08/03/2024
Nghe đến tên mủ gòn chắc hẳn nhiều người cho rằng nó chỉ là một loại nhựa cây thông thường. Tuy nhiên, thực tế đây lại là một thức uống giải khát với hương vị độc đáo và mang đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe. Hãy cùng Dược Kiên Minh đọc ngay bài viết sau đây để tìm hiểu xem mủ gòn là gì, công dụng ra sao và những bí quyết để làm ra thức uống thơm ngon từ loại mủ cây này nhé.
1. Những điều thú vị về mủ gòn có thể bạn chưa biết
1.1. Mủ gòn là gì?
Mủ gòn là nhựa tiết ra từ thân cây gòn với tên khoa học là Gossampinus malabarica, thuộc họ Cẩm quỳ (Bombacaceae). Loài cây này còn có nhiều tên gọi khác như cây mủ gòn, cây bông gòn, cây bông lụa, cây gôm,... Cây mủ gòn có nguồn gốc từ khu vực miền Bắc của Trung Mỹ sau đó được nhân giống rộng rãi sáng nhiều quốc gia như Nam Mỹ, Lào, Thái Lan, Carine,...
Đây là thảo dược ưa phát triển trong khí hậu nhiệt đới và sinh trưởng mạnh vào mùa mưa. Tại Việt Nam cũng bắt gặp loài cây này mọc hoang ngoài tự nhiên, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, người dân nhiều nơi còn trồng gòn lấy mủ để làm đồ uống thanh nhiệt, giải khát hoặc lấy bông gòn để làm đệm, gối.
Mủ cây bông gòn tiết ra từ thân cây khi phần này bị thương. Nó có màu nâu tối hoặc nâu đỏ (màu hổ phách), vón thành từng cục dạng thạch đặc, trông tương tự như sương sa hay nhựa đào, khi cắn vào sẽ có vị chát nhẹ.
1.2. Cách lấy mủ gòn
Cách khai thác mủ gòn tương đối đơn giản và dễ làm. Thông thường, người ta chỉ cần sử dụng dao nhọn rạch thẳng một đường lên thân cây là mủ sẽ chảy dần ra từ thân cây. Dùng một cái chậu hoặc xô để hứng mủ rồi lấy mủ gòn đã hứng được về và bảo quản.
Nhựa cây gòn khi mới chảy ra sờ vào sẽ thấy rất dẻo, rất mềm và có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Tuy nhiên, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, chúng sẽ khô dần và đông cứng lại tạo thành từng mảng lớn được gọi là mủ gòn khô.
1.3. Thành phần dinh dưỡng trong mủ gòn có tốt không?
Nhiều người cho rằng uống nước mủ gòn chỉ để cho vui miệng hoặc giải khát mà không biết được giá trị dinh dưỡng trong thức uống này vượt xa mong đợi của chúng ta. Nhờ vào các nghiên cứu khoa học hiện đại, người ta đã khám phá ra bên trong thành phần của mủ gòn chứa nhiều khoáng chất thiết yếu như Canxi, Magie, Kẽm, Natri,...
Không chỉ vậy, mủ gòn còn có hàm lượng chất xơ dồi dào được hòa tan vào trong nước. Nhờ những thành phần dinh dưỡng này mà nước mủ gòn được các chuyên gia đánh giá cao. Và nếu bạn đang thắc mắc không biết mủ cây gòn ăn được không thì câu trả lời là có nhé. Từ lâu, mủ gòn đã được nhiều người tin tưởng sử dụng trong các món ăn, thức uống hàng ngày để nâng cao sức khỏe.
Xem thêm: Công dụng của lá cơm kìa - dược liệu quý vùng Tây Bắc
2. Mủ gòn có tác dụng gì?
Với thành phần giàu hoạt chất có lợi cho cơ thể như đã trình bày ở trên thì liệu ăn mủ gòn có tốt không? Theo Đông y, mủ cây gòn là vị thuốc có vị hơi ngọt, tính mát, công dụng nhuận tràng vị, lợi tiểu, chỉ khát, thanh nhiệt, giải độc và sát trùng đường tiểu. Còn theo các nghiên cứu của Y học hiện đại, các tác dụng của mủ gòn bao gồm:
Góp phần điều hòa và kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường một cách hiệu quả.
