“Trăm họ” của người Việt Nam là những họ nào?
Chúng ta thường nói “bách gia trăm họ”, vậy trăm họ là những họ nào, có thật người Việt Nam có 100 họ hay không?
Thời xưa, từ “trăm họ” được dùng để gọi nhân dân trong nước. Theo ý nghĩa ước lệ, trăm họ đã bao gồm toàn bộ thần dân. Như vậy, khi ta nói “bách gia trăm họ” không có nghĩa là người Việt Nam có 100 họ. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết con số thực tế lớn hơn rất nhiều lần.
Người Việt Nam có bao nhiêu họ?
Trong cuốn Họ và tên người Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội), PGS.TS Lê Trung Hoa thống kê toàn bộ những họ được ghi nhận trên lãnh thổ nước ta; con số này tăng lên qua các lần tái bản. Cụ thể, trong bản in đầu tiên năm 1992, có 769 họ được thống kê, trong đó người Kinh có 164 họ.
Ở các lần tái bản, số họ của người Kinh thay đổi rất ít, nhưng rất nhiều họ của đồng bào các dân tộc khác được nhóm nghiên cứu của TS Lê Trung Hoa ghi nhận. Cụ thể, ở ấn bản năm 2022, số họ trên cả nước là 931, trong đó 165 họ thuộc về người Kinh.
Trong bản in lần thứ ba (năm 2005), số họ được thống kê đã tăng thành 1020, riêng số họ của người Kinh vẫn giữ nguyên. Sau khi sách in xong, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm 3 họ nữa, nghĩa là đến thời điểm đó, có 1023 họ được ghi nhận trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó, họ Nguyễn đông nhất, chiếm đến 38,4% dân số. Đứng thứ hai là họ Trần với 12,1%, họ Lê 9,5%, họ Phạm 7%, họ Hoàng/Huỳnh 5,1%, họ Phan 4,5%, họ Vũ/Võ 3,9%. Chỉ riêng 7 dòng họ này đã chiếm đến 80,5% dân số.
Các họ cũng khá đông khác là Đặng (2,1% dân số), Bùi (2%), Đỗ (1,4%), Hồ (1,3%), Ngô (1,3%), Dương (1%), Lý (0,5%).
Nghĩa là, hơn 90% người Việt Nam thuộc về 14 dòng họ lớn; 1.009 họ còn lại chỉ chiếm chưa đến 10% dân số.
Vì sao họ Nguyễn lại đông đến vậy? Cứ 3 người Việt Nam thì tối thiểu một người mang họ Nguyễn. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân từ lịch sử.
Thế kỷ thứ 5, để lánh nạn, một bộ phận gia tộc họ Nguyễn ở Trung Quốc (các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc…) di cư sang Việt Nam. Đầu thế kỷ thứ 10 - một giai đoạn đại loạn khác ở Trung Quốc, nhiều người họ Nguyễn khác cũng di cư tới. Họ sống cùng người bản địa, làm tăng số người Việt có họ Nguyễn.
Nhiều lần, khi vương triều mới được lập, những người thuộc dòng tộc của triều trước thường đổi họ (bị ép buộc hoặc để tránh tai họa) và rất hay đổi thành họ Nguyễn. Khi nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ muốn “xóa” dòng họ tiền triều nên viện cớ Lý là tên ông tổ nhà Trần (Trần Lý là ông nội của Trần Thái Tông) để buộc con cháu nhà Lý đổi thành họ Nguyễn.
Sau khi nhà Hồ sụp đổ, cha con Hồ Quý Ly bị bắt sang Trung Quốc, con cháu ông vì sợ nhà Trần trả thù nên cũng đổi sang họ Nguyễn. Một bộ phận con cháu vua Mạc và chúa Trịnh cũng làm như vậy sau khi dòng họ đối nghịch với mình nắm quyền.
Họ Nguyễn vốn đã đông lại càng đông khi trở thành dòng họ thống trị Đàng Trong và sau đó là toàn bộ đất nước. Hơn 300 năm với 9 đời chúa và 13 đời vua, dòng họ này càng phát triển mạnh. Đó là chưa kể những gia tộc đổi sang họ Nguyễn do được vua ban quốc tính (họ của vua) như một phần thưởng cao quý.
Họ kép của người Việt
Ngoài họ đơn (một âm tiết), người Việt còn có họ kép, gồm hai loại. Thứ nhất là họ ghép với tên đệm như Ðặng-Xuân, Ðặng-Vũ, Ngô-Thời… Họ kép kiểu này bắt nguồn từ việc gia đình nào đó muốn phân biệt chi nhánh nên thêm tên đệm vào họ gốc, chẳng hạn họ Ngô Thời cũng là một chi của họ Ngô.
Họ kép thực sự như Vũ-Phạm, Ðặng-Trần, Trần-Lê… được ghép từ hai họ khác nhau. Đó có thể là họ gốc của mình ghép với họ của cha nuôi. Chẳng hạn, nhà thơ Đặng Trần Côn, tác giả Chinh phụ ngâm khúc, vốn tên là Trần Côn, nhưng vì làm con nuôi nhà họ Ðặng nên đổi thành Đặng Trần Côn. Hay nhà thơ Vũ Phạm Hàm cũng là người họ Phạm làm con nuôi nhà họ Vũ.
Họ kép cũng xuất hiện ở những dòng tộc có người được ban quốc tính nhưng vẫn giữ một phần họ gốc của mình. Chẳng hạn, tướng Huỳnh Đức, công thần khai quốc của nhà Nguyễn, khi được ban họ vua đã không đổi thành Nguyễn Đức mà ghép với họ của mình thành Nguyễn Huỳnh Đức.
Họ kép mới xuất hiện ngày nay thường là họ của bố và mẹ ghép lại. Tuy nhiên, họ của mẹ thường có vai trò giống tên đệm, và họ kép này thường không được truyền cho đời sau. Chẳng hạn, người đàn ông mang tên Nguyễn Trần Trung (mẹ họ Trần) khi sinh con thì nhiều khả năng đứa trẻ chỉ mang họ Nguyễn, hoặc mang một họ kép mới, sử dụng họ của vợ anh Trung.
Theo VTC News