Ngày con sinh, nhớ ơn mẹ
Sẽ là trọn vẹn khi ta vui đón sinh nhật lại nhớ ơn mẹ, nhớ đến 3 chữ “mẫu nan nhật” và nuôi dưỡng lòng tôn kính.
1. Dù có ý “theo gót chân Bụt”, nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh không khởi đầu cuốn “Đường xưa mây trắng” bằng câu chuyện Đức Phật đản sanh. Mà phải đợi đến chương thứ 6 “Bóng mát cây hồng táo”, quyển 1, thiền sư mới kể câu chuyện chào đời của Đức Phật, cũng chọn lối bắc cầu từ ký ức, từ trí nhớ. Lúc ấy thái tử Siddahtta đã 9 tuổi, và nghe kể lại chuyện mình sinh ra.
Chuyện mà thái tử Siddahtta “nghe kể lại” cũng có chỗ lạ kỳ. Ngày hoàng hậu Maha Maya mang bầu nằm mộng thấy có con voi trắng 6 ngà từ trên trời đi xuống, vòi quấn một đóa sen hồng, khi đến gần đưa đóa hoa chạm người bà rồi đi vào trong người bà. Trên không, nhã nhạc vang lừng, chư thiên ca hát chúc tụng…
“Mùa xuân năm sau, đúng vào ngày trăng tròn tháng Tư, hoàng hậu hạ sinh thái tử trên đường từ Kapilavatthu về thủ đô Ramagama của vương quốc Koliya, quê hương của bà. Tục lệ của nước bà là người con gái có chồng phải về sinh con tại nhà cha mẹ” (Đường xưa mây trắng). Ghé nghỉ tại vườn Lumbini, thấy một cây Vô ưu hoa nở rực đầy cành, hoàng hậu bước tới. Khi đến gần, bà hơi lảo đảo, vội đưa tay nắm chặt một cành Vô ưu. Một giây sau đó, bà sinh em bé…
Thái tử Siddahtta đã đản sanh như thế. Đoạn trên, tôi chép nguyên văn từ sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh để làm rõ chi tiết “mùa xuân năm sau”, vì có kinh sách nói là “khoảng mười tháng sau giấc mơ kỳ lạ đó”. Cũng theo “Đường xưa mây trắng”, sinh con được tám ngày thì hoàng hậu Maya mất, trong khi có thuyết ghi “bảy ngày”.
Đứa trẻ ấy, thái tử con vua Suddhodana của tiểu quốc Shakya, sau này chứng quả thành Phật. “Đúng vào ngày trăng tròn tháng Tư” hoàng hậu Maya hạ sinh thái tử và sau này, ngày rằm tháng Tư âm lịch trở thành chính lễ của kỳ Phật đản.
Trong kỳ đại lễ mừng Đức Phật đản sanh năm nay, có người tự vấn rằng, “có thật Phật sinh ra để con người ta phải hiểu, phải nhớ, phải nhận thức những chân lý vô cùng khó hiểu?”. Với một bậc đại giác như Đức Phật Cồ đàm, sự kiện ngài chào đời (đản sanh) luôn ẩn chứa nhiều thông điệp, như cách mà hậu thế luôn nhìn về. Ít nhất đó là sự tri ân.
Đại đức Thích Nhân Tánh trong một bài viết về chủ đề ý nghĩa “sinh nhật” dưới góc nhìn Phật giáo đã cho rằng, chỉ cần mọi người phát khởi thiện tâm đảnh lễ và tôn kính khi nhớ về ngày sinh, nơi sinh của Đức Phật cũng đủ kết duyên lành để sanh thiện. Hình thức tổ chức sinh nhật này là cơ hội để những người con Phật bày tỏ lòng tôn kính, tri ân vô hạn đối với bậc Thầy vĩ đại của nhân loại…
Và trong cuộc đời tu tập và hành đạo, chính Đức Phật cũng tỏ bày lòng tri ân. Vào tuần lễ thứ hai sau khi thành đạo, Đức Phật nhìn chăm chú vào gốc cây Bồ đề như tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Bởi lẽ, cây Bồ đề “đã che nắng chắn mưa cho ngài trong thời gian thiền định cho đến khi ngài viên mãn quả Vô Thượng Bồ đề. Vì vậy, ý nghĩa “sinh nhật” nên hiểu theo nhiều khía cạnh như vậy mới thấy rõ yếu tố duyên sinh, vô ngã của tất cả các pháp”, đại đức Thích Nhân Tánh viết.
