Mát gan, giải độc, thanh lọc cơ thể, tăng cảm giác no… là những công dụng chính của mủ trôm nên thường được dùng để giảm cân. Hãy tham khảo bài viết sau đề tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng của mủ trôm, tác dụng và bí quyết làm thế nào để pha chế mủ trôm thành nhiều thức uống ngon, tốt cho sức khỏe
Mủ trôm tốt với sức khỏe thế nào?
Đặc tính của mủ trôm
Mủ trôm là nhựa của cây trôm, được tiết ra từ những vết thương trên vỏ của loại cây này. Cây trôm mọc nhiều ở nước nhiệt đới và ở Việt Nam mọc hoang nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận…
Mủ trôm khô nguyên chất thường có màu trắng đục, trắng ngà, có hình dáng thanh dài hay cục tròn tùy theo phương thức khai thác. Khi ngâm mủ trôm trong nước sẽ hấp thụ nước và trương nở tạo thành hỗn hợp hơi nhớt, sánh mịn, hơi có độ nhớt.
Thành phần dinh dưỡng của mủ trôm
Thành phần trong mủ trôm gồm các khoáng chất cần thiết như canxi, kẽm, sắt, natri, kali… cùng các axit amin như lysine, leucine, phenylalanine, threonine, methionine, isoleucine, valine, histidine…
Ngoài ra, nhựa cây trôm còn có thành phần gồm 37% axit uronic, hợp chất polysaccharide cao phân tử, còn gọi là đường phức (đường đa). Khi thủy phân hợp chất polysaccharide sẽ cho ra các loại đường như L-rhamnose, D-galactose và axit D-galacturonic, acetylat, trimethylamin…
Công dụng của mủ trôm
Với nhiều thành phần dinh dưỡng như vậy, chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc về công dụng của mủ trôm. Theo Đông y, nhựa của cây trôm có vị ngọt, tính mát nên có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, giải độc, giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả.
Theo y học hiện đại, mủ cây trôm có đặc tính trương nở tốt, có khả năng kết dính, thành phần chất xơ cao nên được dùng để cải thiện nhu động ruột, phòng chống táo bón, giải độc. Loại nhựa cây này còn có công dụng cải thiện mỡ máu, tăng cảm giác no tốt thích hợp cho nhu cầu giảm cân, điều tiết lượng đường trong máu cho người thừa cân, béo phì…
Phân biệt mủ trôm và tuyết yến
Bề ngoài và hương vị của mủ trôm và tuyết yến khá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn nhưng cách khai thác và công dụng của tuyết yến lại hơn mủ trôm. Để nhận biết mủ trôm và tuyết yến thì nên chú ý các điểm sau:
- Mủ trôm là nhựa cây, có màu trắng đục, pha chút màu nâu của nhựa cây, có vị ngọt và thường phải ngâm nước, nấu lên cho nở hoàn toàn mới sử dụng được.
- Tuyết yến là phần dịch của cây có màu trắng trong, rất cứng, ít lẫn tạp chất, có vị chua, phải ngâm nước mới sử dụng được. Tuyết yến có giá khá đắt do tác dụng của tuyết yến hơn hẳn mủ trôm.
Cách pha mủ trôm ngon và tốt cho cả nhà
Trước khi dùng mủ trôm pha nước giải khát, bạn cần ngâm mủ trôm trong nước lọc, sau đó nấu sôi để nguội cho mủ trương nở hết mức.
Cách ngâm mủ trôm đúng
Về cách ngâm mủ trôm, bạn chỉ nên ngâm khoảng 5g mủ trong 1 lít nước vì loại nhựa cây này có tính trương nở cao. Nên dùng nước đun sôi để ở nhiệt độ phòng để ngâm mủ trôm. Bạn cũng nên ngâm mủ trôm trong bình thủy tinh có nắp đậy kín để đảm bảo vệ sinh. Thời gian ngâm phải từ 12 - 24 giờ thì mủ trôm mới trương nở hoàn toàn. Lưu ý rằng khi mủ trôm ngâm chưa nở hoàn toàn, đi vào đường tiêu hóa, sẽ tiếp tục hút nước và trương nở có thể gây tắc ruột.
