08:51, 24/08/2020
Từ năm 1945 đến nay, nước Việt Nam đã trải qua những chặng đường lịch sử và ghi dấu bằng nhiều chiến thắng vĩ đại trong công cuộc giành, giữ độc lập, thống nhất non sông, dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu |
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”[1] và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946)…
Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến; lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ.
Giai đoạn từ tháng 7-1954 đến hết năm 1960: Đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ cách mạng vững mạnh của cả nước; Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, từ ngày 13 đến ngày 21-1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp (mở rộng) và ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó đã định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.
Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, quân và dân thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng diễn ra quyết liệt, chúng ta khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1972.
Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30-4-1975: Sau khi ký Hiệp định Paris, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phong trào cách mạng phát triển mạnh trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất.
Theo tài liệu BanTuyên giáo Trung ương
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.424.