Gần đây, trên một số hội nhóm về ăn uống, nhiều chị em chia sẻ “bí quyết” để giảm cân mà không phải kiêng tinh bột - đó là sử dụng bún-mỳ-phở nưa. Một số người dùng giới thiệu, đây là sản phẩm của Nhật, được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng giá thành không hề đắt, đặc biệt lượng calo rất ít, vì thế ăn no mà không lo tăng cân. Đây còn được xem là thực phẩm lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe chứ không chỉ giúp giảm cân nên rất nhiều người chuộng dùng.
Mỳ nưa hay bún-phở nưa được làm từ bột của củ nưa (konjac) và khi làm ra các sản phẩm khác nhau thì chúng cũng có hàm lượng dinh dưỡng, cách sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm chung là chúng rất ít năng lượng khi ăn.
Theo đó, nếu so sánh mỳ nưa, bún nưa hay phở nưa với các loại bún phở thông thương được làm từ gạo thì năng lượng của các sản phẩm được làm từ củ nưa chỉ bằng 1/10 hoặc 2/10. Ví dụ, trong 100g mỳ nưa chỉ có 20,8 calo, nhưng trong 100g mỳ gạo chứa đến 109 calo. Các sản phẩm làm từ củ nưa chứa ít calo như vậy liệu có tác dụng giảm cân hay không?
Mỳ nưa ít calo, đồng thời ít chất dinh dưỡng nên nếu ăn lâu dài dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, các sản phẩm mỳ nưa, bún nưa được làm từ bột củ nưa nên vẫn có một lượng tinh bột nhất định. “Thay vì sản xuất từ bột gạo, các sản phẩm này được sản xuất từ bột củ nưa. Để đánh giá một loại thực phẩm có tốt cho sức khỏe hay không, cần xem xét tổng thể giá trị dinh dưỡng của nó”, bác sĩ Hưng cho hay.
Theo phân tích của bác sĩ Hưng, mỳ nưa ít năng lượng hơn mỳ gạo thì các giá trị dinh dưỡng khác cũng không cao. Do vậy, nếu ăn mỳ nưa liên tục để phục vụ mục đích giảm cân là một sai lầm và hơi cực đoan, vì cơ thể sẽ mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt các vi chất.
Ngoài ra, các sản sảm phẩm như mỳ nưa, bún nưa hay phở nưa ít nhiều cũng đã qua sơ chế từ bột, sau đó trải qua các công đoạn để thành sợi vì thế chúng đã không còn nguyên chất. Bởi quá trình sơ chế có thể sẽ được cho thêm các chất phụ gia, bảo quản hoặc dưới tác dụng của nhiệt các chất dinh dưỡng vốn đã ít ỏi cũng sẽ bị hao hụt đi phần nào.
Khi ăn mỳ đa số mọi người cho nhiều loại thực phẩm khác vào, vì thế lượng calo sẽ tăng lên. Ảnh minh họa.
Một vấn đề bác sĩ Hưng cũng lưu ý, mọi người không nên "thần thánh" hóa sản phẩm nào đó, vì viêc này có thể trở thành “công cụ” cho người khác kiếm tiền. “Mỳ nưa dù là ít năng lượng, được rỉ tai nhau ăn để giảm cân. Thế nhưng, rất ít người có thể đổ nước sôi vào mỳ để ăn, mà đa số sẽ phải cho thêm trứng, các loại thịt, xúc xích, rau củ… như vậy tổng năng lượng nạp vào lại không hề thấp. Đó chính là lý do nhiều người thắc mắc, ăn loại thực phẩm này, thực phẩm kia như mách bảo mà vẫn tăng cân”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hưng, hiện nay rất nhiều người giảm cân theo cách cực đoan, ví dụ như ăn kiêng một loại thực phẩm, “bóp mồm, bóp miệng” không ăn, tập luyện vắt sức… Đây đều là cách giảm cân nguy hiểm, vì ngoài không đạt được hiệu quả thì rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Do vậy, khi muốn giảm cân nên có sự tư vấn của chuyên gia, cần biết tổng năng lượng nạp vào bao nhiêu, tiêu hao bao nhiêu và cắt giảm thực phẩm sao cho hợp lý.