Thương lắm cách xưng hô
Mới đây, cư dân mạng chia sẻ mạnh tay một tấm ảnh “quy định xưng hô trong trường” rất dễ thương. Trong phần xưng hô, người viết dặn kĩ học sinh gọi “bạn/tôi”, xưng “mình” với người cùng khối lớp.
Khối lớp dưới gọi khối lớp trên bằng “anh, chị”, xưng “em”. Ngược lại, khối trên gọi khối dưới bằng “em” xưng “anh/chị”.
Tấm ảnh này nhận nhiều lượt ha ha từ U15 khắp nơi vì cách xưng hô “bạn/ tôi - mình” hơi lạ lẫm, thường dành cho những người quen sơ, xã giao.
Bạn Thanh Tú (Trường Bình Thọ, TP.Thủ Đức) cho biết, học sinh ở trường bạn thường gọi nhau bằng tên, xưng hô “ông - tui”, “bà - tui”, thi thoảng cũng có “cậu - tớ”... “Bạn - mình” thường chỉ sử dụng đối với bạn mới quen, chưa thân thiết cho lắm.
Gần đây, các bạn cũng thường gọi nhau bằng “ní”. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hoa. Ở miền Tây, “ní” dùng để gọi bạn bè cực kì thân thiết. “Ní ơi”, “ní à” nghe thật gần gũi và thân quen.
“Khứa” cũng là một từ để nhắc tới người nào đó. “Khứa này hài”… là một câu thường được nhắc đến nhân vật vui nhộn ở trong lớp.
Nhiều bạn còn gọi các chị lớp trên bằng từ “chế”. Nếu lên confessions của trường, bạn sẽ thấy ngập tràn những bình luận truy tìm info chế Ngọc 8/7, chế Linh 9/5… vì lỡ bị các chế làm “rụng tim” giữa sân trường.
Bên cạnh “ní”, “khứa”, “chế”, U15 cũng thích thú gọi nhau bằng “keo” hay “shop/sốp”. Trong bài hát Vành khuyên nhỏ của chị Liu Grace có đoạn “Chim gặp trúng bestie(*), hi keo” cũng khiến tụi mình ưng quá chừng với chữ “keo” và ghi liền vào từ điển gọi bạn.
Không chỉ tụi mình mà thầy cô cũng rất thích cách gọi này đó. Mỗi khi thầy Tổng gọi “Các ní ơi, tham gia trend này đi”, các bạn Trường Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân) gật đầu hưởng ứng liền.
Nhưng nhiều pha cũng hết hồn nha!
Bên cạnh những câu từ dễ thương phía trên, nhiều Gen Z còn gọi bạn thân bằng “mày - tao” “ba - má” cho thân thiện. Thế nhưng “mày - tao” “ba - má” hiện nay bị một số thầy cô và phụ huynh “tuýt còi” vì nghe rất khó chịu trong môi trường học đường.
Bạn A. (lớp 9, quận 3) tâm tình: “Có lần mình bị mẹ la quá trời khi lỡ “combat” với một bạn trên Facebook. Mình gọi mày - tao và dùng nhiều câu hơi “chiến”. Sau khi đọc xong, mẹ mình rất sốc và nói mình dùng từ ngữ ấy không được, phải thân thiện với các bạn hơn”.
Bên cạnh đó, nhiều “kẹp nơ” khiến phe “mày râu” hú hồn khi mở miệng nói chuyện là chửi thề đùng đùng như điện. Thay vì “dạ, thưa”, câu cửa miệng của các bạn ấy là “đậu xanh rau má”… Ai chọc một xíu là gọi “ba, má” ra liền, đòi cho người ta “nâu mắt”.
H. (lớp 9, TP.Thủ Đức) chia sẻ trong lớp bạn có một “chị đại” thích sử dụng những từ sốc. Ai lỡ làm gì sai là “chị” văng tục liền. “Có lần “chị đại” xem lại bài kiểm tra thì thấy điểm hơi sai sai. Thay vì bình tĩnh gặp giáo viên nhờ kiểm tra lại thì “chị” lỡ miệng la lớn, nói về giáo viên với từ ngữ dung tục, làm cả lớp tá hỏa. Xui rủi sao lúc đó cô giáo nghe được, đưa tên “chị” thẳng vào sổ đầu bài”, H. nói. Sau lần “vạ miệng” đó, “chị đại” rén hơn, không còn phát ngôn lung tung, thể hiện cá tính nữa.
Một cách xưng hô khác cũng dễ làm người nghe phát quạu khi lấy tên phụ huynh hay nickname xấu xí của nhau ra gọi. Ở một lớp tại TP.Thủ Đức, khi học tới bài “cho trời sáng lên và áng mây tươi hồng”, nhiều bạn cố hát to, nhấn rõ chữ HỒNG vì biết đó là tên… bà ngoại của bạn kia, làm cô giáo phải nhắc khéo: “Lớp mình thương bạn quá. Không chỉ biết tên ba mẹ mà còn biết tên ông bà của bạn nữa”. Lớp chưa hiểu ý liền nhao nhao: “Cô ơi, ba cô tên gì?” làm cô lườm muốn rách mắt.
Không "mày - tao" thì không thân thiết?
Nhiều bạn cho rằng, nếu không xưng hô “mày - tao” hay xưng hô cá tính thì không thân thiết. Nhưng có phải như vậy?
Ở chương trình Rap Việt mùa 3 quy tụ các anh hào rapper cũng đưa ra quy định mới như “Lyric sử dụng từ ngữ văn minh (không dung tục, mày - tao, 18+...)”.
Khi quy định này ra lò, netizen cũng tranh cãi giới chơi rap mang tính chất đường phố, đề cao cái tôi… không cho dùng đại từ danh xưng “mày - tao”, chẳng lẽ chuyển sang “cậu - tớ”, “anh - em”…
Kết quả thì bạn thấy rồi đó. Rap Việt kết thúc, dù không có “mày - tao” vẫn để lại cho cộng đồng yêu rap rất nhiều bản nhạc hay ho.
Như vậy, nếu không xưng hô “mày - tao” “ba - má”, bạn vẫn có thể trò chuyện vui vẻ với bạn bè mình. Hãy xưng hô sao cho thật dễ thương và gần gũi để không còn những pha xỉu ngang khi nói chuyện nữa, bạn nhé!