Mèo bị dại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh cho con người. Nếu bạn vô tình tiếp xúc với một chú mèo đang nghi ngờ nhiễm bệnh dại, việc phòng ngừa và điều trị từ sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Do đó, bạn đừng bỏ qua những dấu hiệu mèo bị dại sau đây để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Bệnh dại là bệnh gì?
Bệnh dại ở động vật là một loại bệnh thần kinh do vi rút Zoonotic gây ra, dẫn đến tình trạng viêm trong não và không tiếp tục duy trì được sự sống. Động vật mắc bệnh dại bị suy giảm não bộ nên hành động thiếu kiểm soát, làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh cho các con vật khác và cả con người.
Bệnh dại xuất hiện khá phổ biến ở mèo, nhất là với những cá thể chưa được tiêm phòng ngừa. Vi rút có thể ủ từ một ngày đến hơn một năm trước khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Từ động vật nhiễm bệnh có thể lây lan và xuất hiện bệnh dại ở người, thông thường do vết cắn, vết liếm của động vật mắc dại. Nước dãi của động vật bị dại cũng có thể truyền bệnh dại với người nếu tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi.
Dấu hiệu mèo bị dại
Để chủ động có phương án phòng ngừa lây nhiễm, bạn có thể dựa vào các cách nhận biết mèo bị dại sau đây.
Quan sát kỹ những triệu chứng ban đầu
Giai đoạn ủ bệnh dại ở mèo thường kéo dài từ 2 - 10 ngày. Trong khoảng thời gian này, mèo sẽ những thay đổi về thể trạng với những biểu hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu bạn để ý kỹ thì có thể nhận ra dấu hiệu mèo bị dại.
Một số triệu chứng bệnh giai đoạn đầu bao gồm sưng và đau cơ, mèo hay rùng mình, có những phản xạ cáu gắt, sợ ánh sáng, đặc biệt là với ánh đèn sáng, bỏ ăn, nôn mửa, tiêu chảy, ho hen…
Kiểm tra các vết cắn (nếu có) trên thân mèo
Nếu bạn nghi ngờ chú mèo bạn nuôi trong nhà có thể đã tiếp xúc với động vật khác nhiễm dại, bạn hãy kiểm tra xem liệu trên người chúng có vết cắn hay dấu hiệu của cuộc ẩu đả hay không. Theo nhiều nghiên cứu, vi rút bệnh dại có thể ký sinh trên da hoặc lông mèo rất nhiều giờ đồng hồ sau đó. Vì thế, để phòng tránh bệnh từ chó, mèo lây sang người, trước khi tiến hành kiểm tra, bạn hãy đeo găng tay cẩn thận, mặc áo dài tay và quần dài.
Nếu phát hiện trên thân mèo có nhiều vết thương do động vật nhiễm dại cắn, lông mèo xù lên do nước bọt đã khô, da có nhiều bọc mủ… bạn hãy đưa chú mèo của mình đến gặp bác sĩ thú ý ngay. Bởi có nhiều khả năng nước bọt của động vật nhiễm bệnh đã truyền sang mèo, vi rút dại sẽ di chuyển dọc dây thần kinh tới tủy sống rồi đến não bộ, gây nguy hiểm cho mèo.
Tìm kiếm triệu chứng của thể dại “đơ” (thể dại bại liệt)
Thể dại “đơ” (hay còn gọi là thể dại bại liệt) là thể dại phổ biến ở mèo. Do đó, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu của thể dại này để nhận biết mèo bị dại. Ở thể dại này, mèo thường không có biểu hiện hung dữ và hiếm khi cắn xé.
Các triệu chứng của thể dại "đơ" hay thể dại bại liệt thường là lờ đờ, hoảng loạn và ủ rũ, bại liệt (không thể di chuyển) ở chân, cơ hàm hay một phần cơ thể, nước dãi lòng thòng sùi bọt mép, nhai nuốt khó khăn.
Kiểm tra triệu chứng trên mèo về thể dại cuồng
Mèo khi mắc thể dại cuồng thường hung hãn, biểu hiện các hành vi bất thường và sùi bọt mép. Khi nhắc đến bệnh dại, đa số mọi người thường nghĩ về những hành vi này, tuy vậy thể dại điên cuồng ở mèo thường ít phổ biến bằng thể dại đơ.
Những dấu hiệu của thể dại điên cuồng bao gồm nhỏ nhiều nước dãi, sùi bọt quanh mép, sợ nước, dữ tợn, thường nhe răng ra như muốn cắn xé, tự cắn cấu bản thân hoặc tấn công con vật khác, thậm chí chính người chủ của mình.
Làm gì khi nhận thấy dấu hiệu mèo bị dại?
Khi nhận thấy dấu hiệu mèo bị dại, bạn cần cho mèo vào lồng nhốt và mang đến bác sĩ thú y càng sớm càng tốt. Bạn lưu ý cần đeo găng tay, mặc quần áo dài kỹ càng để tránh trường hợp bị mèo tấn công gây nguy hiểm. Nếu mèo có những phản ứng ngông cuồng và bệnh dại phát tác rõ ràng, bạn không nên tự mình cố bắt lấy nó. Hãy liên hệ tới cơ sở thú ý gần nhất hoặc cơ quan kiểm soát động vật (nếu có) để được hỗ trợ.
Sau đó, bạn cần cung cấp chính xác lịch sử tiêm chủng trước đó. Nếu mèo đã được tiêm ngừa dại, bạn cần nêu rõ loại thuốc, thời gian tiêm để bác sĩ nắm rõ và có phác đồ xử lý phù hợp. Việc mèo có được về nhà để thực hiện cách ly, theo dõi hay điều trị bệnh dại tại cơ sở thú y sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tiêm phòng trước đó và tình trạng bệnh hiện tại.
Như vậy, bài viết đã nêu rõ cách nhận biết dấu hiệu mèo bị dại cũng như giải pháp an toàn mà bạn cần thực hiện khi phát hiện bệnh dại ở mèo. Bệnh dại là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, bạn cần đặc biệt thận trọng với vật nuôi trong nhà và khi tiếp xúc với các loài động vật khác khi chúng có biểu hiện của bệnh dại. Đồng thời, bạn cần chú ý vệ sinh chuồng trại vật nuôi, tránh để vi rút dại lây lan trong cộng đồng.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp