Hiệp hội Rụng tóc Mỹ (American Hair Loss Association) thống kê cứ 4 nam giới sẽ có 1 người bắt đầu rụng tóc trước 21 tuổi và tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi. Thuốc, liệu pháp laser và phẫu thuật có thể giúp giảm rụng tóc. Hãy tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa hói đầu ở nam giới qua bài viết dưới đây. (1)
Hói đầu ở nam giới là gì?
Hói đầu ở nam giới là tình trạng tóc rụng và không có dấu hiệu mọc lại. Hói đầu do di truyền theo thời gian là nguyên nhân thường gặp nhất. (2)
Nguyên nhân gây hói đầu ở nam giới
Hói đầu ở nam giới xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến sau đây:
1. Do di truyền
Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng rụng tóc ở nam giới là di truyền, thường xảy ra theo tiến trình lão hóa. Tình trạng này gọi là rụng tóc do androgen hay còn gọi là hói đầu kiểu nam giới. (3)
Khi gia đình có ba hói tóc thì khả năng người con trai cũng sẽ bị hói. Quá trình này diễn tiến từ từ và có thể dự đoán trước được. Nam giới gặp phải chứng hói đầu dễ nhận thấy tóc trên da đầu ngày càng mỏng và đường chân tóc rút ngắn (đường chân tóc lõm).
Theo thang đo Hamilton-Norwood có 7 giai đoạn hói đầu kiểu nam giới:
- Giai đoạn 1: Tóc rụng ít hoặc chân tóc thoái triển.
- Giai đoạn 2: Rụng tóc nhẹ gần ở hai bên tai và trán (thái dương).
- Giai đoạn 3: Đường chân tóc thoái triển nhiều vùng thái dương, hình dạng giống chữ “M” hoặc “U”.
- Giai đoạn 4: Chân tóc thoái triển nhiều và rụng tóc ở đỉnh đầu.
- Giai đoạn 5: Tóc rụng nhiều hơn ở hai bên thái dương nhưng vẫn được ngăn cách bởi một dải tóc.
- Giai đoạn 6: Tóc giữa thái dương và đỉnh đầu mỏng đi hoặc không còn nữa.
- Giai đoạn 7: Tóc trên đỉnh đầu không còn và chỉ còn một dải tóc mỏng quanh hai bên đầu.
2. Tuổi tác
Theo tuổi tác, cơ thể ngày một lão hóa và tóc cũng không ngoại lệ. Bước vào tuổi trung niên, tóc xơ, rụng nhiều và bạc đi.
3. Do rối loạn nội tiết tố và các tình trạng bệnh lý
Có nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn bao gồm thay đổi nội tiết như bệnh lý tuyến giáp, nhiễm trùng da đầu, tật nhổ tóc (trichotillomania) hoặc rụng tóc từng vùng (alopecia areata).
4. Sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh
Một số loại thuốc có thể gây hói đầu ở nam như thuốc điều trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp.
5. Stress thời gian dài
Nam giới phải trải chịu áp lực, căng thẳng trong thời gian dài khiến tóc rụng nhiều và dẫn đến hói. Khi cơ thể căng thẳng lâu ngày, gây ra rối loạn thần kinh nội tiết làm suy yếu các tế bào mầm tóc và dẫn đến hói tóc ở nam.
6. Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và mất cân bằng
Khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ các dưỡng chất như protein, sắt, omega-3, biotin,… thì tóc không đủ chắc khỏe dẫn đến dễ gãy rụng và gây ra tình trạng hói tóc ở nam.
7. Nhuộm tóc, hóa chất
Việc tiếp xúc với nhiều thuốc nhuộm, thuốc tạo kiểu dẫn đến tóc ngày một yếu, rụng và khó mọc trở lại. Thay đổi kiểu, màu tóc liên tục tục khiến lớp biểu bì keratin tổn thương, vì vậy các bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da khuyến cáo mọi người chỉ nên làm tóc 6 tháng/lần.
8. Thói quen không lành mạnh
Rượu bia, thuốc lá, thói quen nhổ tóc, gội đầu không đúng phương pháp, đi ngủ khi tóc còn ướt… là một số thói quen không tốt dễ gây hói đầu ở nam giới.
9. Một số nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, hói đầu ở nam giới còn đến từ bệnh hắc lào, tuyến giáp, tiểu đường, môi trường ô nhiễm,…
Nam giới độ tuổi nào dễ bị hói đầu?
