Bà bầu uống cafe được không là câu hỏi được nhiều phụ nữ mang thai quan tâm khi phải cân nhắc giữa lợi ích sức khỏe của thai nhi với việc duy trì sở thích ăn uống thường ngày. Việc tiêu thụ cafe trong thai kỳ có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Vậy, có bầu uống cà phê được không, và nếu được, thì lượng cafe bao nhiêu là an toàn? Hãy cùng Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.
Thành phần dinh dưỡng của cafe
Trước khi hiểu rõ có bầu uống cafe được không, mẹ bầu cần tìm hiểu nhanh về thành phần dinh dưỡng chứa trong loại thức uống này.
Thành phần hóa học nổi bật nhất trong cà phê chính là caffeine, một hợp chất hữu cơ có khả năng kích thích hệ thần kinh, giúp tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện độ tập trung.
Ngoài ra, cà phê còn chứa nhiều vitamin nhóm B như B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin) và B5 (pantothenic acid), cùng với lượng lớn các khoáng chất như mangan và kali, giúp cải thiện hiệu suất chuyển hóa năng lượng và tăng cường chức năng tim mạch.
Không chỉ chứa nhiều caffeine và vitamin, cà phê còn là một nguồn giàu chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa như polyphenols trong cà phê giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương gốc tự do, kháng viêm và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh Parkinson, Alzheimer và tiểu đường tuýp 2.
Bên cạnh đó, cà phê đen cũng chứa rất ít calo. Điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn hợp lý dành cho những người muốn kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá mức caffeine có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như lo âu, mất ngủ và tăng nhịp tim. Vậy, mẹ bầu có được uống cafe không?
Có bầu uống cafe được không? Được uống bao nhiêu?
Bà bầu ĐƯỢC UỐNG cà phê nhưng chỉ nên tiêu thụ một cách vừa phải. Bởi lẽ, cà phê có chứa caffeine, một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, được cho là có liên quan đến rủi ro gây sảy thai, lưu thai, trẻ sinh ra nhẹ cân / nhỏ so với tuổi thai và thừa cân / béo phì nếu tiêu thụ quá mức. [1] [2]
Trong khi đó, giới hạn về lượng tiêu thụ caffeine an toàn dành cho mẹ bầu là dưới 200 mg / ngày, tương đương với khoảng 1 - 2 tách cà phê (236 - 472 ml) mỗi ngày.
Tóm lại, phụ nữ có bầu uống cafe được không đồng nghĩa với việc bạn nên tiêu thụ nhiều hoặc thường xuyên. Bởi lẽ, giới hạn hàm lượng cà phê tiêu thụ là điều cần thiết để mẹ có thể đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi.
- Mẹ bầu uống cà phê sữa được không?
- Bà bầu uống trà sữa được không?
- Bầu uống bia được không?
Bà bầu uống cà phê có tốt không?
Tiêu thụ cà phê ở lượng vừa phải có thể mang lại một số lợi ích TỐT cho mẹ bầu như tăng cường năng lượng, sự tỉnh táo và cải thiện độ tập trung, giúp mẹ cảm thấy ít uể oải và năng động hơn trong ngày.
Bên cạnh đó, nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa, tiêu thụ cà phê ở lượng ít hơn 100 mg caffeine mỗi ngày cũng được chứng minh có thể góp phần làm giảm đến 47% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm nêu trên, bản thân cà phê không cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Vì thế, việc dựa vào cà phê để giảm thiểu cảm giác mệt mỏi trong khi mang thai chưa phải là lựa chọn dinh dưỡng tối ưu.
Thay vào đó, mẹ bầu nên cân nhắc những cách tốt hơn để cải thiện tình trạng mệt mỏi, như ngủ đủ giấc hoặc tận dụng các thức uống giàu dinh dưỡng (sữa chua, nước ép trái cây, sữa đậu và hạt).
Mẹ bầu uống nhiều cà phê có sao không?
