Views: 347
Nhân tại giang hồ - thân bất do kỷ là một bài viết củaCổ Long trong cuốn tạp văn Ai cùng tôi cạn chén . Mỗi khi cuộc sống gặp bất trắc, tôi đọc lại và trò chuyện với Cổ Long - bạn tâm giao cách biệt qua tác phẩm của ông. Tôi đến với Cổ Long từ những năm 18 tuổi khi bỏ nhà lên Sài Gòn nhưng dạo gần một năm trở lại đây, tôi thường đọc lại Cổ Long đúng chất nghiên cứu và chiêm nghiệm.
Cổ tiền bối đã trở thành tri kỷ tâm giao của tôi từ đó nhất qua cuốn “ Ai cùng tôi cạn chén”.
Mục lục bài viết
Nhân tại giang hồ - Tứ hải giai huynh đệ
Cuộc sống của tôi cũng có tý chất lưu lãng đúng kiểu “tứ hải giai huynh đệ”. Ở Sài Gòn có bao nhiêu quận thì tôi đã đi ở trọ bấy nhiêu quận rồi từ Bình Chánh xa xôi, đến Quận 8 nhiễu nhương, đến Quận 10 là tường ván ép, cho quận 3, quận 1 trung tâm, hay quận 5 nằm trong con hẻm ngoằn nghèo, và cả quận Tân Phú xa tít mù khơi….
Mỗi lần tôi ở ghép thì có thêm bằng hữu, huynh đệ, rồi những ngày đi làm thuê cũng chẳng từ bỏ việc gì kết thân thêm nhiều bạn bè. Cũng như Cổ Long, tôi đi hầu bia cho mấy anh chị trước là kết giao, sau là kiếm việc mưu sinh. Có một lần ông anh thử việc bằng cách rủ đi nhậu từ 9h sáng hôm nay đến 9h sáng hôm sau.
Chúng tôi lê lết từ quán bên quận 4, cho đến quán vịt rồi quán bê bên Gò Vấp, rồi vòng ngược về khu Trần Quang Khải quận 1….Chúng tôi uống từ Heniken, đến Tiger, qua Sapporo…Rồi 4h sáng ngồi dậy đi làm đĩa lòng và cháo, nhấp chút rượu hâm gan sưởi ấm dạ dày. Đúng là thời đó tuổi trẻ : khoẻ, trâu ch.ó lắm. Hôm sau thì tôi đã vào làm công ty của anh ta vì tửu lượng khá.
Nói đến đây, chợt nhớ ông anh Tuổi Khỉ (sinh năm 1980). Anh lúc nào cũng khiêu khích tôi, có một dạo chúng tôi ngồi chung bàn thì anh đến mời tôi uống. Nhưng tôi chỉ uống cầm chừng như trong một phút “thân bất do kỷ”, một cuộc thách đố bắt đầu với tiêu đề từ tôi “anh uống 1 ly, tôi uống 2 ly”. Tôi đã làm 3 “tua” như thế khiến anh cũng bất ngờ, thế là chúng tôi thân nhau từ đấy nhưng mới đầu năm nay 2023 thì tôi đã hay tin anh về với đất, rời xa cõi tạm rồi.
Vì gia đình anh an táng ngoài Bắc nên họ đã di chuyển thi hài trong ngày nên tôi cũng không kịp thắp một nén nhang từ biệt. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi có chai Chivas, tôi đã từng muốn cầm lên uống với anh lần cuối như cách người ta tiễn Cổ Long về với đất vì lúc anh sinh thời uống rượu bia như uống nước nhưng rồi tôi cũng không thực hiện được vì khoảng cách địa lý.
Thân bất do kỷ
Như Cổ Long từng nói trong bài “Nhân tại giang hồ - thân bất do kỷ (sống trong giang hồ, có nhiều khi mình không khống chế được những việc mà mình đang làm, có những chuyện mình không muốn làm mà vẫn phải làm để tồn tại với hoàn cảnh sống hiện tại của mình.) trong cuốn “Ai cùng tôi cạn chén :
“ Người trong giang hồ, cố nhiên thân khó tuỳ ý mình. Thật ra người không ở giang hồ cũng dễ dầu gì có thể theo ý mình ? Nếu nhất thời cảm thấy buồn bực, ăn nhậu phóng túng cuối cùng chỉ làm người thân đau xót, kẻ thù khoái trá.
