Trùng sinh ân nặng bể trời
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi
Truyện Kiều
Khi biết hai câu thơ này là do thi hào Nguyễn Du sáng tác, thực sự khiến chúng con rất bất ngờ! Câu nói như vậy đáng lẽ ra phải xuất phát từ vị thế của một nhà tu hành, làm sao một thi sĩ như ông lại có thể nói thay cho người Phật tử tại gia hay xuất gia được?
Bởi hai câu thơ này của cụ Nguyễn Du liên quan đến đời sống của người Phật tử. Vì vậy chúng con cũng xin mạo muội lí giải để chia sẻ cho quý Phật tử hiểu. Đầu tiên xin giải thích hai chữ “Trùng sinh”. Đây thật là cách dùng từ rất hay và độc đáo.
Chữ “Trùng”(重) có nghĩa là “lặp lại”, “một lần nữa”; “Sinh”(生) là sinh mạng được sinh ra. “Trùng sinh” là sinh ra một lần nữa trong một kiếp người. “Trong một kiếp người mà sinh ra đến hai lần” như vậy là có ý gì? Khi đọc Truyện Kiều, chúng ta thấy Thúy Kiều có hai lần được sinh ra, lần thứ nhất sinh ra Thúy Kiều là cha mẹ nàng, lần thứ hai Thúy Kiều được sinh ra là khi may mắn gặp được sư Giác Duyên cứu giúp và cưu mang, cho sống đời sống xuất gia trong chùa mà thoát khỏi thân làm gái lầu xanh. Lần thứ hai Thúy Kiều sống đời xuất gia trong chùa, thi hào Nguyễn Du gọi đấy là “trùng sinh”. Hai từ này ẩn chứa nhiều đạo lí sâu xa về hiếu đạo, về nghĩa thầy trò trong đó.
Người Phật tử được nhờ ơn cha mẹ sinh ra, cha mẹ đã ban cho mình hình hài và nuôi nấng mình trưởng thành, đó là lần thứ nhất sinh ra trong đời. Về sau, mình có cơ duyên may mắn gặp được vị thầy hướng dẫn mình hiểu và thực hành đúng chánh pháp, cho mình quy y Tam bảo hoặc xuất gia cho mình, ban cho mình “giới thân huệ mạng”. Ngày quy y hay ngày xuất gia thầy bổn sư đặt cho mình một pháp danh mới (tên đạo), vậy là từ một phàm phu chưa biết Phật pháp, chưa biết gì về đời sống tỉnh thức, chưa biết nếp sống trong chùa ra sao, bây giờ mình đã được sống, được biết nhân quả thiện ác, lại còn có tên trong đạo, cũng như được quen biết thêm nhiều bạn đồng tu, thì ngày đó được xem là ngày mình sinh ra lần thứ hai - “trùng sinh”. Cha mẹ thì sinh ra thân tứ đại vật chất, còn thầy tổ “sinh ra mình trong giáo pháp giác ngộ”. Cho nên mình là người Phật tử thì phải khắc ghi đạo lí “Trùng sinh ân nặng bể trời” khó có thể đền đáp này.
Trong sách “Đường Xưa Mây Trắng” rất nổi tiếng do Hòa thượng Nhất Hạnh viết, Ngài đã dùng bốn chữ “Trùng sinh ân nặng” để đặt tên cho chương thứ 56 - kể về tên tướng cướp Angulimala (Ương-quật-ma) xuất gia làm đệ tử đức Phật. Điều đó cho ta thấy giá trị về mặt nghệ thuật cũng như về đạo đức làm người trong thơ Nguyễn Du là rất cao. Cho nên Hòa thượng mới mượn từ ngữ trong thơ của cụ Nguyễn Du để đặt làm tên một chương cho sách “Đường Xưa Mây Trắng” như thế.
Sách ấy chép:
“Một hôm đại đức Ahimsaka (Vô Não) đi khất thực về tới tu viện, bước đi khập khiễng và mặt mũi đầy cả máu me.
Svastika (Cát Tường) trông thấy liền chạy tới đỡ đại đức. Đại đức Ahimsaka nhờ thầy đưa vào yết kiến Bụt.
