Nhiều ý kiến cho rằng nên ăn nấm khi mang thai vì nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên cũng có quan điểm cho hay không nên ăn nấm khi mang thai. Vậy có hay không việc ăn nấm khi mang thai?
Nấm là một trong những loại thực phẩm được sử dụng phổ biến hàng ngày bởi chúng không chỉ cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng mà còn chế biến được thành nhiều món ăn thơm ngon.
1. Có nên ăn nấm khi mang thai?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, bà bầu hoàn toàn có thể được ăn nấm khi mang thai, thậm chí nấm còn là một lựa chọn thực phẩm tuyệt vời cho thai kỳ để cung cấp cho thai nhi nhiều dưỡng chất cần thiết.
Trong nhiều loại nấm ăn được, nấm rơm là phổ biến nhất với lượng protein và chất xơ dồi dào nhưng lại rất ít calo. Nấm mỡ cũng vậy, chỉ có khoảng 20 calo/100gr nấm mỡ. Ngoài ra, các loại nấm ăn được cũng cung cấp nhiều vitamin, khoáng và nguyên tố vi lượng cho cơ thể.
Những lời khuyên không được ăn nấm khi mang thai có thể do lo ngại về tình trạng dị ứng nấm hoặc ngộ độc nấm, mặc dù đó là nấm ăn được. Ngộ độc nấm mức độ nhẹ có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy và mức độ nặng có thể đe dọa đến tính mạng.
Tốt nhất mẹ bầu nên lựa chọn mua nấm tại địa chỉ uy tín, ghi rõ nguồn gốc và chỉ nên ăn một lượng vừa phải.
Trắc nghiệm: Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ của mẹ bầu như thế nào?
3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết. Làm bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Hồng Liên , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
2. Ăn nấm nào khi mang thai?
Nếu mẹ bầu đã ăn nấm trước khi mang thai và không bị dị ứng hoặc gặp phải tác dụng phụ nào, mẹ bầu có thể tiếp tục ăn loại nấm đó. Những loại nấm ăn được, an toàn và phổ biến như nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ,... không bị hư hỏng
Ngoài ra, các loại nấm dược liệu như nấm hương (hay còn gọi là nấm đông cô), nấm linh chi, nấm khiêu vũ, nấm đuôi gà tây, ... sản phẩm nấm đông lạnh hoặc đã chế biến còn hạn sử dụng cũng rất an toàn cho mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nấm dược liệu và những loại thuốc có thành phần là nấm dược liệu.
Điều cần lưu ý đối với mẹ bầu ăn nấm khi mang thai đó là nên mua nấm tươi, sạch, không bị hư hỏng, bầm dập. Khi ăn nấm nên rửa sạch, nấu chín, không được ăn nấm sống để hạn chế nhiễm vi trùng, vi nấm thâm nhập cơ thể.
Nếu mẹ bầu thỉnh thoảng bị dị ứng với nấm thì nên cân nhắc về việc ăn nấm khi mang thai. Sau khi ăn, cần theo dõi cơ thể có bất thường nào không. Nếu bị dị ứng cần liên hệ với bác sĩ để được chỉ định thuốc chống dị ứng dành cho thai phụ.
3. Không ăn nấm nào khi mang thai?
Hầu hết các loại nấm ăn được đều an toàn và mẹ bầu nên tránh tiêu thụ những loại nấm và cách ăn nấm như sau:
- Ăn sống: Về cơ bản, ăn sống nấm có thể gây ra chứng khó tiêu vì nấm có thành tế bào bên ngoài rất cứng. Vì vậy, mẹ bầu muốn ăn nấm khi mang thai nên nấu chín, nấu kỹ nấm trước khi ăn để hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng từ nấm.
- Nấm độc, nấm gây ảo giác: Các loại nấm độc, nấm gây ảo giác là những nấm mọc dại trong tự nhiên, có thể gây ngộ độc với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, gây ảo giác như yếu cơ, hưng phấn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Những triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi ăn nấm khoảng 6 giờ. Vì vậy, mẹ bầu cần tránh ăn những loại nấm này khi mang thai.
4. Ăn nấm khi mang thai tốt như thế nào?
