Ảnh minh họa.
Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 24, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người dân có thể đăng ký lại khai sinh trong trường hợp đã đăng ký khai sinh trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất.
Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp cả Sổ hộ tịch và các giấy tờ liên quan lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch đều bị mất là rất hiếm khi xảy ra. Chính vì vậy, rất ít người được làm lại giấy khai sinh bản chính.
Giấy khai sinh bản chính bị mất, bị sai thì phải làm sao?
Trường hợp bị mất giấy khai sinh bản chính
Luật sư cho biết, nếu bị mất giấy khai sinh bản chính nhưng không đủ điều kiện được làm lại theo quy định tại khoản 1, Điều 24, Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì người làm mất có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi từng cấp khai sinh trước đây để xin cấp trích lục khai sinh.
Về thủ tục xin cấp trích lục khai sinh bản sao, Điều 64, Luật Hộ tịch 2014 quy định:
"1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu".
Căn cứ khoản 1, Điều 2, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, người làm mất cần chuẩn bị các giấy tờ dưới đây để làm thủ tục:
- Mẫu đơn xin trích lục giấy khai sinh;
- Giấy tờ tùy thân có ảnh (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) để xuất trình;
- Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục phải có văn bản ủy quyền.
Nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục giấy khai sinh, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp giấy khai sinh bản chính bị sai thông tin
Nếu giấy khai sinh có lỗi sai thì người dân phải làm thủ tục cải chính giấy khai sinh theo quy định tại tại Điều 7, Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Về điều kiện cải chính giấy khai sinh, khoản 2, Điều 7, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau: "Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch".
Theo quy định trên, trường hợp thông tin trên giấy khai sinh không sai nhưng vẫn muốn thay đổi thì không được cải chính.
Ví dụ: Nếu ông nội và bố có quê quán ở tỉnh A. và quê quán của con đã được đăng ký trong giấy khai sinh cũng là tỉnh A. (theo nguyên tắc xác định quê quán là đúng) nhưng vì lý nào đó mà gia đình muốn thay đổi thì sẽ không được cải chính.
Nếu thông tin trên giấy khai sinh có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu làm giấy khai sinh thì mới được cải chính giấy khai sinh.
Trường hợp được cải chính giấy khai sinh, theo Điều 28, Luật Hộ tịch, thủ tục cải chính giấy khai sinh thực hiện như sau:
- Người yêu cầu cải chính giấy khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc cải chính là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào giấy khai sinh;
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc;
- Trường hợp đăng ký cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch;
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
MINH QUÝ
Lấy lời khai người dưới 18 tuổi, người giám hộ bắt buộc phải có mặt không?