Hôm nay trong khi đi khất thực ở thành phố, đại đức bị một nhóm người nhận ra đại đức chính là Angulimala (Ương quật ma) ngày xưa. Họ đã đến vây quanh và tấn công đại đức. Đại đức chắp hai tay thành búp sen, tuyệt đối không chống trả, để cho họ tha hồ đánh đập, nhóm người ấy đã đánh đại đức trẹo cả chân và hộc cả máu mồm máu mũi.
Thấy Ahimsaka trong tình huống ấy, Bụt (Đức Phật) liền đi ngay ra đỡ thầy. Người bảo Ananda đi lấy một chậu nước và một chiếc khăn mặt để người lau máu cho thầy, và người bảo Svastika đi hái lá dâu để rịt vào những vết thương trên cơ thể thầy.
Đại đức Ahimsaka không hề rên rỉ, dù thầy đau lắm. Bụt nói:
- Hãy cố gắng chịu đựng đi Ahimsaka! Những đau khổ hôm nay có thể rửa sạch được những đau khổ của ngày qua. Chịu đựng khổ đau trong tình thương và trong tỉnh thức là một thứ tịnh thủy mầu nhiệm có thể xóa bỏ tất cả oán thù trong muôn kiếp.
Bụt nói:
- Ahimsaka, áo cà sa của thầy đã bị xé rách tả tơi, còn bình bát của thầy đâu?
- Bạch đức Thế Tôn, họ đã đập vỡ bình bát của con ra hàng trăm mảnh rồi.
Bụt nói:
- Thôi để tôi nhờ thầy Ananda đi tìm cho thầy một chiếc y sanghati khác và một cái bình bát khác.
Vừa rịt thuốc dâu vào những vết thương của thầy Ahimsaka, Svastika vừa thấy rằng đây là một tấm gương toàn vẹn của tinh thần bất bạo động. Thầy Ahimsaka kể cho Svastika nghe rằng trước đây một hôm đang đi khất thực thầy gặp một thiếu phụ nghèo đang lâm bồn ngay dưới một cội cây ở chốn lâm viên. Thiếu phụ đau đớn vô cùng mà vẫn không sinh nở được. Đại đức xúc động la lên: Khổ quá! Khổ quá! Và chạy nhanh về báo cáo với Bụt. Bụt nói:
- Thầy hãy chạy ngay tới thiếu phụ và chú nguyện cho người đàn bà ấy. Thầy nói: “Này cô, từ ngày sinh ra cho đến nay, tôi chưa từng cố ý phạm đến sinh mạng của một loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thật ấy mà cô sinh cháu được bình an”.
Ahimsaka la lên:
- Con nói như thế là nói dối! Sự thật là con đã cố ý phạm đến sinh mạng của nhiều người từ khi con sinh ra.
Bụt bảo:
- Vậy thì thầy nói: “Này cô, từ ngày tôi được sinh ra trong giáo pháp giác ngộ, tôi chưa bao giờ cố ý phạm đến sinh mạng của loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thực ấy mà cô sinh cháu được bình an”.
Lập tức thầy Ahimsaka chạy về khu lâm viên và nói với người thiếu phụ đúng theo lời Bụt chỉ dạy. Chỉ một vài phút sau đó, thiếu phụ sinh được em bé bình an.”
Hai câu: “Trùng sinh ân nặng bể trời/ Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?” là lúc Thúy Kiều chuẩn bị lìa xa sư Giác Duyên. Nàng được cha mình và Kim Trọng rước về nhà. Thật ra lúc này Thúy Kiều đã không còn luyến ái gì đến việc đời nữa rồi, nàng bảo với cha mình và Kim Trọng rằng:
“Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng.
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.
Dở dang nào có hay gì,
Đã tu tu trót, qua thì thì thôi!”
Nhưng khi nghe lí lẽ của cha mình, Kiều đã bị thuyết phục rồi từ giã sư Giác Duyên theo họ ra về:
Ông rằng: - “Bỉ thử nhất thì,
Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
Phải điều cầu Phật cầu tiên,
Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây?
Độ sinh nhờ đức cao dày,
Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.”
Nghe lời nàng phải chiều lòng
Giã sư, giã cảnh đều cùng bước ra.