Hiệp hội Rụng tóc Mỹ cho biết: (4)
- Trước 21 tuổi, 25% nam giới bắt đầu bị hói đầu do di truyền.
- Lúc 35 tuổi, có 66% nam giới rụng tóc ở mức độ nào đó.
- Lúc 55 tuổi, 85% nam giới có mái tóc mỏng đi đáng kể.
Các triệu chứng hói đầu ở đàn ông
Các dấu hiệu hói đầu kiểu nam giới bao gồm:
1. Hói đầu trước trán
Hói đầu trước trán còn gọi là rụng tóc kiểu chữ M. Lúc đầu, tóc rụng ở phía trước trán, sau đó tóc con mọc ra nhưng ít và dễ gãy, rụng. Khi quan sát kỹ nam giới dễ nhận ra đường chân tóc bị thụt lại (trán ngày càng cao) và xuất hiện các mảng hói đầu tiên. Lâu ngày mảng hói lan rộng để lại vùng trán rộng, bóng nhẵn.
2. Hói ở đỉnh đầu
Tóc bắt đầu rụng từ trên đỉnh đầu tạo thành một mảng nhỏ sau đó lan rộng ra toàn bộ da đầu. Về sau, tóc chỉ còn lại ở sau gáy và hai bên mang tai, da đầu nhẵn bóng giống với hình chữ U.
3. Hói mảng
Hói mảng ở nam giới còn được gọi là rụng tóc hình chữ O. Giai đoạn đầu, tóc có xu hướng rụng thành các mảng nhỏ trên da đầu và tóc con mọc lại nhưng yếu ớt, dễ rụng. Về sau, tóc rụng lan rộng ra toàn bộ da đầu, tạo bề mặt nhẵn bóng và đường chân tóc teo dần.
Hói đầu ở nam giới ảnh hưởng như thế nào đến đời sống?
Hói tóc khiến nam giới thiếu đi vẻ lịch lãm và trông già trước tuổi. Ngoài ra, nguyên nhân tuổi tác, yếu tố di truyền gây hói đầu ở nam giới không đáng lo ngại cho sức khỏe nhưng nếu xuất phát từ các bệnh như lao, tuyến giáp, tiểu đường,… thì cần đến bệnh viện để khám, điều trị kịp thời.
Chẩn đoán đầu hói tóc ở nam giới
Để chẩn đoán hói đầu ở nam giới, các bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da thực hiện các phương pháp sau đây:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi thăm tình trạng sức khỏe và kiểm tra chế độ ăn uống, thói quen chăm sóc tóc, tiền sử hói tóc của người bệnh và người thân trong gia đình.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này giúp người bệnh xác định được nguyên nhân hói đầu ở nam giới có liên quan đến bệnh tiềm ẩn không.
- Sinh thiết da đầu: Bác sĩ nhổ vài sợi và lấy chân tóc đem đi xét nghiệm. Điều này, giúp nam giới xác định xem rụng tóc có phải do nhiễm nấm, vi rút hay không.
- Thử lực kéo: Bác sĩ kéo nhẹ nhàng vài chục sợi tóc để xem mức độ rụng.
- Kính hiển vi quang học: Tóc được cắt sát gốc và soi dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các điểm bất thường.
Phương pháp điều trị hói đầu ở nam giới
1. Dùng thuốc
1.1 Thuốc Minoxidil
Đây là một loại thuốc bôi ngoài da, có tác dụng làm chậm quá trình hói đầu ở nam giới và kích thích các nang tóc mọc trở lại. Minoxidil cần 4 - 12 tháng để tạo ra hiệu quả rõ rệt nhưng tóc sẽ rụng trở lại nếu ngừng thuốc.
Khi điều trị hói tóc ở nam giới bằng thuốc minoxidil có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô, kích ứng, bỏng rát và đóng vảy ở da đầu. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào như tim đập loạn nhịp, khó thở khi nằm, tức ngực, sưng mặt, bàn tay, mắt cá chân hoặc bụng và tăng cân.
1.2 Thuốc Finasteride
Finasteride (Propecia, Proscar) giúp làm chậm quá trình hói đầu, hoạt động bằng cách ngăn chặn việc sản xuất hormone nam gây rụng tóc ở nam giới. Loại thuốc này có hiệu quả cao hơn loại thuốc Minoxidil. Tuy nhiên, khi ngưng dùng thuốc tình trạng rụng tóc sẽ quay trở lại.
