Khi mình run, mình nói chuyện dễ bị “quê”
Cô bạn Bích Thảo (lớp 11, Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12) từng gặp sự cố nhớ đời khi nói chuyện. Cụ thể, trong giờ chào cờ, khi nghe thầy đặt câu hỏi, bạn nhanh nhảu: "Dạ thưa cô, em xin trả lời câu hỏi này". Lúc đó, cả sân trường cười ầm lên. Lúc này, Thảo phát hiện mình nói nhầm “thầy” thành “cô”.
Cũng như Bích Thảo, nhiều bạn chia sẻ rằng mình nói nhầm rất nhiều lần, nhất là khi không tập trung hoặc đang hồi hộp.
Bạn Bảo Trân (lớp 11 trường THPT Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng gặp trường hợp "đứng hình" tương tự. Từ đó, các bạn trong lớp chọc Bảo Trân là: “Học ăn, học nói như lớp trưởng” khiến bạn quê ơi là quê.
Ngoài “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nhiều bạn còn chia sẻ rằng mình còn lỡ miệng nói láy, như “định bụng” thành “đụng bịnh”, “trà lài vải” thành “trà vài lải”…
Có bạn thì thay vì bảo “cô ơi cô quên tắt xi-nhan kìa” thì lại nói thành “cô ơi, cô quên tắt wifi”. Có bạn đi vào đổ xăng thì lại nói “dạ chú đổ đầy ly nha chú”.
Với những câu chuyện như vậy, cộng đồng mạng phân thành hai luồng ý kiến. Nhiều bạn gen Z cảm thấy đây là chuyện rất “quế quề quê”. Nhưng cũng có những bạn cho rằng đó là chuyện ai cũng mắc phải.
Ngay cả MC hay người nổi tiếng còn không ít lần bị “liệu” trên sân khấu, trường quay nên gen Z chúng mình có nói hớ, nói nhầm cũng là chuyện bình thường.
Tạm biệt “con sông quê”
Gia Huy (lớp 11, Trường THPT Dương Văn Thì, TP.Thủ Đức) hay nói láy cho vui nhưng dần thành thói quen. Đến lúc nói chuyện nghiêm túc, Huy cũng bao lần muốn “đào hố” vì lỡ nói láy.
Huy tâm sự: “Mình tập nói chậm rãi từng lời. Câu nào hay lẹo lưỡi hoặc nói láy thì mình tập nói đi nói lại nhiều lần cho quen. Đặc biệt là những mẫu câu mình hay nói với người lớn, giáo viên… vì khi nói chuyện với họ mình sẽ run, dễ nói sai”.
Còn cô bạn Bích Thảo sau vài lần nói hớ đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Bạn cho rằng mỗi khi nói chuyện, mình phải hít thở đều, giữ cảm xúc ổn định, không nói quá chậm hay quá nhanh. Bạn tự dặn mình nếu lỡ nói nhầm thì phải lập tức xin lỗi, đồng thời cũng giúp mình đỡ quê.
Chuyện nói sai, mọi người cũng chỉ cười hoặc khó hiểu lúc đó rồi quên. Chẳng ai nhớ mãi chuyện người khác. Vì vậy bạn không cần lo lắng hay cảm thấy xấu hổ đâu nhé.
Nói chuyện "pro" như MC!
1. Chăm đọc sách
Đọc giúp bạn gia tăng vốn từ, nắm ngữ pháp, học cách diễn đạt gãy gọn, súc tích.
2. Đừng ham nói dài
Tập diễn đạt suy nghĩ của mình một cách ngắn gọn, rành mạch, ưu tiên nói những điều mình thật sự hiểu và cảm. Càng nói dài, bạn càng dễ lan man, nói hớ...
3. Tập trung
Nói nhầm có thể là do bạn đang nghĩ thêm vấn đề khác, khiến bộ não bị ép vào thế “đa nhiệm”.
4. Đừng biến "sai thành đúng"
Có trường hợp bị “rối loạn ngôn ngữ” do bạn thường xuyên nghe, đọc, nhại theo những câu từ, nội dung như thế khiến bộ não hình thành thói quen.
5. Khẩu khí
Bạn phải thể hiện được sự tự tin, thần thái khi nói, kết hợp giữa giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, tập chỉnh sửa tốc độ, cao độ, cường độ giọng nói để tạo ra tổng thể hoàn hảo.
6. Đừng quên thông điệp chính
Hãy tự hỏi “Tôi muốn nói gì với mọi người?”. Câu trả lời chính là kim chỉ nam để bạn giao tiếp, thuyết trình.
MC Đặng Hồng Thắm (Quán quân Micro Bay - Gương mặt MC Nhân văn năm 2017)