Không những người làng tôi, mà cả vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc, ai ai cũng đồn đại xung quanh chuyện con ma gà. Nó thổi từ tai nọ sang tai kia. Nó truyền từ miệng người này, nhả sang miệng người khác. Tin đồn loang nhanh như ao bèo tấm. Thực hư chả biết. Nhiều người sợ chết khiếp con ma gà. Nhưng tôi hoàn toàn không tin. Đó là điều nhảm nhí. Mặc dù đôi lần, tôi cũng sởn gai ốc khi nghe người ta kể chuyện này.
Họ thường đồn, nhà kia có cô con gái xinh đẹp, nết na, thế nào cũng có ma gà. Nhà ấy làm ăn phát đạt nhanh đến thế, chắc có con ma gà giúp v.v... Nói tóm lại, những ai sủi tăm hơn người một chút, liền bị gán cho có ma gà. Khi không ưa ai đó, thiên hạ liền quàng lên cổ người ta hai chữ ma gà. Ma gà như vòng kim cô xuất hiện ở nơi hang cùng ngõ hẻm. Nơi ban ngày cũng tăm tối mắt nhìn. Ở những người thiếu tình thương yêu đồng loại. Cái sự ác tâm làm thành lời đồn. Tôi nghĩ như thế. Không biết có đúng không.
Lời đồn đại ấy, vô tình làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Ra đường không dám mở miệng chào ai. Vào làng, không dám chào trâu bò lợn gà. Không dám khen trẻ nhỏ. Không dám hỏi thăm người già. Khi đi làm đồng hay lên rừng kiếm củi, lẽo đẽo đi một mình. Không có ai bước chân đi cùng. G
iữa đường, chẳng may gặp mưa to gió lớn, người có ma gà không dám đứng lại trú mưa. Chỉ sợ người nào nhìn thấy. Người ấy liền réo tên vạch mặt, ông trời nghe tiếng. Ông trời lập tức sai thần sét đánh chết. Người có ma gà, nhìn vào đâu cũng làm cho muôn vật bị thui chột.
Công an "ba cùng" với đồng bào, kết hợp tuyên truyền, vận động đồng bào không tin vào các hủ tục, mê tín dị đoan (ảnh chỉ có tính minh họa). |
Lời nói của họ như nhựa cây sơn. Dính vào liền bị ngứa khắp người. Nó sẽ làm héo úa cây rau, thối cây hoa. Làm xanh máu. Làm teo cơ. Trong người khó ở. Trẻ thì biếng ăn. Già thì đau xương nhức óc. Trâu, bò, lợn gà bỗng dưng biếng ăn… Muôn lời đồn cay hơn ớt trộn vôi. Người có ma gà sống như thế cả đời. Ấy thế mà vẫn phải sống. Sống một cách như đi mượn.
Nhiều người họ muốn bỏ quê mà đi. Đi tới nơi nào không còn có ai biết tên nhớ mặt. Nhưng đi đâu được? Lời nói gió bay. Gió mang lời đồn tuy không chết người, nhưng làm héo hon, tóp teo thần xác. Lời đồn có chân theo đi cả ngàn vạn dặm. Người nhà quê, ai cũng mau miệng, nhiều lời. Họ rất thích “buôn dưa lê”, ninh cháo “mạ”. Toàn những chuyện chẳng hay ho gì về người khác. Ai mang tiếng có ma gà buộc lòng ở lại với làng. Họ cắn răng chịu đựng, suốt đời âm thầm làm cái bóng. Cái bóng cắm mặt mà đi, bịt miệng mà ho. Cưới vợ gả chồng là chuyện nhọc như đường lên trời.
Cách đây không lâu, tôi có người bạn thân kể cho một câu chuyện. Theo bạn, đấy là chuyện có thật một trăm phần trăm. Vì chính mắt bạn tôi nhìn thấy.
Chuyện thế này: Ngay gần hàng phố Co Xàu, nơi gia đình bạn tôi buôn bán và sinh sống có một bé gái mới lên năm tuổi. Bố mẹ cháu đều là người Kinh, mới từ dưới xuôi lên làm ăn. Cháu không hề biết tiếng Nùng Giang. Tự dưng, một hôm, cháu buột miệng nói tiếng Nùng Giang. Đây là thổ ngữ vùng giáp ranh biên giới Trung Việt. Rất khó nghe và khó nói.