Chúng ta thấy cụ Nguyễn Du tuy là một nhà văn, nhà thơ nhưng lại có sự hiểu biết và sáng tác những lời thơ rất thâm sâu về con người trong đạo Phật. Thiết nghĩ khi một người có được những lời thơ vừa hay, vừa đúng đắn và vừa sâu sắc về Phật giáo như vậy, thì người đó phải là một người có đời sống trải nghiệm thực tế, khách quan hoặc là trong vai như một người tu hành đúng nghĩa. Thi hào Nguyễn Du tuy sống vào thế kỉ XVIII-XIX nhưng đã vượt xa một số nhà học giả ngày nay. Một số người tự cho rằng mình là nhà trí thức trong khi lại có những nhận định phán xét về đạo Phật một cách rất nông cạn, cẩu thả. Lại có hạng người có bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại có nhiều phát biểu và đánh giá lệch lạc về đạo Phật chúng ta. Có người khi đánh giá đến Phật giáo chỉ toàn dùng kiến thức học tủ, hoặc kiểu như “người mù rờ voi”, hoặc là bàn bạc đánh giá về Phật giáo giống những kẻ kể chuyện phiếm những khi “trà dư tửu hậu”; Khi nhìn thấy hình ảnh một vài vị thầy cúng hoặc sư giả đâu đó hay ở trên mạng, họ liền quy chụp cho “tu sĩ Phật giáo đều như vậy”. Họ vội vàng phê phán sai lạc như người mù sờ trúng chân voi thì liền nói con voi giống cái cột nhà, sờ trúng cái đuôi voi thì nói con voi giống cây chổi v.v… mà không có được cái nhìn chân xác tổng quan với thực tế. Nếu họ đứng trong môi trường giáo dục mà còn như thế thì có thể làm hỏng kiến thức cả mấy thế hệ người trẻ học tập với họ. Thế nên nhà văn Thu Giang - một học giả trứ danh Việt Nam vào thế kỉ hai mươi, ông mới có lời khuyên dành cho mọi người rằng:
“Ta chỉ có thể phê phán đúng đắn được những vấn đề ta biết thôi. Bởi vậy, đứng trong địa hạt chuyên môn của mình, ai ai cũng tin chắc đến óc phán đoán của mình cả. Cái đó là lẽ cố nhiên. Nhưng khi ta rời khỏi địa hạt chuyên môn của mình để phê bình những vấn đề khác, thật là có hại to vậy. Nguy hơn nữa là khi đã ra khỏi địa hạt của mình rồi, mà cũng vẫn còn tin cậy nơi phán đoán của mình cũng như khi mình phán đoán trong địa hạt chuyên môn của mình. Ta há không thấy hiếm kẻ bác học, nhưng khi ra ở đời, thường lại bị lầm lẫn nặng nề như một kẻ ngu dốt hay sao? Ta há không thấy lắm nhà văn sĩ, tưởng rằng hễ người có học tất phải làm nên sự nghiệp hơn mấy kẻ dốt nát, nên đâm ra buôn bán, nhưng vì chưa rành vấn đề thương mãi mà họ phải bị thất bại một cách đau đớn hay sao? Các vị quan tòa thận trọng, vì sợ phê phán sai lầm, thường hay giao những vấn đề gì ngoài luật pháp cho những kẻ chuyên môn, họ định đoạt thế cho. Trái lại, ở đời, hiếm kẻ không biết gì cả, thế mà không một vấn đề gì là họ không phê bình tới: Họ bàn chính trị, chiến tranh, kinh tế, giáo dục... như họ bàn đến những vấn đề của nghề nghiệp họ. Mình nên tránh bọn người ấy cho xa là hơn...”. Lời khuyên của ông Thu Giang thật là một bài học lớn lao dành cho chúng ta khi muốn đánh giá hay phê bình bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống.
Qua những câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta nhận ra được nhiều điều liên quan đến đạo đức làm người của người con Phật. Đạo đức trong việc trọng ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, cũng như bài học tri ân đối với người thầy đã sinh ra mình trong giáo pháp giác ngộ giải thoát. Qua đó còn có bài học về cách phán đoán và nhận định vấn đề một cách đúng đắn trong cuộc sống bằng sự hiểu biết thông qua sự trải nghiệm chân thực từ cuộc sống. Muốn phê bình đánh giá điều gì, thì ta cần phải có sự thấy biết đa chiều và toàn diện mới có thể tránh khỏi các nhận định sai lầm đáng tiếc về sau.
Tâm Thi