Bạn không nên ngâm mủ trôm trong nước nóng hay nấu sôi cho nhanh, sẽ gây mất tác dụng vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy cấu trúc của các phần tử polysaccharide, tác động đến độ nhớt.
Sau khi ngâm xong, bạn rửa mủ trôm lại cho sạch. Nếu không dùng hết, bạn nên cất mủ trôm trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Lưu ý rằng bạn chỉ nên ngâm một lượng mủ trôm vừa phải đủ dùng, tránh ngâm quá nhiều sẽ lãng phí.
Cách pha mủ trôm với đường phèn
Bạn nên pha mủ trôm với nước đường phèn đã nấu sôi để nguội sẽ cho hương vị thơm ngon hơn. Sau khi ngâm mủ trôm, bạn pha với nước đường phèn đã nấu rồi cho thêm hạt é, nước cốt tắc, vài viên đá để tăng thêm hương vị cho món thức uống này.
Ngoài dùng làm thức uống, bạn có thể kết hợp mủ trôm với thạch sương sâm, mủ cây gòn, ăn chung với một số món chè như chè chè đậu xanh mủ trôm, nha đam đường phèn…
Cách pha mủ trôm nha đam
Nguyên liệu cho 5 người
- Mủ trôm 20g;
- Nha đam 1 nhánh;
- Hạt é 10g;
- Rong biển 100g;
- Đường phèn 300g.
Sơ chế nguyên liệu
- Ngâm mủ trôm qua đêm với 1 lít nước. Ngâm qua đêm hạt é với 200ml nước.
- Rửa sạch rong biển với nước nhiều lần. Chần rong biển trong nước sôi trong khoảng 1 phút rồi để ráo.
- Cắt bỏ gốc nha đam, rồi cắt thành từng khúc để dễ gọt vỏ. Rửa nha đam nhiều lần với nước, cắt hạt lựu, ngâm với nước muối pha loãng trong 10 phút, vớt ra để ráo.
Cách nấu
Nấu nha đam đường phèn như sau: Cho vào nồi 1,5 lít nước và 300gr đường phèn, bắc lên bếp. Khi đường đã tan, tắt bếp và cho nha đam vào, để thật nguội hỗn hợp, sau đó cho nước hạt é và mủ trôm vào khuấy đều.
Cách pha mủ trôm với hạt chia
Nguyên liệu cho 4 người
- Mủ trôm 10g;
- Lá dứa 10 lá;
- Hạt chia 20g;
- Đường phèn 2 muỗng canh;
- Muối 1 muỗng cà phê.
Sơ chế nguyên liệu
- Rửa sạch 10g mủ trôm, ngâm qua đêm với 1 lít nước.
- Rửa sạch lá dứa, để ráo rồi bó thành 1 búi.
Cách nấu
- Cho vào nồi lá dứa, 1 muỗng cà phê muối và 2 lít nước rồi bắc lên bếp.
- Sau khi nước đã sôi, đậy nắp lại, chờ khoảng 10 phút cho bớt nóng.
- Cho vào 2 muỗng canh đường phèn và khuấy đều rồi cho 20g hạt chia, để khoảng 2 phút nữa rồi cho mủ trôm vào đảo đều.
- Để một ít lá dứa cắt khúc vào chai, sau đó đổ nước mủ trôm hạt chia vào là hoàn thành.
Khi dùng mủ trôm cần lưu ý gì?
Khi dùng mủ trôm, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua một số lưu ý dưới đây:
- Trong dân gian, mủ trôm là một vị thuốc có tác dụng làm mát gan, thanh nhiệt, giải độc, ngừa táo bón. Tuy nhiên, bạn nên chú ý về liều lượng khi dùng. Không nên sử dụng mủ trôm như nước giải khát hay món ăn vặt quá thường xuyên.
- Nếu nhận thấy có các triệu chứng khác thường khi dùng mủ trôm, bạn nên ngưng ngay. Ngoài ra, những trường hợp sau không nên dùng mủ trôm:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
- Người có khối u đường tiêu hóa.
- Đang dùng thuốc điều trị bệnh có thể gây tương tác thuốc.
Mủ trôm không chỉ là thức uống giải khát ngon lành mà còn tốt cho sức khỏe. Chỉ cần ghi nhớ cách ngâm và pha nước mủ trôm thanh nhiệt như hướng dẫn của bài viết, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp