Trước một tác phẩm văn học đã từng tạo tiếng vang, hầu hết các đạo diễn thực hiện dòng "phim xưa" đều khẳng định: Tái hiện được xã hội, cuộc sống, con người những năm 1930-1945 là rất khó khăn. Từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ đến chọn nhân vật đều phải hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận vì chỉ cần một sai sót nhỏ, coi như hỏng cả bộ phim. Hơn nữa, với nguồn kinh phí eo hẹp, việc giữ hồn xưa trong phim cũng chỉ đạt ở mức độ nào đó tạm chấp nhận được, không thể hoàn chỉnh như điện ảnh nước ngoài.
Cảnh trong phim Trò đời. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nhiều áp lực
Đạo diễn - NSƯT Nhuệ Giang cho biết quá trình tìm bối cảnh cho phim Trò đời mất rất nhiều thời gian và công sức. "Phim có quá nhiều bối cảnh xưa nhưng ở Hà Nội, chúng tôi chỉ tìm được 3 nơi làm được là phố Tạ Hiền, phố cổ Thiên Đường Bảo Sơn và phố Hoàng Thành Hà Nội. Vì vậy, đoàn làm phim buộc phải sáng tạo thiết kế, chẳng hạn một ngôi nhà nhưng bài trí khác nhau để làm phong phú cho bối cảnh" - đạo diễn này cho biết.
Theo nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn - đạo diễn hình ảnh Trò đời - họ phải "phù phép" thêm vì tìm bối cảnh xưa ở Hà Nội giờ rất khó. Cả đoàn phim phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế, chắt chiu từng góc phố, căn nhà cổ ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác như Nam Định, Hải Phòng để tái hiện trên phim.
Đạo diễn Võ Việt Hùng khi dựng phim bối cảnh xưa cũng phải chấp nhận quay theo kiểu cắt ghép mỗi nơi một ít. Chẳng hạn, quay nhà ở Tiền Giang, vườn ở Bến Tre… vì không dễ dàng tìm bối cảnh đúng ý kịch bản. Trong điều kiện Việt Nam không có trường quay, việc gian nan tìm bối cảnh là tất nhiên.
Để quay được cảnh nhân vật anh hùng Đó vượt ngục ngoài Côn Đảo trong Ngọn cỏ gió đùa, đoàn làm phim phải chở đá từ An Giang ra để tái hiện bối cảnh. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum nhớ lại: "Hơn 9 tháng trời ròng rã, chúng tôi di chuyển qua hết 16 tỉnh, thành thuộc miền Tây và Đông Nam Bộ mới tìm được bối cảnh cho phim. Thời làm phim Cay đắng mùi đời, chúng tôi cũng ngược xuôi, bôn ba khắp nơi để lùng sục cho ra bối cảnh ưng ý nhất. Có lúc quay giữa chừng thì người ta không cho làm tiếp, đành phải tìm bối cảnh lại từ đầu".
Trong dòng phim xưa, khán giả thấy những ngôi nhà tranh vách lá, những khu vườn cũ kỹ... Ít ai biết được rằng để có được những bối cảnh đó, đoàn làm phim phải tạo dựng từ trước rất lâu, có khi nửa năm trời.
Trang phục phải được chuẩn bị, phục trang phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, không chỉ để phù hợp với tính cách, hoàn cảnh nhân vật mà còn phản ánh nét đẹp trong đời sống văn hóa của một giai đoạn lịch sử nhất định. Để có những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng chân thật, sinh động, đoàn làm phim Trò đời phải may đo hơn 200 bộ quần áo, phụ kiện phù hợp với tính cách nhân vật và hoàn cảnh xã hội trước năm 1945.
Riêng với dòng phim Hồ Biểu Chánh, trang phục đơn giản hơn song phục trang lại rất khó khăn. Nhất là với xe cổ, xe ngựa, chén cổ…, không phải tìm là có liền, đoàn phải lùng sục khắp nơi.
Trong khi đó, khâu tuyển chọn diễn viên được cho là một thử thách không nhỏ. Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết chọn diễn viên phải có cá tính vì các nhân vật trong phim đều có cá tính. Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, các phim của anh không bao giờ có ngôi sao là vậy. Anh chọn diễn viên theo kiểu "đo ni đóng giày", tìm người phù hợp với vai diễn chứ không mạo hiểm bắt diễn viên phải hóa thân theo hình mẫu trong phim. Với diễn viên, vào vai những nhân vật cách đây hàng chục năm cũng không hề đơn giản, từ phong thái đến cách đi đứng, ăn nói…
Kinh phí cao hơn gấp 3 lần
Đạo diễn Nhuệ Giang nhận xét: "Chuyển thể những tác phẩm văn học trước năm 1945 là việc cần tiếp tục được phát huy để làm phong phú nguồn kịch bản đang khan hiếm. Tuy nhiên, chúng ta luôn lúng túng khi bắt tay thực hiện, bởi bối cảnh quá khó khăn, trong khi kinh phí eo hẹp là bài toán rất nan giải. Ứớc tính kinh phí thực hiện một bộ phim xưa tốn gấp 3 lần so với phim bình thường". Theo đạo diễn này, những người thực hiện "phim xưa" luôn làm trong tình trạng nơm nớp lo sợ tiền bạc thiếu hụt.
Vốn là người có nhiều kinh nghiệm trong việc phục dựng những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh nhưng lần nào đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng như đang đứng trước thử thách mới về kinh phí. Dòng phim Hồ Biểu Chánh thường xuyên có những đạo cụ như xe ngựa, chi phí thuê khoảng 3-4 triệu đồng. Đạo diễn này cũng từng bày tỏ xót xa khi kinh phí thực hiện một bộ phim bối cảnh xưa gấp 2-3 lần phim hiện đại nhưng mỗi năm thực hiện xong một bộ phim lại bỏ đi, đến khi làm phim mới lại phải tốn tiền của, thời gian và công sức thuê, phục dựng lại.
Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết: "Xu hướng chuyển thể những tác phẩm văn học trước năm 1945 đã xuất hiện từ lâu và cũng từng có những bộ phim được thực hiện. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí nên chúng không được triển khai rầm rộ". Trong khi đó, Trung Quốc và các nước khác thực hiện khá tốt chuyện này. Họ có trường quay chuyên nghiệp, không những giúp đoàn làm phim đỡ mất thời gian, công sức tìm bối cảnh mà còn đỡ tốn kém chi phí...
Ngôn ngữ xưa trong thoại cũng là thử thách Dòng "phim xưa" sẽ còn tiếp tục được nhiều nhà sản xuất khai phá. Điều đó buộc họ phải làm thế nào để tránh sự nhàm chán, nhất là ở việc thể hiện ngôn ngữ. Dòng phim Hồ Biểu Chánh có ngôn ngữ vốn đặc trưng, quen thuộc: Nếu là người Tây học thì nhất định sẽ "toa", "moa" trong xưng hô; người lớn tuổi thường xưng "qua" với người tiếp xúc. Các từ ngữ đi kèm theo như "đa" thì gần như xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, trong vài phim, khán giả nhàm chán vì quá lạm dụng ngôn ngữ này, có đoạn lại sử dụng ngôn ngữ hiện đại. "Trong quá trình chuyển thể, vài đoạn người thực hiện vô tình dùng những từ ngữ, câu thoại hiện đại nên chúng tôi phải một lần nữa đọc lại, lọc bỏ bớt để tránh sạn trên phim" - đạo diễn Nhuệ Giang cho biết. |