Cây “Bảy Thưa” là loại cây rừng mọc ở vùng đất thấp ngập nước, chịu được mùa nước nổi, cội to, lá nhỏ, hơi dài tên là cây “trát thưa” hay “cát thưa” (dân gian gọi tắt là “thưa” hoặc “bảy thưa). Cây ra hoa đẹp như trong ảnh vào khoảng tháng Giêng hàng năm.
Hiện tại thì cây bảy thưa còn không nhiều nhiều, mọi người có thể tìm thấy vài cây tại Dinh Sơn Trung (Lò Rèn Bảy Thưa ở Châu Thành, An Giang) và Bửu Hương Tự hay còn gọi là Chùa Láng Linh hay Chùa Láng (Dinh Đức Cố ở Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang).
Quản Cơ Trần Văn Thành sinh khoảng năm 1818 trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
Ông Quản cơ Trần Văn Thành (dân gian trân trọng tôn xưng ông là Đức Cố Quản), đã có một thời gian dài đóng góp nhiều công sức, nhiều hoạt động đáng kể trong công cuộc khẩn hoang lập làng, ông là một võ quan đời vua Tự Đức, có công đánh dẹp giặc và bình định vùng Bảy Núi và được thăng chức Chánh Quản Cơ. Vốn là người yêu nước nên khi Pháp chiếm An Giang, thanh thế mạnh mẽ nên ông chiêu mộ quy tụ được nhiều nghĩa quân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh, lập căn cứ chống Pháp tại vùng Láng Linh - Bảy Thưa, nghĩa quân tổ chức thành nhiều đội. Với tinh thần dũng cảm chống giặc, nghĩa quân đánh phá nhiều đồn bốt giặc ở Châu Đốc, Tịnh Biên và đã làm tiêu hao không ít lực lượng của giặc. Năm 1872, Quản Cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa, lấy danh hiệu “Binh Gia Nghị”. Năm 1873, Pháp tập trung lực lượng đánh dẹp, cuộc chiến đấu không ngang sức ngày 20/3/1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa tan rã.
Ngày 20,21,22 tháng 2 âm lịch: Lễ Đức Cố Quản Trần Văn Thành, diễn ra tại 3 địa điểm chính:
+ Đền Thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành, Bửu Hương Tự hay còn gọi là Chùa Láng (Láng Linh) ở Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú.
+ Dinh Sơn Trung (lò rèn Bảy Thưa) ở Vĩnh An, Châu Thành.
+ Dinh Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành tại Phú Bình, Phú Tân.
Thông tin An Giang © Lang Thang An Giang