Mẹ bầu uống nhiều cà phê có thể đem đến nhiều tác động BẤT LỢI cho sự phát triển của thai nhi.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ sau 30 phút mẹ bầu uống cà phê có chứa lượng lớn caffeine, nhịp thở của thai nhi có sự tăng lên đáng kể. Sự gia tăng nhịp thở này có thể là do tác động sinh học của caffeine lên hệ tim mạch.
Theo đó, caffeine có đặc tính co mạch, làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi, khiến thai nhi phải bù đắp lượng oxy bị thiết hụt bằng cách gia tăng nhịp thở.
Vì thế, việc mẹ bầu thường xuyên tiêu thụ caffeine ở mức trên 200 mg / ngày có thể góp phần khiến cho thai nhi chậm phát triển, dẫn đến kích thước nhỏ hơn sau sinh, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường / tim mạch và béo phì khi trẻ trưởng thành.
Không những thế, một phân tích tổng hợp cho thấy nguy cơ sảy thai ở mẹ bầu cũng tăng thêm 19% cho mỗi lần tiêu thụ thêm 150 mg caffeine / ngày. Vì thế, việc bà bầu uống cafe được không có nghĩa là nên tiêu thụ nhiều, mà cần giới hạn ở dưới mức 200 mg caffeine / ngày.
Phụ nữ mang thai uống cafe sao cho đúng?
Để việc uống cafe an toàn hơn cho thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý đến những điều sau:
1. Lượng vừa đủ
Mẹ bầu nên hạn chế lượng caffeine tiêu thụ xuống dưới mức 200 mg / ngày, tương đương với ít hơn 472 ml cà phê / ngày. Đồng thời, không nên tiêu thụ quá 1 cốc 236 ml cà phê trong mỗi lần uống.
Lưu ý, lượng caffeine thực tế trong một tách cà phê có thể thay đổi tùy thuộc vào thương hiệu, phương pháp pha chế và chủng loại cà phê.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chú ý kiểm soát tổng lượng caffeine đến từ tất cả các nguồn khác cà phê, như trà, nước tăng lực và sô-cô-la.
2. Không uống mỗi ngày
Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ caffeine đều đặn mỗi ngày, trong vòng liên tục 4 tuần, thì dù có tiêu thụ ở mức thấp (chỉ 50 mg / ngày), mẹ bầu vẫn có thể sinh ra trẻ nhẹ cân hơn 66 gram so với trẻ sơ sinh có mẹ không hấp thụ caffeine.
Vì thế, thay vì uống cà phê mỗi ngày như một thói quen, mẹ chỉ nên uống ở tần suất thấp (thỉnh thoảng), khoảng 1 - 3 lần / tuần.
3. Ưu tiên cà phê nguyên chất
Mẹ bầu nên uống cà phê nguyên chất thay vì cà phê sữa hoặc cà phê hòa tan bởi vì loại nguyên chất chứa ít đường và chất béo hơn, giúp giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tăng cân không mong muốn. Cà phê nguyên chất cũng ít chứa phụ gia và chất bảo quản, an toàn hơn cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
4. Hỏi ý kiến bác sĩ
Nếu bạn đang mang thai và không chắc chắn về lượng caffeine tiêu thụ an toàn, hãy chủ động hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên chính xác.
Bà bầu nên uống gì thay cafe?
Như đã phân tích, mẹ bầu uống cafe được không có nghĩa là nên tiêu thụ thức uống này một cách thường xuyên. Thay vào đó, việc luân phiên thay thế cà phê bằng các loại thức uống khác có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tốt hơn cho cả mẹ và bé. Cụ thể như sau:
1. Nước lọc
Bà bầu nên uống nước lọc thay cho cà phê vì nước lọc vừa cung cấp độ ẩm cần thiết cho cơ thể, vừa không chứa chất kích thích thần kinh caffeine.
Caffeine trong cà phê có thể gây ra tình trạng mất ngủ, tăng nhịp tim và lo âu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, caffeine có thể làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi, gây ra những biến đổi sinh lý bất lợi cho trẻ.
Trong khi đó, uống nước lọc lại giúp duy trì cân bằng điện giải, thể tích tuần hoàn và dịch ối, đồng thời hỗ trợ cơ thể thải độc hiệu quả hơn.