Duy trì chỉ số huyết áp ổn định, hỗ trợ kiểm soát bệnh huyết áp cao.
Công dụng của mủ gòn trong việc thanh nhiệt, giải độc cơ thể cũng được đánh giá cao và được đưa vào các bài thuốc làm mát gan.
Giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, tinh thần sảng khoái và thoải mái hơn đồng thời giúp cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ.
Cải thiện lượng mỡ trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Nhuận tràng, hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả, giúp đi ngoài dễ dàng hơn. Tác dụng mủ gòn trên hệ tiêu hóa có được nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào
Công dụng mủ gòn trong làm đẹp da cũng được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Nó không chỉ giúp trị mụn, nám da, cải thiện tình trạng da bị sần, ngăn ngừa lão hóa da mà còn giúp các vết thương mau lành hơn.
Hơn thế nữa, chị em phụ nữ nào đang muốn giảm cân thì mủ gòn cũng là một lựa chọn vô cùng thích hợp. Nó giúp giảm lượng mỡ thừa trong máu đồng thời lại giàu chất xơ nên tạo cảm giác no lâu, giúp chị em không còn thèm ăn và kiểm soát cân nặng một cách dễ dàng. Vừa giúp giảm cân, đẹp dáng vừa làm đẹp da nên đây quả là một sản phẩm mà chị em phụ nữ không nên bỏ qua.
3. Cách chế biến mủ gòn
Sau khi đã có thêm nhiều thông tin về thành phần dinh dưỡng cũng như tác dụng của mủ gòn, tiếp theo đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cách dùng và chế biến sản phẩm này sao cho vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng nhé.
3.1. Hướng dẫn cách ngâm mủ gòn nhanh nở
Trước khi tiến hành chế biến thành món ăn hay đồ uống, bước đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải biết cách ngâm mủ gòn mau nở, mềm mà không bị chua. Các bước ngâm mủ gòn bao gồm:
Do chịu tác động từ nắng, gió nhiều nên sản phẩm dễ lẫn bụi bẩn và đất cát. Vì vậy mà trước khi ngâm cần mang mủ gòn khô đi rửa sơ lại với nước nhằm loại bỏ sạch các tạp chất này.
Mủ sau khi đã rửa sạch nên ngâm vào nước nóng hay nước lạnh? Bạn không nên ngâm vào nước quá nóng vì điều này có thể làm phá hủy cấu trúc của sản phẩm, ảnh hưởng tới độ nhớt từ đó làm giảm hoặc mất tác dụng của nó. Thay vào đó, cách ngâm mủ gòn khô đúng là ngâm trong nước lạnh (nước ở nhiệt độ môi trường) để mủ nở mềm nhưng vẫn giữ được độ giòn ngon. Để mủ nở hoàn toàn, thời gian ngâm chuẩn nhất là từ 8 - 12 tiếng.
Sau khi mủ đã nở hoàn toàn, đem hòa cùng nước lọc hoặc nước đường để đạt được vị ngọt thích hợp rồi cho vào tủ lạnh bảo quản hoặc cho thêm đá để có thể dùng ngay nếu thích. Cách làm này sẽ giúp món mủ gòn của bạn không bị bở, khi ăn vừa giòn vừa dai rất ngon.
3.2. Bí quyết làm nước giải khát thơm ngon từ mủ gòn
Mủ gòn có tính mát, vị ngọt thanh nên rất thích hợp để pha chế thành thức uống thanh nhiệt trong những ngày nắng nóng. Nếu muốn tăng tác dụng nhuận tràng, chữa chứng táo bón, người ta thường ngâm mủ gòn cùng mủ cây trôm và hạt é. Khi kết hợp các loại đồ uống này với nhau sẽ mang đến tác dụng rất tốt cho đường ruột, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng. Cách nấu mủ gòn mủ trôm hạt é như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
250g mủ gòn khô
150g mủ trôm
25g hạt é
Đường phèn
Lá dứa (Có thể cho vào để tạo thêm mùi thơm)
Các bước tiến hành:
Mủ gòn, mủ trôm mang đi rửa cho sạch sau đó ngâm vào nước lạnh trong vòng 8 - 12 giờ để mủ nở mềm ra.
