Cà nhính hay còn được gọi bằng cà nhín là một phương ngữ của khu vực miền Tây Nam Bộ, có thể hiểu nôm na là “ăn từng chút một”. Từ này bỗng nhiên trở thành trào lưu và được giới trẻ trên các mạng xã hội hiện nay sử dụng rất nhiều.
“Cà nhính, cà nhính” xuất hiện trên TikTok cũng như được hưởng ứng mạnh mẽ, gây ra sự tò mò cho cộng đồng mạng. Theo ngôn ngữ GenZ thì “cà nhính, cà nhính” là từ lóng được dùng để biểu thị sự thích thú, hào hứng, đồng thời từ này còn mang ý nghĩa nhận xét, bình luận về một sự vật, hiện tượng hài hước, thú vị và mang chút yếu tố lạ lùng.
Từ này bắt nguồn từ một đoạn livestream của ca sĩ Miko Lan Trinh và bạn trai khi cùng nhau ăn lẩu. Cô ca sĩ này đã liên tục nói “cà nhính, cà nhính, cà nhính” khi cầm đĩa thức ăn giơ lên trước camera với biểu cảm hào hứng.
Không có gì đáng nói cho đến khi bạn trai của Miko Lan Trinh đổ nước vào mà theo anh là nước tiết bò vào trong nồi lẩu gây tranh cãi. Chi tiết này làm đoạn clip lan tỏa rộng khắp các trang mạng xã hội.
Nhiều clip TikTok cover lại câu nói này bắt đầu xuất hiện, các meme cũng phủ sóng mọi nơi. Bên cạnh đó, trend “cà nhính, cà nhính” còn được mọi người sử dụng làm caption hoặc dùng để nhắn tin, comment,… trên Facebook, đặc biệt là TikTok.
Từ một câu nói biểu đạt cảm xúc cá nhân và không có một ý nghĩa rõ ràng từ ngữ, “cà nhính, cà nhính” dần trở thành một trào lưu phổ biến trên TikTok được cộng đồng mạng hưởng ứng, sử dụng tạo ra sự hài hước, tiếng cười, sự chú ý của người xem.
Mặc dù hiện nay ý nghĩa của “cà nhính, cà nhính” vẫn còn khá mơ hồ, nhưng có lẽ vì thế mà nó kích thích sự tò mò của người xem, khiến họ muốn tìm hiểu và khám phá ý nghĩa của câu nói này. Hơn thế, cụm này cũng đã chứng minh được một điều, đó là sự sáng tạo và tính gây chú ý thường xuất phát từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Chúng ta đang sống ở thời đại mới, hội nhập, công nghệ 4.0, do đó các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo, đặc biệt là gen Z - thế hệ tràn đầy năng lượng, sức sống và lòng nhiệt huyết.
Thế nhưng, xét về khía cạnh sáng tạo ngôn ngữ, nhiều người bày tỏ quan điểm rằng, tiếng lóng gen Z chỉ nên dùng trong lúc trò chuyện giao tiếp với bạn bè bình thường. Việc cùng thế hệ với nhau và có mức độ quen biết, thân quen nhất định, nếu cuộc trò chuyện có thêm tiếng lóng sẽ tạo nên sự hài hước, thú vị và gần gũi hơn.