Mặt khác, nước lọc cũng không chứa calo, đường hoặc các phụ gia, giúp bà bầu duy trì cân nặng ổn định và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Tóm lại, có bầu uống cafe được không có nghĩa là mẹ nên tiêu thụ thức uống này một cách thường xuyên. Thay vào đó, ưu tiên sử dụng nước lọc có thể giúp mẹ bầu duy trì sự phát triển bình thường cho thai nhi.
2. Trà gừng
Tiêu thụ trà gừng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bà bầu bởi vì gừng có đặc tính chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó tiêu và đầy hơi.
Không những thế, gừng còn có tác dụng làm ấm bụng, giúp xoa dịu cảm giác buồn nôn và các triệu chứng ốm nghén thường gặp trong thai kỳ, hỗ trợ duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.
3. Cà phê diếp xoăn
Cà phê diếp xoăn (chicory coffee) là một loại đồ uống được làm từ rễ cây diếp xoăn, thay vì hạt cà phê. Đầu tiên, rễ cây diếp xoăn được rang lên, sau đó mang đi xay mịn rồi cuối cùng pha với nước nóng để tạo thành cà phê.
Bà bầu nên uống cà phê diếp xoăn (chicory coffee) vì loại cà phê này không chứa caffeine, giúp tránh được các tác động tiêu cực của caffeine như mất ngủ, tăng nhịp tim và lo âu.
Mặt khác, rễ cây diếp xoăn cũng chứa inulin, một loại chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường ở ruột, hỗ trợ ổn định đường huyết và làm giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu.
4. Sữa
Sữa được xem là một nguồn dinh dưỡng vàng cho mẹ bầu bởi trong sữa có chứa đến hơn 20 loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Tất cả đều là những dưỡng chất thiết yếu, không thể thiếu đối với sự phát triển của thai nhi, trong đó nổi bật nhất là hàm lượng cao canxi, protein, vitamin D. Cụ thể như sau:
- Canxi: Giúp xây dựng xương và răng chắc khỏe cho thai nhi, đồng thời hỗ trợ sức khỏe xương của mẹ.
- Protein: Cần thiết cho sự phát triển tất cả các mô và cơ bắp của thai nhi.
- Vitamin D: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ hấp thụ canxi hiệu quả hơn.
Ngoài ra, uống sữa cũng giúp mẹ bầu duy trì năng lượng và cảm giác no lâu hơn việc uống cà phê hay nước lọc, từ đó hạn chế được việc ăn uống mất kiểm soát, yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy bệnh tiểu đường thai kỳ tiến triển.
5. Nước ép cần tây
Bà bầu nên uống nước ép cần tây vì loại nước ép này giàu vitamin K, folate và kali. Tất cả đều là những dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé. Cụ thể:
- Vitamin K: Giúp đông máu, nhanh lành vết thương và ngăn ngừa tình trạng xuất huyết quá mức sau sinh;
- Folate: Là dưỡng chất không thể thiếu trong việc ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở não và cột sống của thai nhi;
- Kali: Giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp, giảm thiểu rủi ro khởi phát biến chứng tiền sản giật, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Bên cạnh đó, uống nước ép cần tây đều đặn cũng giúp duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, hỗ trợ duy trì sức khỏe tối ưu cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Trên đây là những thông tin quan trọng về việc bổ sung cà phê vào chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai. Hy vọng thông qua bài viết, mẹ đã hiểu rõ hơn về việc có bầu uống cafe được không, cũng như nên uống với hàm lượng bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe.
Trên thực tế, việc đưa ra quyết định có bầu uống cafe được không còn phụ thuộc nhiều vào tiền sử bệnh lý riêng biệt của mỗi người. Vì thế, nếu bạn có nhu cầu cần lắng nghe những lời tư vấn cá nhân hơn, hãy chủ động gọi đến số hotline 1900 633 599 để được các chuyên gia tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome hỗ trợ kịp thời. Chúc mẹ có một thai kỳ thật an lành và khỏe mạnh!