Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Núm vú giả trên thị trường rất đa dạng về kiểu dáng, kích thước nên lựa chọn được núm vú giả tốt cho bé và chăm sóc núm vú sao cho đúng cách thực sự là một thách thức, đặc biệt là đối với những người lần đầu tiên làm cha mẹ.
1. Cách lựa chọn núm vú giả tốt cho trẻ?
Núm vú giả có nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Nếu là lần đầu tiên đi mua núm vú giả, bạn có thể lựa chọn một vài kiểu khác nhau để xem trẻ thích loại nào hơn. Núm vú giả thường có hai kích cỡ chính là loại dành cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi và loại dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Một lưu ý quan trọng khi lựa chọn núm vú giả cho bé đó là hãy lựa chọn loại có cấu trúc chắc chắn, không thể bị bung ra. Tốt nhất là loại nguyên khối một mảnh, có kích thước tấm chắn lớn để trẻ không thể đưa toàn bộ núm vú giả vào miệng. Loại núm vú giả có các phần rời nhau có thể gây nguy cơ ngạt thở cho bé. Tấm chắn của núm vú giả cho bé cần có lỗ thông gió để không khí lưu thông. Nếu không có lỗ thông gió, nước bọt của bé có thể đọng lại gây phát ban hoặc kích ứng da.
Về núm vú thì có hai loại thông dụng đó là núm được làm từ cao su và núm được làm từ silicon. So với núm làm từ cao su thì núm vú silicon có hơi cứng hơn, tuy nhiên núm silicon có ưu điểm là dễ làm sạch và không có mùi hôi. Núm vú cao su mềm hơn nên một số trẻ sẽ thích hơn. Tuy nhiên vì mềm nên có thể sẽ nhanh mòn hơn núm silicon. Núm cao su không được dùng cho những trẻ có nguy cơ dị ứng với mủ cao su.
Một điều quan trọng khác trong lựa chọn núm vú giả cho bé là hãy chọn loại được dán nhãn không chứa BPA. Nhựa BPA đã được chứng minh là có thể gây rối loạn hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản và những tổn thương lâu dài khác đến sức khỏe của trẻ.
2. Khi nào mẹ nên thay núm vú giả cho bé?
Khi sử dụng ti giả cho bé, mẹ cần chú ý thay thế sau một thời gian sử dụng. Thời gian thay thế phụ thuộc vào trẻ có sử dụng núm vú thường xuyên hay không, núm vú có bị mài mòn nhiều không. Mẹ hãy kiểm tra kỹ lưỡng núm vú trước khi đặt vào miệng trẻ, xem núm vú có thay đổi màu sắc, có các lỗ, vết rách trên núm, các chi tiết núm vú có chắc chắn hay không. Tốt nhất mẹ nên thay núm vú giả cho bé ngay khi bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng.
3. Cách vệ sinh núm vú giả cho bé
Trước lần sử dụng núm vú giả đầu tiên, bạn hãy rửa sạch núm vú bằng xà phòng và nước sạch, tốt nhất là nên sử dụng loại xà phòng chuyên dụng dùng để rửa núm vú, bình sữa, có thành phần an toàn với trẻ. Hoặc bạn có thể đun sôi núm vú giả trong 5 phút để loại bỏ lượng hóa chất dư thừa có trong sản phẩm.
Sau mỗi lần sử dụng ti giả cho bé, bạn hãy rửa sạch và tiệt trùng thật kỹ bằng cách luộc bằng nước sôi hoặc dùng máy tiệt trùng bình sữa. Để cho núm khô tự nhiên, sau đó, cất núm vú ở nơi sạch sẽ, khô ráo. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể dùng nước rửa chuyên dụng và nước sạch để rửa, sau đó trần qua nước sôi để khử trùng. Bạn cũng có thể ngâm núm vú giả vài phút mỗi ngày trong hỗn hợp gồm nước với giấm trắng (tỷ lệ hai loại bằng nhau) để ngăn ngừa sự phát triển của vi nấm. Sau đó rửa sạch và để núm vú khô tự nhiên.
Nếu trẻ làm rơi núm vú giả xuống sàn nhà, bạn chỉ cần rửa sạch núm bằng nước nóng và trả lại cho trẻ. Nếu núm vú giả cho bé bị rơi trên vỉa hè, bạn hãy dùng một núm sạch khác thay cho trẻ, đem núm vú bị rơi về nhà để rửa sạch và tiệt trùng.
4. Một số lưu ý để sử dụng ti giả cho bé an toàn
Bạn không được dùng dây để cột núm vú vào cổ trẻ hoặc vào nôi của trẻ vì sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị ngạt thở do dây cột. Hãy để ý các bộ phận lỏng lẻo trên núm vú, đề phòng các bộ phận này rơi rớt, hư hỏng vì có thể gây nguy cơ ngạt thở. Ngoài ra, không phủ bất cứ gì lên núm vú giả cho bé, đặc biệt là đồ ngọt như đường, mật ong, siro trái cây,... Ngoài nguy cơ gây sâu răng thì một số chất ngọt như mật ong có chứa nhiều độc tố botulinum và chứa những bào tử. Những độc tố này có thể làm trẻ bị ngộ độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, babycenter.com