Tôi cũng từng là tửu đồ, tôi cũng từng kệ cần bến bờ sinh tử, dễ dầu gì tôi không có những cảm xúc như bị dùi nhọn đâm vào tim ? Nay tuy tự cam tịch mịch, tránh xa lên núi rừng, nhưng tôi lại vẫn thường có niềm bi ai thân không theo ý mình. Mà gần đây tôi đã hiểu rằng đời người vốn là vậy” ( Trích Ai cùng tôi cạn chén)
Câu này xuất hiện trong “Ngọ dạ lan hoa” (Sở lưu hương truyền kỳ), sau đó thì trong “Tam thiếu gia đích kiếm” nhân vật Yến Thập Tam nhắc lại:
“Khi con người ta vùng vẫy giang hồ, có nhiều chuyện không thể làm chủ bản thân mình được, giết người cũng vậy thôi !”…(thân bất do kỷ)
>>Bàn chút về Tam Thiếu Gia Chi Kiếm - Thiên hạ đệ nhất kiếm
Nhân sinh tại thế, cái khó không phải là kiếm cho mình cái kế sinh nhai, bởi lẽ muốn tồn tại người ta chỉ cần một cái nghề là đủ, làm ăn chân thật ắt có người tìm. Nhưng muốn có hậu vận, người ta lại cần một nhân cách.
Sống chậm lại, nghĩ chậm hơn, đời sẽ an lạc. Hồng trần cuồn cuộn, tựa sóng trường giang, xô bồ vội vã chính là nguyên nhân dẫn ta đi sai đường lạc bước. Tĩnh lặng nghĩ suy, chính là bước đầu đưa ta tới gần chân lý.
Nên tôi cũng bỏ danh hiệu “Bia đớp nghìn hơi, nâng cốc truy điệu” để trở về cõi tịch mịch của chính mình. Tôi cũng từng nhiều lần kế cận sinh tử, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sát na. Nên giờ tôi luôn trân quý sinh mạng chính mình và trở thành người trông coi cõi tịch mịch của tâm hồn bản thân.
Bằng hữu như những người gặp tại sân ga
Những bằng hữu, thân bằng quyến thuộc cũng chẳng còn mặn nồng như xưa bởi quy luật cuộc sống. Có những người từng thân, từng quen giờ cũng không thấy đâu bởi ở tôi thì họ chẳng kiếm được cái gì hay ho và một phần tôi sống “chân thực quá” không nói được lời hay, lẽ ngọt và tôi cũng chẳng có gì để khoe với họ nên chia tay là điều không thể tránh khỏi. Có nhiều người đột nhiên khá giả và có gia sản thì tôi tự động tách ra, ly biệt bởi giữa tôi và bọn họ cách nhau quá xa về địa vị cũng như tài sản nên những cuộc gặp gỡ đã không còn vui như xưa. Tôi cũng không oán trách, chê bai gì ở họ vì đó cũng là quy luật cuộc đời.
Tôi cứ nghĩ họ và tôi như những hành khách ở sân ga. Người sẽ cùng tôi uống một cốc cà phê rồi đi nhanh chóng, người thì có thể lâu hơn khi cùng ăn phở hay cùng làm vài lon bia nhưng mỗi người cũng sẽ đến lúc rời đi và bước lên chuyến tàu của mình. Tôi cũng như họ, chỉ là xuất phát chậm hơn và tôi cũng sẽ bước lên chuyến tàu của mình đi đến nơi tôi muốn.
Tôi ngồi trong quán cafe và đọc tiểu luận này của Cổ Long để chiêm nghiệm cuộc đời thăng trầm và nhớ vài chuyện xưa nên có vài dòng “tạp luận”. Chứ cuộc sống không giống cuộc đời vì “Nhân tại giang hồ - thân bất do kỷ”.
Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, mỗi bước đi đều sẽ có cao hứng, có tuyệt vọng; có thành công, có thất bại; có sinh, có tử ( Nhân tại giang hồ - Thân bất do kỷ)
>>Cổ Long Tạp Luận : Đâu phải quý báu
——-
Chim Én (Sài Gòn 24/11/2023)
Triệu Dương
Một người thích viết, quan tâm đến tâm lý học, đam mê Cổ Long, thích đọc Haruki Murakami, tinh thần theo Chủ Nghĩa Hiện Sinh, đời sống theo triết Khắc Kỷ - Cô độc hướng ngoại & Bình thản hướng nội