cốt dừa mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những thông tin trên đây, bạn đọc có thể trả lời được câu hỏi: Bầu ăn nước cốt dừa được không? Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi kênh sức khỏe của Nhà Thuốc để cập nhật nhiều thông tin bổ ích khác bạn nhé!
Xem thêm: Bầu 3 tháng đầu ăn mít được không?
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Hellobacsi