Điều trị hói đầu ở nam giới bằng thuốc finasteride cần 3 tháng đến 1 năm sẽ nhận thấy kết quả. Finasteride có một số tác dụng phụ như ngứa, phát ban, căng ngực, phát triển tuyến vú, sưng mặt hoặc môi, đau khi xuất tinh, đau ở tinh hoàn, rối loạn cương dương.
2. Điều trị bằng laser
Sử dụng tia laser với xung năng lượng cực thấp giúp tăng tuần hoàn máu ở da đầu và kích thích nang tóc phát triển. Đây là phương pháp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật cấy tóc.
3. Huyết tương tiểu cầu
Bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da sẽ lấy máu từ cơ thể, xử lý và tiêm vào da đầu để kích thích mọc tóc. Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau và kích ứng da đầu, chóng mặt, buồn nôn.
4. Phẫu thuật cấy tóc
Cấy tóc là một phương pháp khá phổ biến để điều trị hói đầu ở nam giới. Hai quy trình cấy tóc phổ biến nhất hiện nay là cấy đơn vị nang (FUT) và chiết đơn vị nang (FUE).
5. Cắt dải nang tóc (FTU)
FUT là phương pháp tách rời một mảnh da đầu có nang tóc khỏe mạnh và cấy chỗ hói. Phần da này sau đó được chia thành hàng trăm mảnh nhỏ và ghép vào các phần của da đầu nơi tóc không mọc.
6. Chiết cụm nang tóc (FUE)
Với FUE, bác sĩ sẽ lấy các nang tóc khỏe mạnh ra khỏi da đầu, sau đó tạo các lỗ nhỏ nơi tóc rụng nhiều và cấy vào đó. Nhờ vậy, tóc sẽ mọc đều trên cả da đầu.
Ưu điểm của 2 phương pháp này là có thể nhìn thấy hiệu quả rõ ràng sau khi cấy và ít có tác dụng phụ.
7. Lăn kim
Phương pháp này được lựa chọn, khi các biện pháp trên không đem lại hiệu quả. Lăn kim sử dụng nhiều mũi kim nhỏ tạo các vi điểm trên da và đưa thuốc đưa vào sâu bên trong giúp phục hồi nang tóc.
Liệu trình lăn kim điều trị chứng hói tóc ở nam được thực hiện 3 tuần 1 lần. Trong thời gian này, người bệnh vẫn bôi thuốc, uống vitamin hỗ trợ mọc tóc,… Và tùy thuộc vào tình trạng hấp thụ thuốc mà bác sĩ sẽ chỉ định số lần lăn kim ở mỗi người.
Hói đầu ở đàn ông có thể ngăn ngừa được không?
Chứng hói đầu ở nam giới thường xuất phát do nguyên nhân di truyền nên rất khó để phục hồi. Tuy nhiên, khi nhận thấy dấu hiệu tóc mỏng vẫn có thể làm chậm quá trình tóc qua một số cách sau đây:
1. Mát xa da đầu
Phương pháp này giúp máu được lưu thông kích thích các nang tóc phát triển. Khi mát xa tránh để móng tay chạm da đầu sẽ gây tổn thương các nang tóc.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ ăn uống cần bằng giàu protein, vitamin và sắt giúp mái tóc được chắc khỏe. Protein có trong các loại thực phẩm như thịt, cá, các sản phẩm từ sữa ngũ cốc,… giúp nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh. Các vitamin giúp tóc mọc nhanh, chống gãy rụng như vitamin B5, vitamin B6, vitamin Biotin,…
3. Từ bỏ các chất kích thích
Theo nhiều nghiên cứu lạm dụng rượu bia, thuốc lá sẽ gây hói tóc ở nam giới. Vì vậy không nên sử dụng quá nhiều các chất kích thích.
4. Giảm căng thẳng
Khi nam giới gặp căng thẳng hãy tập thể dục (đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập yoga) hoặc hít thở sâu để lấy lại tâm trạng cần bằng nhằm tránh được tình trạng rụng tóc.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da có các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị rụng tóc, hói đầu ở nam giới. Hệ thống trang thiết bị y tế cao cấp, hiện đại được nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu - Mỹ sẽ giúp tình trạng hói tóc được cải thiện rõ rệt.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Bài viết trên đã giới thiệu về hói ở đầu nam giới, nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán phòng ngừa. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng hói tóc ở nam giới hãy đến ngay chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được các bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân và máy móc hiện đại sẽ mang hiệu quả cao.