2. Nhưng cũng chính những chi tiết lịch sử trong cuộc đời thái tử Siddahtta, nhất là lúc ngài đản sanh, đã nhắc hậu thế nhớ về khái niệm “mẫu nan nhật”, một cách gọi khác của sinh nhật.
“Hoàng hậu Maya sinh thái tử được tám ngày thì mất. Cả nước thương tiếc bà”, thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn đạt ngắn gọn như vậy trong “Đường xưa mây trắng”.
Ngắn gọn, song ít nhiều khiến chúng ta liên tưởng đến kỳ sinh nở của người mẹ. Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, sẽ đến ngày người mẹ đẻ đau, thậm chí mất mạng ngay lúc sinh con… Cho nên có nơi quyết không dùng từ “sinh nhật” (生 日) để chỉ ngày đứa con chào đời, mà lại dùng cụm “mẫu nan nhật” (母難日), tức là “ngày khó khăn cực nhọc của mẹ”…
Hẳn bạn đang nghĩ đến “chín chữ cù lao” (cửu tự cù lao). Sách “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” của Viện Ngôn ngữ học khi giảng thành ngữ này đã dẫn Kinh Thi để nói về công lao khó nhọc của cha mẹ. Cửu tự (9 chữ) ấy gồm: sinh 生 (sanh đẻ), cúc 鞠 (nâng đỡ), phụ 拊 (vuốt ve triều mến), súc 畜 (cho bú sữa), trưởng 長 (nuôi cho khôn lớn), dục 育 (dạy dỗ), cố 顧 (trông nom), phục 復 (ôm ấp), phúc 腹 (bảo vệ).
Đọc sang cuốn “Minh tâm bảo giám”, ngay đầu thiên thứ tư (Hiếu hạnh), tôi cũng thấy nhắc ý này trong Kinh Thi: “Thi vân: Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”. Nghĩa là, sách Kinh Thi có nói: Cha sinh ta, mẹ nuôi ta. Thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo đền ơn sâu, trời cao chẳng dứt. Ôi, công ơn cha mẹ như trời cao, không thể nào trả hết được.
3. Cũng có những sinh nhật không tính theo ngày, mà dường như theo mùa, theo cảm xúc, theo số phận. Tôi bắt gặp ý này trong ca khúc “Người Quảng dáng nâu” (Phan Văn Minh): “Mẹ sinh anh ra,/ giữa mùa mặt trời/ Một mặt trời hanh hao,/ phơi nâu mặt người./ Mẹ sinh em ra, giữa ngày lụt lội/ Điệu hò khoan câu lý cũng chơi vơi...”.
Nhạc sĩ Phan Văn Minh có lần kể, nhà thơ quá cố Nguyễn Trung Bình (quê gốc Duy Xuyên) từng đọc cho ông nghe bài thơ dài “Bài của trẻ dáng nâu” lần đầu tiên vào cuối năm 1996, khi nhà thơ từ miền Nam về quê sau một trận ốm liệt giường. Và nhiều lần sau đó, mỗi khi nghe xong bài thơ, nhạc sĩ vẫn không kìm được cảm xúc.
Giờ đọc lại bài thơ và nghe lại ca khúc, càng nhận ra “Người Quảng dáng nâu” là một phóng tác thú vị, một cảm đề đặc sắc từ “Bài của trẻ dáng nâu”. Những câu thơ tách rời, cứ như một dấu hiệu về ngày chào đời của đứa trẻ xứ Quảng… đã được nhạc sĩ “gom” lại thành nỗi đau sinh nở của người mẹ cốt nhục, của người mẹ quê hương.
Có lẽ nỗi đau sinh nở ấy thoát thai từ những câu thơ ám ảnh: “… nếu bao giờ mỏi gối chồn chân (có thể)/ quay về với Mẹ Đất/ nơi những đứa trẻ sinh ra từ dáng nâu/ những đứa trẻ của những đứa trẻ dáng nâu/(…) dáng nâu đã thành ký ức/ ký ức như cái dằm ăn vô da thịt/ ký ức dáng nâu”.
Sinh nhật, ngày chào đời thường là ngày vui với lời chúc “happy birthday”. Nhưng sẽ là trọn vẹn khi đón ngày vui ấy ta lại nhớ ơn mẹ, nhớ đến 3 chữ “mẫu nan nhật” và luôn nhớ nuôi dưỡng lòng tôn kính.