Tiếng nói của người Nùng Giang lúc mềm như giấy nhúng nước. Lúc cương cứng như sừng trâu húc tung tổ mối. Nhưng cháu nói một cách rõ ràng, mạch lạc. Nói trôi chảy. Không sai một âm tiết. Ai đứng gần đấy đều trố mắt ngạc nhiên. Nói xong cháu chạy. Vừa chạy nó vừa bảo: “Tôi phải về nhà ngay với bố mẹ đẻ. Bố mẹ chờ tôi đã năm năm rồi”. Người bố vội vàng đuổi theo để giữ con mình lại. Hai cha con chạy vòng quanh từ nhà đến chân đồi Kéo Lồm, từ Kéo Lồm lại về Phja Phủ. Hai cha con đuổi bắt hết cả buổi sáng mà không tài nào nắm được áo nó.
Bạn có tin không? Một người đàn ông 30 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thế mà chạy không nhanh bằng một đứa bé năm tuổi. Chân con bé nhịp nhàng, chạy như bơi trong không gian. Chỉ thấy bóng người nó bay. Cháu thoắt ẩn, thoắt hiện. Lúc thấy, lúc không. Ông bố thở không ra hơi, nói không thành lời. Đứng còn chả vững. Nhưng nỗi sợ mất con làm ông gắng sức mình chạy đuổi. Cuối cùng ông cũng đành bó tay, đứng thở dốc, nhìn đứa con gái bé bỏng. Bóng nó mờ nhòa dần, rồi mất hút.
Một lúc lâu sau, bỗng thấy nó đổ gục ngay trước cửa nhà mình. Cháu hộc lên một tiếng. Máu trào ra đằng miệng. Một vũng máu đỏ lòm, rộng bằng miệng mũ cối. Mọi người cùng hàng phố chạy ào ra xông đến. Họ bế cháu lên. Thì trời ơi! Cháu đã nhắm mắt tắt thở. Mọi người đứng đấy như cột mọc. Không ai giải thích nổi, vì sao lại thế, vì sao nó thế.
Mỗi năm đôi lần được nghỉ, tôi tranh thủ về thăm nhà. Cũng câu chuyện này, tôi đã được nghe mọi người kể đi, kể lại nhiều lần. Tôi đều để ngoài tai. Bởi người dân quê tôi hay thêu dệt, đơm đặt, gộp chung gọi là “sáng tác”. Những lúc họ đi làm đồng mệt mỏi, nhất là lúc nhàn rỗi, người nông dân vẫn kể cho nhau nghe. Kể chuyện vui. Có. Chuyện tục tĩu. Có. Chuyện ly kỳ. Có. Chuyện gì cũng được, miễn sao mọi người tiêu tan cơn buồn ngủ. Bán cái mỏi mệt cho giời. Cất cái nặng nhọc đời thường. Cười lên cho sướng tai mát bụng. Đơn giản vậy thôi.
Có nhiều chuyện, mà hồi xưa cha tôi kể, nghe còn dã man, rùng rợn hơn nhiều. Tôi đã quá quen với môi trường sống “pác lẻp” (nói phét) này rồi. Nhưng đến lượt bạn tôi - một người mà ngay từ nhỏ, đã có lối sống cực kỳ nghiêm túc và mực thước. Bạn bình tĩnh kể lại, tôi mới thực sự giật mình. Chuyện này khiến ruột gan tôi bỗng cồn lên như kiến bò. Hồi còn là học sinh trung học, tôi có một người bạn, nhà ở tận Lũng Đính thuộc xã Đình Phong. Bạn ấy học giỏi đến mức, ai cũng nghĩ là thần đồng. Lập tức, hôm sau có người nói nhà bạn ấy bị ma gà, nên mới giỏi như thế. Trời!
Ba bốn chục năm sau này, và ngay cả bây giờ, tôi thấy đời sống bạn tôi vẫn bình thường, như mọi người khác. Những câu chuyện đồn đại về bạn có ma gà, hình như đã lắng xuống. Khi gia đình bạn ấm êm, hạnh phúc. Vợ chồng hòa thuận. Con cái trưởng thành. Bạn tôi có căn nhà riêng năm tầng trên mặt phố. Nghe đâu, bạn tôi sắp được điều ra tỉnh, để phụ trách một ngành lớn và quan trọng. Tôi thực sự mừng cho bạn.
Người xưa nói: “Nhân cường (thì) ma nhược”. Tôi tin điều này hơn. Câu chuyện bạn tôi vừa kể, như bỏ thêm thìa đường cho vào trong cốc nước trà. Một cơ thể khỏe mạnh không bao giờ người ấy có ma gà. Một gia đình hạnh phúc, con cái đề huề giỏi giang, làm ăn năm sau phát đạt hơn năm trước, dứt khoát gia đình ấy không thể có ma gà. Vì ghen ăn tức ở, người đời muốn thổi cái xấu xa. Mặc sức để người ta đồn thổi. Có như thế mới gọi là thói đời tệ bạc.
Nhưng, chợt nghĩ lại, mọi chuyện đều có thể. Tôi mới ngớ người ra…