Hạt é đem ngâm với lượng nước vừa đủ trong 1 - 2 giờ.
Đường phèn và lá dứa (nếu có) nấu với nước tới khi đường tan hết thì cho hết mủ trôm, mủ gòn, hạt é vào nấu cùng. Đun thêm khoảng 10 - 15 phút nữa rồi tắt bếp.
Uống ngay khi nước nguội hoặc cho thêm đá vào tùy theo sở thích. Nếu sử dụng không hết, cần cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
Có thể cho thêm hạt chia, hạt đười ươi để thức uống thơm ngon hơn và cũng tốt cho sức khỏe hơn.
Loại đồ uống này rất tốt cho những ai đang bị táo bón và gặp tình trạng đau rát khi đi ngoài.
Có thể bạn quan tâm:
- Hạt vừng có tác dụng gì? Tác hại khi ăn quá nhiều mè trắng
- Uống sữa ông thọ có tốt không? Uống có bị tiểu đường không?
4. Khi sử dụng mủ gòn cần lưu ý những gì?
Mặc dù công dụng mủ gòn đối với sức khỏe là rất tốt nhưng vẫn có một số lưu ý bạn cần biết để sử dụng sản phẩm này một cách an toàn, hiệu quả. Chẳng hạn như:
Sau khi mua về cần rửa sạch trước khi chế biến để đảm bảo vệ sinh. Sở dĩ như vậy là bởi trước khi thu hoạch thì mủ gòn đã ở môi trường bên ngoài trong thời gian dài nên thường bị bám nhiều bụi bẩn và tạp chất.
Chỉ nên ngâm mủ gòn trong nước lạnh hoặc nước có độ ấm vừa phải và tốt nhất nên ngâm qua đêm để mủ nở đều. Nếu dùng không đủ nước khi ngâm hoặc thời gian ngâm quá vội khiến mủ chưa nở hết thì khi vào đường tiêu hóa, mủ gòn có thể trương nở tiếp và gây tắc ruột.
5. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về mủ gòn
5.1. Những đối tượng nào nên dùng mủ gòn?
Khi sử dụng mủ gòn cho những đối tượng sau đây sẽ thu được hiệu quả bất ngờ:
Người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao
Người đang có nhu cầu giảm cân
Người có các biểu hiện nóng trong, mụn nhọt, cổ họng khô,...
Người có chỉ số mỡ máu cao
Người muốn có làn da đẹp, sạch mụn và nám da
Người bình thường cũng hoàn toàn có thể sử dụng mủ gòn để thanh nhiệt cơ thể, nâng cao sức khỏe.
5.2. Mủ gòn có độc không?
Theo các chuyên gia cho biết, mủ gòn không có độc tính. Tuy nhiên, do là vị thuốc tính mát và có tác dụng nhuận tràng nên đôi khi hai ưu điểm này lại là nguyên nhân gây ra một số tác dụng phụ của mủ gòn. Trong một số ghi chép của Đông y, lạm dụng ăn hay uống quá nhiều mủ gòn có thể gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Do đó, người dùng nên sử dụng liều lượng hợp lý để tránh bị phản tác dụng.
5.3. Có thai ăn mủ gòn được không?
Phụ nữ mang thai nên tránh uống nước mủ gòn. Sở dĩ như vậy là bởi thức uống này có tính mát và nhuận trường nên rất dễ làm tăng tình trạng co thắt cơ trơn tử cung và dẫn đến sảy thai, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ hoặc những mẹ bầu bị động thai, thai yếu.
5.4. Mủ gòn có giá bao nhiêu
Giá mủ gòn hiện nay trên thị trường dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Người dùng cần mua mủ gòn khô ở những địa chỉ bán hàng uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc sản phẩm chứa nhiều chất bảo quản độc hại.
Có thể bạn quan tâm:
- Sữa chua nếp cẩm ăn nhiều có tốt không? Bạn cần lưu ý gì
Trên đây là những thông tin cơ bản về mủ gòn, tác dụng của nó với sức khỏe con người cũng như cách để pha chế mủ gòn thơm ngon đúng chuẩn. Hãy sử dụng mủ gòn đúng cách để vừa có thức uống giải khát trong ngày hè oi bức vừa giúp nâng cao sức khỏe nhé.