Thực tế, nấm là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ đang mang thai. 100 gram nấm mỡ có thể cung cấp khoảng 27,5 calo, 3,7 gam chất đạm, 1,98 gam carbohydrate, cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác như vitamin D, kali, kẽm, phốt pho, magie, canxi, sắt, natri, folate.
Mẹ bầu nấu nấm cùng những thực phẩm khác sẽ có một món ăn thơm ngon, đầy hương vị nhưng lại chứa ít chất béo, calo và carbohydrate. Với lượng khoáng chất dồi dào nêu trên, ăn nấm khi mang thai rất tốt với mẹ bầu.
4.1 Ăn nấm khi mang thai cung cấp lượng lớn vitamin B
Ngoài các loại vitamin và khoáng chất kể trên, nấm còn được biết đến là nguồn cung cấp lượng lớn vitamin B, bao gồm B1 (thiamine), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (axit pantothenic). Đây là những vitamin tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. Cụ thể, mẹ bầu ăn nấm khi mang thai sẽ hưởng những lợi ích sau:
- Vitamin B1: Chịu trách nhiệm đối với sự phát triển não bộ của trẻ, tăng cường năng lượng cho mẹ và giảm mệt mỏi thai kỳ
- Vitamin B2: Hỗ trợ hệ thần kinh phát triển, da khỏe mạnh, thị lực tốt và xương, cơ chắc khỏe
- Vitamin B3: Giúp tuần hoàn trong cơ thể mẹ được tốt hơn, nhờ đó bào thai được nuôi dưỡng, duy trì nồng độ cholesterol và sức khỏe tim mạch của cả mẹ và bé
- Vitamin B5: Tăng cường chuyển hóa thức ăn và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa
4.2 Ăn nấm khi mang thai hỗ trợ hệ tiêu hóa và phát triển cơ
Đối với những người ăn chay, nấm là thực phẩm quan trọng cung cấp chất đạm. Vì vậy, mẹ bầu ăn nấm khi mang thai sẽ được bổ sung nguồn đạm dồi dào và phong phú, tham gia vào quá trình phát triển của thai nhi.Ngoài ra, lượng chất xơ dồi dào của nấm cũng thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và điều hòa quá trình hấp thu lượng đường trong máu, kiểm soát và duy trì mức cholesterol, huyết áp trong cơ thể.
4.3 Ăn nấm khi mang thai cung cấp nhiều chất chống oxy hóa
Nấm cũng được biết đến là nguồn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vì vậy ăn nấm khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa một số bệnh trong thai kỳ. Lượng kali và kẽm có trong nấm cũng rất cần thiết để thai nhi phát triển và tăng trưởng phù hợp.
5. Những điều cần lưu ý đối với mẹ bầu ăn nấm khi mang thai
Để đảm bảo an toàn cũng như hưởng những lợi ích, giá trị dinh dưỡng mà nấm mang lại, mẹ bầu ăn nấm khi mang thai cần lưu ý những thông tin sau:
- Chọn mua nấm tươi có nguồn gốc rõ ràng, uy tín để chế biến.
- Không ăn sống nấm, cũng như những nấm bị hư hỏng.
- Rửa sạch và nấu nấm kỹ trước khi ăn.
- Tránh ăn nấm đã được chế biến sẵn hoặc giảm lượng ăn với những sản phẩm nấm chế biến sẵn.
- Nếu bị dị ứng với nấm cần ngừng ăn ngay lập tức, liên hệ với bác sĩ.
- Với nấm dược liệu, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và theo dõi sức khỏe sau khi ăn.
- Ăn nấm khi mang thai cần tuyệt đối không được ăn các loại nấm lạ, nấm dại vì có thể ăn phải nấm độc, nấm gây ảo giác.
Nếu còn thắc mắc có nên ăn nấm khi mang thai không thì mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm tận hưởng hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng mà nấm mang lại. Mẹ bầu chỉ cần lưu ý là nên chọn mua nấm ăn được, rửa sạch, nấu kỹ trước khi ăn và ăn với lượng vừa phải.
Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng đủ chất, an toàn trong quá trình mang thai không chỉ đảm bảo sức khỏe cho mẹ mà còn hỗ trợ tốt sự phát triển thai nhi. Vì thế, trong giai đoạn này mẹ bầu cần hết sức lưu ý. Nếu có những thắc mắc, hoặc cần tư vấn có thể tham khảo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: parenting.firstcry.com